Sau khi chết, Đức Giêsu đi đâu?
Tóm: Sau khi Đức Giêsu tắt thở, Người đi đâu?
Khi chết rồi Đức Giêsu đi đâu? (Đông Nghi)
Chị Đông Nghi thân mến,
1) Chúng ta có thể diễn tả đơn sơ như sau:
Khi chết rồi, thân xác Đức Giêsu ở trong mồ chờ ngày sống lại, còn linh hồn của Người “về” kết hiệp với Thiên Chúa (vì chúng ta biết: Đức Giêsu là con người thì có một linh hồn)[1]. Đây chỉ là một cách diễn tả theo kiểu loài người về tình trạng của Đức Giêsu sau khi Người tắt thở, chứ không có nghĩa là: Vậy trước đó Đức Giêsu đã sống “xa” Thiên Chúa! Thật ra, Đức Giêsu, vì cũng là Chúa Con, luôn luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Kinh Thánh không cho chúng ta biết gì hơn thì cũng không nên suy đoán thêm!
2) Tuy nhiên, dường như câu hỏi của chị còn muốn gợi tới một câu trong Kinh Tin Kính: “chết và táng xác, xuống ngục tổ tông”. Thật ra, câu này không có trong những Kinh Tin Kính đầu tiên của Giáo Hội, mà chỉ xuất hiện trong một Kinh Tin Kính thế kỷ thứ V, rồi trong Kinh Tin Kính của sách Nghi thức Rửa tội Rôma thế kỷ IX[2]. Nhưng trong Kinh Tin Kính chúng ta đọc trong Thánh lễ hiện nay, không còn công thức “xuống ngục tổ tông” này nữa.
Người “xuống ngục tổ tông” là thế nào?
Truyền thống thần học xa xưa của Giáo Hội cho rằng những người chết không thực sự được hưởng hạnh phúc thiên đàng khi Đức Giêsu chưa thực sự thực hiện chương trình cứu chuộc. Một tác giả thế kỷ V viết: “Trước khi Chúa chịu nạn, mọi linh hồn các thánh bị giam cầm trong hỏa ngục do món nợ của Ađam, cho tới khi được giải thoát khỏi ách nô lệ, do quyền lực của Chúa, nhờ cái chết vô tội của Người”[3]. Thánh Grêgôriô Cả cũng dạy: “Vì từ khi Đấng Tạo hóa và Cứu chuộc chúng ta đã vào trong các phòng giam của hỏa ngục, đưa linh hồn những người được Thiên Chúa chọn ra, Người không để chúng ta đi vào nơi mà Người đã xuống để giải cứu những người ở đó. Nhưng những ai đã sinh ra trước khi Chúa đến, dù họ công chính đến đâu, khi ra khỏi xác, họ cũng không thể nào được đón nhận tức khắc vào trong lòng quê hương thiên quốc. Bởi vì Đấng ấy chưa đến, Đấng sẽ phá các phòng giam của hỏa ngục khi xuống đó và đưa những linh hồn công chính vào nơi an nghỉ vĩnh cửu”[4]. Thánh Tôma Aquinô cũng theo một học thuyết như thế[5].
Như thế, “ngục tổ tông” là một “nơi” không có hình phạt, mà là một “nơi” nghỉ ngơi tạm thời của các tổ phụ đầy công trạng, chờ ngày được về chiêm ngưỡng Thiên Chúa.
Thật ra thuyết thần học về “ngục tổ tông” (cũng như về “lâm bô” cho các trẻ sơ sinh chết chưa được rửa tội[6]) không có nền tảng Kinh thánh và cũng chưa bao giờ được Giáo Hội công bố chính thức. Thuyết này không quan tâm đủ đến việc Thiên Chúa thực sự muốn cứu độ tất cả mọi người không tự ý chống lại ân sủng Người ban tặng, không phân biệt tuổi tác và hoàn cảnh, và Đức Giêsu đã chết cho tất cả mọi người. Thuyết này cũng coi thường tính duy nhất và liên đới của loài người được kêu gọi đến một ơn cứu độ duy nhất, ơn cứu độ này hệ tại việc hiêp thông siêu nhiên với Thiên Chúa. Thuyết này cũng tỏ ra khiếm khuyết một nền thần học đúng đắn về cái chết. Thuyết này không thấy rằng phép rửa tội là phương tiện và là sự diễn tả việc tháp nhập vào Đức Kitô và Giáo Hội nhưng không hề loại trừ việc cứu độ những người không thể nhận bí tích rửa tội. Sự kiện các cách thức cứu độ những người không được rửa tội và các trẻ em chết chưa rửa tội không được tỏ hiện không có nghĩa là không có các cách thức đó. Trái lại, mạc khải Kinh Thánh mời gọi chúng ta nhận ra các cách thức đó nơi hành động khôn dò và vô biên của Thiên Chúa nhằm chiếu cố tới tất cả mọi người.
Tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội công bố rằng Đức Maria không mắc tội nguyên tổ (dĩ nhiên lúc đó Đức Giêsu chưa sinh ra!), là do Thiên Chúa thấy trước công nghiệp cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô và cho Mẹ được hưởng trước công nghiệp đó. Công đồng Vatican II cũng có những khẳng định về việc Thiên Chúa cứu những người chưa được rửa tội hoặc thuộc tôn giáo khác[7].
Chúc chị luôn tin tưởng vào tình yêu toàn năng của Thiên Chúa.
Thân mến,
Lm. FX Phan Long, ofm
[1] DS 111a/250, 216/424, 283/534, 290/554, 480/900, 710/1342-1344.
[2] D 16; DS 6/30.
[3] De eccl. Dogmatibus, 78-79; PL, quyển viii, cột 998.
[4] Moral., xiii, 43, 48; PL, quyển lxxv, cột 1038.
[5] Xem Sum. Theol., p. iiia, q. xlix, art. 5 ad 1um.
[6] Ủy Ban Thần học gia quốc tế, một tổ chức cố vấn cho Tòa Thánh đã hội họp từ ngày 2 đến 6 tháng 10 năm 2006 tại Vatican để bàn thảo về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề giải thích khái niệm “lâm bô”. Ủy Ban xác định là khái niệm “lâm bô” chưa bao giờ được coi là một giáo lý của Giáo Hội, và Ủy Ban cho rằng bảo rằng hài nhi chưa được rửa tội mà qua đời vẫn được cứu độ do lòng nhân từ của Thiên Chúa là hợp lý hơn cả.
[7] Xem chẳng hạn Hiến chế tín lý về Giáo hội (Anh sáng muôn dân), số 14a; Sắc lệnh về Truyền giáo (Đến với muôn dân), số 7a.
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối", "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh.
Cầu cho các linh hồn mồ côi và xin Chúa giúp chúng ta tránh xa tội lỗi.