CHƯƠNG 2
ĐỜI SỐNG SIÊU NHIÊN
1. Được cứu ra khỏi nước.
Lệnh Pharaon truyền cho toàn dân: "Tất cả con trai trong dòng tộc Do Thái, các ngươi hãy ném hết xuống sông".
Một thiếu phụ Do Thái vừa sinh một con trai. Thấy con khôi ngô kháu khỉnh, biết làm sao đây? Bà đã giấu được ba tháng trời. Biết chuyện không xuôi, bà liền lấy một chiếc thúng bằng sợi đã tráng nhựa, đặt con vào, đem thả giữa đám lau bên dòng sông. Maria, chị đứa bé, đứng cách đó một khoảng cách để theo dõi sự thể.
Nàng công chúa, con vua Pharaon, xuống sông tắm. Nhìn thấy chiếc thúng giữa đám lau, nàng sai tỳ nữ tới nhấc lên. Mở thúng. Một đứa trẻ đang khóc. Nàng thấy thương. Lúc đó, chị của đứa trẻ tiến lại gần thưa: "Bẩm công chúa có bằng lòng để tôi đi kiếm một thiếu phụ Do Thái lo bú bớm trẻ thơ này không?".
- Được, cô đi kiếm đi.
Thiếu nữ chạy đi gọi mẹ.
- Công chúa bảo: Bà hãy nhận lấy em bé này và nuôi nấng tử tế, tôi sẽ trả công hẳn hoi.
Người mẹ đón nhận con đưa về nuôi nấng. Khi đứa bé đã khôn lớn, bà đem nó lại cho công chúa. Nàng đã nhận làm con nuôi và đặt tên em là Moise, nghĩa là đã vớt lên khỏi nước, (Ex 2: 1-10).
Đứa trẻ bị liệt vào số phải hủy diệt trong giòng sông Nil, đã được cứu và sống trong triều đình vua Pharaon. Nếu không thì cậu cũng mang một số phận như những người dân Do Thái khác, phải lăn lộn với những công việc nặng nhọc: cũng phải làm việc như một tên nô lệ.
Nhưng được giáo dục trong cung vua, Moise đương nhiên thuộc giai cấp tự do, hơn thế nữa, thuộc giai cấp cao nhất trong xã hội, với nền giáo dục tinh luyện tư tưởng, với lời nói tư cách, phong độ xử thế của cậu. Nói tắt, cậu bắt đầu sống một cuộc sống mới và cao quí.
Áp dụng vào trường hợp linh hồn chúng ta, nhờ ơn thánh hoá, linh hồn chúng ta sẽ thấy được một đời sống siêu nhiên, đời sống thần linh.
Nếu tôi hỏi: "có bao nhiêu sự sống?" nhiều người không ngần ngại trả lời: có ba sự sống: Sự sống thực vật mà chúng ta sống giống như cây cỏ. Sự sống động vật có cảm giác, giống như loài thú vật. Sự sống trí khôn, riêng biệt cho loài người chúng ta. Có thế thôi sao? Chúng ta có ba sự sống kết thành một, đó là đời sống tự nhiên. Nhưng người Kitô hữu sống trong tình trạng ơn thánh, còn có thêm sự sống siêu nhiên.
Vậy sự sống siêu nhiên là gì? Là một phần thêm vào đời sống tự nhiên. Cái phần thêm này, chúng tôi muốn tìm hiểu và trình bày ra đây.
Tiên tri Balaam, được lệnh vua xứ Moab sai đi nguyền rủa dân Do Thái. Ông cỡi lừa ra đi. Kìa một thiên sứ xuất hiện chặv đường nó. Lừa cái nhất định không chịu tiến. Nổi giận, tiên tri lấy gậy đập túi bụi. Lừa liền nói"
- "Này tôi đã làm gì...?"(Num 22).
Lừa biết nói: Lạ qúa! Nó đã cảm thấy cái gậy đập vào mình. Nhưng không có gì lạ đâu. Cái tính cảm giác đối với nó là một đặc điểm tự nhiên. Nhưng một con vật nói được! tiếng nói, theo bản tính loài vật là một cái gì ban thêm, vượt trên bản tính nó. Đó là điều siêu nhiên, trên tự nhiên.
Thiên Chúa đã dựng nên con người có xác và hồn. Linh hồn kết hợp với xác trở nên một sự sống tự nhiên. Tuyệt! Nhưng Thiên Chúa còn muốn cho loài người một cái gì hơn thế nữa: một sự tham dự vào đời sống của Chúa, là đời sống thần linh. Sự tham dự vào đời sống thần linh này, chính là nhờ ơn thánh hoá. Với ơn này, con người, vẫn còn giữ nguyên sự sống tự nhiên của mình, và họ có thêm ngay ở đời này sự sống của Chúa.
Một ví dụ khác: Đây cây tầm xuân. Nó chỉ trổ sinh những bông tầm xuân, những bông hồng dại. Có gì lạ đâu. Đó là điều tự nhiên, hợp bản tính của nó. Nhưng nếu ai đem ghép một nhánh hồng đẹp vào thân cây tầm xuân, rồi chờ đợi. Cây tầm xuân dại, sẽ trổ sinh những bông hồng đẹp tươi. Điều đó - đối với cây tầm xuân dại - không phải là một điều tự nhiên, nhưng là một cái gì mới lạ thêm vào bản tính tự nhiên, thêm vào sự sống của nó.
Ơn thánh hóa cũng vậy. Là sự tham dự vào bản tính và cuộc sống thần linh, nó không phải là một điều tự nhiên thuộc bản tính con người chúng ta, nhưng đã được ban thêm cho bản tính tự nhiên của chúng ta.
Sự tham dự và bản tính và đời sống thần linh hệ tại đâu? Nói cách khác, ơn thánh hóa đem lại cho linh hồn chúng ta bản tính thần linh phải không? Chắc chắn là không, nghìn lần không. Vì nếu thế, thì chúng ta là Thiên Chúa mất rồi. Vậy sự thật như thế nào?
Đây, ơn thánh hóa thông truyền cho linh hồn một sự sống siêu nhiên - không đồng đều và y hệt - nhưng tương tự, giống như đời sống Thiên Chúa. Ơn thánh không làm cho chúng ta thành Thiên Chúa, nhưng giống hình ảnh Thiên Chúa.
Vậy đời sống ơn thánh và đời sống Thiên Chúa giống nhau ở điểm nào? Đây. Đời sống riêng của Thiên Chúa là biết mình và yêu mình vô biên. Trên trời, chúng ta sẽ được sống chính sự sống thần linh này: chúng ta sẽ biết Thiên Chúa như Ngài biết Ngài, chúng ta sẽ yêu Ngài như Ngài yêu Ngài, chúng ta sẽ dự vào - mặc dầu một cách có hạn - đời sống của chính Ngài. Còn ngay từ trần thế này, nhờ ơn thánh hoá, mặc dầu không hoàn toàn, chúng ta cũng được tham dự vào chính đời sống này. Ơn thánh hóa đem lại cho linh hồn khả năng biết được Thiên Chúa như Ngài, yêu Thiên Chúa như Ngài tự yêu Ngài, sống đời sống thần linh của Ngài. Ơn thánh hóa sẽ biến đổi linh hồn suy tư, yêu mến và hành động với tư cách một người, trở thành cũng một con người, hoàn toàn người, sẽ suy tưởng, sẽ yêu mến, sẽ hành động một cách giống Thiên Chuá.
Thực ra, ơn thánh và vinh quang thiên đàng chỉ là một. Ơn thánh là khởi đầu của vinh quang. Ơn thánh chính là quả sồi, còn vinh quang chính là cây sồi đã được nẩy nở đầy đủ. Quả sồi không phải là cây sồi, nhưng nó sẽ trở thành cây sồi, nó đã mang trong mình cây sồi. Ơn thánh chính là nụ hoa, vinh quang là đoá hoa. Ơn thánh là rạng đông, vinh quanh là mặt trời sáng láng.
Ơn thánh hoá, theo thánh Gioan là hạt giống của Thiên Chúa. Vinh quang, ở trên cao, chỉ là sự phát triển của ơn thánh ở dưới trần. "Ơn thánh và vinh quang, thánh Tôma nói, cũng là một thứ".
2. Đời sống quá vắn vỏi.
1) Đời sống siêu nhiên: hoàn hảo nhất!
Ngày nay, người ta đề cập tới nhiều vấn đề. Vấn đề xã hội. Vấn đề hoà bình. Vấn đề kinh tế. Còn nhiều, nhiều nữa. Tất cả các vấn đề này chỉ có ích, nếu chúng ta không xao lãng vấn đề chính yếu, vấn đề cuộc đời. Bạn nhìn xem, mỗi sáng, cuộc sống vùng dậy trên thế giới như thế nào! Cuộc sống thức dậy. Người người ra đi vội vã, tuôn tới các xưởng chế tạo, các tiệm buôn và cơ sở bàn giấy ồn ào. Những chuyến tàu điện rú còi khắp đường phố. Những chiếc ô tô đua nhau ấn nút ga đó đây. Bác nông phu vác cầy bừa ra đồng, gieo mạ hoặc gặt những bông lúa vàng. Nhưng có một vấn đề: Thử hỏi xem trong đoàn người vội vã đó có bao nhiêu người tự hỏi: "Tôi đi làm, tôi bận tâm khó nhọc, để làm gì? Đâu là mục đích đời tôi? Đất hay trời? thân xác hay linh hồn? Thời gian hay vĩnh cửu?" Và tất nhiên, bạn sẽ đồng ý với chúng tôi. Đó mới là vấn đề quan trọng nhất trong mọi vấn đề.
Cuộc sống tự nhiên mà ta vẫn thường gọi là đời người có nghĩa gì? "Người ta gào. Người ta kêu. Đó là sống. Người ta kêu, người ta bước ra: đó là chết" (Mery). Vậy đời sống tự nhiên là gì? "Đời sống uổng phí. Một chút yêu đương; một chút thù ghét, để rồi chào ra đi! Đời ngắn quá! Một chút hy vọng, một chút thơ mộng! Rồi giã từ!" Kinh Thánh gọi cuộc đời này là một cái bóng, một cơn gió thổi qua, một làn khói dập dờn tan biến, một ngọn cỏ dưới lưỡi hái: nó ngả đầu và tàn héo.
Điôgênê, nhà tư tưởng, đã cất tại chợ Athènes một cửa hàng lịch sự, phía trên cửa ông viết hàng chữ: "Ở đây có bán cái khôn" Một người giầu có trong thành sai ngay đầy tớ đem ba đồng vàng tới hỏi xem Điôgênê mua được bao nhiên khôn ngoan. Ông chủ tiệm cầm tiền và viết cây này: "Trong mọi việc hãy xét tới mục đích". Lời châm ngôn quả rất khôn ngoan hay cho người giầu có bỏ tiền ra mua. Ông ta ra lệnh ghi khắc câu đó bằng chữ vàng trong nhà ông.
Bạn đọc thân mến, chúng ta cũng hãy ghi lời này vào linh hồn chúng ta. Bạn hãy xét tới mục đích đời sống tự nhiên: đó là cái chết. Mục đích của đời sống siêu nhiên thì sao? Nó vô cùng tận. Nếu bạn sống trong tình trạng ơn thánh, cái chết tự nhiên của bạn không phải như nhiều người thường nghĩ tưởng. Nếu biết rõ, cái chết đối với bạn sẽ là niềm hân hoan to lớn cuối cùng của bạn trên đời dương thế. Tại sao? Vì, từ chỗ không chắc chắn, bạn bước vào nơi vững chắc muôn đời. Từ chỗ có thể mất, trở nên không thể mất được nữa; từ đời sống ơn thánh đời này, bạn bước vào đời sống vĩnh viễn trên trời. Đời sống siêu nhiên là cuộc đời hoàn toàn nhất. Chỉ có đời sống này mới đáng quan tâm, mới đáng kể. Còn cuộc sống tự nhiên này mau qua lắm, như Phúc Âm đã gọi: Thế gian!
Ông Thomas More, Thủ tướng nước Anh, bị tống ngục. Vì không chịu phản bội đức tin Công Giáo để theo nhà vua. Ông đã bị kết án tử hình. Vợ hiền tới thăm và hỏi chồng:
- Tại sao mình không lo cứu sống?
- Này em, theo em nghĩ, thì anh sống ở trần gian này được bao lâu nữa?
- Sức khoẻ của anh hứa hẹn được ít nhất hai mươi năm nữa?
- Em đề nghị cho anh một hành đống hết sức điên dại: để sống 20 năm mà phải hy sinh cả muôn đời!
Ông Thủ tướng đã hiểu giá trị đời sống siêu nhiên. Chúng ta hãy vất bỏ đi tất cả, chịu mất hết, nhưng không chịu để mất đời sống siêu nhiên này.
2) Đời sống siêu nhiên bắt đầu từ ngày chịu phép Thánh Tẩy.
Bạn đã chịu phép rửa tội lâu rồi. Bạn có biết một người đã chịu phép rửa tội như thế nào không? Hàng năm, cho tới khi chết, thánh Vinh Sơn Ferriê đều tổ chức ăn mừng ngày chịu phép rửa tội. Dịp này, người cho tổ chức để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa bằng một thánh lễ trong nhà nguyện xưa người đã được lãnh nhận phép rửa tội lúc mới lọt lòng mẹ.
Louis IX, vua nước Pháp, thích ký tên là Louis de Poissay, tên làng mà vua đã lãnh nhận phép rửa tội. Đối với vua, đời sống chỉ thực sự bắt đầu với ơn thánh hóa. Vua nói: "Trẫm chỉ sợ có một điều, đó là tội trọng. Nó sẽ phế bỏ sự sống ơn thánh trẫm đã lãnh nhận được ở Poissy. Với trẫm chỉ có điều này là đáng kể".
Cha De Smet de Termonde vị thừa sai xứ cao nguyên đồi núi Rochester, kể chuyện một cụ già tám mươi đã cúi đầu nhận phép rửa tội do chính tay ngài, và kể từ đó, cụ già bắt đầu sống cuộc sống đầy hứa hẹn, khích lệ và có sức cảm hóa thực sự. Hai năm sau, lúc sắp tắt thở, người ta hỏi xem cụ bao nhiên tuổi. Cụ già khả ái đáp: "Tôi mới lên hai. Đời tôi chỉ mớt bắt đầu tính từ ngày tôi chịu phép rửa tội. Còn 80 năm trước là quãng đời chết khô!"
Ngày rửa tội cao cả, trọng vọng thay: Bạn có nghĩ tới với một lòng thâm sâu cảm tạ không?
Biết bao trẻ em đã chết không được lãnh nhận phép rửa tội, mà phải loại ra khỏi đời sống thiên đàng. Khắp nơi còn biết bao anh em ngoài Giáo Hội, ngay cả trên giải đất thân yêu của chúng ta nữa. Còn hơn bao triệu người chưa được ơn lãnh nhận phép rửa tội. Bạn, bạn không quan tâm, không băn khoăn sao? Thiên Chúa, qua phép rửa tội, đã cho bạn đời sống siêu nhiên? Bạn có biết ơn không?
3) Đời sống siêu nhiên vừa tầm tay hết mọi người.
Á thánh Gilles, là thầy trợ sĩ hết sức đơn sơ, tưởng tượng sự ngu dốt của thầy là cả một trở lực để yêu Chúa. Thánh Bonaventura đã khai mở cho thầy hay. Thầy la lên: "Sao, một người ngu dốt như tôi mà có thể yêu mến Chúa như một người thông thái sao?" Thánh Bonaventura còn nói thêm: Một bà già nghèo có thể yêu Chúa hơn cả một vị tiến sĩ thần học nữa". Thầy dòng liền chạy ra ngoài, tràn ngập vui sướng, kêu la ầm ỹ: "Hỡi những người đơn sơ, hãy nghe này: hãy nghe này, hỡi các bà tốt lành: các ông các bà có thể yêu mến Thiên Chúa hơn cả Cha Bonaventura". Hễ ai có lòng yêu mến Chúa, là có ơn thánh hoá.
Ơn thánh hóa vừa tầm tay hết mọi người. Giữa người thành thị văn minh khôn khéo nhất nhưng không có ơn thánh hóa và người dân quê nghèo khó có ơn thánh hóa, là cả một chân trời cách biệt, mà phần lợi chắc chắn về tay người nông dân nghèo hèn. Nếu một người giầu có mất sự sống siêu nhiên và một người khó nghèo được ơn thánh tô điểm, thì người nghèo khó nghèo là người giầu có, còn người giầu lại là kẻ khó nghèo: người nghèo sống, người giầu chết.
4) Đời sống siêu nhiên dễ chịu lắm.
Để sống trong ơn thánh có đòi hỏi gì khó khăn không?
Giữ các giới răn, khó lắm? Không. Các giới răn Chúa không nặng nề đâu (1 Ga 5:3). Ngược lại, cái ách người tội lỗi mới nặng nhọc." Thánh Kinh đã khóc than thay cho họ: "Chúng tôi đã bị kiệt sức trên con đường bất chính, sai lạc và chúng tôi đã đi theo con đường khó nhọc. (Kn 5:1). Bạn cứ hỏi người kiêu căng thì sẽ biết. Không bao giờ họ được bình tâm, ngay cả lúc ngủ. Cứ hỏi người ham mê chạy theo tiền bạc. Họ liều lĩnh xông pha vào những nơi nguy hiểm, đập đầu bóp trán tính đếm không ngừng. Mất của là cả một thế giới tàn bạo đè trên mình họ. Lời lãi lại vội lao họ vào những cuộc tìm kiếm mới. Họ không biết tới an nghỉ. Hãy hỏi người xa xỉ ăn chơi phung phá. Danh dự họ, linh hồn họ, khô héo hết. Nhưng tiếng lương tâm đay nghiến hÄng lẽo đẽo theo đuôi cái tội họ như hình với bóng. Thử hỏi anh chàng ghen tương hiềm thù coi. Hạnh phúc người khác là hình phạt đầy đọa họ. Tha nhân của họ càng lên cao, họ càng dìm mình trong cái bần tiện, cái ghê tởm đáng ghét. Người tội lỗi chạy theo những con đường chông gai, sỏi đá, lầy lội. Và lời trách móc trong sách Gương Phúc sau đây nhắm thẳng vào họ:
"Người ta không sợ vất vả nhọc nhằn ngày đêm chỉ vì một điều chẳng giá trị gì và theo một lời hứa hão huyền. Thật xấu hổ! Còn đối với một hạnh phúc, một của cái bất diệt ơn thánh hóa một vinh quang không tàn phai, thì người ta uể oải và không chịu khó lấy một tý" (Gương Chúa Giêsu (Gương Phúc) 3:3)
Một vấn đề. Bạn có sống không? Nói rõ hơn: hiện bạn có sống trong tình trạng ơn thánh không? Nếu có, nguyện xin Chúa gìn giữ bạn sống mãi! Nếu bạn đang dìm mình trong tình trạng tội trọng, thì bạn ơi, đừng trì hoãn một giây nào nữa. Mau lên, trước khi tiếp tục những trang sách này, bạn hãy ăn năn tội cách trọn đi, với một lòng nguyện hứa đi xưng tội hết sức sớm có thể. Và bạn sẽ sống!
CHƯƠNG 3
SỰ CÔNG CHÍNH HÓA
1. Bạn đã được tẩy sạch:
Mose một đứa bé khó nghèo nằm gọn trong một tấm tã tầm thường, may phúc được con gái vua Pharaon vớt lên và cho nuôi dưỡng sung sướng. Nàng đối xử với em như người mẹ. Nàng truyền cho các đầy tớ lấy vải qúy quấn cho em, và sau này khi đã khôn lớn, nàng cho mặc như các hoàng tử trong triều. Ơn thánh hóa cũng thế, cũng tẩy sách những vết nhơ xấu xa và bộ mặt ghê tởm của tội lỗi trong tâm hồn và thay vào đó bằng ánh sáng vinh quang.
Chúng ta hãy so sánh. Trường hợp bóng điện. Đêm xuống. Phòng tối. Ngón tay đã nằm trên nút bấm đèn, nhưng tôi không bật nổi dòng điện. Sao đây? Đèn vẫn không ánh sáng, không sức nóng, không sức mạnh, không hồn: (đèn chết). Ích gì? Nếu cứ thế mãi không bao giờ nhận được dòng điện chuyển tới, chỉ còn có việc vứt bỏ.
Một linh hồn thiếu ơn thánh hóa cũng thế. Nó không có ánh sáng, không có sức sống thần linh: Một linh hồn hoàn toàn chỉ tự nhiên. Không nhận được dòng điện thần linh của ơn thánh hóa, cũng chỉ còn việc ném vào lửa đời đời thiêu rụi thôi.
Nhưng bây giờ tôi bật đèn lên. Dòng điện chuyển qua. Bóng tội biến mất. Tích tắc một cái, bóng đèn trở thành một mặt trời nhỏ. Chính bóng đèn đã thay đổi phải không? Không, nhưng tình trạng của đèn lúc này có khác. Bạn khó nhận biết. Chính nó còn đó, và cũng không phải nó. Linh hồn lúc nhận ơn thánh hóa cũng thế: vẫn là linh hồn con người, nhưng hiện được nâng lên một nấc thang cao. Đời sống thần linh đã đến gia thêm vào đời sống nhân loại, với những khả năng, những sức mạnh mới ngay trong linh hồn. Từ tình trạng ốm yếu què quặt, trở nên lực lưỡng khoẻ mạnh; từ trạng thái tự nhiên, trở nên siêu nhiên, từ trạng thái trần thế, trở thành thiên đàng; từ đặc tính nhân loại, biến thành thần linh. Không có vẻ đẹp nào sánh được với một linh hồn sống trong ơn thánh. Những chuyện đầu tiên hiện ra dưới ánh đèn điện chỉ cho chúng ta một vài ý niệm, nhưng chẳng thấm vào đâu so với thực tại của một linh hồn sống trong ơn thánh.
Khi dòng điện chạy qua bóng đèn, nó phát sinh hai hiệu quả: dẹp tan bóng tối, và đồng thời phát sáng. Trường hợp ơn thánh hóa cũng vậy, Khi thông chuyển vào linh hồn, ơn thánh hóa thanh tẩy, cải hóa linh hồn, và sự công chính hóa này gồm hai động tác: tẩy sạch và canh tân linh hồn.
Ơn thánh hóa tẩy sạch linh hồn, xóa bỏ các tội trọng cùng án phạt đời đời. Công dụng ơn thánh hóa không phải chỉ là che dấu; hay không xét tới tội lỗi nữa, như chủ trương của người Tin Lành. Không. Ơn thánh hóa gột sạch, xua đuổi tội lỗi ra khỏi tâm hồn con người: bị hủy diệt, tan biến hoàn toàn. Nó chết và không còn có thể hồi sinh nữa. Nhờ ơn thánh hóa, người tội lỗi được lau chùi. (1 Co 6:11); được tẩy sạch (1 Ga 1:7). Thiên Chúa ném tội lỗi ngươi xuống lòng biển cả (Mich 7:19), Ngài "sẽ không còn nhớ tới bao giờ nữa" (Ez 18). "Sẽ không còn án phạt nào xuống trên ngươi" (Cf. Rm 8:1).
Ơn thánh hóa xóa bỏ những tội nào? Mọi thứ tội trọng, tội nguyên tổ cũng như tội riêng. Ơn thánh hóa hủy bỏ án phạt nào? Án phạt đời đời hỏa ngục.
Cả một quyền lực mạnh mẽ và hiệu lực tức khắc, ngay khi vừa ban ơn thánh hóa trong tâm hồn, tội lỗi bị tiêu diệt, án phạt được hủy bỏ. Dù tội nhiều vô kể, dù đam mê, say đắm và thói xấu, chất chồng thành đống, dù những điều không hay, tội ác tầy đình, trọng tội kinh hồn có nhiều như là rừng: ơn thánh hóa xóa bỏ hết. Bằng cách nào? Tận gốc rễ. Nó triệt hạ, nó tiêu hủy hoàn toàn không để lại một tàn vết nào. Đời đời. Không bao giờ tội lỗi còn phục hồi lại nữa. Hỏa ngục cũng sẽ đóng lại mãi. Công việc chỉ diễn ra trong nháy mắt. Nó hùng dũng, nó quyền thế như vậy đấy! Ôi sức mạnh của ơn thánh hóa!
Sức mạnh này, kẻ tội lỗi kinh nghiệm được nơi tòa giải tội. Về vấn đề này, xin bạn hãy nghe lời chứng của hai người thống hối trở lại:
"Vị khổ tu nâng cao đôi cánh tay; những ống tay áo trắng lắc lư trên đầu tựa đôi cánh chim. Ngài mở miệng, mắt đăm nhìn trời, đọc lời long trọng có sức cắt đức mọi sợi dây trói buộc: "Ego te absolvo": (Cha tha tội cho con) tên Durtal đang run rẩy cả thân hình. Cảm thấy - một cách hết sức rõ rệt - Chúa Kitô ở đó, đứng gần hắn - trong cái căn phòng đó - hắn oà lên khóc, thân người đê mê, cúi mình xuống dưới dấu thánh giá to lớn mà nhà tu sĩ đã phủ trên người hắn: (K. Huysmans).
Người thứ hai kể:"Ngài bảo tôi qùy xuống chiếc ghế đặt dưới cây khổ giá. Tôi bắt đầu kể các tội của tôi. Lúc đó, diễn tả làm sao đây? Ngay khi tôi thú tội, tôi cảm thấy chính Chúa ở đó...Lúc xưng thú xong, lúc vị linh mục đã đọc trên đầu cúi gục của tôi mô thức tha tôi tuyệt vời, tôi chỗi dậy, Ngài dang đôi tay và tôi đã ôm chầm lấy ngài với những dòng lệ tuôn trào. Tôi khóc. Vâng, cả hai chúng tôi đều xúc động. Vì nếu tôi đã đặt tất cả lòng biết ơn của tôi đối với ngài trong cái hôn, thì ngài đã dâng lời cảm tạ lên Chúa vì Chúa đã đoái chỉ định ngài công tác dẫn chiên phản nghịch trốn chạy lang thang từ ngày nó lãnh phép thánh tẩy trở về với bầy chiên của Đấng chăn chiên duy nhất" (A.Retté)
Khi cảm thấy dòng nước thánh tẩy chảy trên đầu, Herman Cohen, người Do Thái, nói: "Tim tôi rung lên và tôi cảm thấy một sức ép rất mạnh mà tôi chỉ có thể sánh được với sức giật của dòng điện. Con mắt thân xác tôi khép lại, nhưng chính lúc đó, những con mắt linh hồn tôi tung mở trước một ánh sáng siêu nhiên và thần linh. Tôi tựa hồ như chìm ngập trong cuộc xuất thần nơi thế giới yêu đương".
Một người thống hối đến xưng tội đã hỏi thánh Phanxicô Đệ Salêsiô:
- Thưa Cha, cha nghĩ gì về con lúc nầy, đứa tội lỗi nhất trên trần gian làm sao?
- Thánh nhân nói: Sau khi Thiên Chúa đã tha thứ cho con, thì theo cha, con sáng sủa chiếu tràn ơn thánh,
- Nhưng Cha biết rõ con mà!
- Đúng, như Cha vừa nói.
- Vậy ít là, cha biết trước đây con đã sống như thế nào rồi. Thưa cha, cha nghĩ qúa khứ đời con ra sao?
- Không nghĩa gì cả. Vì ngoài phạm vi cho phép cha, tại sao cha lại dừng ở những cái đã được Thiên Chúa xóa bỏ, quên đi! Những cái đó không còn trước mặt Ngài nữa".
2. Bạn đã được canh tân.
Tại triều đình Pharaon, Mose không những được lột bỏ tất cả áo quần cũ kĩ nghèo nàn, mà còn được ăn mặc như hoàng tử.
Dòng điện khi chạy qua bóng đèn, không những dẹp tan bóng tôi, mà còn thắp sáng cả gian phòng.
Ơn thánh hóa, cũng thế, không những gột tẩy, rửa sạch tâm hồn, mà đồng thời còn đổi mới tô điểm tâm hồn.
Nicôđêmô, một nhân viên hội đồng Công tọa, một lần giữa lúc đêm tối bao trùm vạn vật, ông tới gặp Chúa Giêsu. Đấng Cứu Thế nói với ông: "Thật, tôi nói cho ông hay, không ai có thể thấy nước Thiên Chúa, nếu không tái sinh".
- Làm sao một người đã già nua mà có thể sinh lại được? Họ chui vào bụng mẹ rồi sinh ra à?
- Chúa Giêsu trả lời ông, thật, tôi bảo ông, không ai có thể vào được nước Thiên Chúa, nếu họ không tái sinh bởi nước và Thánh Linh. Vì cái gì sinh bởi xác thịt, là xác thịt, cái gì sinh bởi Thánh Linh, là thần linh, (Jn 3:1-16).
Qua câu truyện đàm thoại này, chúng ta thấy đề cập tới việc sinh nào? Cả hai thứ sinh: Một đàng theo đường xác thể, sinh tự nhiên, nhân loại. Một theo đà theo đường Chúa Thánh Linh, sinh trong phép Thánh Tẩy, bằng ơn thánh hóa: đó là sinh siêu nhiên thần linh.
Vậy chúng ta sinh ra bao nhiêu lần? Hai lần. Lần thứ nhất, do cha mẹ chúng ta. Các ngài đã truyền cho chúng ta sự sống tự nhiên. Lần thứ hai, do Thiên Chúa, dùng ơn thánh hóa, Ngài ban cho chúng ta sự sống siêu nhiên.
Mỗi một Kitô hữu là một người đã được tái sinh và có thể mang danh hiệu này một cách xứng đáng. Họ đã sinh ra lần thứ nhất với sự sống tự nhiên; lần thứ hai với sự sống siêu nhiên nhờ ơn thánh hóa đã lĩnh nhận ngày chịu phép Thánh Tẩy.
Ơn thánh hóa, tẩy sạch chúng ta, thánh hóa chúng ta (1 Co 6:11). Ơn thánh hóa là một cuộc tái sinh, một cuộc canh tân (Eph 4:3). Ơn thánh hóa làm chúng ta nên chói sáng như mặt trời (Mt 13:43) Ơn thánh hóa biến chúng ta nên đẹp đẽ trước mặt Thiên Chúa.
Linh hồn người công chính như một đền vua. Tạm gọi như vậy vì không như phải chỉ có nhà vua ngự ở đó, nhưng còn có cả triều thần quân quốc. Linh hồn chúng ta là một lâu đài, không phải vì chỉ có ơn thánh hóa, nhưng còn có cả một đoàn quân hùng dũng huy hoàng bao quanh, các nhân đức siêu nhiên và các ơn huệ của Chúa Thánh Linh. Các nhân đức và các ân huệ nầy theo sát ơn thánh hóa như hình với bóng.
Có hai nhóm các nhân đức siêu nhiên. Nhóm thứ nhất gồm ba nhân đức mà Thiên Chúa chính là đối tượng trực tiếp. Vì thế người ta gọi là các nhân đức đối thần. Đó là đức tin, đức cậy, đức mến (bác ái). Với đức tin chúng ta vững tin những chân lý Thiên Chúa mạc khải. Với đức cậy, chúng ta mong chờ các lời Thiên Chúa hứa sẽ hoàn tất. Và đức mến làm cho chúng ta mến yêu Thiên Chúa vì Ngài đáng yêu và yêu Ngài trên hết mọi sự khác.
Trong nhóm thứ hai, đối tượng của các nhân đức siêu nhiên này là cư xử của chúng ta đối với chính bản thân cũng như tha nhân đồng loại. Chúng điều chỉnh đạo đức của ta, vì thế gọi là nhân đức luân lý. Trong số này có bốn nhân đức quan trọng hơn gọi là các nhân đức trụ: đức khôn ngoan, đức công bằng, đức can đảm và đức tiết độ, vì tất cả các nhân đức khác điều qui tụ lại bốn nhân đức này.
Các ơn Chúa Thánh Linh - các dự kiện siêu nhiên làm cho linh hồn nên ngoan ngoãn trước những tác động của ơn thánh - gồm có bảy ơn: ơn khôn ngoan, ơn thông minh, ơn dạy bảo, ơn sức mạnh, ơn suy biết, ơn hiếu thảo và ơn kính sợ Thiên Chúa.
3. Vẻ duyên dáng của linh hồn trong tình trạng ơn thánh.
"Ơn thánh hóa, - theo giáo lý công đồng Tridentinô - như là một ánh sáng chiếu soi, xóa bỏ vết nhơ bẩn và chuyển thông một vẻ đẹp sáng ngời"
Giọt sương mai trên ngọn cỏ lá cây tự nó chẳng có nghĩa gì cả. Nhưng khi ánh trời ló dạng huy hoàng trong cảnh bình minh tươi sáng rồi phóng tới một tia sáng phản chiếu trên nó, bỗng nhiên nó trở thành một vật phát sáng muôn màu kỳ diệu: xanh tươi, đỏ thẫm, trang sức như một viên ngọc qúy. Không có ơn thánh hóa, linh hồn chúng ta có ra gì? Một tạo vật được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa: một giọt sương trước khi mặt trời mọc. Một linh hồn trong tình trạng ơn thánh là gì? Là giọt sương lóng lánh huy hoàng của Thiên Chúa và được biến dạng nhờ vẻ đẹp của chính Thiên Chúa.
Linh hồn sống trong ơn nghĩa thánh còn trong sáng hơn nước hồ thu hoặc nền trời xanh biếc; còn trắng trong hơn huệ tươi đẹp nhất và rạng ngời nhất; còn hòa hợp và tương xứng, còn rực rỡ và sáng chói, còn hấp dẫn và oai hùng, còn mạnh mẽ và duyên dáng hơn cả những đóa hoa qúy lạ nhất, hơn cả những quang cảnh lùng vĩ nhất, hơn cả những kiệt tác lẫy lừng nhất" (F. Cuttaz, Le Juste)
Bạn hãy nhìn ngắm mặt trời, con mắt của thế giới. Nó tỏa sáng làm mờ các tinh tú khác. Khi tia sáng mặt trời chiếu vào pha lê, sức sáng nó mạnh đến mắt chúng ta khó thể chịu nổi. Hình ảnh này không hoàn toàn phải chiếu nổi sự thực linh hồn sống trong ơn thánh. Một linh hồn như thế - thánh Bonaventura quả quyết - dõi sáng và còn sưởi nóng cả thế giới gấp ngàn lần mặt trời.
Từ những vẻ huy hoàng của tinh tú, chúng ta bước tới những vẻ lộng lẫy của đền Giêrusalem trên trời, đã được thánh Gioan mô tả:
"Vách tường toàn bằng ngọc thạch và thành phố toàn là vàng thập tựa pha lê tinh ròng. Nền móng tường thành được tô điểm toàn thứ châu ngọc: thạch ngọc, lam ngọc, lục ngọc, bích ngọc, mã não, hồng não, kim châu, lục châu, hoàng ngọc, kim lục, phong tín, châu ngọc. Mười hai cổng là mười hai viên ngọc toàn khối. Phố xá trong thành cũng lát toàn vàng ròng như lưu ly trong suốt...Thành phố không cần tới mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì ánh vinh quang của Thiên Chúa chiếu sáng cả thành và chiên con là đuốc soi của thành" (Apc 21:18-23).
Ôi cả một núi chất đầy vinh quang, của cải. Và thánh Bernardinô thành Siênna còn dám quả quyết: "Cả trời đất có được nhiều như các giọt nước trong đại dương và đem gom góp tất cả vẻ đẹp của chúng lại có thấm gì nếu so với vẻ đẹp của một linh hồn sống trong ơn nghĩa thánh"! Tại sao? Vẻ đẹp tạo vật còn có giới hạn, nhưng vẻ đẹp của linh hồn sống trong ơn thánh được tham phần vào chính vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa. "Cũng như trên trời, nhìn ngắm Thiên Chúa cũng đủ làm cho các người công chính - những người được tuyển lựa - đắm chìm trong trạng thái xuất thần vì ngây ngất chiêm bái dung nhan Ngài và ngây ngất vì say mê vẻ đẹp của Ngài lôi hút họ. Họ đã bổ nhào vào cung lòng Ngài.
"Với một lối tương tự, ngay ở trần thế này, nếu được chiêm ngắm một linh hồn sống trong tình trạng ơn thánh, chúng ta cũng sẽ hăng say ôm ghì lấy nó mãi mãi, chỉ khi nào nhìn thấy Thiên Chúa, chúng ta mới tách lìa được khỏi linh hồn đó". (F.Cuttaz, Le Juste).
Chính Thiên Chúa đã chẳng tỏ ra cho thánh Nữ Catarina thành Sienna biết bà không thể nhìn nổi một linh hồn sống trong tình trạng ơn thánh hóa mà lại không chết ngất vì sung sướng sao?
Chị Palmêrina, dòng ba ở Sienna, đã ủ trong lòng một mối hờn giận cay ghét chị Catarina, nên không từ khước mọi thứ xỉ vả nào. Cảm xúc trước những lời nguyện Catarina không ngớt dâng lên cầu cho kẻ ghét mình, Thiên Chúa vì muốn cứu linh hồn chị nữ đồng dòng với Catarina là người đã đến săn sóc bệnh nhân Palmêrina với trọn lòng tận tụy anh hùng bất kể nhọc mệt. Nhưng không gì lay động nổi Palmêrina và kết quả Catarina vẫn bị Palmêrina phản đối không cho vào phòng mình. Bấy giờ, hình phạt xứng đáng đã giáng trên con người chị nữ tu cứng lòng: chị dòng chết không kịp lãnh nhận các phép bí tích. Hoảng hốt trước tình trạng nguy ngập của linh hồn này, chị thánh đã tăng việc ăn năn nguyện xin gấp bội. Sau Palmêrina được phép trở về gặp và cho Catarina biết mình đã được chết trong bình an của Thiên Chúa. Ngay lúc đó, Chúa đã tỏ ra cho Catarina nhìn thấy linh hồn này. Và Catarina quả quyết: "Đẹp chói ngời quá, không thể nào tả nổi". Chúa phán: "Con yêu dấu, đấy là linh hồn chính con đã tìm kiếm cho Cha. Con cứ nhìn xem, đẹp quý biết bao. Nếu Cha, chính là vẻ đẹp tối thượng mà Cha còn ngất ngây trước vẻ đẹp của các linh hồn nên đã xuống trần chịu chết để cứu chúng thì chúng con lại càng có lý do mạnh hơn, buộc phải làm việc giúp lẫn nhau để đừng phí mất một tạo vật đáng quý như vậy!"
Sau đó thánh nữ đã thưa Cha giải tội, vị chân phước Raymonđô thành Capouec: "Thưa cha, nếu cha đã được nhìn thấy vẻ đẹp của một linh hồn sống trong tình trạng ơn thánh, cha sẽ hiến dâng trọn trăm lần đời sống của cha - nếu cần - để bảo toàn phần rỗi cho linh hồn đó" (Vie p. 113)
Thánh nữ còn giữ mãi ấn tượng say đắm trước vẻ đẹp này nên đã cúi mình hôn dấu chân của các vị giảng thuyết cũng như các linh mục khác dấn thân họat động để đưa các tội nhân thống hối trở lại.
Chúng ta hãy quý trọng vẻ đẹp ơn thánh hơn vẻ đẹp thân xác. Ôi vẻ đẹp hoàn mỹ, cao cả biết bao! Một vẻ đẹp không chút bợn nhơ, không biết tới già uá, không lệ thuộc thời gian phũ phàng phôi pha, cũng không biết tới cái chết. Một vẻ đẹp trường tồn. Một ân huệ vĩnh cửu. Vĩnh cửu! Nó không phải là đặc ân hay đổi thay của bản tính tự nhiên hay của dòng máu xát thịt sinh ra. Mọi người đều có thể tạo cho mình vẻ đẹp mỹ miều này, một vẻ đẹp có thể lớn mạnh dễ dàng. Không xao xuyến con tim, không khuấy động giác quan, nhưng nó kích thích giác quan hướng và làm việc thiện. Nó không dùng cặp mắt để đưa cái chết vào linh hồn. Nhưng là kiến tạo, là thánh hóa. Những tạo vật đớn hèn - thường bất xứng - không ưa nó, nhưng nó lại đẹp lòng các thiên thần, những người công chính, Đức Trinh Nữ rất thánh, Thiên Chúa, Đấng chỉ chú trọng đến tình yêu (F. Cuttaz, Le Juste).
Nếu bạn tin ơn thánh hóa, bạn sẽ nhìn cao xa hơn tầm mức xác thịt. Bạn không còn băn khoăn tới màu sắc và hình dáng đôi tay, cặp mắt, nét mặt; tất cả thứ đó sẽ qua. Chỉ có vẻ đẹp quyết rũ của tâm hồn, trong tình trạng ơn thánh, mới tồi tại. Bạn đừng chăm lo chải chuốt sắc đẹp thân xác mà xoa lãng vẻ đẹp linh hồn. Bạn sẽ thẩm định đúng vẻ đẹp như ý muốn Thiên Chúa tác tạo nên - nếu bạn biết đặt vẻ đẹp của ơn sủng trên hết mọi vẻ đẹp khác.
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối", "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng con được vững lòng tin Chúa hơn.