SỐNG CHƯƠNG 10 - 15

CHƯƠNG 10

ĐỀN THỜ THIÊN CHÚA BA NGÔI

1. Nếu ai yêu mến Ta

Trong buổi tiệc ly, Chúa Giêsu, đã thốt ra những lời ngàn đời vẫn là một niềm an ủi cho những tâm hồn sống trong ơn nghĩa thánh:

"Nếu ai yêu Ta, Cha Ta sẽ yêu lại, chúng ta sẽ đến với họ và lập cư trong họ" (Jn 14:23).

Chúng ta hãy phân tích.

Nếu ai yêu Ta: nghĩa là giữ những giới luật của Ta, không mắc tội trọng, sống trong tình trạng ơn nghĩa thánh.

Chúng ta sẽ đến với họ: Chúng Ta là ai đây? Là Thiên Chúa, Thiên Chúa Cha, Thiên Chúa Con và Thiên Chúa Thánh Linh. Cả Ba Ngôi Thiên Chúa chỉ là một Thiên Chúa. Mọi hoạt động bên ngoài đều chung cả Ba Ngôi Thiên Chúa.

Lập cư trong họ: nghĩa là gì? Thiên Chúa sẽ hiện diện trong họ. Hiện diện như thế nào? Thiên Chúa hiện diện khắp nơi bằng yếu tính của Chúa, bằng quyền uy của Chúa, bằng sự thông suốt của Chúa. Có phải Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện trong tâm hồn người công chính cũng theo lối hiện diện chung cần thiết này không? Không. Bằng lối hiện diện đặc biệt, lối hiện diện của tình thân hữu. Linh hồn công chính này trở thành đối tượng lòng Chúa yêu thương. Chúa tự chuyển động cho linh hồn lành thánh, cho họ đến ngay từ cuộc sống tại thế sự dịu ngọt được có Thiên Chúa là của riêng mình.

Người ta có thể hiện diện cùng một nơi với những tước vị khác nhau và nhiều tâm trạng khác nhau. Cùng như một người trong cùng một gia đình, lần lượt họ có thể là người thợ, người làm công, người bạn, người chồng, người cha. Với tư cách người thợ, họ làm việc kiếm đồng lương, không lưu tâm tới những chuyện trong nhà. Với tư cách làm chồng làm cha, họ chú ý yêu mến và được yêu lại. Cũng thế, Thiên Chúa có mặt khắp nơi trong chính linh hồn lành thánh, với một tước vị khác hẳn tước vị đấng Tạo hóa hay đấng Quan phòng. Với tước vị một người cha, một người bạn nghĩa thiết, một vị hôn phu.

Chúng ta sẽ lập cư trong họ: Thiên Chúa ở lại độ bao lâu? Theo kiểu các bạn bè tới thăm ở lại độ vài ba giờ, một ngày, rồi đi, trở về với công việc làm ăn bận bịu để rồi quên nhau? Không, Chúa ở lại bao lâu chúng ta còn sống trong tình trạng ơn thánh. Hễ phạm tội trọng, không khác gì chúng ta bảo Thiên Chúa "cút đi" và Chúa từ giã chúng ta.

Chúng ta sẽ lập cư trong họ: Chỉ có ở trong lình hồn thôi sao? Không, cả trong thân xác, thân xác là bao bọc linh hồn.

Thiên Chúa ở trong chúng ta bằng ơn thánh hóa. Các thánh sống theo ý niệm này. Thánh Inhaxiô bị hoàng đế Trajan nhục mạ và đối xử như tên quỷ. Thánh nhân đã đáp lại: "Không ai lại đi gọi người mang Thiên Chúa trong mình là một tên quỷ!".

Vậy nhà ngươi mang Người đã bị đóng đinh thập tự trong mình ngươi sao?

Vâng, muôn tâu hoàng đế. Chắc chắn tôi mang Đức Kitô trong tôi.

Trajan ra lệnh: Hãy điệu tên Inhaxiô, tự khoe mình mang Đấng Kitô trong mình, hãy điệu hắn sang Roma làm mồi nuôi thú dữ (Cf Cuttaz Le Juste).

Đó cũng là câu Thánh Nữ Lucia trả lời vị chánh án: "Vậy Đức Thánh Linh ở trong cô hay sao?

"Vâng, những ai sống trinh khiết và lành thánh sống trong ơn nghĩa Chúa đều là đên thờ của Chúa Thánh Linh"

Lịch sử còn để lại cử chỉ của Lêônidê, thân phụ nhà học giả Origênê, nghiêng mình trên ngực con nằm trong nôi, ông đã đặt môi hôn ngực con. Những người trông thấy tỏ vẻ bỡ ngỡ. Ông trả lời: "Tôi thờ lạy Thiên Chúa hiện diện trong con tim của trẻ thơ đã lãnh nhận phép Thánh Tẩy này".

Với các học trò, cha De Condren thường gọi: "Đối với con người, nhờ phép Thánh Tẩy không gì to tát hơn là được trở thành đền thờ Thiên Chúa trú ngụ. Không gì quan hệ hơn đối với con người luôn luôn vẫn là đền thờ Thiên Chúa lập cư".

Một hôm, một học sinh khi đi qua trước phòng cha, đã bái qùy. Một thằng bạn hỏi:

-Mày làm gì đấy?

-Cậu học sinh trả lời: Không phải vì có cha De Condren ở đấy, nhưng vì chính Thiên Chúa ở trong cha De Condren.

Chúng tôi cũng xin trích lại đây câu trả lời của một thiếu phụ, người thiếu phụ Kitô hữu rất đáng nghiêng mình kính phục, người mẹ của một bé gái kháu khỉnh. Người anh bế em tới để mẹ hôn em. Nhưng bà mẹ nói: "Không hôn bây giờ, đợi lát nữa, khi nào nó đã nhận lãnh Phép Thánh Tẩy". Mọi người đã hiểu câu trả lời. Nhưng được bao nhiêu người mẹ có một đức tin như vậy?

Linh hồn sống trong tình trạng ơn thánh có thể sánh ví đươc với cái gì đây? Với một hang đá, một bình chén thánh, một ngôi đền thờ, một thiên quốc sống.

1) Hang đá Bêlem đã là chiếc nôi của Con Người Thiên Chúa. Bạn giả thiết lấy một hang đá không phải làm bằng đá hay gỗ, nhưng chính bằng thịt máu, có cả linh hồn sống thực. Được hang đá sống động này, chính là bạn, người đang sống trong tình trạng ơn thánh. Không những bạn mang Con Người Thiên Chúa, như cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Đức Trinh Nữ Rất Thánh, thánh Giuse, các mục tử, các nhà bác học đã đến quỳ lạy trước máng cỏ. Họ có thể quỳ gối trước mặt bạn, vì bạn mang Thiên Chúa mà họ đã thờ lạy nơi hang Bêlem xưa trong mình bạn.

2) Bình thánh là một chiếc chén lớn bằng vàng hay bạc hoặc một loại kinh khí có mạ vàng, dùng để đựng Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô. Bạn thử nghĩ tới chiếc bình thánh không còn làm bằng chất kim khí nữa, nhưng bằng thịt, bằng máu và có cả linh hồn sống bên trong: một bình thánh sống động! Phải! Chiếc bình sống động này chính là bạn, con người sống trong ơn Thánh Chúa. Không những bạn chứa đựng Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô, mà cả Ba Ngôi Thiên Chúa nữa. Người Kitô hữu quỳ gối trước Bình Thánh. Họ cũng có thể quỳ gối trước mặt bạn vì bạn mang trong mình Thiên Chúa họ tôn thờ trong Bình Thánh.

Năm 1914, các nữ tu Bỉ sợ cho số phận và người của nhà dòng, trong kỳ quân Đức xâm chiếm đã trốn chay sang Ba Lan. Trước khi ra đi. Bà bề trên mở cửa nhà tạm lấy chiếc Bình Thánh đem theo với mình trong chuyến lưu lạc này. Ôi sung sướng thay cho người có diễm phúc chưa từng có được mang Thiên Chúa! Vị nữ tu tốt lành kia có nghĩ tới hạnh phúc hằng ngày, nhờ ơn Thánh hóa, không cùng một cách như thế, nhưng cũng hoàn toàn thực sự bà cũng mang Thiên Chúa trong mình không?

3) Nhà Thờ của bạn là của Thiên Chúa. Một hôm, ánh sáng từ mặt trời xuyên qua những tấm kính trên cung thánh, làm ánh sáng rực rỡ tỏa xuống như một làn sóng bạc trên bàn thờ hướng về nhà Tạm. Đẹp thay, ngôi thánh đường này! Nhưng còn thiếu một yếu tố làm cho chốn huy hoàng này thành nơi đáng kính: Chúa Giêsu Kitô, Người chưa đến ở trong ngôi Thánh đường cốt xây cho Người. Nhưng này đây, Người sẽ đến. Ngày đại lễ. Có sự hiện diện của Đức Giám Mục. Chúa làm phép nhà thờ để xứng đáng trở thành ngôi đền của Thiên Chúa. Một vị linh mục bước lên bàn tiến dâng lễ vật. Dùng miệng lưỡi và đôi tay linh mục, Chúa Giêsu nói trên bánh như trong bữa tiệc ly: "Này là Mình Thầy". Rượu trở thành máu châu báu của Người. Mình Thánh được đặt vào ngôi nhà Tạm.

Bên nhà tạm thắp một đèn chầu để chỉ cho biết có Thiên Chúa hiện hữu nơi đây. Giáo hữu tới quỳ lạy Thiên Chúa; các thiên thần thiêng liêng vô hình cùng họ tôn thờ Đấng tối cao. Nhà thờ là nhà của Thiên Chúa. Bạn cứ tưởng nghĩ tới một ngôi thánh đường không phải xây bằng đá nữa, nhưng bằng xương thịt và bằng máu, có cả một linh hồn sống ngự bên trong: một ngôi thánh đường sống thực. Đúng, ngôi thánh đường sống thực này, chính là bạn, con người sống trong tình trạng ơn nghĩa thánh. Bạn là nơi lập cư của Ba Ngôi Thiên Chúa. "Bạn là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống" (2 Co 6:16). Người tín hữu bước vào nhà thờ, cất nón, bỏ mũ, bái quỳ, cầm lòng cầm trí, cầu nguyện. Họ có thể làm y như vậy, mỗi khi gặp bạn, vì bạn mang Thiên Chúa ngự trong Thánh đường.

4) Thiên quốc là nơi hạnh phúc, nơi những người được chọn nhìn ngắm, giáp mặt Thiên Chúa. Họ yêu mến Thiên Chúa, họ hưởng Thiên Chúa; thiên quốc chờ mong Thiên Chúa. Bạn cứ giả thiết một thiên quốc không mênh mông bát ngát nhưng nhỏ thôi. Một thiên quốc bằng máu thịt có cả một linh hồn sống bên trong, một thiên quốc sống động. Đấy, thiên quốc sống động này, chính là bạn, sống trong tình trạng lành thánh không mang tội trong mình. Trên trời các vị được chọn hưởng dung nhan Thiên Chúa; còn trong thân xác bạn, bạn có thể hưởng Chúa liên tục, vì bạn mong chờ Thiên Chúa, là chính hạnh phúc trên thiên quốc.

Chắc hẳn giữa cõi trời của lòng Bạn và trời cao của những vị Hiển thánh có những khác biệt tùy tòng. Cõi trời của lòng Bạn, với tội trọng, bạn có thể mất, cõi trời vinh quang sẽ tồn tại muôn đời. Trong cõi trời của tâm hồn bạn, Thiên Chúa chưa lập cư theo thể vô hình, còn trong cõi trời của các thánh, Chúa hiện diện giáp mặt. Nếu gạt sang một bên những khác biệt đó, thì ơn thánh hóa tại thế và vinh quanh trời cao cũng chỉ là một. Bạn đích thực là cõi trời, vì cõi trời chính là Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong bạn. Và thánh Âu tinh đã thốt lên: "Mang Thiên Chúa của Thiên Quốc chúng tôi là Thiên Quốc."

Chị nữ tu Elizabeth de la Trinité vẫn có thói quen nói: "Hồn tôi là một cõi trời, nơi tôi sống trong khi chờ đợi Giêrusalem thiên quốc. Tôi đã gặp thiên quốc ngay tại thế, vì thiên quốc chính là tôi". Trong thư gửi cho bà chị lập gia đình, chị thánh có viết: "Thiên quốc ở giữa tâm hồn chúng ta. Giữa những lo âu của người mẹ, lúc nào chị chia trí vì nhiều nhiệm vụ chồng chất, chị cứ bước vào trong linh hồn chị, nơi vị thượng khách thần linh cư ngụ. Không phải là đơn giản, an ủi sao?

2. Sự thân mật với Thiên Chúa

Thiên Chúa ở trong bạn, GiaCóp đã nhìn thấy trong giấc mộng một chiếc thang huyền bí bắc nối đất với trời và các thiên thần đang leo lên bước xuống. Một biểu tượng sự giao thông liên tục giữa trời và đất. Đấng tổ phụ hoảng hồn, bừng tỉnh dậy và kêu lên: Quả thấy, Thiên Chúa, Chúa ở đây mà tôi không biết. Trời! nơi này đáng khiếp sợ! Chính nơi đây là nhà của Thiên Chúa và cửa Thiên quốc! (Gn 28). Đó cũng là những tâm tình chúng ta phải có nếu chúng ta có một phần nào thấm nhuần được sự thực này: bằng ơn thánh hóa, Thiên Chúa ở trong tôi. Bừng tỉnh với cuộc sống mới, chúng ta sẽ kêu lên: "Thực đúng, Thiên Chúa ở trong tôi mà tôi không lưu ý tới. Tôi đã sống qua một phần lớn đời tôi mà tôi không biết Chúa. Ôi con người tôi là cả một vật thánh và kinh khiếp biết bao! Tôi là nhà của Thiên Chúa! Là cửa Thiên quốc!"

Thiên Chúa ở trong bạn! Sự thực này phải "sinh ra" trong bạn một tình thiết thật sự. Thiên Chúa ở trong bạn. Chúa là nguồn hạnh phúc đời bạn. Chớ gì bạn cũng thích được ở với Chúa, được sống đời vĩnh cửu với Chúa, sống trong mối tình thân thiết. Bạn sẽ thân mật thưa chuyện với Chúa: tình thắm thiết là ở đó.

1) Tình thắm thiết này dễ lắm. Ai cũng có thể đạt được. thỉnh thoảng một cái nhìn về phía nhà tạm trong cung lòng ngực bạn một giây cầm trí, một tiếng thở than vắn tắt: "Lạy Chúa, Chúa ở đây; con mến Chúa". Đủ rồi.

2) Tình thắm thiết này là một bổn phận thích hợp. Nếu có một nhân vật cao cấp nào tới thăm bạn với tính cách thiện chí, thân tình, bạn có thể mặc kệ họ đứng trơ trơ một mình không? Vậy Đấng Toàn Năng đến thăm bạn, bạn bỏ mặc, ra đi lang thang khắp các đường phố ăn chơi phóng đãng, bạn để ý tới vật nhỏ tầm thường thay vì quan tâm tới Chúa. Đối với moi cái, bạn đều tìm thấý có giờ cả: ngay cả điều vô ích, nhiều khi nguy hiểm nữa. Cát bụi của các biến cố hàng ngày cuốn theo làn gió cũng có chỗ đứng trong tâm trí bạn; thế mà bạn lại không thiết nghĩ tới Đấng có quyền chiếm chỗ trọng nhất trong đời bạn.

3) Tình thắm thiết này bóp chết những chước cám dỗ và không cho tội lỗi tung hoành. Nó biến đổi tâm hồn bạn thành một khu vườn cổng cao dậu dầy ngay tại thế, cài đóng trước các ấn tượng của các quan năng, các xáo động tự nhiên, những thành kiến, những bả hư danh phú quí phàm tục, những ngỡ ngàng. Đối với tâm hồn nghịch cảnh, có thể áp dụng lời các tác giả thánh vịnh: "Mọi thú dữ rừng xanh tản mác trên mình nó" (Ps 103:20).

4) Tình thắm thiết này an ủi bạn. Bạn không thấy niềm hân hoan sung sướng khi có cha mẹ, bạn hữu ở bên cạnh sao? Nhưng làm sao bạn có thể giữ những tạo vật thắm thiết nhất của bạn luôn luôn ở bên được. Những nhu cầu cấp thiết của cuộc sống không cho phép. Họ phải xa cách. Xa cách giảm dần tình nghĩa thiết. Hơn nữa, sự hiện diện của tạo vật cũng chỉ có tính cách bên ngoài. Với ơn thánh hóa, Thiên Chúa hiện diện ngay trong bạn. Hân hạnh biết bao! Ôi! biết được Thiên Chúa ở trong tâm hồn mình, biết được mình luôn luôn sống dưới mắt âu yếm của Chúa, trong cánh tay Chúa, quả là dễ chịu biết bao! Sự hiu quạnh, cô đơn đè nặng và cái trống rỗng bao trùm nhiều người chúng ta. Cảm thấy một thân một mình, là cảm thấy buồn vô kể. Nhưng lại cảm thấy nhẹ nhàng biết bao khi nghĩ ra; "Không, tôi đang sống trong ơn nghĩa thánh, tôi mang Đấng đại diện tất cả và không có gì thay thế được Chúa". Con tim bạn đau nhói hay mệt mỏi vì những giao tranh với chính bạn, với những thử thách và bất công; bạn gần như ngã gục trong hố chán nản tuyện vọng. An ủi cho bạn biết bao nếu bạn nói lên đước: "không, tôi đang sống trong ơn nghĩa thánh, có Chúa ở trong tôi, Chúa là chính sự toàn năng, là sự khôn ngoan, là sự tốt lành vô biên".

5) Tình thắm thiết này thúc đẩy bạn cầu nguyện Thiên Chúa trong bạn: tư tưởng này gợi dậy trong bạn cái nhu cầu nói chuyện với Chúa, dốc bầu tâm sự với Chúa, thờ lạy Chúa, cảm tạ Chúa, xin Chúa tha thứ lỗi lầm, nguyện xin Chúa ban cho những ơn sủng bạn cần thiết. Làm tất cả những điều đó, tức là cầu nguyện đấy. Tình thắm thiết thúc đẩy bạn nguyện cầu.

6) Các nhà đạo đức đều khuyên chúng ta cần phải có tình thắm thiết này. Tác giả sách Gương Phúc nói: "Thiên Chúa thường thăm viếng con người biết sống nội tâm: Chúa nói với họ những lời êm ái; Chúa ban cho họ một niềm an ủi tốt đẹp nhất, một niềm bình an dồi dào, một tình thân thiết bền chặt và sâu nhiệm. Vậy bạn hãy dành chỗ đó Chúa chứ đừng để những người khác lọt vào tâm hồn bạn" (2,1)

Thánh nữ Catarina thành Siêna cũng nhắn nhủ chúng ta như vậy. Sống đời một phần tử dòng Daminh, giữa thế gian, Catarina vẫn giữ được trong cõi lòng một sự thanh vắng kiên cố đến những bận rộn bên ngoài không tài nào xáo trộn được Chị thánh nhờ đó đã nếm hưởng được biết bao êm dịu ngọt ngào. Chị đã nhận được bao ơn thánh trong lúc tâm trạng thanh tĩnh này. Chị cũng khuyên người khác lo tạo cho được sự tĩnh tâm như thế.

Chắc bạn đã có dịp nghe nói tới Charles de Foucauld. Một người trở lại đạo rất đặc sắc! Một người thuộc dòng quý tộc! Một sĩ quan trong quân đội Pháp! Một nhà thám hiểm lừng danh! Khi còn trai trẻ, ông sống cuộc đời chẳng tốt đẹp gì, đến nỗi buộc lòng phải rời khỏi quân ngũ. Rồi, ngày của ơn sủng đến với ông, ông thành một vị khổ tu. Suốt 7 năm, ông sống trong một tu viện thanh vắng. Cảm thấy chưa đủ khắt khe, ông lên đường sang Đất Thánh và sau đó qua sống trong sa mạc Sahara. Một nếp sống khó khăn ghê gớm. Một nếp sống thiếu thốn kinh khủng. Thống hối ăn năn. Ông chết với cuộc sống đó. Chết như một vị thánh.

Trong thư giử cho chị, Cha De Foucalud có viết: "Thiên Chúa ở trong chúng ta, tận cung lòng chúng ta. Chúa luôn luôn ở đó. Nghe chúng ta và yêu cầu chúng ta nói chuyện với Chúa một tý. Chị hãy tập cho các cháu có thói quen nói chuyện với vị thượng khách tối cao của tâm hồn các cháu. Với sự yếu hèn của em, cuộc đời của em đấy, em còn có thể làm được. Thì chị cũng thế! Việc này không làm chị bận rộn đến quên lãng những công việc khác của chị đâu. Thời gian không đáng một phút! Chỉ thay vì có một mình, thì nay chị thành hai người chu toàn thói quen, và sau cùng chị sẽ không ngớt cảm thấy trong chị người bạn dịu dàng này, Đấng Thiên Chúa của tâm hồn chúng ta... Lúc đó, chúng ta sẽ kết hiệp hơn bao giờ hết, vì chúng ta sẽ cùng một cuộc sống như nhau...Thời giờ chúng ta sẽ đều trôi qua như thế, với cũng người bạn đường đó".

"Thiên Chúa ở trong tôi", một linh mục đã viết sau những ngày được nghe vị giảng phòng nhấn mạnh tới tín điều này tư tưởng này đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi. Đời tôi đang đổi hết. Nó linh hứng cho tôi biết bao ý nghĩ xây dựng! Nó cho tôi bao sức mạnh! Ôi an ủi biết bao khi biết được tôi có thể nói chuyện với Chúa bất kỳ lúc nào, biết được tôi luôn luôn sống dưới khóe mắt của Chúa; biết được Chúa ở đó để giúp tôi trong mọi hoạt động đời tôi; biết được Chúa ở đo, kề sát bên, những khi tôi đau khổ, biết được Chúa là Người chứng các cố gắng đời tôi ngõ hầu làm đẹp lòng Chúa. Tôi muốn chuyện vãn với Chúa luôn, muốn năng nói cho Chúa biết tôi sung sướng về sự có mặt của Chúa trong tôi, là tôi yêu mến Chúa, cả những khi tôi không cảm được gì".

(F. Cuttaz, Le juste).


CHƯƠNG 11

ĐỀN THỜ CỦA CHÚA THÁNH LINH

1. Vị thượng khác và đức lang quân.

Đức Hồng Y Manning viết, "Nếu có một điều gì, một điều buộc chúng ta phải quỳ xuống gập đầu trong cát bụi, chính là suốt ngày chúng ta sống như thể không có Chúa Thánh Linh. Chúng ta như giáo hữu thánh Êphêsô. Lúc vị tông đồ hỏi xem nhận đạo chưa, thì họ thưa lại: "Chúng tôi chưa hề nghe nói tới có Chúa Thánh Linh".

Người ta chỉ nghĩ tới Đức Chúa Cha. Tới Đức Chúa con. Còn Chúa Thánh Linh một "vị bị bỏ quên lừng danh". Vì thế, chúng ta sẽ dành đặc biệt chương này nói về Ngài.

Khi chịu phép Thánh Tẩy, vị thừa lệnh của Thiên Chúa đã nói: "Cút đi, tên thần dơ bẩn", và để chỗ cho Chúa Thánh Linh". Chúa Thánh Linh cư trú trong tâm hồn người sống trong ơn Thánh. Ngài ở lại bao lâu người ta không lấy tội trọng xô đuổi Ngài. "Anh em lại không biết. Lời Kinh Thánh anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Chúa Thánh Linh ngự trong anh em sao" (1 Co 3:16).

"Thân mình anh em là đền thờ của Chúa Thánh Linh" (1 Co 6:19). Vì thế Giáo hội trong ngày Lễ Hiện xuống, mới nói: "Dulcis hospes animae". Ôi vị khách dịu dàng của linh hồn, vì Chúa Thánh Linh hân hoan sống trong tâm hồn người công chính.

Ngài ở trong đó như thế nào? Vì là Thiên Chúa, Ngài ở mọi nơi theo yếu tính quyền năng và sự thấu suốt của Ngài. Chúa Thánh Linh cũng dùng lối hiện dịên trong chúng và cần thiết này để ở lại trong tầm hồn người công chính nhờ một sự hiện dịên đặt biệt, sự hiện diện của mối tình thân hữu. Các Thánh Giáo phụ quả quyết sự liên kết giữa Chúa Thánh Linh với linh hồn sống trong tình trạng ơn thánh hóa khắng khít mật thiết đến nỗi nó tạo nên một cuộc hôn phối thiêng liêng thật sự. Có người gọi linh hồn công chính là Spirita Sancta: Nữ Thánh Linh, không phải chỉ nguyên là vị Thượng khác, Ngài còn là Đức Lang Quân.

Nói thế tức là có ý bảo chỉ có Chúa Thánh Linh ở trong tâm hồn người công chính, còn gạt Chúa Cha và Chúa con ra ngoài? Không, phải thế. Cả Ba Ngôi Thiên Chúa cũng là một việc chung của cả Ba Ngôi. Thế tại sao lại phải nói tới sự hiện diện của Chúa Thánh Linh trong tâm hồn người công chính? Vì cự ngụ này là một công tác tình yêu. Chúa Thánh Linh là mối tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, các công tác tình yêu đều đặc biệt gán chỉ cho Ngài, nhưng vẫn có tín cách chung cho cả Ba Ngôi.

Thánh nữ Anê de Folignô, một hôm đi hành hương viếng mộ thánh Phanxicô khó khăn. Bỗng Thánh nữ nghe có tiếng nói "con còn chạy tới cầu cứu đầy tớ Phanxicô của Cha, nhưng Cha sẽ cho con biết một sự nương dựa khác. Cha là Chúa Thánh Linh đã đến ở trong con, và Cha muốn cho con một niềm vui mà con chưa được nếm. Cha ở trong con, đồng hành với con; Cha sẽ nói chuyện với con mọi lúc, và nếu con yêu mến Cha, nghĩa là con sống trong tình trạng trong sạch lành thánh Cha sẽ không bao giờ bỏ con. Ôi người yêu của Cha, Cha yêu con, Cha đến lập cư trong con; Cha nghỉ ngơi trong con. Phần con, con hãy ngụ trong Cha và hãy tìm an nghỉ trong Cha". Chị Thánh Anê, so sánh tội mình với những hồng ơn của Ngài, chị do dự và tưởng đó chỉ là "một cú đấm của ảo mộng". "Nếu quả thật có phải là Chúa Thánh Linh thì Chúa không thể nói với con những điều đó: vì những điều này đã không thực hiện cho con. Mà nếu đúng Chúa, thì niềm vui cho con tràn đầy, lớn quá sao con vác nổi, nếu không chết mất".

Và Chúa Thánh Linh đáp lại:

"Cha không phải là chủ các ơn huệ của Cha sao? Cha cho con niềm vui cha muốn, không hơn không kém".

Sau này Anê thuật lại: "Tôi không thể diễn tả lại nỗi niễm vui tôi cảm, nhất là khi Ngài bảo tôi: Cha là Chúa Thánh Linh sống trong lòng con".

Điều Chúa Thánh Linh mạc khải đặc biệt cho Thánh Anê cũng là tín điều Giáo Hội dạy các con cái. Chúa Thánh Linh, cùng với Chúa Cha và Chúa Con, thực sự ở trong tâm hồn người công chính.

2. Bạn đừng làm Chúa Thánh Linh phải phiền muộn (Eph 4:30).

Nhiều người coi việc sùng kính Chúa Thán Linh như việc tùy tòng, tự do. Nghe Thiên hạ nói tới việc hiện ra, tới một tượng làm phép lạ, tới một thần thông quỉ thuật giúp cho được kiện, chữa lành bệnh tật phần xác, xoa dịu những khổ nạn thời thế, là họ nhao nhao tuôn đến. Họ quên rằng các Thánh làm phép lạ là nhờ quyền phép Chúa Thánh Linh. Hình như họ cũng quên Chúa Thánh Linh ở trong tâm hồn những người lành thánh. Việc tôn sùng ngôi Ba Thiên Chúa là việc thiết yếu và bắt buộc. Việc tôn kính này hệ tại đâu

Tiên vàn, không được có tội trọng: "Đừng có dập tắt Thánh Linh" (1 Thes 5:19) bằng tội trọng.

Không được có tội nhẹ: "Đừng làm Chúa Thánh Linh buồn phiền" (Eph 4:30) Nhất là hãy tránh tình trạng nguội lạnh hững hờ, cái tập quán phạm tội nhẹ cố ý.

Lòng nguội lạnh đưa lại những hậu quả nào?

1) Lòng nguội lạnh xúc phạm tới Thiên Chúa Đấng vô cùng hoàn thiện. Tội nhẹ cũng như tội trọng, chống nghịch Ba Ngôi Thiên Chúa. Nó là điều xấu xa đối với Thiên Chúa. Vì thế phải thế này.

Nếu với một tội nhẹ thôi, thí dụ phạm một tội nói dối nhẹ thôi, mà bạn có thể chữa lành mọi tật bệnh, tránh được mọi chiến tranh, giải phóng được linh hồn nơi luyện ngục. Cứu được mọi quỷ ma và những người bị luận phạt trong hỏa ngục, bạn ơi, đừng có phạm. Tại sao đừng? Vì tất cả những thứ bệnh tật, chiến tranh, luyện tội, hỏa ngục đều là xấu xa đối với con người, tạo vật. Còn tội, dầu là nhẹ, là sự xấu xa đối với Thiên Chúa Đấng Tạo hóa.

2) Sự nguội lạnh làm suy nhược đời sống ơn sủng trong chúng ta và lạnh héo tình yêu đối với Thiên Chúa. Một linh hồn phạm tội nhẹ không mất ơn thánh hóa. Vẫn còn tình nghĩa với Thiên Chúa. Phải. Nhưng tinh thần hữu này bị suy giảm tỷ lệ với những biếng trễ, uể oải của tâm hồn. Người bạn trung thành tới thăm bạn hằng ngày, nhưng với đầy dẫy tính hay thay đổi, cục mịch quê mùa, thiếu tế nhị lịch sự với bạn. Hỏi tình bạn đối với họ có nồng thắm lắm không? Vậy "Bạn đừng có làm Chúa Thánh Linh phải phiền muộn".

3) Lòng nguội lạnh dẫn lối tới phạm tội trọng. "Ai biếng trễ những điều nhỏ bé, dần dà sẽ sa ngã" (Eccl 19:1). Dần dần, vì "Không ai ngã một cú rốt tận đáy tật xấu", lời thánh Bênađô. Một viên ngói long khỏi mái. Bạn bảo: Chả thấm gì. Rồi một buổi mai, khi trời nổi cơn giông tố long luôn mái nhà. Hình ảnh của sự nguội lạnh trễ nải. Ăn cắp mười tấc vải có là bao. Ăn cắp nữa: một con số kếch sù: Một trọng tội. Những ý nghĩ xấu xuất hiện trong tâm trí: lúc đầu còn kề cà không chịu tống cổ ngay chúng đi, lại còn dỡn với chước cám dỗ: tội nhẹ. Cứ cái điệu đó, một ngày không xa, cơn cám dỗ trở nên mãnh liệt, bạn ưng theo: một tội trọng rồi. Tư tưởng đưa tới hành động: bạn sa ngã một cách nhục nhã. Lúc ban đầu, ma quỉ tròng linh hồn bạn bằng sợi tóc, rồi bằng một sợi dây, sau cùng với cả một dây cáp to lớn.

Thiên Chúa đã cho thánh nữ Têrêxa, một người không bao giờ phạm một tội trọng nào, thấy chỗ đã dành cho bà trong hỏa ngục, nếu bà không chối từ một vài sự giả trá có thể lôi dẫn bà tới phạm trọng tội được. Thị kiến này gây một ảnh hưởng dứt khoát trên đời. Một số những người kéo lê cuộc đời ươn hèn nguội lạnh, họ không thể nhìn thấy số phận tương lai chờ đợi họ sao?

4) Sự nguội lạnh che mắt tâm hồn và cản trở rất lớn cho việc trở lại.

"Ôi thôi, lời Chúa Thánh Linh, ngươi chẳng lạnh cũng chẳng nóng! Nhưng vì ngươi hâm hâm dở dở, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta" (Ap 3:14). Ghê quá. Vậy hóa ra lạnh còn hơn hâm hâm dở dở! Phải, theo một nghĩa nào đó, có lẽ thế còn hơn. Bị lương tâm dầy vò cắn rứt, con người lạnh nhạt có thể dở dở lại lâm vào tình trạng ngủ say. Say ngủ trên đống tội mình, không cố gắng ly thoát, cũng không còn thèm nghĩ tới. Nuôi trong mình một hảo ý, họ vô lo, no say với những bận rộn phàm tục và những ước muốn hão huyền. Vì thế mà việc chữa chạy có phần bi quan, thất vọng. Lời thánh Bênađô: "Cải thiện một tội nhân còn dễ hơn người nguội lạnh".

Bạn hãy năng tự nhủ mình: "Nếu những người bị luận phạtvà các linh hồn nơi luyện tội có thể sống lại cuộc sống tại thế, chắc chắn họ sẽ không bỏ qua một dịp nào để sống hăng say sốt sắng "Thôi, bạn đừng làm Chúa Thánh Linh buồn phiền nữa".


CHƯƠNG 12

SỰ SỐNG LẠI VINH SÁNG

1. Chúng ta chết trong Chúa Kitô

Chết, vừa kinh khiếp vừa quý hóa. Kinh khiếp cho người tội lỗi, quý hóa cho người công chính. Bạn có sống trong tình trạng công chính thánh thiện không? Tại sao lại sợ chết? Bạn hãy ném tầm mắt về quá vãng: Ơn thánh hóa đã xóa sạch mọi tội nặng và án phạn đời đời. Bạn hãy nhìn tới tương lai. Ơn thánh hóa cho bạn quyền thừa hưởng nước trời. Bạn hãy nhìn xuống: cửa hỏa ngục khép đóng. Lên trên: Thiên Chúa, Cha của bạn; Chúa Kitô, người anh, bạn nghĩa thiết và thủ lãnh của bạn; Chúa Thánh Linh, vị thượng khách và đức lang quân của bạn; Đức Trinh Nữ Rất Thánh, Mẹ của Bạn. Bạn hãy nhìn chung quanh: cha mẹ bạn, bạn chờ đợi gặp các Ngài trong một thế giới tốt đẹp hơn, vì thế giới hạn đang sống đây, đã hơn một lần bạn phải trở mặt ngõ hầu duy trì được tình trạng ơn thánh tâm hồn bạn. Vì của trần gian mà bạn dám bỏ của Thiên quốc để chuốc lấy sao? Này:

Phúc cho những ai chết trong Chúa" (Ap 14:13).

Bạn có chết trơ trọi một mình, không ai thèm ngó tới, không kịp xưng tội, không kịp ăn năn tội, cũng không kêu lên được lấy một lần tên Chúa Giêsu và Mẹ Maria, hệ gì! Nếu bạn chết trong tình trạng ơn nghĩa Thánh, thì hạnh phúc cho bạn rồi!

Thánh Phanxicô Đệ Salêsiô đã nói: "Người công chính khoan khoái có thể khước bỏ thân xác mình "như thay đổi áo quần, lúc chiều về, để nghỉ ngơi thoải mái hơn",

Lúc sắp chết, thanh Stêphanô kêu lên: Tôi nhìn thấy nước Trời mở ra và Chúa Giêsu đứng bên phải Đức Chúa Cha.

Thánh Cyprianô, giám mục thành Carthagô, bị điệu tới dinh tổng trấn có anh em giáo hữu bao quanh. Vị tổng trấn tiến lại hỏi: "Ông có phải là Cyprianô không"?

- Thưa Tổng Trấn, phải, chính tôi.

- Ông có phải là thủ lãnh đám người phạm thánh không?

- Thưa phải.

- Các Đức Hoàng Đế đã lệnh cho ông cúng các thần

- Tôi sẽ không bao giờ làm,

- Cho ông nghĩ lại.

- Đức giám mục Cyprianô nói, Ngài cứ việc thi hành lệnh đã ra, trong một việc công chính như thế, không cần phải bàn tính gì cả.

Vị Tổng Trấn tuyên án tử, Đức Giám Mục liền hô lớn "Ngợi khen Thiên Chúa" và Người thêm: "Lạy Chúa con dâng lời cảm tạ Chúa vì Chúa đã thương đưa linh hồn con ra khỏi cái xác chết này". Anh em giáo dân không chịu bỏ Người, đã la hò: "Xin các ông chặt đầu cả chúng tôi cùng với Người". Nhưng vị chủ chăn đã khuyên nhủ họ, và họ đã vâng phục. Cả cộng đoàn Kitô Giáo đã im lặng theo Người tới nơi xử, một nơi có nhiều cây cối. Vì đám người chen chúc qúa đông nên nhiều người muốn chiêm ngắm vị anh hùng rõ ràng hơn đã phải leo lên ngọn cây. Cyprianô bỏ áo choàng, quỳ gối, và sấp mình cầu nguyện sốt sắng. Lúc viên đao phủ tới, người bảo cho họ 25 đồng vàng. Người tự bịt mắt lấy. Còn một linh mục và một thầy phó tế trói tay cho người, trong lúc tín hữu ném khăn vải xung quanh để thấm máu Người. Thấy viên đao phủ run run, khi phải thi hành phận vụ, vị tử đạo đã khích lệ hắn cử việc..và lưỡi gươm đã chém xuống.

Thánh Luy đệ Gôngzaga được biết chỉ còn sống có tám ngày nữa thôi. "Ôi hạnh phúc quá, người nói, tôi sẽ ra đi". Rồi Người xin mọi người đứng quanh cất cao lời hát bài "Cảm tạ" "Te Deum.

Suarez tuyên bố: Chết là một việc rất dịu dàng, thế mà tôi ngu không biết".

Rodriguez kể lại chuyện một người bị phong. Lúc hấp hối, người bệnh bắt đầu cất tiếng hát: "Giữa con và Chúa có một bức tường: thân xác con; nay bức tường sụp đổ, con hân hoan, con ca hát".

Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux đã thưa với Cha tuyên uý tới giúp chị: "Thưa Cha, chỉ có sống mới cần chịu đựng. Chứ chết, thì sướng cảm thấy". Và còn nữa: "Con không chết, con đi vào cuộc sống".

Ai trong chúng ta sẽ chết trong tình trạng ơn thánh? Tôi chịu không biết, nhưng tôi biết bốn điểm báo cho biết một cái chết lành thánh:

1) Cầu Nguyện: "Ai cầu xin sẽ được giải thoát" (học thuyết các thánh Giáo Phụ).

2) Lòng sùng kính Đức Mẹ Maria; "Một đứa con của Đức Mẹ Maria sẽ không thể chết mất linh hồn được" (Học thuyết các thánh Giáo Phụ).

3) Lòng tôn sùng thánh tâm Chúa: "Ôi dịu dàng được chết sau khi đã liên lỉ tôn sùng thánh tâm Đấng phải xét xử chúng ta" (Thánh Nữ Margarita Maria).

4) Siêng năng rước lễ: "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, sẽ được sống đời đời" (Jn 6:55).

2. Chúng ta sống lại trong Chúa Kitô.

Ngày tận thế, mặt trời sẽ tối lại, mặt trăng sẽ không còn sáng nữa, các tinh tú sẽ từ trên trời rớt xuống và các uy quyền trên trời sẽ lay chuyển. Dưới đất, các quốc gia sẽ lo âu và xáo trộn, trước sóng biển ầm ầm thét. Loài người sẽ chết khô vì kinh hãi lúc chờ đợi việc phải đến.

Lúc đó, trên trời sẽ xuất hiện dấu hiệu của Con Người, và muôn dòng giống trên mặt đất sẽ nhìn thấy Con Người ngự đến trên đám mây với tất cả vẻ uy nghi và quyền oai. Người sẽ sai sai các Thiên Thần thổi loa triệu tật những người được tuyển chọn từ bốn phương, khắp vũ trụ.

Tất cả những người trong hầm mộ sẽ nghe thấy tiếng Con Người. Và họ sẽ chui ra: "Những người làm lành, sống lại trường sinh, những ai làm dữ, sống lại để chịu án phạt". (Jn 5:29).

Chúng ta sẽ sống lại. Tại sao?

Chúa Kitô đã sống lại. Chúa Kitô là đầu, chúng ta là chi thể. Nếu đầu sống lại thì các chi thể cũng sống lại với. Nếu người chết không sống lại, thì Chúa Kitô cũng đã chẳng sống lai. Nhưng Chúa Kitô đã sống lại, người thứ nhất, xuất tự hàng các vong linh (Jn 15:12..).

Liên kết với Adong chúng ta đã bị án phạt chết như Người.

Liên kết với Adong mới, Chúa Kitô, chúng ta ta cũng sẽ sống lại "cũng như nơi Adong mọi người đều phải sống lại" (1 Co 15:12) "Dính kết với ơn thánh, chính thân xác chúng ta là một mầm sống. Là mầm sống thần linh, chúng chỉ xuống trần thế để được biến đổi kỳ diệu. Như những hạt giống rơi luống đất, thân xác những người được tuyển chọn chỉ tan rữa để ít lâu sau mọc lên thành những thân cây đầy nhựa và sức sống" (F. Cuttaz Le juste).

Chúng ta sẽ sống lại. Như thế nào.

Thân xác những người công chính sẽ sáng láng, biến hình như thân xác Chúa Kitô, vị thủ lãnh: "Chúa Giêsu Kitô đã đổi thân xác rất khốn nạn của chúng ta nên đồng dạng với thân xác vinh quang Người" (Phi 1,3,21).

Sự biến hình này như thế nào? Chúng ta chưa biết được. Đa số các nhà thần học đồng ý thân xác người công chính sẽ sáng chói, nhanh nhẹn, tinh tế, không còn chịu khổ nữa.

Sáng chói? Sáng láng, đẹp như mặt trời. Một ánh sáng trong đẹp và dịu dàng không vẩn...và bao trùm thân xác người công chính như thể bộ quần áo trang điểm. Sự cân xứng giữa các chi thể, vẻ kiều diễm của hình thể các vị và sự trinh bạch của các đường nét làm cho các vị thêm xinh đẹp, duyên dáng, mê hồn các thiên thần. Sánh với các thân xác vinh quang này, mọi vẻ đẹp đời này có thấm vào đâu.

Nhanh nhẹn: nhe như làn gió, nhanh như tia chớp, lẹ như tư tưởng. Di chuyển hết sức dễ dàng, chỗ nào cũng được, tùy ý và cùng một trật.

Tinh tế: Không có thứ vật chất vào giữ kéo được. Có đặc tính như ánh sáng, sức nóng điện nhiệt, các thân xác vinh quanh sẽ tuyên thấu khắp nơi. Như thân xác Chúa Kitô xuyên qua ly cửa đóng then gài. Không còn những nhu cầu vật chất, cũng không còn tham dục vị lợi.

Vô cảm thụ nạn: Không thể bị tổn thương, không thể chịu đau khổ hay chết được nữa.

Hình ảnh bi thảm nhất trong Cựu Ước là con người thánh Gióp. Giàu có phú quý. Con cái đông đúc, đạo hạnh. Gia đình êm ấm hạnh phúc. Rồi có một ngày, ra tay trắng, cô đơn. Con cái chết sạch trong một tai biến khủng khiếp. Của cải tiêu tan. Khổ hơn nữa: thân xác ông mắc một bệnh ghê rợn không cho phép ông sống với dân làng và phải bỏ nhà cửa ra ngồi trên đống rác. Vợ đến, bạn hữu tới, chẳng bao lâu trước để than vắn thở dài, sau để tố cáo ông sống bê tha nên bị Thiên Chúa phạt. Sau cùng, ông đã tìm thấy niềm an ủi khi nghĩ tới sự sống lại khỏi bụi tro; tôi sẽ được mặc lại thân xác tôi và tôi sẽ nhìn thấy Thiên Chúa trong xác thịt tôi. Niềm cậy trông này tàng ẩn trong tôi" (Jb 19).

Bạn có sống trong tình trạng ơn thánh không? Hỡi bạn, bạn hãy nghĩ tới sự phục sinh. Thân xác bạn còn trẻ mạnh tràn đầy nhựa sống và sức khỏe? Bạn hãy suy tưởng thay đổi. Thân xác bạn tàn lụi vì khổ đau ư? Nó sẽ không lại khỏe khoắn và sẽ không đau khổ nữa. Thân xác bạn đã kiệt quệ tàn úa, đã kề miệng lỗ rồi sao? Sự sống lại sẽ đem lại cho bạn tuổi niên thiếu. Quan niệm thường cho rằng, chúng ta sống lại vào trạng 33, tròn đầy tuổi Chúa Kitô, cái tuổi thân thể đã thành hình hoàn toàn, và những ai chết trước tuổi này, thân xác họ sẽ được bổ túc đầy đủ.

Bạn có say mê vẻ đẹp của thân xác không? Bạn hãy để tâm suy nghĩ tới vẻ đẹp trần thế mau tàn qua như ánh lập loè, vào khoảng 40 hay có sớm hơn, những khuôn mặt đẹp nhất cũng đã bắt đầu gợn nhăn và phai phạt. Đồng thời, bạn cũng hãy nghĩ rằng bạn có thể sửa soạn cho thân xác một vẻ đẹp không tàn phai. Làm thế nào được? Không ngừng duy trì và tăng phát ơn thánh hóa. Nếu bạn hỏi: Ngày tận thế ai sẽ có thân xác xinh đẹp nhất? Xin trả lời: "Đó là người chết trong ơn thánh, đặt thêm trong thể xác họ một mầm mống vẻ đẹp vĩnh cửu".

CHƯƠNG 13

ĐỒNG THỪA TỰ VỚI CHÚA KITÔ

Thiên đàng vinh phúc.

Sáng ngày 20 tháng 3 năm 1811, từ cung điện Phế Binh (Hôtel des Invalides) đã vang dội 101 phát đại bác, long trọng báo cho toàn dân Paris một tin mừng lớn. Tại dinh Tuileries nước Pháp, một cậu ấm quý tử của Napoléon vừa mở mắt chào đời. Khi cha cậu băng hà, chính cậu sẽ hưởng tước Hoàng đế Pháp quốc. Trong lúc chờ đợi, thiên hạ gọi cậu là Vua thành Roma. Than ôi! Không đầy năm năm sau. Napoléon bại trận tai Waterloo, bị mất tước Hoàng Đế. Rồi 5 năm sau nữa, ông đã bi đát vĩnh biệt cõi trần trên hải đảo Sainte Hélène. Mười một năm sau, vị Vua thành Roma cũng theo chân cha, từ trần tại Áo Quốc, trước khi được thừa hưởng gia tài đế quốc Pháp. Gia tài sản nghiệp trần gian là thế đấy. Hoặc kẻ hứa ban gia tài không thể trao điều mình đã hứa, hoặc thần chết đến ngăn cản không cho ta lãnh nhận hay quyết giữ kho tàng. Nhưng gia tài Thiên Quốc lại khác hẳn. Thiên Chúa đã hứa thì luôn luôn giữ lời đã hứa. Người lãnh nhận thì vĩnh viễn vẫn giữ lấy.

Nếu chết trong tình trạng ơn sủng, chúng ta sẽ lên Thiên Đàng. Tại sao thế? Vì Đức Kitô, vị thủ lãnh chúng ta, đã lên trước. Đầu đã lên, tức nhiên các chi thể cũng lên. Tại sao chúng ta sẽ lên Thiên Đàng? Vì nhờ ơn thánh. Thiên Chúa là Cha chúng ta. Đức Kitô là anh chúng ta. "Nếu chúng ta là con cái Thiên Chúa, đồng thời chúng ta cũng là những kẻ thừa tự, thừa tự của Thiên Chúa và đồng thừa tự với Đức Kitô" (Rm 8:17).

Không ngòi bút nào mô tả được Thiên đàng! Thánh Phaolô chỉ mới khám phá đươc một tia phản chiếu. Người nói gì? "Mắt loài người chưa hề thấy, tai loài người chưa hề nghe, tim loài người chưa hề cảm các điều Thiên Chúa chuẩn bị cho những kẻ kính yêu Ngài" (1 Co 2:9).

Theo Thánh Âu Tinh, Thiên Đàng là nơi tuyệt đối không có điều dữ, nhưng có mọi thứ hạnh phúc vĩnh cửu: Nullum Malum, omne bonum, bonum aeternum.

1) Tuyệt đối không có điều dữ:

Giả thuyết có một người đến tập trung đồng bào trong làng lại rồi bảo "Tôi đã đi vòng quanh thế giới, chạy trên khắp đại dương xa lạ, và cuối cùng, đã phát giác ra một hải đảo tuyệt trần. Nơi đó, loài người không cần phải làm việc để sống. Cũng không còn chuyện nóng lạnh, đói khát, buồn phiền, bệnh hoạn, già nua, chết chóc". Bạn sẽ nghĩa sao" Dĩ nhiên là chàng du lịch đó đang thuật cho bạn nghe một câu chuyện biến ngôn, một chuyện tưởng tượng, một giấc mơ đẹp. Bạn có lý đấy. Vì hải đảo đó làm gì có ở trần gian này, trái đất này là một thung lũng nước mắt. Hải đảo đó hiện hữu ở chỗ trời xanh kia. Thiên đàng đấy. Nơi đó, "Thiên Chúa sẽ lau khô nước mắt họ, chết chóc không còn nữa, cũng không còn tang thương than khóc, với khổ đau" (Ap 21:4). Nơi đó, sẽ không còn dục vọng, cám dỗ, tội lỗi; không còn đau khổ, bệnh tật, chết chóc.

2) Hạnh phúc hoàn toàn.

Trên chốn trời xanh kia, hạnh phúc thiết yếu hệ tại việc được mặt đối mặt nhìn ngắm Thiên Chúa. Chúng ta sẽ không còn nhìn thấy Chúa xuyên qua tạo vật, xuyên qua các ẩn khuất của đức tin nữa, nhưng chúng ta sẽ trực tiếp chiêm ngắm Ngài, chính thánh nhan Ngài, ngay trong bản tính Ngài, trong luồng ánh sáng chan hoà, "Chúa thế nào, chúng ta sẽ được thấy Ngài như vậy" (1 Jn 3:2). Chúng ta sẽ nhìn thấy Chúa toàn dịên mặc dầu không hoàn toàn thấu hiểu Ngài, vì trí óc hữu hạn chúng ta không thể lãnh hội được cái vô cùng. Làm thế nào chúng ta thấy được Thiên Chúa? Không phải bằng ánh sáng trí khôn chúng ta, nhưng bằng một mạc khải đặc biệt mệnh danh là "ánh sáng vinh quang" nâng cao trí tuệ và cho nó khả năng nhìn thấy Thiên Chúa. Nhìn thấy Thiên Chúa sẽ sinh hiệu quả gì? Tình yêu, tình yêu hoàn toàn và vĩnh cửu. Rồi từ tình yêu đó phát sinh gì nữa? Sự chiếm hữu Thiên Chúa, chiếm hữu hoàn toàn và muôn đời.

Trên thiên đàng, ngoài hạnh phúc thiết yếu, còn có hạnh phúc phụ thuộc tức là được chung sống với các thánh và được thỏa mãn mọi ước mong.

a) Chung sống với các thánh:

Tại kinh thành Roma thời cổ, dân gian rất qúy chuộng các nhà ở, nhất là các ngôi nhà chung quanh có những người bạn láng giềng thì dù nghèo nàn đến đâu cũng bán được với giá đắt hơn các ngôi nhà không có láng giềng. Bạn ạ, trên Thiên đàng chỉ có các láng giềng tốt: Đức Mẹ Maria, Mẹ chúng ta, Người đã làm môi giới để dẫn đưa chúng ta vào đó; rồi đến các tông đồ, các thánh tử đạo, hiển tu, trinh nữ, thiên thần bản mệnh, các thiên thần, các kẻ lành, mọi người đều được kết hiệp với Thiên Chúa, mọi người đều hoàn tòan, mọi người đều yêu thương nhau không còn đam mê, giận hờn, ghen ghét, bất công, nhưng chỉ có bác ái và thanh bình.

b) Thỏa mãn mọi khát vọng:

Thỉnh thoảng, bạn mơ giấc mơ huy hoàng; ban đêm, bạn leo lên đến đỉnh danh vọng; bạn tưởng bạn làm chủ một gia tài bao la, hoặc đắm say trong một đại dương lạc thú: còn ngủ, bạn còn thưởng thức một hạnh phúc tinh ròng tươi đẹp. Song, bỗng nhiên giấc mơ kỳ diệu tan vỡ: thức giấc, trở lại nếp sống thường nhật, hơn bao giờ hết, bạn cảm thấy trần gian quả là một vũng châu lệ.

Bạn ạ, hãy dùng trí tưởng tượng tập họp tất cả những gì tốt đẹp: vinh dự, tiền tài lạc thú, bình an, tình yêu: trên thiên đàng đều là những thực tại.

Thiên đàng, chính là tự do: Chúng ta sẽ đi nơi chúng ta muốn, làm điều chúng ta thích, vì chúng ta sẽ không còn phạm tội nữa.

Thiên đàng, chính là vinh dự: chúng ta sẽ ngồi đồng bàn với chính Thiên Chúa.

Thiên Đàng chính là sự lanh lẹ: khiến chúng ta chu du khắp nơi, nhanh như chớp, khỏi phải cố gắng.

Thiên đàng chính là sức mạnh: không còn khó khăn, không còn trở ngại, bất cứ ở đâu.

Thiên đàng, chính là hoà thuận: một đại gia đình, mọi người đều là anh em, dưới đôi mắt khả ái của vị Cha chung.

Thiên đàng, chính là sức khỏe: bệnh tật, chết chóc đều bị khai trừ vĩnh viễn.

Thiên đàng, chính là yên hàn: không còn có trộm cướp, địch thù.

Thiên đàng, chính là vẻ đẹp: khiến chúng ta ngây ngất triền miên. Thiên đàng, chính là sư thông biết: Thiên Chúa thế nào, chúng ta sẽ nhìn thấy như vậy.

Thiên đàng, chính là trường thọ: hạnh phúc hoàn toàn sẽ tồn tại mãi. Không có gì tốt đẹp, không có gì vui thú mà Thiên đàng không cung cấp cho chúng ta, với một bảo đảm hưởng thụ muôn đời.

Vì Thiên đàng, chính là Thiên Chúa, nguồn mạch mọi vinh danh, mọi giàu sang, mọi hạnh phúc. Thiên đàng chính là một "dòng thác khoái lạc" mà Thiên Chúa dùng làm say đắm các linh hồn. (Ps 35:9).

Bạn đã qua đời trong tình trạng ơn sủng. Bạn đã đền bồi tất cả những hình phạt tạm. Giờ đây, bạn có thể tưởng tượng giây phút bạn tiến vào thiên cung. Thiên Thần hộ mệnh nhắc bạn từ quả đất lên tận tầng trời cao, đến những miền quê hương ban ngày được chan hoà ánh quang mặt trời, ban đêm lấp lánh muôn vàn tinh tú:

-Thiên đàng đấy ư? Không phải. Mặt trời đấy, bên ngoài đấy, chứ không phải nội địa Thiên đàng đâu. Thiên đàng còn huy hoàng rực rỡ hơn nhiều. Vượt qua các vũ trụ, các vì tinh tú, Thiên Thần hộ mệnh đưa bạn đến kinh thành cực thánh, tọa lạc trên nền tảng trân châu đá ngọc, với các lâu đài lấp lánh vàng ròng và cung đàn du dương tuyệt hảo, Thiên thần hộ mệnh mở cửa.

-Thiên đàng đấy ư? Không phải. Thiên thần sẽ bảo "bước lên", và thốt nhiên, bạn thấy lại cha bạn, mẹ bạn, anh chị em yêu mến ở trần gian; bạn lao mình vào cánh tay họ, bạn siết họ trên lồng ngực bạn, bạn sẽ ở với họ đến muôn đời:

-Thiên đàng đấy ư? Không phải. "Bước lên"...Và thình lình, bạn ở giữa chư thánh: những em bé qua đời với bi tích Thanh Tẩy trắng ngần, những linh hồn đã phạm tội nhưng nhờ bí tích giải tội tìm thấy lại vẻ trong trắng ngây thơ; những vị hiển tu, những vị tông đồ; những vị tử đạo đã hy sinh máu đào vì Chúa Giêsu Kitô và giờ đây đang nắm trong tay cành lá vinh quang bất diệt; những vị tiến sĩ ngày xưa đã từng dùng giáo thuyết soi sáng thế gian và chói ngời rực rỡ như soi sáng trên nền trời xanh; những vị trinh nữ tinh tuyền đang theo gót Con Chiên đến mọi nơi Người đi và ca hát lên khúc nhạc mà không ai khác hát được: các thánh đó chúc mừng bạn, yêu mến bạn, trở thành bằng hữu của bạn.

-Nhưng Thiên đàng đấy ư? Không phải. "Bước lên!". và bất thần bạn sống giữa các thiên thần, chín phẩm thiên thần, từ đây trở thành bằng hữu của bạn, thân thích của bạn.

-Nhưng, Thiên đàng là đấy chứ? Không phải "Bước lên!"...và, bỗng nhiên, bạn thấy trước mặt bạn một người nữ tuyệt vời, mình bận mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao: Đó là Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương trên trời dưới đất; Người ép bạn vào lòng Người, Người âu yếm nhỏ nhẹ với bạn: "Con ơi!" bạn thưa lại: "Mẹ ơi!".

-Nhưng, Thiên đàng là đấy ư? Không phải. "Bước lên!"...và ...tình cờ, bạn dừng chân trước ngai toà Thiên Chúa, bạn sấp mình xuống, bạn thờ lạy Ngài, và, cũng trong giây phút đó, một luồng sáng đó, bạn nhìn thấy Ngài, mặt đối mặt, Ngài thế nào, bạn thấy y vậy; bạn nhìn thấy Thiên Chúa Ngôi Cha, Thiên Chúa Ngôi Con và Thiên Chúa Ngôi Thánh Linh; bạn nhìn thấy sự uy quyền, sự khôn ngoan, sự tốt lành, sự đẹp đẽ, tất cả mọi sự toàn hảo vô cùng của Thiên Chúa; nhìn thấy Thiên Chúa, bạn yêu mến Ngài, và bạn chiếm hữu Ngài vĩnh viễn:

-Thiên đàng đấy ư? Thưa vâng. Thiên đàng đấy, nhìn ngắm Chúa diện đối diện.

3) Hạnh phúc vĩnh cửu.

Ở dương gian có gì bền vững đâu? Hôm nay bạn trẻ trung, bạn khỏe mạnh, nhưng ngày mai? Ngày mai sẽ là độ đứng tuổi, rồi già nua, rồi chết. Hôm nay, bạn tham dự một buổi lễ tưng bừng. Nhưng ngày mai? Ngày mai, nếp sống bình thường sẽ trở lại với làm việc, với lo lắng, với khổ đau.

Trên chốn trời cao kia, hạnh phúc sẽ không bao giờ cùng tận. Năm tháng hạnh phúc sẽ kéo dài "dồi dào, phong phú" như lá trên rừng, như giọt nước trong lòng đại dương, như hạt bụi trong bầu không khí. Hạnh phúc sẽ còn mãi triền miên, bất tận.

Giả thiết cứ nghìn năm có một vị thánh đến nhỏ một giọt nước trên quả địa cầu. Khi các giọt nước đó, như một trận đại hồng thủy mới, sẽ tràn lan ngập lụt quả đất, sẽ có gĩ xẩy ra? Cái gì ư? Lúc đó cái đời đời cũng chỉ mới khởi đầu. Giả thiết cứ một trăm ngàn năm có một con chim đến chạm cánh vào quả đất và triệu triệu tinh tú đang quay trên bầu trời, cái gì lại xẩy ra? Cái gì ư? Lúc đó cái đời đời cũng chưa tiến được một bước. Thụ hưởng triền miên, thụ hưởng không ngừng: Thiên đàng là thế đấy!

Vào năm 160, dưới thời bắt đạo của Hòang đế Marc Aurèle, Valérien chồng của thánh nữ Cecilia và em là Tiburce, bị nhốt ngục vì đức tin. Viên sĩ quan Maxime, được lệnh dẫn các ông ra phát trường. Mở cửu ngục thất, ông thấy họ quỳ gối dưới đất, mắt ngước lên trời, gương mặt bình tĩnh lạ thường. Tuổi thanh xuân, gia đình sang trọng, vẻ ngây thơ trong trắng và tinh thần nhẫn nhục chịu đựng nơi các tử tội đã khiến người quân nhân xúc động đến rơi lệ.

- Họ hỏi viên sĩ quan:"Tại sao ông khóc?".

- "Tôi khóc vì thấy các bạn trẻ trung, giàu sang, quý phái lại sắp phải chết".

- "Ông Maxim ạ, đừng tưởng lầm nữa. Chúng tôi là người Công Giáo, và một khi từ giã cõi trần này, người Công Giáo chúng tôi chuyển sang một cuộc sống tươi đẹp hơn, một cuộc sống không còn bóng dáng tử thần nữa.

- "A! nếu đúng như lời các bạn nói!"

- "Nếu ông hứa sẽ giữ vững miền tin Công Giáo, thì nếu giờ chúng tôi chết, ông sẽ nhìn thấy sự thật tận mắt".

Maxime hứa. Và khi nhát dao người đao phủ chặt đầu các vị tuẫn giáo vừa đứa, ông đã thấy linh hồn họ sáng ngời. Sau đó không lâu, chính Maxime cũng đã hái lấy triều thiên chiến thắng.

Như ba vị tử đạo trên đây, chúng ta hãy khao khát Thiên đàng, lòng khát vọng đó tách chúng ta rời khỏi thế gian. Niềm ao ước đó sẽ khiến chúng ta đồng thanh với thánh Inhaxiô: "Ôi! Khi tôi nhìn lên trời, tôi thấy quả đất trống trải biết bao!" Lòng mong muốn đó sẽ yên ủi chúng ta trong những cơn buồn phiều đau khổ. Chúng ta sẽ nói với thánh Phanxicô Assisiô: "Hạnh phúc tôi đang mong đợi to lớn đến nỗi mọi ưu phiền đều trở thành lạc thú cho tôi". Chúng tôi sẽ cao rao với thánh Phaolô: "Đau khổ ở trần thế này đều vô nghĩa sánh với vinh hiển đang chờ chúng ta trên thiên đàng". (2 Co 4:17).

4) Thiên đàng ơn sủng:

Thiên đàng là gì? Là sự nẩy nở của ơn sủng. Hạt dẻ nhỏ trở thành cây sồi to lớn. Cũng thế. Ơn thánh sủng ở trần gian này biến thành vinh hiển trên trời cao. Thánh sự Tôma đã viết: "Ơn sủng và vinh hiển đều đồng một giống". Vinh quang thiên đàng chỉ là sự phát triển của Ơn thánh trần gian. Nhiều người Công giáo, cả những kẻ sống trong tinh thần ơn sủng, ít khi nghĩ đến chân lý đó. Giữa vinh quang và ơn sủng, không có sự khác biệt thuộc yếu tính. Kẻ nào chiếm hữu được hạt dẻ thì cũng chiếm hữu được cây sồi: Người nào có ơn thánh sủng, cũng có được nước trời, tức là Thiên Chúa. Dĩ nhiên, trong cách chiếm hữu có vài ba sự khác biệt phụ thuộc. Ở trần gian, kẻ đang nắm hạt dẻ trong tay, ngày mai sẽ được cây sồi, hạt dẻ chưa phải là cây sồi, nhưng sẽ trở nên cây sồi. Trần gian là đóa hoa hé nụ. Thiên đàng là đóa hoa nở tươi. Trần gian là bình minh, Thiên đàng là chính ngọ. Trần gian là bóng tối, Thiên đàng là ánh sáng. Trần gian là khiếm khuyết, Thiên đàng là sung mãn. Trần gian là chiến đấu, Thiên đàng là chiến thắng. Trần gian là tương lại mù mịt, Thiên đàng là tương lai bảo đảm.

Trừ những điểm dị biệt trên đây, ơn thánh và vinh quang đều giống nhau. Cả hai đều có chung một kho tàng: là Thiên Chúa, cả hai đều có một đời sống duy nhất: là Thiên Chúa. Bạn đang sống trong tình trạng Ơn thánh ư? Bạn đang chiếm hữu Thiên đàng ở trần gian đó, vì Thiên đàng chính là Thiên Chúa, và Thiên Chúa đang ngự trong linh hồn bạn. Bạn hãy để tư tưởng về Thiên Đàng tương lai khích lệ bạn; nhưng đồng thời, bạn cũng hãy tự an ủi nhờ ý nghĩ về Thiên đàng hiện tại.

Ngày thánh Bênađô và ba em phải thực hiện lời khấn dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì đã đến. Khi thấy Vivard đứa em út đùa giỡn với mấy cậu bé ở ngoài đường, người anh cả lên tiếng bảo:

- "Ê Nivard, các anh đi nhé. Các anh nhường lại cho em đất đai sản nghiệp đấy".

Cậu Nivard trả lời:

- "Chia như vậy đâu có công bằng. Các anh giữ lấy Thiên đàng, còn quả đất thì để lại cho em!"

Ít lâu sau, cậu cũng theo gương các anh. Bé Nivard có nghĩ rằng dầu sống giữa thế gian, nếu có ơn thánh sủng, thì cậu đã thực sự mang Thiên đàng trong mình rồi không? Các người Công giáo đang sống trong tình trạng ơn sủng có nghĩ đến điều đó không?


CHƯƠNG 15

ĐỂ BẢO TỒN ƠN THÁNH SỦNG

Ngày bạn chịu phép Rửa Tội, linh mục đã choàng lên mình bạn tấm khăn mầu trắng, tượng trưng sự trong trắng vô tội. Ngài đọc: "Hãy nhận chiếc áo trắng này và hãy giữ nó vô tì vết để mặc trước Tòa Chúa Giêsu Kitô". Như thế vị thừa tác viên của Thiên Chúa đã nhắn nhủ chúng ta gìn giữ lấy vẻ tinh tuyền trong trắng khi chịu phép rửa tội, bảo tồn ơn thánh ấy mãi.

Làm thế nào để bảo tồn ơn thánh, tránh xa tội trọng? Sau đây là các phương pháp tu đức chính yếu để tránh tội:

1- Tưởng nhớ đến cứu cánh sau cùng của đời người,

2- Tránh dịp tội gần,

3- Hãm mình,

4- Đừng ở nhàn rỗi,

5- Cầu nguyện,

6- Năng lãnh các Bí tích,

7- Tôn sùng Mẹ Maria,

8- Chống trả các cám dỗ.

1. Nhớ đến cứu cánh đời người.

Bạn chỉ chết một lần thôi. Bạn có thể chết ngay khi phạm tội trọng đầu tiên. Tội trọng bạn sắp phạm đây, biết đâu chẳng là tội trọng cuối cùng trong đời bạn. Nếu thật như vậy, thì than ôi! Vì một thú vui chóng tàn, bạn đã chịu thua lỗ biết bao, bạn sẽ phải đau khổ và đời đời kiếp kiếp! "Hãy tưởng nhớ đến các cứu cánh và bạn sẽ không bao giờ phạm tội" (Eccl 7:40).

2. Tránh dịp tội gần.

Dịp gần là bất cứ trường hợp ngoại giới nào (người, vật, nơi, chốn, thú tiêu khiển) thường đưa đến chỗ sa ngã vào tội trọng.

Bạn hãy cẩn thận. Tục ngữ có câu: "Đừng chơi với lửa" hoặc: "chơi dao có ngày đứt tay". Sống trong dịp tội cũng nguy hiểm không kém.

Sức mạnh chúng ta chỉ như rơm rác. Nếu để gần lửa sẽ bốc cháy và tiêu tan tức khắc. Lửa chính là dịp tội. Rơm rác chính là linh hồn chúng ta đó.

Thánh Bernađinô thành Sienne quả quyết rằng sống trong dịp tội mà không sa ngã là một phép lạ vĩ đại hơn phép lạ khiến kẻ chết sống lại. Mà Thiên Chúa không thực hiện phép lạ đó.

Bạn hãy nghe thánh Phanxicô Assisiô: "Tôi biết tôi phải làm gì, nhưng tôi không biết tôi sẽ là gì nếu tôi bị đặt giữa những dịp tội".

Chính Chúa Thánh Linh cũng quả quyết: "Kẻ thích nguy hiểm sẽ chết vì nguy hiểm" (Eccl 3:27).

Kinh nghiệm minh chứng rằng, dịp tội vật ngã linh hồn trong nháy mắt. Trước kia, cường tráng là thế, mà bồng chốc, linh hồn trở nên yếu đuối lạ thường. Cứ giở lại trang lịch sử tôn giáo sẽ thấy rõ. Vì đâu mà David phạm tội, Samson bị bắt, Solomon sa ngã, Phêrô chối thầy? Chỉ vì dịp tội.

Hồi Giáo Hội sơ khai, có một vị tử đạo, sau khi bị đánh đòn, đã bị nhốt vào một ngục thất khủng khiếp. Một mệnh phụ La Mã bèn xin một ân huệ lớn lao để được phép vào băng bó vết thương cho ông. Dịp gần, Satan đấy. Núp dưới áo một thiếu phụ. Vị tử đạo đã không có can đảm chối từ. Ông đã thất trận, rồi chối đạo.

Đâu là dịp gần thúc đẩy ta phạm tội:

a) Đọc sách xấu, những sách nghịch với Đức tin hoặc đồi phong bại tục. Sách tốt là một người bạn khôn ngoan, những sách xấu lại là một kẻ thù ác độc. "Khi nhì xuống tận đáy lương tâm, không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận rằng mình sẽ không hoàn toàn giống như bây giờ, nếu trước kia đã không đọc sách nọ hay sách kia" (Paul Bourget). Proal trong tác phẩm "Tội ác và tự tử (Crimes et suicides) đã viết câu đanh thép này "Sách vở là ân nhân vĩ đại đồng thời cũng là kẻ thù hiểm độc nhất của nhân loại".

b) Các hình ảnh, họa phẩm, tượng ảnh không xứng đáng, đó cũng là một trong những hiểm họa thường xuyên.

c) Bạn bè trắc nết hoặc nhẹ dạ, nhẹ tính. Bạn hãy thử đặt trái cây ngon lành bên cạnh những quả thối, trái tốt sẽ hư. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Gần thợ xay bột ra sẽ trắng, gần người đốt than mặt ta sẽ lem. Ở chung với Người dịch tả, ta cũng sẽ lây dịch tả. Bạn hãy cho tôi biết bạn năng lui tới với ai, tôi sẽ nói cho bạn biết, bạn là người thế nào. Ta trở nên giống người ta năng lui tới.

d) Thân mật với người khác phái. Thánh Gioan Kim Ngôn nói một câu chí lý: "Đất và mưa là những vật rất tốt, nhưng nếu trộn lẫn chúng sẽ hóa thành bùn". Đàn ông đàn bà là rơm với rác, khi lửa gần rơm tất cả sẽ gây hỏa hoạn tàn phá.

Bạn sẽ nói: "Việc gì, người đấy đạo đức lắm". Nhưng bạn ơi, cây nến thánh cũng dễ bắt lửa như cây nến không làm phép. Nhân đức và sự thánh thiên không bảo đảm sẽ giữ chúng ta tránh được mọi nguy hiểm.

e) Các loại thú trần tục. Trước tiên, chúng là mồ chôn lòng đạo hạnh, rồi đến Đức Trinh Khiết, rồi đến sự trong trắng vô tội và cuối cùng là phần rỗi đời đời.

Vậy đâu là đường lối phải theo? Phải tuyệt đối xa tránh mọi dịp gần và cố ý, những dịp thường dẫn bạn đến tội trọng và những dịp bạn thường tự ý lao vào. Chúa Giêsu cũng đã nói đến chính những dịp đó "Nếu con mắt ngươi sinh dịp cho ngươi phạm tội, hãy móc nó mà ném đi..." (Mt 18:9) lao đầu vào dịp tội tức là đã mắc tội rồi đó.

3. Hãm mình.

Phải hãm dẹp ngũ quan thân xác và cơ năng linh hồn.

1) Hãy hãm dẹp con mắt. "Các cơ quan khác là cửa sổ của linh hồn, nhưng con mắt là cửa chính dẫn vào linh hồn (Thánh Âu Tinh). Không ai cấm ta nhìn thấy, nhưng cấm ta nhìn ngắm, chiêm ngưỡng những dịp nguy hiểm. Hỡi các bạn thanh niên, xin các bạn hãy nhìn các thiếu nữ như những người chị ruột của các bạn, hãy nhìn các thiếu phụ như những người mẹ của các bạn.

2) Hãy hãm dẹp vị giác. Tránh mọi thái qúa trong việc ăn uống. Thánh Giêrônimô tuyên bố: "Tôi sẽ không thể coi người say rượu như một kẻ trong sạch".

3) Hãy hãm dẹp xúc giác. Thân thể bạn là một bình thánh, chỉ được chạm tới với lòng kính cẩn.

4) Hãy hãm dẹp trí óc. Hãy coi chừng mọi ý nghĩ, mọi tưởng tượng, mọi kỷ niệm có thể mở cửa cho kẻ địch bước vào. Hãy đẩy lui chúng ngay tức khắc.

5) Hãy hãm con tim. Trong các tình quyến luyến quá rung cảm, dầu là những mối tình siêu nhiên. Chúng "Khởi đầu bằng tinh thần, nhưng kết liễu bằng xác thịt" (Ga, 3:3). Nếu quả tim đã trót bị lôi cuốn ít khi nó sẽ dừng bước trên các dốc đưa xuống hố tội lỗi.

4. Đừng ở nhàn rỗi.

Dòng nước chảy thường trong veo, tinh khiết, nước ao tù thường ngầu đục và đầy chất hôi thối. Người lười biếng là một vũng đọng, cặp mắt hắn đầy đối tượng nguy hiểm, trí khôn hắn đầy tư tưởng xấu xa, quả tim hắn đầy những dục vọng bỉ ổi. Nhàn rỗi là căn nguyên mọi nết xấu và là chiếc gối tựa đầu cho ma quỉ. Trong lúc một con quỉ tấn công người hăng say làm việc, thì có những mười con hành hạ người biếng nhác.

5. Cầu nguyện.

Nếu cầu nguyện nên, bạn sẽ chắc chắn tránh được tội trọng: "Ai xin sẽ được" (Mt 7:7). Trong kinh lạy Cha, bạn đọc: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi dự dữ". Nếu bạn hết lòng khẩn khoản nài xin, Thiên Chúa sẽ không để cho bạn xúc phạm đến Ngài cách nặng nề đâu.

6. Năng lãnh các Bí tích.

Việc xưng tội mang đến cho bạn những hiện sủng đặc biệt để đền bù tội lỗi và không còn sa ngã. Bạn lại được nghe những lời cha giải tội khuyên nhủ, đấng được Thiên Chúa đặc biệt soi sáng để chỉ dẫn bạn các phương thế tránh tội. Sau hết, nguyên tính tự nhiên ngại sợ cáo các tội của mình thường cũng đã là một phương hiệu nghiệm để trị tội.

Việc rước lễ trao cho bạn những ơn đặc biệt để giảm bớt dục vọng, chống trả chước cám dỗ, tránh xa tội lỗi. "Này là bánh bởi trời, ai ăn sẽ không còn chết" (Jn 6:50) vì tội trọng nữa. Vào thời Thánh Âu Tinh, Giáo Hội gọi bí tích Thánh Thể là sự sống. Thay vì nói như chúng ta: "Bạn đã rước lễ chưa? Giáo dân thời đó: "Bạn đã lãnh nhận sự sống chưa". Câu hỏi thâm thúy thật. Không rước lễ, chúng ta không sống thật, nhưng chỉ là vất vưởng, thường là chết.

Năng xưng tội và rước lễ, đó là linh dược chống trả tội trọng. Bạn biếng trễ xưng tội, chịu lễ ư? Đáng sợ đấy!

7. Tôn sùng Mẹ Maria.

Mẹ Maria hằng để tâm đặc biệt lo lắng cho những tôi tá sốt sắng tôn sùng Người, và đến giờ lâm chung, Người tỉnh thức săn sóc họ. Thánh Anselmô bảo: "Kẻ thực lòng tôn sùng Mẹ Maria không thể hư mất được". Thánh Bernadô tuyên bố: "Theo gót Mẹ Maria, bạn không thể lạc đàng, cầu nguyện Mẹ Maria, bạn không thể thất vọng, tưởng nghĩ đến Mẹ Maria, bạn không thể sai lầm. Bao lâu Mẹ Maria còn nâng đỡ bạn, bạn sẽ không sa ngã, bao lâu Mẹ Maria còn bênh vực bạn, bạn sẽ không sợ gì, bao lâu Mẹ Maria còn bảo vệ bạn, bạn sẽ không hư đốn! Muốn Mẹ Maria bảo tồn ơn thánh sủng của bạn, bạn hãy thường xuyên van nài Mẹ, và hằng ngày, sáng tối, bạn hãy đọc ba kinh Kính mừng, với lời than thở: "Lạy Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội, xin cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Mẹ".

8. Chống trả các cám dỗ.

1) Cám dỗ không phải là tội. Cám dỗ là thúc đẩy đến việc xấu, tội là khi nào đồng ý làm việc xấu ấy. Cám dỗ không phải là tội. Hỡi các linh hồn nhát đảm, bối rối, các bạn đã hiểu chưa? Các bạn bảo: "Tôi có những tư tưởng xấu, những ấn tượng, những tưởng tượng, những hình ảnh, những ước muốn, những cảm giác kinh tởm. Các chước cám dỗ đó tấn công tôi ngày đêm, theo sát tôi khắp chốn, cả trong nhà thờ, cả ngay nơi bàn chịu lễ".

- Nhưng, này, các bạn đã đồng ý chưa. Đồng ý một cách chắc chắn hoàn toàn chưa?

- Vậy, đó là những chước cám dỗ, chưa phải là tội đâu. Bạn có chống trả không đấy?

- Có chứ, tôi đã cầu nguyện.

- Như vậy, chẳng tội tình gì, mà trái lại còn có công trạng là đàng khác. Cùng như đem bùm ném vào tia sáng mặt trời, chúng ta sẽ không làm cho chúng hóa nên mờ nhạt, các cơn cám dỗ, dầu kinh tởm đến đâu, cũng không thể làm nhơ bẩn linh hồn, nếu linh hồn không đồng ý chấp nhận chúng".

Cám dỗ không phải là tội. Nếu không, Chúa Giêsu Kitô chắc chắn đã không bị cám dỗ và đã giữ gìn cho các thánh khỏi bị cám dỗ. Đàng khác, đó còn là một điều xấu, nếu có linh hồn không bị cám dỗ. Người thợ săn bắn con vật còn nhanh chân chạy ngoài đồng, chứ không bắn con vật mình đã giết.

Cơn cám dỗ có nhiều lợi ích rất quý hóa. Chúng đền tội chúng ta. Chúng tăng thêm công nghiệp cho chúng ta. Chúng củng cố các nhân đức chúng ta, tựa như gió làm cho rễ cây cối thêm cứng cát. Chúng khiến chúng ta cảm thấy mình yếu đuối, và do đó, biến chúng ta nên khiêm nhượng, thủ tâm, thận trọng và khoan dung với tha nhân.

2) Muốn thắng cám dỗ phải làm gì Chúa Kitô phán: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện".

Hãy tỉnh thức bằng công việc giúp tư tưởng chúng ta xoay chiều. Tỉnh thức bằng cách xa tránh những dịp tội. Nhất là khi phải chước cám dỗ, về đức trong sạch, thì càng khẩn thiết "36 kế thì chạy trốn là hay nhất - tam thập lục kế, đào tẩu vi thượng sách" Thánh Philipphê Nêri nói: "Trong các cơn cám dỗ loại này, chỉ có những kẻ nhát gan mới thắng trận". Tỉnh thức bằng cách bày tỏ cơn cám dỗ với cha giải tội. Các giáo phụ thường nhắn nhủ: "Tố giác cơn cám dỗ, tức là đã thắng cơn cám dỗ được một nửa".

Hãy cầu nguyện ngay từ giây phút đầu. Đừng chểnh mảng chậm chạp: Một tàn lửa có thể gây nên một trận hỏa hoạn khổng lồ. Hãy dập tắt cơn cám dỗ ngay tức khắc. Xua đuổi ngay tư tưởng đầu tiên còn dễ dàng hơn là loại bỏ hậu quả các tư tưởng đó. Đừng gieo hạt dẻ còn dễ dàng hơn là phải đánh gốc cây sồi. Kẻ thù địch chỉ xin bạn chú ý một giây, hắn thỏ thẻ với bạn như thế này: này, tôi chỉ có một lời muốn nói với bạn. Nhưng tiếng đó sẽ là tàn lửa trong đống rơm, có lẽ trong kho thuốc súng nữa đấy. Cẩn thận! "CẨN THẬN, Bạn hãy tỏ ra bất trị đối với hắn ngay từ đầu.

Không cần phải đọc kinh đặc biệt. Nhiều người chỉ kêu: "Giêsu, Maria, Giuse". Lời khẩn khoản tuyệt diệu: khi bạn kêu ba tên cực trọng đó, ma quỉ buông rơi khí giới đầu hàng. Song còn có một kinh hiệu nghiệm hơn và đáng công hơn, ít ai biết tới, ít người áp dụng. Đó là Kinh kính mến (acte de charité). Bạn hãy nói: "Lạy Chúa, con yêu mến Chúa". Chỉ bấy nhiêu thôi. Bạn hãy lập lại câu đó ngoài miệng, hay chỉ trong lòng, bao lâu cơn cám dỗ còn kéo dài. Bạn hãy đọc Kinh đó bình tĩnh, trong khi tiếp tục công việc. Kinh hiệu nghiệm, sẽ làm cho ma quỉ điên tiết, vì ma quỉ thù ghét Thiên Chúa, nên không ghét gì giá trị bằng một "hành vi yêu mến Chúa". Đọc kinh đó, có thể, trong thời gian nắn, giải thóat bạn khỏi mọi cơn cám dỗ". (P. Petit).

Đức Cha Gronard, đại diện Tông Tòa ở Athabaska, Gia nã đại, có kể câu truyện ngộ nghĩnh sau đây:

"Có một lần. Tôi tới giảng trong một Thánh đường ở Lowel. Sau bài giảng, một người trai trẻ bồng con trên tay với vợ đi theo đến gặp tôi".

- Thưa Đức Cha, anh nói một cách khiêm tối, con muốn tặng Đức Cha một vật nhỏ và muốn xin Đức Cha ban lại cho một ơn huệ.

Nói xong anh tháo chiếc đồng hồ đang đeo trao cho tôi, còn vợ anh đưa cho tôi một tờ giấy năm đồng. Tôi rất xúc động còn tăng gấp bội khi tai tôi nghe người thanh niên nói tiếp:

Thưa Đức Cha, con xin Đức Cha năng cầu nguyện nhiều cho con của chúng con, để nó sống mà không phạm tội trọng.

Vợ anh cũng nói phụ vào để chắc được tôi cầu nguyện cho, xin Chúa ban ơn duy nhất cho đứa bé.

Tâm tình họ đáng phục biết bao: Chúng ta hãy quí mến ơn thánh. Chúng ta hãy thận trọng bảo tồn ơn thánh.





+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối", "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng con được vững lòng tin Chúa hơn.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng