Việc xin lễ và Bổng Lễ


Vì phải có một cái tên để xưng hô cho việc chia sẻ được dễ dàng, nên tôi tạm gọi người viết thư này là Chị Đông, Nguyễn Thị Phía Đông chẳng hạn, vì theo địa chỉ, chị gửi thư cho tôi từ phía Đông của thành phố Melbourne.

Chị đang đọc phần tôi viết giải đáp cho thắc mắc của chị, thường thường trước phần giải đáp, thì phải có phần thắc mắc, nhưng trong hoàn cảnh của chị ở đây, sở dĩ tôi không viết lại phần thắc mắc của chị vì tôi thấy thư chị viết có nhiều đụng chạm cụ thể quá.

Có ba phần được coi như câu hỏi trong thư của chị:

Phần thứ nhất, chị muốn tôi giải đáp về vấn đề bổng lễ. Bộ Giáo luật hiện hành đã dành ra tất cả là 14 điều từ điều 945 đến điều 958 để đề cập đến vấn đề bổng lễ.

Bổng lễ tức là số tiền một người nào đó trao cho linh mục ngỏ ý xin dâng lễ cầu nguyện theo ý mình. Bổng lễ được ấn định do Công đồng Giáo tỉnh hay Hội đồng Giám Mục Giáo tỉnh (trong địa hạt của một tiểu bang tính theo địa lý của nước Úc)

Như thế, Bộ Giáo luật không qui định về bổng lễ là bao nhiêu, nhưng các Giám Mục tại một Giáo Tỉnh làm công việc này. Tại Melbourne, thuộc Giáo Tỉnh Victoria (gồm các Giáo Phận Melbourne, Sale, Ballarat, Sandhurst) trước ngày 6/3/1990 qui định một bổng lễ là $5.00 (năm đô la Úc). Một sắc lệnh được ký ngày 6/3/1990 và có hiệu lực từ ngày ký qui định cho một bổng lễ là $10.00 (mười đô la Úc). Như thế, tại Melbourne, khi xin một Thánh lễ cầu theo ý của riêng mình, nếu có thể, chúng ta trao cho linh mục 10 đô la. Nếu một người không có tiền mà muốn xin dâng lễ theo ý chỉ, người ấy có thể trình bày với một vị Linh mục. Giáo luật điều 945,2 kêu mời các Linh mục trong hoàn cảnh này chấp nhận dâng lễ mà không cần bổng lễ.

Mặc dù không một linh mục nào được phép tự ấn định về các bổng lễ, nhưng các linh mục có quyền nhận hay không nhận bổng lễ, tùy theo cá nhân của các Linh mục ấy và tùy theo hoàn cảnh. Tuy nhiên, không nên đặt ra các luật lệ riêng (về việc nhận hay không nhận bổng lễ) sợ rằng sẽ gây nên những hoàn cảnh khó xử cho các Linh mục khác.

Phần thứ hai, chị đề cập đến việc xử dụng âm thanh trong nhà thờ: Các dụng cụ khuyếch đại âm thanh (như micro và âm-ly) là những phương tiện giúp cho việc loan truyền Lời Chúa hay rao giảng những giáo huấn của Giáo hội cũng như các nhắn nhủ về luân lý, tín lý khác dễ dàng đến được với mọi người hiện diện trong thánh đường rộng lớn. Vì là một phương tiện cho nên chúng ta có thể sử dụng trong các hoàn cảnh cần thiết xét theo nhu cầu.

Phần thứ ba chị đề cập về việc thay đổi, thuyên chuyển nhiệm sở của các Linh mục làm việc tại các giáo xứ hay các cơ sở tôn giáo. Việc này hoàn toàn tùy thuộc vào nhu cầu của địa phương và sự thuận lợi của việc sắp xếp nhân sự, không dễ dàng như chị nghĩ và đề nghị. Ở đâu và trong vai trò nào thì các Linh mục cũng vẫn làm việc giống nhau: phục vụ mọi giáo dân thuộc quyền trong trách nhiệm mục tử thay thế cho Đức Giám mục Giáo phận. Các tín hữu thuộc quyền nên hết lòng nâng đỡ, hỗ trợ, cầu nguyện cho các mục tử của mình để các ngài chu toàn bổn phận và trách nhiệm đã được trao phó. Các Linh mục xét về một phương diện thì cũng là người mà thôi, cũng có những ưu điểm và khiếm khuyết cần phát triển và tập luyện.

Vài hàng vắn tắt chia sẻ với chị như thế. Xin Chúa chúc lành cho chị. Thân mến.


Linh mục Bùi Đức Tiến

+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối", "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng con được vững lòng tin Chúa hơn.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng