Tội Trọng, tội nhẹ - Linh mục Bùi Đức Tiến

Trọng kính thưa Cha,

Trước hết con xin thưa với Cha là: Con là người không mấy đạo đức, hoặc được gọi là con chiên lành của Chúa. Bởi vì con rất ít đi xưng tội và rước lễ thường xuyên. Mặc dù con luôn giữ các giới răn, ngoại trừ một vài tội rất dễ sai phạm và cũng rất phổ thông trong xã hội ngày nay.

Trước đây, hồi còn ở Việt Nam con đã được học kỹ về mười giới răn của Chúa, sáu điều răn Hội thánh và các phép Bí tích. Tuy nhiên, vì thời gian đã lâu, nên “chữ thày trả lại cho thày” hết rồi, dầu vậy con cũng còn biết và nhớ được đôi chút những điều đã học trước đây. Thêm vào đó con thuộc loại người khá nguyên tắc. Do đó, một khi biết mình đã phạm tội trọng nào đó, con nhất quyết không lên chịu Mình Thánh Chúa, nếu chưa xưng tội. Vì con biết nếu mắc tội trọng mà cứ lên chịu lễ là mỗi lần lại thêm một tội trọng là phạm sự thánh.

Chính vì sự quên hay không rõ đó, nay con có một số thắc mắc mong cha giải đáp cho để yên tâm cho chính con hoặc có thể cho những người khác chăng!

Sau đây là những thắc mắc của con:

1. Theo luật cũ trước đây (nếu con nhớ lầm hoặc quên) thì tội tự tử cũng là tội bị vạ tuyệt thông phải không cha? Nếu theo luật mới, tội này có bị vạ không? Và theo như trong hai cuốn sách của cha đã ghi có bảy tội bị vạ tuyệt thông mà thôi (không có tội tự tử)

2. Về việc cho vay ăn lãi, hay cầm đồ ăn lãi có tội hay không? Nếu có thì là tội trọng hay là tội nhẹ? Nếu phân lãi có ấn định, thì bao nhiêu được phép? Thí dụ ngân hàng hay các công ty tài chánh cho vay lấy lãi đó có tội không? Nếu có thì những người liên hệ như có cổ phần trong đó có bị tội không?

3. Về việc ngừa thai trái luật Giáo hội như: uống thuốc ngừa thai, dùng bao cao su, thắt buồng trứng, cột ống dẫn tinh...) là tội trọng hay tội nhẹ?

4. Gian dối trong việc khai man để lãnh trợ cấp xã hội của chính phủ. Theo như cha đã đề cập trong hai cuốn sách “Thắc mắc và Giải Đáp Giáo Luật” của cha đã xuất bản, là tội lỗi đức công bằng và lỗi đức bác ái, vậy đó là tội trọng hay tội nhẹ?

Theo như sự yên trí của con, tất cả những tội trên đều là tội trọng phải không cha?

Phần con, hai cái tội thường phạm nhất là hai cái tội “thời đại” và rất phổ thông là hai tội “kế hoạch hóa sanh sản” và “man khai để lãnh trợ cấp”. Thật vậy, nhiều khi mới xưng tội về được một hay hai ngày sau là tái phạm rồi, thì làm sao con có thể lên rước lễ thường xuyên được? Chẳng lẽ cứ một hay hai ngày lại đi xưng tội hay sao! Và nếu sau khi xưng tội xong thì phải dốc lòng chừa bỏ tội đã phạm chứ! Do đó con ít đi xưng tội và rước lễ là vì thế. Rồi suy bụng ta ra bụng người, con thấy nhiều người trẻ tuổi, hoặc ngang tuổi, đã có gia đình như con, mà họ lên rước lễ mỗi ngày, con đâm ra thắc mắc, không biết họ có giống mình không? Họ tiết dục bằng cách nào? v. v... Họ có khai man để lãnh trợ cấp? Nghĩ lại con càng cảm phục họ hơn và càng cảm thấy mình tội lỗi quá!!!

Tuy nhiên con được nghe nhiều người nói “điều đó không có tội” hoặc “Chúa thông cảm mà”. Vì nếu Chúa chấp tội thì hỏi mấy ai có thể rước lễ thường xuyên được? Họa may chỉ có mấy ông bà cụ già mà thôi!

Đó là những điều nghi vấn và thắc mắc của con, mong cha giải đáp giúp con. Con cảm tạ cha thật nhiều và nguyện chúc cho Cha luôn được vạn an và dư tràn ơn Thánh Chúa.

Kính thư, Joseph Nguyễn

Ðáp:

Kính anh Joseph Nguyễn,

“Chữ thày trả lại cho thày” trong hoàn cảnh của anh không được đúng lắm đâu anh Joseph ơi! Anh đã chỉ trả lại chữ cho thày sau khi anh “học kỹ” và thuộc nằm lòng tất cả, chả vậy mà bây giờ anh mới viết lá thư này cho tôi. Ðọc đến phần anh viết: anh thuộc loại người khá nguyên tắc..., tôi thấy hình như anh chỉ nguyên tắc cái phần nào anh cho là nguyên tắc thôi, còn những cái khác, anh không cho là nguyên tắc chì anh cho nó qua cầu gió bay...

Tôi đi thẳng vào những vấn đề anh nêu lên:

1. Tội tự tử: Giáo lý dạy rằng người bị Vạ tuyệt thông khi chết sẽ mất phần rỗi cho nên Giáo hội chỉ áp đặt Vạ như như một biện pháp chế tài nặng, ép buộc người bị Vạ phải quay trở lại để được rỗi. Chính vì thế, Vạ chỉ áp đặt trên những người sống để họ còn cơ hội thống hối trở về. Nếu áp đặt trên những người tự tử thì họ chết rồi, không còn cơ hội ăn năn thống hối nữa và như vậy họ chắc chắn mất phần rỗi. Giáo luật được đặt ra để cứu rỗi các linh hồn (salus animarum), tạo cơ hội và đôi khi chế tài để họ được rỗi chứ không phải đặt ra để đẩy người ta xuống địa ngục. Bộ Giáo luật cũ nơi điều 2350,2 qui định “Những người tự tử không được hưởng nghi lễ an táng trong thánh đường hay nghi lễ An táng theo luật và không được chôn trong Ðất Thánh”. Bộ Giáo luật hiện hành ban hành năm 1983 đã bỏ đi khoản này, lý do vì trong thiên niên kỷ 20, khoa tâm lý học phát triển cho thấy, những người tự hủy hoại thân thể hay tự tử phần lớn là do bệnh tâm thần (theo tâm lý học thì chẳng có ai bình thường mà lại tự đi cắt tay cắt chân hay tự giết mình cả!). Hành động của người bị bệnh tâm thần không có giá trị pháp lý (khả năng phạm tội xét theo luân lý) (Ðiều 124).

2. Nếu bỏ ra một chút thì giờ để so sánh luật của Giáo hội và luật Dân sự, thì Bộ Giáo luật có thể coi như Hiến pháp của một quốc gia. Việc cho vay mượn hay buôn bán không qui định trong Hiến pháp của quốc gia mà qui định trong Bộ luật về Thương mại. Cũng vậy, Bộ Giáo luật không qui định về việc mua bán vay mượn vì việc mua bán vay mượn thuộc lãnh vực thương mại mà Giáo hội lại không ban hành một Bộ luật thương mại nào cả vì những vấn đề này thuộc lãnh vực luân lý, công bằng và bác ái. Tuy nhiên, ngay từ thời Tân Ước, ta đã thấy Chúa Giêsu nói về vấn đề này và mặc nhiên coi đó là những sinh hoạt cần thiết của một xã hội. Ở chương 22 Phúc Âm Thánh Matthêu, Chúa đã phán về việc đóng thuế: “Trả lại cho Xêda những gì thuộc về Xêda” (Mt 22, 21); rồi qua dụ ngôn mười nén bạc, chúng ta đọc thấy: “Ðáng lý ngươi phải gửi bạc của ta nơi ngân hàng, để khi ta đến ta thu được cả vốn lẫn lời chứ!” (Mt 25, 27).

Chính vì vậy, tùy theo hoàn cảnh xã hội nơi một người đang sống, việc vay mượn, cầm đồ với phân lãi hay các hệ thống ngân hàng, cổ phần sẽ được Bản quyền địa phương xét qua lăng kính xã hội dân sự và đưa ra những hướng dẫn cụ thể liên hệ đến công bằng và bác ái.

3. Sách Bổn đồng ấu do Ðức Cha Hồ Ngọc Cẩn viết có đặt ra các câu hỏi và trả lời như sau: “Hỏi tội trọng là những tội nào? Thưa tội trọng là việc sai lỗi trong điều trọng; Hỏi tội nhẹ là những tội nào? Thưa tội nhẹ là việc sai lỗi trong điều nhẹ.”. Cùng một hành động nhưng trong những hoàn cảnh khác nhau sẽ mang giá trị khác nhau và vì vậy sẽ nặng nhẹ khác nhau. Việc “định bệnh” này sẽ do chính đương sự và cha giải tội cân nhắc với nhau, tôi không đưa ra được bất cứ một nguyên tắc nào ở đây cả.

4. Gian dối trong việc khai man để lãnh trợ cấp như anh đã đọc trong những cuốn sách tôi đã viết khá rõ ràng và đầy đủ, phần còn lại, xin anh đọc mục 3 trên.

Cám ơn anh về những lời chúc tốt đẹp. Thân mến.


Linh mục Bùi Đức Tiến

+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối", "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng con được vững lòng tin Chúa hơn.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng