Còi xe, bấm còi, tin tin.... điếc tai, mất lịch sự....

Còi xe gõ cửa, gọi người

TT - Sau khi nghỉ sinh con bốn tháng, tôi có thể đếm và phân biệt được đâu là xe của bác B., anh L., chị M., chú K.... trong khu phố tôi ở từ tiếng còi xe của những con người đáng kính trọng ấy.

Bác B. đi làm về là rồ máy và bấm toét... toét... toét liên hồi, thể nào bác gái cũng chạy ra đon đả mở cửa. Anh L. thì khác, tiếng còi xe của anh ấy là ba hồi không liên tiếp, sau đó là ba hồi liên tiếp, nếu con gái nhõng nhẽo chưa ra mở cửa thì điệp khúc ấy lặp lại. Chị M. thì rất kiên trì, còi bấm không ngừng nghỉ đến khi có người mở cửa thì thôi. Nhà chú K. thì khác, không hiểu chú ấy có quy định ngầm gì không mà bất kỳ ôtô nào đến đón chú đều rú còi inh ỏi đến khi chú xuất hiện bất kể ngày hay đêm, trưa hay tối...

Bóp còi xe gọi người nhà mở cổng - Ảnh: T.T.D.

Các gia đình này đều có chuông cửa, có người ở nhà nhưng họ vẫn dùng còi xe thay vì gõ cửa. Khổ thân tôi là mỗi khi các bác ấy cất lên tiếng còi thì tôi phải lao vào bế bé con lên để cháu khỏi khóc thét. Mấy bữa mẹ tôi lên chăm bé, có góp ý vài lần nhưng sau đó các bác lại quên. Khi mẹ về rồi, tôi lúc thấy không tiện, lúc chần chừ không dám nhắc nên ôm nỗi khổ vào mình và tự động viên rằng rồi con sẽ lớn, cứng cáp hơn và sẽ quen tiếng ồn này như điều tất yếu của cuộc sống.

Nhìn ra khỏi khu phố một chút là quang cảnh trường tiểu học. Lúc tan học, còi xe của các bậc phụ huynh đã trở thành “hiệu lệnh” gọi con. Giữa muôn vàn tiếng toét toét ấy, thật đáng khâm phục các cháu bé vẫn nhận ra đâu là xe nhà mình để tìm đến.

Còn trên đường phố thì muôn hình vạn trạng. Nhiều khi vào giờ tan tầm, kẹt xe giăng kín, nhích từng bước một còn thấy khó, vẫn là tiếng còi xe inh ỏi nhắc nhở, cáu kỉnh người đi trước nhanh chân hơn chút nữa. Đi bộ trên vỉa hè, trong công viên cũng không được tha vì những tiếng còi xe ầm ĩ ấy...

Còi xe, suy cho cùng cũng chỉ là tín hiệu của phương tiện giao thông. Tại sao chúng ta sử dụng nó thay thế ngôn ngữ con người? Tại sao chúng ta không thay đổi thói quen ấy bắt đầu từ chính bản thân chúng ta, từ những người thân trong gia đình chúng ta?

(huongksna@...

Văn hóa còi xe trên đường phố

Dòng người đang đi, bỗng tiếng "bíp bíp" ngân dài, hàng chục người vội vã lái xe nhao vào lề đường nhưng không thấy xe nào vượt qua, còn tiếng còi vẫn ngân dài phía sau...

Tại ngã tư Kim Ngưu - Lạc Trung sáng nay, người xe tấp nập ngược xuôi. Hàng chục người đứng chờ đèn đỏ, từ xa một xe máy phi lại, bấm còi hối hả, vọt sang phố Thanh Nhàn, bất chấp tín hiệu đèn đường. Khi còn vài giây nữa là đèn xanh nhưng phía sau nhiều người đã "bíp bíp" giục giã.

Cách đó 500 mét, ngã ba Trần Khát Chân - Kim Ngưu, chủ phương tiện đang chậm rãi chuyển hướng quanh vòng xuyến giữa đường, bỗng giật mình bởi tiếng còi phát ra từ chiếc xe tải nhỏ. Đang khúc cua nhưng tài xế cứ nhấn xi nhan xin đường, còi liên thanh, rồi lao ầm ầm..

Chị Hằng, nhân viên một khách sạn 5 sao kể, cuối tuần trước, khi lưu thông trên phố Hàng Tre Hà Nội, bỗng tiếng "bíp bíp" ngân dài, hàng chục người vội vã lái xe nhao vào lề đường nhưng không thấy xe nào vượt qua, còn tiếng còi vẫn ngân dài phía sau. Không hiểu chuyện gì đang diễn ra, nhìn quay lại, một bác tài điều khiển xe ba bánh, lắp còi khuếch đại chở hàng cồng kềnh đang cố tìm cách nhoi lên.

Nhiều người vẫn có thói quen bấm còi ngay cả khi tắc đường. Ảnh:Xuân Tùng

Một người dân tên Ẩm ở phố Hai Bà Trưng HN cho biết, nhiều lần đi xe khách Hà Nội - Hải Phòng anh bị tra tấn bởi tiếng còi. "Tài xế có thể dùng tín hiệu đèn để vượt nhưng họ vẫn nhấn còi ngân dài. Họ sử dụng còi như một thói quen không ý thức, mặc dù trên đường chẳng có bất kỳ phương tiện nào".

Là một người từng có thời gian công tác tại Huế, chị Thủy cho biết, thành phố này áp dụng nghiêm ngặt việc cấm lái xe tải sử dụng còi hơi trong thành phố. Ngay tại đầu mỗi con đường dẫn vào nội thành đều có đặt biển "Cấm sử dụng còi hơi trong thành phố" và lái xe cũng thực hiện rất nghiêm túc quy định này. Do vậy, khi xe tải bắt đầu tiến vào nội thành, còi hơi sử dụng cho đường cao tốc được chuyển sang còi xe bình thường với âm lượng bé hơn và tuyệt đối an toàn cho những người tham gia giao thông xung quanh.

Theo nhiều chủ cửa hàng trên phố Huế, mỗi ngày có hàng chục khách tìm đến nắp còi khuếch đại, chủ yếu là thanh niên. Khách thường chọn các loại còi ngân dài, tiếng kêu các con vật. Giá một chiếc còi công suất lớn 80.000 -140.000 đồng, với 200.000 đồng khách sẽ có một cặp còi xe tương đương với xe tải hạng nặng

Các loại còi quá cỡ được bày bán tràn lan trên phố Huế. Ảnh: Xuân Tùng

Theo Nghị định 146, những xe không được quyền ưu tiên sử dụng tín hiệu nếu lắp còi quá to sẽ bị phạt tiền 400.000 đồng, tịch thu còi, đèn và tạm giữ phương tiện... Tuy nhiên, theo một cán bộ cảnh sát giao thông Hà Nội, hiện không quy định xử lý hành vi bóp còi bình thường gây ồn.

Một nghiên cứu mới đây của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường, nếu tiếp xúc cường độ cao trên 75dB trong thời gian dài sẽ gây bệnh điếc không hồi phục, gây mệt mỏi, stress gián tiếp làm tăng các bệnh tim mạch, đường tiêu hóa.

Xuân Tùng


Bức xúc về văn hóa còi xe

Khi đồng hồ giao thông còn khoảng 4 - 3 giây, những người tham gia giao thông phía sau bao gồm xe bus, taxi, xe gắn máy... đã bắt đầu bóp còi vội vã, inh ỏi... "Tiếng còi xe ơi!" hãy vang lên khi thật sự cần thiết nhé.
Người gửi: Ngô Trần Anh Thư

Sau khi đọc bài "Cần trang bị máy đo tiếng ồn cho lực lượng CSGT", tôi cũng xin được góp ý vài lời. Đây được xem là vấn đề cấp bách cần được giải quyết, bởi nó ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần và nền văn hóa Việt Nam.

Tôi sinh sống tại TP HCM, hằng ngày phải chạy đến trường khoảng hơn một tiếng bằng xe máy. Rất nhiều người, trong đó có tôi, vừa là nạn nhân của việc kẹt xe, vừa là nạn nhân của tiếng ồn còi xe. Khi đồng hồ giao thông còn khoảng 4 - 3 giây, những người tham gia giao thông phía sau bao gồm xe bus, taxi, xe gắn máy... đã bắt đầu bóp còi vội vã, inh ỏi...

Tôi phải đi học vào buổi trưa, nên đôi khi hơi buồn ngủ, nhưng cũng may là tôi đã được "tiếng còi xe" đánh thức khi chuẩn bị ngủ gục... Ai cũng muốn đi trước, không ai muốn nhường ai. Có lẽ họ muốn làm gì đó rất gấp gáp? Nhưng họ lại không nghỉ rằng, nếu chúng ta lưu thông theo trình tự thì sẽ nhanh hơn là chen lấn nhau.

Đã có dịp tôi được du lịch tại Đức và các nước châu Âu và thật bất ngờ về sự hiện đại, tiện nghi, mọi thứ ngăn nắp, sạch sẽ... và hơn hết là sự yên tĩnh của đất nước này. Ở đây, khi người điều khiển ôtô thấy người đi bộ hoặc người chạy xe đạp, thì lập tức cho họ qua trước. Mọi người tôn trọng lẫn nhau góp phần tạo nên một đất nước thật sự văn minh và hiện đại.

Đất nước ta đang ngày một phát triển, hệ thống giao thông ngày càng được cải thiện. Do đó, chúng ta nên chung tay để tạo nên một đất nước thật sự ngang tầm với các nước tiên tiến trên thế giới. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ được nghe những chú chim lảnh lót trên bầu trời với một không giang thật thoáng đãng và trong lành. "Tiếng còi xe ơi!" hãy vang lên khi thật sự cần thiết nhé!

Người gửi: Hung

Đọc bài văn hóa còi xe của ban Thuy trên mục bạn đọc viết, tôi cũng đồng cảm với bạn rằng văn hóa đó cần phải cải tạo thật. Xin lấy câu chuyện của bản thân để các bạn cùng tham khảo.

Tháng trước, tôi có dịp đi công tác Lào. Ở thủ đô Vientiane, đường sá hạ tầng cũng còn nghèo nàn hơn nước mình (nguyên nhân chắc các bạn đều biết), các phương tiện tham gia giao thông của họ cũng có nhiều như xe hơi, xe máy, túc túc... Do nước bạn đánh thuế ôtô thấp (1%) nên ôtô Lào rẻ, người giầu thì có tiền mua xe mới, người dân bình thường thì cũng có xe cũ để đi...

Trong bối cảnh đấy mà cả thủ đô Vientiane không hề có tiếng còi xe. Tôi ngồi trên xe thấy ngạc nhiên. Khi hỏi anh lái xe thì được trả lời, văn hóa ở đây là vậy. Ngồi trên xe, người tài xế đã ý thức được khi bấm còi thì xe gây ảnh hưởng như thế nào với người đi đường. Anh ấy còn kể, có đợt sang Hà Nội công tác, ngạc nhiên vì cả đường phố đâu đâu cũng thấy tiếng còi inh ỏi.

Thiết nghĩ, Lào là một quốc gia vẫn còn kém chúng ta về nhiều mặt kinh tế, văn hóa... nhưng ý thức của người lái xe và người tham gia giao thông họ còn tốt đến vậy. Sao người dân Việt Nam chúng ta lại không làm được?


Bấm còi xe cũng là văn hóa giao thông

Còi xe là một trong những quy định bắt buộc với các phương tiện đang giao thông trên đường. Bởi còi xe được dùng để báo hiệu cho sự có mặt của phương tiện ấy… bằng âm thanh.

Tuy nhiên, sử dụng còi như thế nào, âm lượng ra sao, âm thanh nào phù hợp… lại là một nét văn hóa giao thông mà không phải người tham gia giao thông nào cũng có thể có…

"Còi to, cho vượt"?

Có một mặt hàng trên phố Huế (Hà Nội) luôn khá đông khách. Đó là còi khuyếch đại âm thanh. Giá một chiếc còi công suất lớn không phải quá cao, từ 80.000 - 140.000 đồng/chiếc. Và với hơn 200.000 đồng, khách sẽ có một cặp còi xe tương đương với xe tải hạng nặng.

Theo một chủ cửa hàng trên phố, ít nhất một ngày cửa hàng cũng bán được chục chiếc còi xe như vậy. Người mua, tất nhiên toàn là những thanh niên, trong máu đang tràn đầy nhiệt huyết "phải khác người".

Khác người nên mới có chuyện dở khóc dở cười của chị Thanh Xuân khi mượn xe của cậu em họ để đi. Từ nhà cậu em ra tới đường là con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, bé tẹo; người đi lại thì khá nhộn nhịp, nên chị Xuân luôn phải lăm lăm cái còi để… xin đường.

Thế nhưng, thật "đau lòng" cho chị, vì chiếc còi đã được cậu em thay thế bằng còi khuyếch đại, bấm một cái thật nhẹ thôi thì cũng kêu váng lên như còi cấp cứu, khiến mọi người giật mình quay lại. Tất nhiên, ai cũng khó chịu với tiếng còi chói tai, nhức óc, nên những khuôn mặt mà chị Xuân phải gặp đều nhìn chị hằm hằm. Chị Xuân đành ra sức xin lỗi, chỉ mong nhanh chóng thoát khỏi cái xe "kinh hoàng" của thằng em.

Không riêng cái xe của cậu em thế hệ 8X đời cuối này có tiếng còi đặc biệt, giờ đây ra đường, những tiếng còi xe nghe như còi cấp cứu, còi xe dẹp đường… khá phổ biến. Rồi những tiếng còi giống như một bài hát ngân dài mãi không thôi, xe ở tận đầu kia của phố, khói xe cũng chẳng còn thấy, nhưng tiếng còi thì vẫn ngân vang tận đây…

Chỉ cần dành vài phút cho một ngã tư là sẽ thấy đủ những "cám cảnh" còi như vậy. Đó là nỗi niềm khi đèn tín hiệu vẫn đang vàng, nhưng một số người đã tự cho phép mình "được vượt" vì vắng bóng công an.

Trong hoàn cảnh ấy, những người nghiêm túc dừng lại sẽ chính là… kẻ chắn đường. Và thế là những người đứng sau đang "khát" đi bèn bấm còi liên thanh, bấm như "nã" đại bác, cả ôtô, cả xe máy, cả xe taxi cùng bấm theo nhau để… đòi đường khiến cả góc phố trở nên huyên náo.

Cũng có khi, là cảnh ở ngã tư Nguyễn Thái Học-Lê Duẩn, ngã tư Trần Hưng Đạo-Bà Triệu, những điểm "Đèn đỏ được phép rẽ phải". Một số người do thiếu ý thức, dù đi thẳng nhưng lại dừng lấn vào phần đường để rẽ phải của những người muốn rẽ.

Và thế là thay vì bảo nhau một câu, còi bắt đầu được bấm inh ỏi, liên tục không dứt để đòi quyền được đi. Đôi khi, cũng chỉ còn vài giây là xanh, là phần đường đi thẳng, đi rẽ đều được giải phóng; nhưng sự tức khí này vẫn khiến còi xe đòi đường không thể ngừng lại chờ.

Có những người phụ nữ yếu tay lái, trong cảnh dở khóc, dở cười, tiến không được, lùi không xong, còi thì thúc sau nên loạng choạng đổ kềnh cả xe. Và thế là thay vì nhanh, lại chậm thêm cả nửa tiếng để giải quyết…

"Cũng có những người đi cách người phía trước mình đến cả vài mét đã ấn còi inh ỏi, có người thì lại sát sàn sạt người phía trước rồi mới vội vã ấn còi và quay lại... chửi. Thật không thể hiểu nổi", anh Quang Anh, nhân viên IT phố Thái Hà cho biết.

Xe to, còi to?

Còi xe máy đã là một cực hình. Nhưng xe tải, xe buýt, ôtô mới thật sự là nỗi kinh hoàng đường phố.

Trong khi đang dừng đèn đỏ ở đoạn ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã, chị Minh Ngọc choáng váng vì một tràng còi hơi gào lên nghe như muốn thủng màng nhĩ vang lên ở ngay bên cạnh. Cô con gái nhỏ 2 tuổi đang thiu thiu ngủ choàng tỉnh dậy, khóc ngằn ngặt. Cái đầu của "gái đẻ" cũng rung rinh.

Ngó xung quanh không thấy gì lạ, ngước nhìn đèn đường thì vẫn đỏ chót, đồng hồ đếm ngược mới đến giây thứ 5, thứ 6. Hóa ra, chỉ là anh chàng lái xe tải bên cạnh, đứng chờ đèn đỏ hơi lâu, bấm còi cho… đỡ buồn.

Rồi khi đèn đã xanh, dòng người xe bắt đầu đi, thì cũng là lúc mẹ con chị Ngọc "thưởng thức" thêm một tràng còi nữa từ người lái xe trẻ măng, cởi trần trùng trục, vừa hút thuốc vừa luôn tay bấm còi trên vôlăng với một vẻ… thỏa mãn không thể giải thích nổi!

Những "lỗi văn hóa còi" của xe tải ngoài đường có lẽ cực kỳ phổ biến. Không biết có phải vì nghĩ là lái xe tải rồi, có gì phải giữ, nên những người lái xe tải cứ ra sức mà bấm còi, vượt ẩu, phóng nhanh… gây sự phản cảm, thiếu văn hóa trên đường phố.

Hay như trên con phố Trần Phú, khi mọi người đang giao thông, bỗng tiếng "bíp bíp" ngân dài, hàng chục người vội vã lái xe nhao vào lề đường nhưng không thấy xe nào vượt qua, còn tiếng còi vẫn ngân dài phía sau.

Không hiểu chuyện gì đang diễn ra, quay lại, thì hóa ra là một nhóm 3 bác tài điều khiển ba chiếc xe ba bánh, lắp còi khuyếch đại chở hàng cồng kềnh đang cố tìm cách nhoi lên, bấm còi để dẹp đường. Trước ánh mắt khó chịu của mọi người, một bác tài cao tuổi còn hất hàm bảo hai bác kia: "Cứ vượt đi, công an không bắt đâu mà sợ?!"

"Kinh khủng nữa là đi xe khách. Tôi có việc thường xuyên phải về Hải Phòng hàng tuần, cứ lên tới xe là khốn khổ vì bị tra tấn bởi còi xe. Không biết các bác tài muốn nhanh, muốn vượt đến thế nào, nhưng cứ như thể tay họ không thể rời khỏi còi xe vậy. Đúng là tra tấn khách" - anh Hữu Nam, phố Đông Các tâm sự…

Đúng là mỗi người một nỗi cám cảnh, nhưng rõ ràng sự thiếu văn hóa trong việc sử dụng còi xe đang trở thành một nỗi bức xúc không của riêng ai trên đường phố./.

(Tin Tức/Vietnam+)


Tản mạn còi xe

Tản mạn còi xe Cái còi xe sinh ra đương nhiên là để kêu, mà muốn nó kêu thì đương nhiên phải bấm

Việc lái xe không chỉ đơn giản là điều khiển phương tiện mà còn là văn hóa.

Thế nhưng, sau những tiếng còi và cái cách nhiều người bấm nó lại có nhiều điều đáng ngẫm nghĩ.

Vừa rồi có anh bạn xóm giềng cũ của tác giả hiện đang định cư ở Mỹ về thăm quê. Một bận cùng anh thong dong trên phố, chán chê mê mỏi rồi hai anh em tạt vào một hàng cà phê vỉa hè, “định thần” xong anh mới thở dài: “Không thể hiểu nổi người ta bấm còi để làm gì. Bấm mọi lúc, mọi nơi, thành ra cái còi trở thành vô duyên”.

Anh kể, hồi mới sang Mỹ học cũng chỉ vì cái còi mà anh trượt một lần thi lấy giấy phép lái xe. Ngớ ngẩn nhất là trượt vì câu hỏi đơn giản: đường một chiều, muốn vượt phải làm gì? Trả lời: bật đèn xin đường kết hợp bấm còi. Kết quả: trượt!

“Ở đấy nếu đường sá không có gì bất thường, người ta chỉ bấm còi trong trường hợp muốn… bị đánh. Còn không, chiếc còi chỉ được người dân sử dụng trong những trường hợp vạn bất đắc dĩ, chẳng hạn như trên đường đang có mối nguy hiểm cần cảnh báo hoặc có anh chàng nào đó đang tạt ngang qua xa lộ chợt khựng lại ngẩn ngơ vì nghe tin giá lô cổ phiếu mình đang “ôm” giảm mạnh”.

Nói xa cũng phải nói gần. Cuối năm 2008, người viết có chuyến du ngoạn ít ngày tại nước bạn Lào vốn có sự gần gũi cả về địa lý, kinh tế lẫn văn hóa. Ấy thế mà nét văn hóa giao thông lại cách nhau chẳng ít.

Suốt một tuần trời dong duổi trên nhiều cung đường, nội thị có, nông thôn có, miền núi có mà tuyệt nhiên không tìm thấy điểm tương đồng nào về cách sử dụng còi xe của người dân Lào với đa số chúng ta. Họ xếp hàng ngay ngắn đúng làn đường khi gặp đèn đỏ, bật xi-nhan xin vượt chưa được cũng chẳng vội bấm còi. Hỏi sao đang vội mà không bấm còi thì mấy anh lái xe nói “bấm làm gì thành ra vô duyên, ngớ ngẩn”.

Vậy chúng ta thử ra đường một ngày với sự tập trung tâm trí vào những tiếng còi xe xem sao?

Nhức óc

Bữa nọ đưa cô con gái đi tiêm phòng, trong khi đang dừng đèn đỏ ở đoạn ngã ba Nguyễn Trãi - Lương Thế Vinh (Thanh Xuân) thì một tràng còi hơi gào lên nghe như muốn thủng màng nhĩ và hậu quả là đứa trẻ mới 4 tháng tuổi khóc ré lên. Ngó xung quanh không thấy gì lạ, ngước nhìn đèn đường thì vẫn đỏ chót, đồng hồ đếm ngược mới đến giây thứ 5, thứ 6. Đèn xanh bật sáng, những tiếng còi hơi lại gào lên một tràng dài, chiếc xe tải 10 tấn uỳnh uỳnh chạy qua để lại lớp bụi mù mịt và hình ảnh một tài xế trẻ tuổi cởi trần trùng trục vừa hút thuốc vừa nhấn tay liên tục lên vô lăng.

Chiếc còi vốn sinh ra để hãn hữu lắm mới phải bấm mà mỗi loại xe cũng được trang bị mỗi loại còi khác nhau. Ở ta thì vô tội vạ, cái còi hơi chẳng biết âm lượng đo được bao nhiêu decibel (dB) vốn dĩ chỉ trang bị cho xe có tải trọng lớn chạy trên các xa lộ thì ở ta, nó gào cả trong nội đô những giờ cao điểm và thậm chí, xe taxi hay… xe máy cũng gắn còi hơi.

Những ai sinh sống tại Hà Nội chắc hẳn đã ít nhất một lần phải hú hồn vì mấy thanh niên choai choai “chơi” còi. Có bận vào lúc tan tầm, trong khi ai cũng mệt mỏi và hối hả về nhà thì bỗng dạt hết sang một bên để “dọn” đường bởi tiếng còi cấp cứu mỗi lúc một gần. Ngoảnh mặt lại mới thấy chẳng có xe cứu thương nào cả mà chỉ là một thành niên có lẽ vẫn đang tuổi học trò cưỡi chiếc xe máy màu mè loang lổ vừa bấm còi vừa lạng lách. Thấy dân tình dành đường cho mình, cậu ta còn ngoảnh lại nhe răng cười nghe chừng thỏa mãn lắm. Hú vía và nhức óc.

Bấm cho… vui

Kể thì cũng lâu lắm rồi mới lại được nghe những tiếng còi xe inh ỏi khắp phố. Ấy là từ khi đội tuyển bóng đá quốc gia đạt huy chương bạc SEA Games 23 (năm 2005) đến lần vô địch cúp Đông Nam Á (AFF Cup) vừa rồi. Ăn mừng chiến thắng của đội tuyển, hàng triệu người dân đổ ra phố, ai đi xe thì bấm còi liên tục để góp vui. Những lúc ấy, có bấm đến “cháy” còi cũng không ai phàn nàn. Thế nhưng, không ít người lại quen lấy tiếng còi là thú vui… vô duyên.

Có lẽ nếu ai đó giải thích được trạng thái tâm lý của những người cứ bấm còi thành nhịp điệu hoặc bấm liên tục dù phía trước chẳng có ai thì biết đâu đấy sẽ được trao giải... Ig Nobel*?! Chỉ biết rằng, những tiếng còi không đâu vào đâu ấy vẫn hằng ngày hành hạ những người tham gia giao thông khác.

Quen rồi!

Đi đường mà cứ bấm còi nhiều rồi thành thói quen, hẳn là không ít người sẽ thừa nhận mình rơi vào trường hợp đó.

Vì vậy, chẳng lạ lẫm gì nếu chú ý quan sát sẽ thấy rất nhiều người lúc nào cũng lăm lăm ngón tay cái vào nút bấm còi (nếu đi xe máy) hoặc đặt một phần bàn tay lên tâm vô lăng (nếu đi ôtô). Lẽ ra, sự chú tâm ấy của họ phải dành cho chiếc phanh mới đúng, đằng này chỉ trực bấm còi.

Nghiện?

Đôi lúc trộm nghĩ những vị khách nước ngoài khi mới đặt chân đến Việt Nam mà tham gia giao thông sẽ nghĩ thế nào về cách bấm còi của những người xung quanh nhỉ? Chắc họ không thể tưởng tượng nổi lại có những người… nghiện còi.

Thành phần chính của giới nghiện còi là các thanh niên choai choai. Với đối tượng này, xe xịn không phải là vấn đề mà vấn đề là có tiền để độ còi,chơi còi. Còi thì có trăm nghìn thứ còi, còi tiếng chó, mèo, lợn, gà, còi tiếng bò rống, báo gầm… Thành thử ra nếu tập hợp ngẫu nhiên 10 thanh niên như thế vào một đội, chúng ta sẽ có một dàn còi đủ các loại âm vực.

Họ thích chơi thì chơi với nhau không sao, đem ra bãi hoang nào đó mà chơi, đằng này lại chơi bất cứ đâu. Dắt xe ra cổng, còi. Ra đến ngõ, còi. Đến đường lớn, còi. Gặp người quen, còi. Xin đường, còi. Vượt đèn đỏ, còi. Nhớ người yêu cũng còi và cả tự dưng còi… Tựu chung lại là lúc nào cũng còi, còi cho vui, còi cho biết xe… có còi.

Đại sự

Thôi thì đã thành thói quen rồi, với lại cứ 100 người thì có đến bảy - tám - chín mươi người bấm còi vô tội vạ thì cũng đành “thấm” dần, quen dần vậy.

Khổ nỗi, hễ mỗi lần bắt gặp ở quán cà phê một anh chàng vừa nãy bấm còi inh ỏi, giục giã ầm ĩ ngoài ngã tư là lại giận âm ỉ về sự vô lý; hễ mỗi lần bị thúc còi vào tai vì dừng đèn đỏ trong khi không có cảnh sát giao thông chốt chặn là lại thất vọng về sự thiếu giáo dục; hễ mỗi lần bị xe buýt “biếu” một tràng còi dài rồi ép vào lề đường muốn ngã là lại thương cho văn hóa lái xe công cộng… Mà những trường hợp như thế thì vô kể xiết, nó vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ, hằng phút và có khi cả hẳng giây.

Đành rằng cũng có không ít người vội vàng, ví thử như nghe tin ai đó gặp chuyện chẳng lành, nhưng chuyện chẳng lành đâu nhiều đến thế.

Than thở mãi về văn hóa còi rồi lại trộm nghĩ, không biết đến bao giờ đa số người dân khi tham gia giao thông có được cách nhìn của người trái đất với người… ngoài hành tinh mỗi lần thấy họ bấm còi vô duyên, không biết đến bao giờ mỗi chúng ta nếu có lỡ bấm còi không có lý do chính đáng lại phải xét nét xung quanh xem ai mắng mình… điên không.

Theo VnEconomy



+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối", "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng con được vững lòng tin Chúa hơn.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng