Ơn lạ Thánh Cả ban (25-30)

Ơn lạ Thánh Cả ban

(25-30)

25. Thánh Cả đáp lời cầu xin của người tuyệt vọng

(Ung thư tử cung)

Lúc 10 giờ trưa Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1995, theo truyền thống hàng năm của Giáo Xứ Trà Cổ, Phú Thịnh, khi hồi chuông thánh đường vừa ngân vang, giáo dân lớn bé khắp bốn giáo họ lũ lượt tiến về nhà thờ ngắm Đàng Thánh Giá trọng thể cách trang nghiêm, sất sắng để tưởng niệm

Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.

Sau đó, một hồi trống nhẹ cất lên báo hiệu giờ cơm chay.Mọi người yên lặng ra về, tâm hồn bồi hồi xúc cảm trong bầu khí thánh thiêng thương đau...

Khi tôi vừa bước ra phía hông trái thánh đường, định tiến đến đài Mẹ đọc kinh Catena của Legio như thường lệ, đã thấy Lan - một người chị em thân tình, đứng sẵn bên hành lang đợi tôi.

Lâu không có dịp gặp, nay trông Lan tiều tụy hẳn. Tôi chưa kịp hỏi thăm thì Lan đã cầm lấy tay tôi, khẩn khoản:

- Chị ơi! em buồn lắm, xin chị thêm lời cầu nguyện cho em với, em đang tuyệt vọng vô cùng.

Tôi ân cần:

- Có gì cứ chia sẻ với chị, đừng ngại! Chị hứa sẽ làm hết sức có thể để giúp em.

Giọng Lan buồn thảm:

Cùng đường rồi chị ơi, chẳng trông mong gì nữa. Chỉ xin chị thương cầu nguyện và giúp em dọn mình về

với Chúa thôi...

Rồi Lan nức nở:

- Bác sĩ ở Trung Tâm Ung Bướu Sài Gòn mới cho biết: em bị ung thư tử cung 'giai đoạn cuối", không mổ

được, có chữa chạy tới đâu may ra chỉ sống tối đa 5, 3 năm nữa. Nói chung là rất bấp bênh, bởi cái chết không biết đến lúc nào, sớm hay muộn thôi. Em muốn nhờ chị giúp giải quyết một số việc phần hồn để em được thanh thản ra đi.

Tôi nắm lấy tay Lan, dịu đàng:

- Cám ơn Lan đã tín nhiệm chị, song đây là việc hệ trọng nên tốt nhất, xin Lan đến với một Cha giải tội, hãy xem như đây là lần cuối của cuộc đời và trình bày tất cả với ngài. Chị tin ngài sẽ giúp Lan tìm thấy sự bằng an trong tâm hồn. Sau đó chị sẽ đưa Lan đến một "thầy thuốc" rất giỏi sẽ giúp được Lan. Chị không nghĩ em... sắp chết đâu.

Lan nhỏ nhẹ ngắt lời tôi:

- Vâng, em sẽ nghe chị để đến với Cha giải tội. Nhưng việc đi bác sĩ, em nghĩ chẳng ích chi. Trung Tâm Ung Bướu đã chê em, còn mong gì hả chị. Rồi Lan sụt sùi:

- Em chết yên phận đã đành, chỉ thương đàn con nhỏ dại phải côi cút, bơ vơ.

Tôi cười tin tưởng:

-Tại em chưa biết chứ vị "lương y ' chị nói đây từng chữa lành những căn bệnh hiểm nghèo y học đã bó tay, sẽ rất có hy vọng cho em. Nhưng với điều kiện em cần thành tâm vững tin và phải hứa: được khỏi bệnh sẽ ra sức sống đẹp lòng Chúa nhé!

Lan ạ, biết đâu Chúa dùng dịp này để uốn nắn em được nên như ý Ngài muốn chăng?

Lan gạt nước mắt, chân thành:

Chị nói đúng đó. Chị ơi, em cũng chỉ là một phụ nữ yếu đuối giữa bao cám dỗ của cuộc đời. Chị nghĩ xem: chồng chết cách đây 9 năm, bỏ lại cho em 6 đứa con, đứa nhỏ nhất chỉ 12 tháng. Mới 33 tuổi, em đã là goá phụ, phải một mình bươn chải giữa dòng đời ngược xuôi để nuôi con, nhiều lúc em cũng cô đơn, ngã lòng chỉ muốn liều mình buông xuôi.

Bao năm hy sinh cho con, để rồi giờ đây phải mang căn bệnh nan y, em hoàn toàn suy sụp tinh thần chị ơi? Thôi thì chỉ biết phó thác vào Chúa và cầu xin Ngài cho các con em có nơi nương tựa khi em không còn trên đời. Nghĩ lại mà giật mình chị ạ, bởi nếu không xảy ra biến cố, có thể Chúa đã ' mất ' em rồi. Song giờ đây, em không thiết tha chuyện thế gian nữa, mà ước chi được khoẻ mạnh trở lại, em sẽ sống hết mình cho Chúa. Nhưng khó lắm chị ơi! hoạ chăng chỉ có "phép lạ". À, mà vị bác sĩ tài giỏi chị nói đó là ai, ở đâu, sao em chưa hề nghe biết vậy?

Tôi vui vẻ đáp:

- 'Người đó" không xa lạ với em đâu. Cứ yên chí, sau khi em lãnh nhận Bí Tích Hoà Giải, chị sẽ đưa em đến tận nơi.

Đúng hẹn, tôi đưa Lan về Sài Gòn, đón xe đến. . . Đền Công Chính ở đường Cách Mạng Tháng 8 . Tôi dẫn Lan tới trước tượng đài Thánh Cả Gnlse, hai chị em quỳ xuống, tôi nghiêm trang bảo Lan:

- Đây là vị 'Lương y " tuyệt vời chị đã giới thiệu với Lan đó. Hãy thành tâm cầu xin, ắt sẽ được, vì "xưa nay không ai kêu cầu Thánh Cả Giuse mà vô hiệu" đâu.

Đoạn tôi thưa với Ngài:

- Cha ơi? hôm nay con đưa bệnh nhân này đến xin Cha cứu chữa, chị ấy là mẹ của 6 đứa trẻ mồ côi cha,

đang mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, chờ chết. Xưa ở thế trần, Cha đã thấu rõ những khó khăn của cuộc sống

gia đình và tận tình đỡ đần Đức Mẹ. Nay xin Cha thương người phụ nữ tội nghiệp này mà cầu bầu cùng Chúa cho chị. Con tin Cha rất có thần thế, sẽ cứu chị để các con chị còn có một người mẹ trên đời. Con xin hứa sẽ ghi nhớ ơn Cha.

Liền đó, tôi dẫn Lan tới gặp linh mục Giuse Phạm Châu Diên - phụ trách Đền Công Chính để trình bày hoàn cảnh và xin Cha khấn cho Lan, ngài vui vẻ nhận lời và giơ tay chúc lành. Chúng tôi phấn khởi ra về.

Lần này thì tôi theo Lan đến Bệnh Viện Ung Bướu. Lan đã phần nào lấy lại can đảm, nét mặt có vẻtươi tỉnh. Vừa bước vào, tôi thấy la liệt bệnh nhân, kẻ nằm, người ngồi, người đứng sắp hàng đợi khám bệnh hoặc "xạ trị", trông họ quá tội nghiệp. Có người được người thân đi theo song cũng có người lủi thủi một mình.

Tôi hết sức vui mừng thấy trong khuôn viên bệnh viện có một tượng đài Đức Mẹ có hoa đẹp và nến sáng, khói hương nghi ngút, có đông người lương giáo đến khấn vái, cầu xin cách thành khẩn lắm. Tôi thật ngạc nhiên và thấy bất nhẫn khi bên cạnh những con người bệnh tật đau khổ đó lại xuất hiện một số 'người nhà" của các bệnh nhân ăn mặc sang trọng, loè loẹt, lại còn đeo nữ trang đầy người, đi đi lại lại, cung cách như những "mệnh phụ'...

Đưa tay chỉ người phụ nữ trẻ có khuôn mặt đượm buồn và khá xinh với bộ bà ba bằng lụa hoa màu đen được may rất khéo, ôm sát thân hình thon thả đầy đặn. Lan khẽ bảo tôi:

- Cô này cũng ' giai đoạn cuối" như em, đã theo nhiều lần. Bác sĩ vừa cho người nhà hay là hết hy vọng nhưng

đương sự không biết, tội quá!

Nhìn cô uyển chuyển bước đi, nói năng từ tốn duyên dáng, không hề biết mình sắp phải giã từ cuộc sống, tôi cảm nhận sâu xa thân phận mỏng dòn của kiếp người, như hoa đồng cỏ nội, sớm nở tối tàn. Tôi liền hướng lòng lên Chúa, thiết tha xin Ngài ban ơn, thêm sức nâng đỡ những bệnh nhân đáng thương, để họ biết chấp nhận đau khổ và chuẩn bị chu đáo cho cuộc ra đi của mình.

Trong lúc ngồi chờ, tình cờ chúng tôi gặp một chị ở cùng giáo xứ, thuộc giáo họ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Chị tâm sự mình cũng vừa phát hiện bị ung thư tử cung, song hoàn cảnh khó khăn, sợ không có điều kiện chữa chạy. Nghe thế, Lan liền lục ví dúi vào tay chị một số tiền, chị ứa nước mắt, nghẹn ngào nói lời cám ơn. Bỗng một lát sau chị ôm bụng rên la dữ dội, rồi máu từ hạ chi tuôn dầm dề chảy dài xuống tận hai bàn chân. Nhân viên bệnh viện vội vàng cấp cứu chị. Thấy thế, Lan níu chặt tay tôi, mặt cắt không còn giọt máu.

Lan khẽ kêu lên: "Giêsu Maria Lạy Chúa tôi. Em sợ quá chị ơi!" Trong lần tiếp theo đi với Lan đến bệnh viện, tôi được biết chị ấy đã chết và một thời gian sau, người thiếu phụ xinh đẹp kia cũng qua đời.

Từ đó, Lan tiếp tục tái khám từng đợt tại bệnh viện Ung Bướu, song với một tinh thần khiêm tốn, vâng phục, không phàn nàn kêu trách, tuy theo tính tự nhiên cũng lo buồn. Và Lan bắt đầu chú tâm đến việc phần hồn: siêng năng đi lễ, rước lễ mỗi ngày và rộng tay thực thi bác ái... đồng thời, chị cũng lo liệu gởi gắm các con để được 'yên lòng nhắm mắt, nếu phải ra đi "

Em trai của Lan là Vũ Thành Nhân ở úc thương chị, đã đứng ra bảo lãnh cho các cháu. Song hồ sơ bị trục trặc mãi vì "không có luật cậu bảo lãnh cho cháu khi mẹ còn sống. Trường hợp bố chết, mẹ bị ung thư, phải chờ mẹ chết mới được tiến hành thủ tục. 'Lan cũng đã 'chạy" nhiều nơi mà không kết quả nên rất buồn.

Được Lan tâm sự, sau khi bàn bạc với Lan, tôi thu xếp đưa các cháu lên Đền Công Chính. Tôi còn nhớ rõ, lúc đó các cháu: Phụng, Bích và Thảo đã quỳ dưới chân Thánh Cả, cầu nguyện cách đơn sơ, cảm động lắm. Sau đó tôi đưa bọn trẻ đến gặp Cha Diên để xin lễ bằng an và xin Cha khấn cho được phỏng vấn và phỏng vấn được trót lọt.

Thật lạ lùng, về nhà, chỉ mấy hôm sau. Lan đã vui mừng báo tin cho tôi: các cháu chỉ còn đợi ngày lên đường.

Lan phấn khởi kể:

- Đúng là Thánh Cả nhậm lời chị ơi! Đi Đền Công Chính về được mấy hôm, tự dưng có giấy gọi đi phỏng vấn. Trước khi đi, để chắc ăn, em đã đưa các con đến Đền Công Chính cầu nguyện. Theo đúng luật, chỉ có các cháu mới được vào phòng, nhưng có một sức mạnh lạ lùng giục em đi theo chúng, em liền bị họ chặn lại với lý do là em không có tên trong danh sách phỏng vấn.

Em cứ đứng yên, thầm thĩ cầu xin với Thánh Giuse, không chịu trở ra. Bỗng họ đổi ý cho em vào, không hiểu sao, thay vì hỏi các con em, họ lại phỏng vấn em, đại ý: Chị có biết bao giờ mình chết không? ' . Em liền trả lời: "Tôi là người Công Giáo, tôi tin sống chết do Chúa an bài. Chúa định cho tôi chết lúc nào, tôi cũng sẵn sàng xin vâng. Chỉ ước một điều là khi tôi chết đi, các con tôi được cậu bảo bọc, thương yêu là tôi mãn nguyện".

Họ nhìn em, gật đầu và...cho các cháu đi chích ngừa. Chị thấy Thánh Giuse tuyệt không? Em rất cám ơn chị đã kịp thời giới thiệu Ngài cho em. Nếu không, chẳng biết đến bao giờ mới được phỏng vấn.

Mẹ con Lan đã đến Đền Công Chính tạ ơn Thánh Cả và cám ơn Cha Diên...

Khi đưa các con ra phi trường, Lan đã khóc sướt mướt vì nghĩ đây là lần cuối cùng mẹ con được nhìn thấy nhau. Nhưng lòng Lan rất an bình vì đã được Thánh Giuse can thiệp cho các cháu có nơi nương tựa.

Từ đó, Lan đều đặn đến trung tâm Ung Bướu để điều trị theo lịch hẹn, với một tinh thần thanh thản, không còn lo lắng và tín thác vào lòng thương xót Chúa. Lan vẫn ghé đền Công Chính mỗi thứ Tư đầu tháng, đặc biệt ngày 19/3 hàng năm là lễ Kính Thánh Cả Giuse để xin ơn chết lành và vâng phục Thánh ý Chúa.

Thấm thoát ba năm qua, đời sống tinh thần Lan đãvững vàng và bệnh tình không tiến triển xấu như dự đoán. Lan hết sức vui mừng lẫn hồi hộp vì còn phải vượt qua "cái trạm" của chặng đường đủ 5 năm

mới có hy vọng. Chị phấn khởi giữ đạo sốt sắng và ra sức làm việc lành phúc đức .

Thế rồi, "thời hạn của tử thần" đã hết: sau 5 năm, Lan ngỡ ngàng nhận ra mình vẫn còn có mặt trên

cuộc đời, những giọt lệ tủi mừng tuôn không dứt trước hồng ân quá lớn lao Chúa đã thương ban, vượt

quá ước mơ của lòng mình. Bác sĩ Lưu Văn Minh, người trực tiếp điều trị cho Lan không khỏi bỡ ngỡ khi ông tưởng bệnh nhân đáng lý đã chết, nhưng nay đang tươi cười đứng trước mặt ông. Ông vui vẻ nói:

- Xin chúc mừng chị đã chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo cách lạ lùng. Từ nay chị không phải điều trị, nếu cần thỉnh thoảng tái khám cho yên tâm.

Chị có quyền hy vọng sống và sống lâu nữa đấy.

Từ khi phát hiện bệnh đến nay đã 12 năm, hiện giờ sức khoẻ Lan đã bình thường, 7 năm qua không dùng thuốc. Nhưng có đôi điều "khác thường" là Lan đã trở nên một con người mới: chị hiện là hội viên hoạt động của Legio Giáo xứ Trà Cổ và là một thành viên của hội Tận Hiến Dòng Đức Mẹ Đồng Công. Ngoài ra, chị còn là một tông đồ nhiệt thành của lòng sùng kính Thánh Cả Giuse. Vào mỗi Thứ Tư Đầu Tháng, chị thường kêu gọi các chị em trong xứ tổ chức về Đền Công Chính cầu nguyện và có nhiều người đã được ơn.

Các con của Lan đã có cuộc sống ổn định, mấy cháu lớn đã lập gia đình. Lâu lâu Lan lại sang Úc thăm con cái, dâu rể và các cháu.

Trước khi kết thúc bài viết này, tôi đã đến gặp nhân vật chính của câu chuyện: chị Cecilia Maria Vũ Thị Lan tại nhà riêng số 218 giáo xứ Trà Cổ, Phú Thịnh để hỏi cảm tưởng và được chị thổ lộ:

- Em rất cám ơn chị đã thay em để nói lên tình thương và sự can thiệp đầy quyền năng của Thánh Cả Giuse, không những cho các con em có được cuộc sống ấm êm và một tương lai tươi sáng mà còn cứu em thoát căn bệnh nan y. Em nguyện sống phần đời còn lại sao có ích cho Chúa, cho tha nhân, mong đáp đền muôn ơn lành Chúa đã tuôn đổ trên đời em. Nhìn lại quá khứ, em xiết bao cảm tạ Chúa đã gởi căn bệnh đến kịp thời để "giữ chân" em lại, nếu không em đã liều mình bước theo cạm bẫy phù vân mà sống xa Chúa rồi. Như chị đã biết: trước đây, nghĩ đến cái chết em đã sợ đến ngất đi . Nhưng bây giờ, nếu Chúa gọi, em sẵn sàng lên đường không tiếc nuối một sự gì. Chị ạ, Chúa cho còn sống ngày nào em sẽ cố gắng sống đẹp ý Ngài.

Em mong ước những ai đang lâm căn bệnh hiểm nghèo hay gặp những thử thách lớn lao trong cuộc đời, đừng tuyệt vọng ngã lòng, hãy cậy trông phó thác, Chúa không bỏ ta một mình đâu. Nhất là hãy siêng năng chạy đến với Thánh Cả Giuse để được Ngài cầu bầu, bảo vệ, chở che.

Hoàng Thị Hà Tiên, VN/(01/01/2008)/(Trích NS. TTDM số 363 tháng 3 năm 2008 tr 30-32)

26. Đồng bạc cứu mạng (5-3-08)

Trước tiên, tôi xin kể về truyền thống đọc kinh chung trong gia đình của ông ngoại tôi. Một năm 365 ngày, tối nào gia đình cũng đọc kinh chung. Nhưng dù làm gì thì làm, lễ trọng hay lễ thường, hễ rơi vào ngày thứ tư thì hôm đó gia đình sẽ đọc kinh cầu kính thánh Giuse. Riêng tháng ba, ông bà ngoại dành ra nguyên tháng để kính vị thánh này. Vào mỗi tối của tháng ba, cả nhà sẽ đọc kinh cầu Thánh cả Giuse, rồi sau đó, một người trong nhà sẽ đọc lớn cho mọi người cùng nghe một chuyện lạ mà Thánh Giuse đã làm. Đọc truyện xong, thì cả nhà cùng đọc “Bảy sự buồn và bảy sự vui của ông Thánh Giuse.” Cuối tháng, ông ngoại tổ chức đọc kinh tạ Thánh Giuse rất long trọng. Có mời những người hàng xóm Công Giáo thân thuộc đến dự cho thêm phần xôm tụ. Cũng xin lưu ý rằng, vào khoảng thời gian 75-85, sự tụ họp trên 10 người dễ gây chú ý tới chính quyền Cộng Sản Việt Nam. Cho nên việc tổ chức đọc kinh chung trong xóm là bất khả thi hành. Nhưng năm nào cũng vậy, tới cuối tháng tạ ơn Thánh Giuse, là ông ngoài mời trên dưới 15 người cùng đến gia đình tôi để đọc kinh và cầu nguyện. Các dì cậu của tôi lúc đó hồi hộp lắm, nhưng lệnh của ông không ai dám cãi lại. Hơn nữa, họ lại lo bị rầy là yếu đức tin. Riêng tôi lúc ấy còn bé lắm, thấy càng đông người thì càng vui, nên năm nào tới tháng ba là lại mong cho tới ngày tạ ơn.

Vào những tháng kính Đức Mẹ, hay kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, hay tháng Mân Côi, gia đình tôi cũng dành trọn tháng để kính đặc biệt, nhưng vào mỗi thứ tư của các tháng này, thì chúng tôi sẽ đọc kinh cầu Thánh Giuse như thường lệ. Điều này khiến tôi nghĩ rằng ông ngoại có lòng thiên vị với Thánh Giuse chăng? Câu hỏi này ám ảnh mãi trong lòng tôi cho đến một ngày khi tôi đủ can đảm để hỏi ông. Cũng nhờ đó tôi được nghe một câu chuyện kỳ thú về cuộc đời của ông:

Ngày ấy, khi ông chỉ là một cậu bé vừa tròn 14 tuổi, một mình từ Huế ra Hà Nội kiếm việc làm. Nơi xứ lạ quê người, việc làm chưa tìm ra mà tiền túi đã hết nhẵn, đã hai ngày qua chưa có gì vào bụng, người mệt lả vì đói. Đi lang thang trong thành phố, vô tình đến trước một tu viện hay một trường học chi đó ông tôi không rõ lắm. Trước cổng có đặt một tượng thạch cao trắng. Người trong tượng là một người trung niên đang ẵm một bé trai trên cánh tay trái, và cánh tay bên phải cầm một cành hoa Huệ. Lúc đó ông tôi không có đạo gì hết, nên không biết tượng này là ai. Ông tôi thầm nghĩ: “Ngài chắc phải có công đức lắm nên mới được tạc tượng như vầy và để một chỗ trang trọng trong sân trường. Con bây chừ đói lắm mà tiền đã hết, việc làm cũng chưa tìm ra, xin Ngài thương giúp con.”

Cầu nguyện xong, ông tôi quay bước ra đi, toàn thân chao đảo cơ hồ chỉ một ngọn gió thổi qua cũng có thể cuốn đi tấm thân gầy yếu. Dường như có một sức mạnh vô hình nào đó níu chân ông tôi lại, kéo ông tôi phải ngồi bệt xuống chân tượng. Mắt ông tôi nhìn dáo dác mong có ngừơi qua đường cứu giúp. Nhưng buổi sớm tinh sương như thế, đường phố vắng tênh không một bóng người qua lại. Tia nắng đầu tiên bắt đầu ló dạng sau những rặng cây, rồi dọi xuống trên những ngọn cỏ còn đọng sương, lấp lánh ngũ sắc. Cách chỗ ông ngồi không xa lắm là một bụi hoa mắc cỡ mạng nhện dăng đầy và còn đẫm sương đêm, nhưng những cánh hoa tim tím bỗng trở nên rực rỡ khi được ánh mặt trời dọi vào. Cái vẻ đẹp rực rỡ ấy làm ông tôi chú ý, và bất giác ông tôi phát hiện ra một vật sáng sáng nằm lẫn vào các tàn cây cội lá gần đó. Thò tay nhặt lấy, nhìn vào tay mình mà ông tôi muốn ngất đi, trong tay ông là một đồng bạc còn mới toanh. Lúc này cơn đói hành hạ ông dữ dội, ông vội rảo bước tìm một quán ăn gần đấy. Nhưng thật không may, suốt quãng đường ông đi, không có một tiệm ăn nào đã mở cửa.” Xa xa, một nguời phụ nữ đang gánh một gánh chè đi tới. Đói quá, nên ông đành ngồi xuống ăn chè. Ăn một bụng no nê, rồi đưa đồng bạc ra. Chị bán chè trợn mắt nhìn ông: “Cậu giỡn chơi với tôi đấy hở, tôi làm gì có đủ tiền mà thối.” Chị nói, đồng bạc ấy có thể mua nguyên một cây vải tốt, ngay cả nếu chị có may mắn bán hết gánh chè cũng chưa chắc có đủ tiền để thối lại cho ông. Sau khi nghe ông tôi kể chuyện về những khó khăn của ông, chị bán chè thông cảm và tin tưởng, nên để ông đi và hẹn gặp lại ông vào buổi chiều nơi chỗ cũ. Cả ngày hôm đó ông lang thang vừa kiếm việc làm, vừa nghĩ cách làm sao sử dụng đồng tiền cho vừa hợp lý vừa có tiền lẻ để chiều về còn trả cho chị bán chè tốt bụng.

Với đồng bạc nhiệm mầu ấy, ông tôi tạo dựng được một đời sống khá hơn trên đất Hà Nội. Lúc này, ông tôi đã có việc làm - giúp việc trong một gia đình làm dược sĩ. Gia đình này là người Công giáo và đối xử với ông rất tử tế. Tuyệt nhiên ông vẫn không hề kể cho họ nghe về đồng bạc và bức tượng thạch cao. Tự tìm hiểu, dần dần ông biết được bức tượng người đàn ông trung niên kia chính là Thánh Giuse. Nhưng ông vẫn còn thắc mắc không biết vị thánh này là của tôn giáo nào. Ngày ngày, ông tìm đọc hết tất cả các sách về tôn giáo, từ Phật giáo, Tin Lành, Cơ đốc giáo, Anh giáo, Cao Đài… Nhưng không có tôn giáo nào nói về Thánh Giuse, hay kính nhớ vị thánh này. Cuối cùng thì ông mở cánh cửa Công giáo, và định mệnh đã mỉm cười với ông. Ông được rửa tội vào ngày Đại lễ Phục Sinh năm ông vừa tròn 17 tuổi. Và bố đỡ đầu của ông chẳng ai khác hơn chínhh là người dược sĩ nọ. Tên thánh của ông là Gioan Baotixita, lấy theo tên của bố đỡ đầu. Cũng từ ngày đó, ông yêu kính Thánh Giuse một cách đặc biệt, và lòng tôn kính này đã trở thành một truyền thống trong gia đình chúng tôi.

(Thủy Trúc/ dũnglac.net)

27. Nhân chứng được ơn thánh Giuse


SAIGÒN - Một chiều thứ tư, tôi đến đền Thánh Giuse ở khu vực ngã tư Bảy Hiền, Tân Bình- Sài Gòn, để kiểm chứng lời kể của một phụ nữ trong giáo khu của tôi vì chồng cô đã thay đổi đời sống hoàn toàn khi cô đến nơi này cầu nguyện.

Dù ngôi đền nằm khuất trong con hẻm ngắn đường Cách Mạng Tháng 8, nhưng người đến tham dự thánh lễ chiều thứ tư mỗi tuần thật đông. Họ đứng kín tất cả các chỗ trống. Cung thánh để cha dâng lễ được đặt ở trước hành lang của đền, sâu tuốt bên trong. Sự sốt sắng của mọi người và bầu khí trang nghiêm của buổi lễ làm tôi khó mà di chuyển để chụp hình...

Nơi đây là nhà hưu dưỡng của các cha gốc Bùi Chu. Trước kia, cha Giuse Phạm Châu Diên, sau thời gian phục vụ giáo xứ, đã về đây an dưỡng tuổi già. Lòng sùng kính Thánh Giuse đặc biệt của cha dần dà hình thành nên một nơi hành hương hàng tuần của nhiều người; không chỉ ở Sài Gòn mà từ nhiều nơi xa đến như Biên Hòa, Vĩnh Long. Nay cha đã 91 tuổi đời, vẫn âm thầm trong căn phòng giản dị.

Hoa huệ người ta dâng cúng quyện với nhang trầm sực nức hương thơm làm bầu khí nơi này thêm phần thánh thiêng. Dường như tất cả dều nói rằng họ đến đây để tạ ơn hoặc xin ơn. Không biết có bao nhiêu người được Thánh Giuse trợ giúp; bao nhiêu người trở thành nhân chứng tình yêu của Đức Kitô qua bàn tay của Thánh Giuse; nhưng câu chuyện dưới đây là một nhân chứng điển hình.

Trước đây, người ta hay thấy anh H. xe ôm thường ngồi trên chiếc xe máy, đứng giữa đường nói lảm nhảm vì say xỉn; có khi xe ngả một bên còn anh ngồt bệt dưới đất, vẻ vất vưởng, nói năng lung tung. Một lần, còn trong cơn say, anh lên xe trong tư thế nổ máy phóng đi, tôi sợ quá nói với người anh ruột:” Trời ơi, đừng để cậu ấy chạy xe lúc này, nguy hiểm quá!” Người anh buồn phiền:” Nó bị làm sao thì đã có cha xứ đến làm phép! Còn chị thương thì đến phúng……chứ biết làm sao?” Dù đang sợ, tôi cũng phải bật cười.

Trong cơn say, lời nói của anh H. câu này vắt ngang câu kia, suy nghĩ này xuyên qua cảm xúc nọ; nhưng chú ý một chút, ai đó có thể hiểu rằng anh mặc cảm về cái nghèo và khao khát được đổi đời. Từ sau lễPhục Sinh 2004, nhiều người thấy chiều nào anh H. cũng áo quần lịch sự đến dự lễ hằng ngày; rồi còn đi đọc kinh với các ông trong hội Legio và Thánh Tâm nữa. Chưa kịp hỏi thăm thì vợ anh đến nhà tôi xin bộ Sách Giáo Khoa lớp 8, tôi hỏi chuyện ngay. Cô ấy kể:

“Thấy em quá thất vọng về chồng, gần 10 năm cứ nước mắt ngắn dài, bà hàng xóm giới thiệu em lên đền Thánh Giuse khấn. Em lê chân đến đó với những suy nghĩ rất mơ hồ. Lần đầu ra về thấy lòng bớt buồn; lần thứ hai thấy bình an; lần nữa thấy vui, thế là ngày nào đi làm về ngang em cũng ghé đền năm bảy phút, kể cả lúc trời mưa. Rồi một ngày, tự nhiên anh ấy nói:” Ngày mai tôi đi lễ xem đời mình có thay đổi không?” Em hồi hộp về sự việc này. Sau đó chồng em thay đổi, gần giờ lễ, có ai gọi chạy một cuốc xe, anh cũng nhường cho người khác để về kịp giờ. Em chắc chắn rằng nhờ ơn thánh Giuse cầu bầu.”

Tôi gặp anh Đa Minh Nguyễn Đức H., 45 tuổi, sau thánh lễ chiều. Anh vui vẻ: “ Lúc trước nghe bạn bè rủ, em liên tục đi nhậu. Khi tỉnh lại thấy buồn vì nghèo, em thấy cuộc đời bế tắc; em thử đi lễ xin Chúa cho đời sống khá hơn, nhưng càng đi lễ càng thấy vui, lại chẳng quan tâm đến chuyện giàu nghèo nữa. Tiền chạy xe kiếm được ít hơn lúc trước nhưng em lại CẢM THẤY ĐỦ cho cuộc sống. “

Nhìn anh H. mập đẹp hơn trước, tôi thấy phần thưởng của lời cầu nguyện mạnh mẽ biết bao! Việc bền đỗ trong bậc gia đình thật là trôi nổi, khó khăn nếu không có ơn Chúa. Tại sao người ta cứ khát khao đổi đời để tránh hoàn cảnh nghèo khó mà không khao khát đổi mới tâm linh để xa lìa cái xấu? Và thế nào là giàu? Thế nào là nghèo?

Nếu một người ăn xin đứng giữa dòng đời, mà biết ngửa mặt nhìn trời, thốt lên rằng:” Chúa ơi! Con là người giàu có nhất trên đời, vì con là con của Chúa và tất cả những gì của Chúa là của con. ……nào con còn thiếu chi đâu……” thì câu nói ấy thật có lý và tuyệt vời biết bao trước mặt Thiên Chúa vô biên.

(Maria Vũ Loan)(VietCatholic News (Chúa Nhật 1/8/2004)

28. Thánh Giuse cho thoát nạn đi trốn

Sau khi chiếm xong miền Nam, Cộng sản lo củng cố chính quyền. Một trong việc làm của họ là theo dõi các thành phần họ coi là có hại cho an ninh xã hội chủ nghĩa.

Tại quận Đầm Chim, họ Minh Thiện thuộc tỉnh Đồng Tháp Mười. Một hôm "tình báo" nhân dân mật báo cho cha đi trốn. Nhưng đi bằng cách nào được, vì ở quận lị này ví như con kiến nằm trong cái chén, đi lối nào cho thoát ?

Tới ngày giờ đã định, Công An tiến vào nhà thờ bằng cổng chính. Ông Từ năn nỉ cha chạy đi. Cha đi về phía Nam bên hông nhà thờ, phía có bàn thờ Thánh Giuse. Được hướng dẫn của ông già trọng tuổi, mà cha cảm thấy không xa lạ, cứ cắm đầu đi ra khỏi khu vực nhà thờ, rồi gặp chiếc xe ôm, leo lên xe rồi xe chở cha đến một bãi có tầu đậu sẵn. Cha xuống tầu thoát nạn bình yên. Trong khi đó Công An vào lục soát nhà, Cha Sở không có, họ đi ra nhà thờ, nhà thờ đóng cửa. Họ đi vòng ra phía sau nhà thờ, rồi trở lại bên hông nhà thờ, thì gặp một ông già mặc bộ đồ bà ba đen, đội nón lá, có hàm râu bạc. Họ hỏi, ông già chỉ, họ liền chạy theo hướng chỉ tay cũng không thấy. Họ trở lại nhà thờ, phá cửa vào trong cũng không thấy. Họ ngồi xuống ghế nghỉ mệt. Bỗng một ông chỉ lên bàn thờ :"Ủa ông già này mình mới gặp hồi nãy nè !" (Báo Trái tim Đức Mẹ tháng 3 năm 1993).

29. Thợ mộc bị dằm vào mắt

Năm 1989 hôm mùng ba Tết, theo lệ thường, sau lễ chúng tôi ngồi uống chung ly cà phê đầu năm ở "Quán Cóc" bên đường, đối diện nhà thờ Chợ Quán.

Theo tay chỉ của một anh bạn, chúng tôi nhìn thấy một người đàn ông đi lễ ra muộn, lần lũi bước. Ông ta trạc ngoài năm mươi tuổi, mặc một bộ đồ Pyjama đen đã hơi ngả màu, đi chân không. Anh bạn kể : Anh này đúng là một chứng nhân của Thánh Giuse. Anh làm nghề thợ mộc. Cha anh cũng vậy. Ông ấy đã chết 10 năm nay. Nhà ông ở dưới đường Cao Đạt, trong hẻm đình Quảng Hòa. Hồi xưa ông là Thầy Bùa. Một hôm ông đi sửa nhà cho một người Công Giáo. Ra vô mấy ngày trong nhà chủ ông mới thấy "ông già" có râu trên bàn thờ. Bữa đó ông đang ngồi đục gỗ, thì một miếng dằm cây bắn vào mắt, cắm sâu vô mắt. Ông la "Trời" một tiếng thật to, rồi hai tay ôm đầu. Mầy ngón tay bóp chặt đầu và má cho đỡ đau. Máu chảy ướt mặt ông, chảy xuống áo. Chủ nhà nghe la chạy lên, thấy vậy cũng điếng hồn, vội chạy đi kêu xe để đưa ông vô nhà thương cấp cứu. Kêu được xe, chủ nhà trở vô kêu ông đi nhà thương, thì "Trời đất ơi!", ông ngồi tỉnh bơ, cái mặt có vẻ thẫn thờ. Trời ơi ! Hư hay thực ? Tỉnh hay mơ ? Chủ nhà tự hỏi : Mới thấy vậy mà giờ không phải vậy ! Rõ ràng mình đâu có chiêm bao ! Không lẽ hôm nay phát khùng tự nhiên chạy đi thuê xe chơi ! Ủa mà, dấu vết đây mà : Dấu máu còn rành rành trên mặt ông, trên áo ông, trên tay ông. Rõ ràng không sai, mà sao ông không kêu đau nữa. Mắt ông mở sáng đây mà. Ngồi yên một lúc ông mới vừa đưa tay chỉ vừa nói :"Ông già có râu này mới bước xuống gỡ miếng dằm trong mắt giùm tôi, rồi tôi hết đau". Ông già có râu trên bàn thờ này : Chính là ông Thánh Giuse ! Sau đó ông tiếp tục làm nghề thợ mộc cho tới chết, nhưng bỏ nghề Thầy Bùa và theo Đạo Chúa. Anh này là cháu ruột kêu ông bằng chú, chứ không phải con vì ông theo bùa. Ông tự tuyệt.

30. Tha cho con khỏi mổ

Nhân dịp đánh máy cho đủ "100 Tích lạ về Thánh Giuse" của linh mục Giuse Maria Châu Thủy để đưa lên xuân hà. net. Khi đánh đến truyện 35 về 2 mẹ con bị bệnh đường tiểu, tôi sực nhớ đến ơn lạ Thánh Cả ban cho tôi năm 1962, khi tôi phục vụ tại KTX Đồng Công Thủ đức.

Một buổi sáng, không nhớ ngày nào, trời không biết đẹp hay xấu, nhưng tôi bị đau bụng không thể tưởng tượng được. Nằm trên giường trong phòng Y tế, quay bên phải cũng đau, quay bên trái cũng đau, ngồi lên cũng đau, xin thêm chăn đè lên bụng cũng đau. Ôi thật thảm sầu!!!. Tôi nghĩ, nếu bị bệnh ngoài da thì mình còn gãi được cho dễ chịu, chứ đau trong bụng thì không biết đường đâu mà mò. Nằm chịu trận tới gần một tiếng, toát cả mồ hôi, thì tôi được chở đi bệnh viện St. Paul trên Sài gòn.

Sau khi khám xét và thông ống tiểu, bác sĩ kết luận cho tôi phải mổ, nhưng chờ sau Tết.

Thế là tôi được về nhà ăn Tết với anh em.

Tôi là con cái Thánh Cả Giuse, vì họ tôi, đại gia đình ông cụ nội tôi, bà chị nào sinh con trai cũng đặt tên thánh là Giuse hết. Gia đình tôi còn thuộc về họ Ông Thánh Giuse. Nhưng phải thú tội là tôi không sốt sắng tôn kính Thánh Cả Giuse như ông nội tôi, ngày nào ông cũng cầu nguyện nhiều giờ trước tượng Thánh Cả ông để trong tủ cùng với tượng Đức Mẹ trong nhà. Tôi được chú út tôi kể rằng:

"Vào năm 1947, khi quân đội Pháp còn làm chủ đa số dân chúng Bắc Việt, nhưng Việt minh đã nổi lên ở nhiều nơi. Máy bay Pháp dội bom một số đồn trú của Việt cộng. Bởi đó có sự lầm lẫn mục tiêu, nên gia đình chúng tôi cũng bị ảnh hưởng.

Biến cố xẩy ra khi phi công Pháp dội bom lầm nhà ông Tổng Giác, ông nội tôi. Kết quả là căn nhà ngói đồ sộ bị bắn phá tơi bời làm cả nhà bị sụp, trừ bức tường đằng sau tủ đựng tượng Thánh Giuse và Đức Mẹ bằng ngà.

Tôi đã thấy, không những bức tường không đổ, mà cũng không có viên gạch ngói nào phủ trên nóc tủ. Hình như có một sức che chở đặc biệt khiến súng đạn và gạch ngói không đụng chạm đến tượng Thánh.

Máy bay đi khỏi, cả một sân cá nhà tôi ở đằng trước nhà ông Tổng cũng bị phủ đầy bùn.

Kể từ đó, hai bức tượng bằng ngà này được dời về nhà tôi, và cha tôi hằng ngày đêm cầu nguyện. Cha tôi thì tin tưởng là hai bức tượng đó chứa ẩn tích quyền năng của Thiên Chúa, có lẽ vì vậy mà sau này có phong trào di cư, người cũng không muốn đi mà không mang được 2 pho tượng. Tôi rất tiếc là không biết 2 pho tượng đó bây giờ di dời hay cất giữ chỗ nào?

(Trích "Cha Tôi, Đoàn Từ Thiện ghi)

Khi về nghỉ ngơi ăn Tết, tôi thầm cầu xin Thánh Cả cho tôi khỏi bệnh, vì nếu phải mổ thì phiền lắm… Thế rồi không biết Thánh Cả xui khiến làm sao mà có người chỉ cho tôi bài thuốc "uống bia với dầu tây":

Họ nói"Lấy mấy chục giọt dầu tây (dầu hôi để đốt đèn) đổ vào li bia (lave) mà uống. Khi đổ dầu vô bia, tôi thấy dầu nổi lên trên mặt li bia, không rõ tác dụng thế nào theo hóa học, nhưng sau khi uống vô một lúc, tôi thấy có hột gì từ từ đi xuống theo đường tiểu tiện, thì ra đó là một hòn sạn gai góc lởm chởm, phải dùng kẹp lôi ra. Hòn sạn to quá, như đốt đầu ngón tay út của tôi. Dễ chịu quá.

Hết hạn nghỉ Tết ở nhà, tôi lên nhà thương để sửa soạn mổ, nhưng khi chiếu điện lại, bác sĩ tuyên bố: "Thôi, không cần mổ nữa", ông không hiểu tại sao? Tôi không nhớ mình có nói ra bài thuốc lăng băm đó không. Bác sĩ người ta chữa bệnh theo khoa học chứ ai tin vào chuyện chữa trị lẩm cẩm kiểu mẹo vặt của mình.

Sau nhiều lần tự hỏi: không biết mình khỏi phải mổ là nhờ ơn lạ Thánh Cả Giuse hay nhờ uống bia pha dầu tây?

Bây giờ, sau khi đọc nhiều chuyện lạ do Thánh Cả ban mà tôi đưa lên xuanha. net (đầu đề 202 Ơn lạ), tôi chắc chắn rằng chính Thánh Cả đã xui khiến cho tôi gặp bài thuốc "lang băm" để tôi khỏi bệnh sạn, và cho đến bây giờ, 46 năm rồi đó, không thấy bị lại, dù nhiều người nói, bệnh sạn hay bị lại lắm, mấy ông nhà tu ngồi nhiều, hoặc cứ nín không chịu đi, sẽ dễ bị bệnh sạn…Chỉ có Trời biết.

Tạ ơn Thánh Cả "hằng cứu giúp" con cái từ chuyện thật to như giúp xây nhà thờ đến chuyện thật nhỏ nói ra chẳng đặng như chuyện tiểu tiện khốn cùng.

(Lm. Giuse ĐQB)




+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Giêsu Maria Giuse con mến yêu xin cứu rỗi các linh hồn
"Anh em đừng có lòng chai dạ đá , cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng…Anh em phải cho một cách rộng rãi, và khi cho thì đừng miễn cưỡng..." (Đnl 15: 7-11)
Quyền năng của Thiên Chúa vô biên vô tận, các nhà khoa học không bao giờ hiểu hết được...
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng