Giới thiệu (Lớp Thánh Kinh 100 tuần)
Giới thiệu lớp Thánh Kinh 100 tuần
Phương pháp Học Thánh Kinh trong 100 Tuần được khơi nguồn từ cha Marcel le Dorze, một linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris làm việc tại Tokyo, Nhật Bản. Cha Marcel sinh tại Brittany, Pháp, năm 1919; gia nhập Hội Thừa Sai Paris từ năm 1946; làm việc tại giáo xứ Ueno, Tokyo từ năm 1955-1987. Chính ở đây, ngài bắt đầu mời gọi giáo dân cùng đọc Thánh Kinh với ngài. Nhiều người đáp ứng lời mời gọi đó và điều mà chính bản thân ngài cũng không ngờ là sau đó, phương pháp này đã lan rộng đến khắp nơi trên nước Nhật và kế tiếp là Hàn quốc.
Đức Hồng Y Peter Shirayanagi Seiichi, Tổng giám mục Tokyo, đã hết lời khen ngợi phương pháp này, và dùng dụ ngôn về Nước Trời giống như hạt cải để diễn tả sức sống và sự phát triển của phương pháp học Thánh Kinh trong 100 tuần. Theo ngài, tài liệu này là người bạn đồng hành tuyệt vời giúp cho mỗi tín hữu có được tầm nhìn bao quát về cấu trúc của Sách Thánh và đường lối cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử. Đồng thời, khi nối kết việc đọc Sách Thánh với việc chia sẻ và cầu nguyện, phương pháp này giúp cho tín hữu mở lòng ra lắng nghe Lời Chúa và xây dựng cộng đoàn. Đây cũng là phương thế đào tạo những giáo dân trưởng thành và vững vàng trong một thế giới không ngừng biến đổi.
Đặc điểm lớp Thánh Kinh 100 tuần
Đọc Thánh Kinh trong 100 tuần là phương pháp giúp người tín hữu đọc toàn bộ Thánh Kinh từ đầu đến cuối, để có được tầm nhìn tổng quát và rõ ràng về toàn bộ lịch sử cứu độ cũng như ý nghĩa của lịch sử đó cho đời sống Hội Thánh cũng như đời sống đức tin của ta ngày nay.
Để đạt mục đích trên, toàn bộ Thánh Kinh được chia thành 120 bài (chứ không chỉ 100!), mỗi tuần một bài. Những bài này không chỉ nhằm giúp học viên gia tăng kiến thức Thánh Kinh nhưng còn giúp nuôi dưỡng đời sống đức tin cá nhân cũng như xây dựng Giáo Hội qua việc cầu nguyện và chia sẻ trong nhóm.
Phương pháp khai triển
Các bài học được sắp xếp theo thứ tự từng cuốn sách trong bộ Thánh Kinh, và theo thứ tự các chương trong mỗi cuốn.
Trong mỗi bài, có những điểm chung:
- Chắt lọc những điểm chính trong bản văn,
- Song song với những điểm chính là những trích đoạn Thánh Kinh,
- Tóm tắt giáo huấn chính yếu của mỗi cuốn sách.
Phương pháp thực hiện
a) Nhóm nhỏ
Phương pháp này thường được áp dụng trong những nhóm nhỏ, từ 4 đến 20 người một nhóm. Nhóm nhỏ cho phép mỗi người nói lên những suy nghĩ và kinh nghiệm của mình, và được người khác lắng nghe. Nhóm nhỏ giúp cho mỗi người cảm nhận cách sống động và cụ thể mình là thành viên của một cộng đoàn. Nhóm nhỏ cũng tạo cơ hội cho những mối quan hệ gần gũi và gắn bó hơn.
b) Chuẩn bị trước cho buổi gặp gỡ hằng tuần
Mỗi thành viên trong nhóm cần phải đọc những đoạn Thánh Kinh đã được chỉ định: đọc riêng tại nhà, lý tưởng nhất là mỗi ngày nửa tiếng. Việc đọc Thánh Kinh luôn luôn được bắt đầu và kết thúc bằng cầu nguyện cho mình và cho anh chị em trong nhóm. Đồng thời phải quan tâm đến mối liên hệ giữa bài đọc Thánh Kinh và cuộc sống cụ thể vì Lời Chúa là Lời cho con người hôm nay, ở đây và lúc này.
c) Diễn tiến buối gặp gỡ hằng tuần
c1. Về buổi gặp gỡ hằng tuần
- Cần phải đều đặn và đúng giờ.
- Ngồi theo vòng tròn để mọi người có thể thấy được nhau và lắng nghe nhau.
c2. Diễn tiến buổi gặp gỡ (kéo dài khoảng 2 giờ)
- Cầu nguyện mở đầu: một Thánh thi hay Thánh vịnh ngợi khen. Sau đó, mỗi nhóm về địa điểm của mình.
- Ôn tập: Mỗi người nói vắn gọn về bài học Thánh Kinh tuần trước. Sau đó, người hướng dẫn tóm tắt những điểm chính và nhấn mạnh đến mối tương quan giữa bài học với lịch sử cứu độ, với cử hành Phụng Vụ, cũng như với đời sống thường ngày (Phần này không nên kéo dài quá 30 phút).
- Chia sẻ và cầu nguyện: Mỗi người luân phiên nói (khoảng 1 - 3 phút) về những điều mình đã tìm được trong bài đọc Thánh Kinh tuần này (đã được chỉ định) rồi kết thúc bằng một lời nguyện tự phát, và mọi người đáp: “Xin Chúa nhận lời chúng con.” Trong giờ chia sẻ, sẽ không có góp ý hay phê bình, tất cả phải cùng lắng nghe.
- Giải lao: 15 phút.
- Giải thích về bài đọc Thánh Kinh tuần tới. Người hướng dẫn chỉ định những đoạn Thánh Kinh sẽ đọc trong tuần, giải thích những điểm chính yếu và giải đáp những thắc mắc nếu có (30 – 45 phút)
- Kết thúc: Cầu nguyện kết thúc.
Những yêu cầu đối với học viên
- Đức tin, lòng mến.
- Kiên nhẫn (vì khoá học kéo dài hơn 100 tuần). Một khi đã quyết định, phải trung thành với lời cam kết.
- Tích cực (đọc Thánh Kinh ở nhà – cầu nguyện, suy niệm – chia sẻ với người khác điều Chúa đã soi sáng cho mình).
Nhận định
a) Một phương pháp lý tưởng (nếu không nói là quá lý tưởng)
- Phương pháp sư phạm chủ động
- Nối kết hiểu biết với cầu nguyện và sống Lời Chúa.
- Đào sâu đức tin cá nhân và xây dựng ý thức cộng đoàn.
- Ích lợi cho chính linh mục: bài giảng có chất lượng hơn và gần gũi với đời sống hơn.
- Ích lợi cho giáo dân: hiểu biết và yêu mến Lời Chúa hơn, tham dự các cử hành Phụng Vụ tích cực hơn, sống đời sống Kitô hữu cách tốt đẹp hơn, và tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng cách nhiệt thành và hiệu quả hơn.
b) Những đòi hỏi
- Trình độ dân trí: Đọc Thánh Kinh – làm việc riêng.
- Thời gian: chương trình kéo dài khoảng 3 năm đòi hỏi sự kiên trì.
(Nguyễn Anh Tuấn thu âm)
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Giêsu Maria Giuse con mến yêu xin cứu rỗi các linh hồn
"Anh em đừng có lòng chai dạ đá , cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng…Anh em phải cho một cách rộng rãi, và khi cho thì đừng miễn cưỡng..." (Đnl 15: 7-11)
Nếu những người giàu có biết chia sẻ của cải cho những người nghèo thì thế giới sẽ không còn người bị chết vì đói nữa...
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++