VẤN ÐỀ LINH HỒN DƯỚI CÁI NHÌN
CỦA KHOA HỌC VÀ TÔN GIÁO
TRẦN TRUNG PHƯỢNG
Cho đến nay, mặc dù đã có sự tiến bộ vượt bậc của khoa học – kỹ thuật và của tinh thần duy lý, "linh hồn" (của vạn vật nói chung và của con người nói riêng) vẫn luôn là một trong những vấn đề bí ẩn nhất và vẫn không ngừng trở thành một "đối tượng khảo sát" của nhiều giới, đặc biệt là giới khoa học.
Trái với dự báo của một số người, khi khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, nhu cầu tìm hiểu và chứng nghiệm về linh hồn không những không bị giảm đi, trái lại, còn trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Quan niệm cho rằng không nên lẫn lộn giữa hai lĩnh vực nghiên cứu : trong khi đối tượng nghiên cứu riêng biệt của khoa học là vật chất thì "linh hồn" hoặc "thế giới phi vật chất" nói chung chỉ nên là "đối tượng" của niềm tin tôn giáo hoặc một sự xác tín triết học cũng không còn đứng vững nữa. Trong giai đoạn hiện nay, sự hợp tác giữa khoa học và tôn giáo trong việc tìm hiểu về vấn đề này là một điều cần thiết, và trong sự hợp tác này triết học có một vai trò trung gian cần thiết và quan trọng.
Theo một cách hiểu thông thường nhất, linh hồn là một nguyên lý hay một phương diện phi vật chất (immaterial principal or aspect) mà cùng với thể xác, kiến tạo nên một thực thể con người hoặc sinh vật hữu cơ hoàn chỉnh. Ở đây, có ba danh từ khác nhau được tạo ra; nếu "linh hồn" được dùng để chỉ phần linh thiêng nhất trong thế giới tinh thần của con người, thì ở các động vật khác, nguyên lý phi vật chất này được gọi là "sinh hồn" (âme sensitive) và ở thế giới thực vật, đó là "giác hồn" (âme végétative). Sự phân chia nói trên xuất phát từ thuyết tiến hoá của linh hồn, một thuyết đã từng là một trong những giáo lý căn bản của Aán Ðộ giáo từng được truyền bá rộng rãi trong nhiều thế kỷ vừa qua cùng với thuyết luân hồi. Theo quan niệm của các thuyết này, linh hồn con người vẫn còn sau khi thể xác chết, và sau nhiều cuộc luân hồi, chuyển kiếp, với sự tu tập không ngừng, linh hồn sẽ tiến hoá đến mức cao nhất và trở thành "một tâm thức thiêng liêng hoàn toàn khai mở" (theo C.W. Leadbeater). Cũng theo thuyết này, có hai giai đoạn lớn trong lịch trình tiến hoá của linh hồn; trong giai đoạn đầu tiên, trên "con đường ra đi", linh hồn còn ở trình độ thấp và chủ yếu hoạt động hướng ra ngoài nhằm thỏa mãn các dục vọng của mình. Trong giai đoạn thứ hai, trên "con đường trở về", linh hồn bắt đầu hướng về đời sống tâm linh, hiểu được mục đích và ý nghĩa tối hậu của cuộc sống.
Bắt đầu từ Homère,vấn đề "linh hồn" đã được đề cập đến trong lịch sử tư tưởng – triết học của loài người, kể từ thế kỷ thứ VII trước Tây lịch,với nhiều quan niệm và nhận thức khác nhau. Cho đến khi nền văn minh cổ Hy Lạp tiếp xúc với đạo Saman (Chamanisme), một loại hình tôn giáo sơ khai phổ biến ở Siberia và các vùng lân cận, thường tổ chức các cuộc tiếp xúc với linh hồn người chết, thì do ảnh hưởng của đạo này, một số tác giả Hy lạp, trong đó có Pythagore, Empédocle cho rằng trong con người tồn tại một linh hồn hay một "cái ngã" có nguồn gốc thần thánh, mà bằng các phương pháp và kỹ thuật thích hợp, có thể tách rời linh hồn ra khỏi thể xác, cũng như linh hồn luôn tồn tại trước khi có thể xác và vẫn tiếp tục tồn tại sau khi thể xác tan rã (giống với quan niệm ở phương Ðông: "Thác là thể phách, còn là tinh anh"). Ðó là nguồn gốc đầu tiên của thuyết nhị nguyên luận (dualisme) về linh hồn và thể xác, một thuyết cho rằng linh hồn và thể xác có thể tồn tại độc lập với nhau và cả hai thường được đặt trong một thế đối lập có tính chất căn bản. Ðiều này thường được thể hiện bằng một hình ảnh phổ biến là "linh hồn ở trong thể xác cũng giống như con ngừơi ở trong ngục tù" (Gorgias, 525a). Những quan niệm sơ khởi về linh hồn nói trên cũng chính là những tín ngưỡng phổ biến nơi dân gian.
Trong số các tác giả Hy Lạp cổ, có lẽ Platon, cùng với Aristote, là những triết gia đã đưa ra được một lý thuyết tương đối hoàn chỉnh về linh hồn và có thể được xem như là một "tâm lý học" sơ khởi về vấn đề này. Chịu ảnh hưởng sâu xa từ học thuyết nhị nguyên luận. Platon cho rằng linh hồn có thể hiện hữu một cách độc lập đối với thể xác và nó chỉ ở trong một trạng thái "thuần khiết" khi nào nó được giải thoát ra khỏi ngục tù – cơ thể. Platon cũng đã đưa ra nhiều luận chứng khác nhau để chứng minh về sự "bất tử" của linh hồn (như tất cả mọi sự thay đổi không phải chỉ xảy ra theo một chiều hướng nhất định mà còn theo cả chiều hướng ngược lại, do đó, không phải chỉ sự biến đổi từ trạng thái sống qua trạng thái chết mà còn có cả sự biến đổi ngược lại từ chết qua sống và điều đó chứng tỏ sự trường tồn của linh hồn là vĩnh cửu…) và học thuyết về ý niệm của ông ám chỉ rằng trước khi thể nhập vào một thân xác, linh hồn đã cư ngụ và chiêm ngưỡng trong thế giới thuần khiết của tri thức. Platon cũng đã đưa ra một lý thuyết về "cấu trúc linh hồn" với ba thành phần : thành tố cao nhất của linh hồn là một thành tố "thuần lý (rationnel) và nó đóng vai trò như một người điều khiển tối cao, yếu tố thứ hai được xem là nguồn gốc của hành động và một số tình cảm đạo đức, và yếu tố thứ ba thuộc hàng thấp nhất, có tính chất dục vọng. Sự đối lập giữa tính thuần lý (của yếu tố thứ nhất) và tính phi lý (của hai yếu tố còn lại) cũng là một dạng thức khác của học thuyết nhị nguyên luận về linh hồn của Platon. Trong Phèdre, Platon có nhắc đến một huyền thoại so sánh linh hồn như một người đánh xe với hai con ngựa khác nhau : một con ngựa tốt và một con ngựa xấu. Sự tịnh hóa và thuần khiết của linh hồn chỉ có thể đạt được sau khi con người trải qua nhiều kiếp sống khác nhau và chính yếu tố "thuần khiết" này mới có khả năng "đồng nhất linh hồn với thần thánh". Dưới cái nhìn có tính chất duy tâm này, "con người, đó chính là linh hồn" (l’homme, c’est son âme, Alcibiade, 130c).
Với một cái nhìn có tính chất cơ giới hơn và phần nào thoát ra khỏi ảnh hưởng của nhị nguyên luận, Aristote cho rằng linh hồn kết hợp với thể xác cũng giống như "hình thức" (forme) kết hợp với "chất thể" hoặc "vật chất" (matière) và "linh hồn chính là hình thức hoặc là tác thể (acte) của thể xác mà từ đó tạo ra bản chất của sự sống". Quan niệm của Aristote về linh hồn xuất phát từ lý thuyết chất hình (hylémorpaisme), theo đó, một vật dù có thay đổi như thế nào thì vẫn giữ được tính chất cơ bản của nó (gọi là "prime matter") và sự thay đổi diễn ra trong một hình thức có tính chất chất thể (substantial form). Nói cách khác, với lý thuyết này, Aristote quan niệm linh hồn là "hình thức chất thể" của thể xác, và đó là nguồn gốc duy nhất của tất cả các hiện tượng sống và tinh thần. Quan niệm này của Aristote đã ảnh hưởng nhiều đến quan niệm của Thánh Thomas và trường phái kinh viện sau này về vấn đề linh hồn.
Trong giai đoạn đầu của kỷ nguyên Thiên Chúa giáo, vấn đề linh hồn cũng đã được đề cập trở lại, dưới ảnh hưởng to lớn của tư tưởng Hy Lạp, đặc biệt là học thuyết Platon và Aristote. Hầu hết các giáo phụ cho rằng linh hồn là một "chất thể tâm linh" (spiritual substance) được cấu tạo bởi Thượng đế và có tính chất bất tử. Theo niềm tin Thiên Chúa giáo, trong ngày phán xử cuối cùng, linh hồn của người chết sẽ "nhập thể" và sự phục sinh sẽ được thực hiện. Con người, theo quan niệm của Thánh kinh, được cấu tạo bởi ba yếu tố : 1. Néfesh : theo Thánh Paul, "néfesh" là nguyên lý đời sống có khả năng tạo ra sự sống cho cơ thể (nghĩa đen của "néfeste" là cơ quan hô hấp), 2. Basar : là sự biểu hiện cụ thể của "néfeste" là chính cơ thể hiểu như một công cụ biểu thị tình cảm của "néfeste", 3. Ruah : là yếu tố quan trọng nhất, bảo đảm sự hiện hữu của cả "néfeste" và "basar", là sợi dây liên hệ nối liền con người với Thượng đế, là chính sự hiện diện của Thượng đế nơi con người.