Về mặt tâm linh, đối với những người có tín ngưỡng, nhất là ở các tôn giáo lớn, thì câu hỏi này không cần phải bàn rồi. Nhưng liệu các khoa học gia có tin là ngoài lớp vỏ bọc còn gọi là nhục thể, thì con người còn có những phần nào khác nữa ngoài xác thân ? Đây là "điều" đang làm các nhà khoa học ở thế giới chúng ta điên đầu để dẫn chứng, và các dẫn chứng này dần dà cho thấy "họ" cũng đang bán tín bán nghi là có linh hồn ?
E dè vì sợ bị người nghe cho mình là hoang tưởng, đó là lý do vì sao rất nhiều người đã từng sống qua trải nghiệm "cận tử" (EMI) chọn cách im lặng. Người đầu tiên mổ xẻ vấn đề này là Raymond Moody, từ năm 1975. Nhà bác sĩ tâm lý học người Mỹ này đã cho xuất bản một cuốn sách viết về các linh hồn. Cuốn “La vie après la vie - Cuộc sống sau sự sống” được bán với 20 triệu bản, dịch ra 26 thứ tiếng. Một thành công thực sự, đã thừa nhận sự tồn tại những trải nghiệm "cận tử" khó tin mà các bệnh nhân của bác sĩ Moody đã trải qua.
Và điều mà những bệnh nhân này đã trải qua không còn là những chuyện khó tin nữa. Vào năm 1982, một nghiên cứu do Viện Gallop thực hiện cho thấy khoảng 8 triệu người Mỹ đã từng qua trải nghiệm đó khi gặp các chấn thương về não bộ, như sau một tai nạn ô tô hay tim ngừng đập. Kể từ khi đó, những người đã trải qua "một lần chết" có thể hy vọng được người khác lắng nghe và thấu hiểu.
Những câu chuyện trùng hợp.
Từ 18 năm nay, bác sĩ Jean Pierre Jourdan đã gặp rất nhiều người sống lại sau trải nghiệm "cận tử". Được tin tưởng, các bệnh nhân này đã tự thuật những sự kiện không thể tin được mà họ đã trải qua khi ở trạng thái chết lâm sàng hay hôn mê. Trong quyển “Deadline – ranh giới cái chết”, Jean Pierre Jourdan đã giải thích hai giai đoạn chung của tất cả các trải nghiệm có tính chất "cận tử" :
- Giai đoạn gọi là "còn ở trần thế" : các bệnh nhân cảm thấy họ thoát rời khỏi thân thể, bay bổng lên phía trên lớp vỏ bọc vật chất (thể xác) và nhìn thấy mọi vật xung quanh mình. Người ta gọi đó là hiện tượng xuất hồn hay trải nghiệm thoát xác EHC (Expérience Hors du Corps). Khi sống lại, những người này đều có khả năng hồi tưởng và miêu tả rất chính xác những gì đã thấy. | |
- Giai đoạn "tiên nghiệm" : bệnh nhân cảm thấy bị hút vào một đường hầm tối đen và cuối đường hầm lại chan hòa ánh sángg. “Họ cảm nhận một xúc cảm rất mạnh mẽ chưa từng biết đến trong tràn đầy yêu thương” – Jean Pierre Jourdan giải thích trong một cuộc phỏng vấn trên đài Europe 1 vào 1/07/2004. “Họ thấy mình thật khỏe mạnh, yên bình và có một sự hiểu biết rất cao siêu”.
Những trải nghiệm ít phổ biến hơn !
“Tôi thấy cả cuộc đời mình diễn lại trước mắt” vốn là giai đoạn biếm họa nhất của cái chết trong các bộ phim, nhưng với một số người thì đó thực sự là điều họ đã trải qua. “Một người lái xe thấy mình đang đứng trước một tai nạn khủng khiếp, và trong một khoảng thời gian rất ngắn, anh ta nhìn lại những dấu ấn đặc biệt nhất trong cuộc đời từ khi anh ta còn bé đến tận lúc đó. Và sau cùng, anh ra đã tránh được tai nạn này” – Jean Pierre Jourdan kể lại.
Một số khác thuật lại việc gặp gỡ với những người thân đã chết, quanh mình họ tỏa ra vòng hào quang thần thánh, nhưng các hiện tượng này không luôn hiện hữu trong các dẫn chứng khác của những người chết đi sống lại. Những điểm giống nhau của các dẫn chứng kể trên đòi hỏi phải có sự phân tích của giới y học và khoa học. Rất nhiều trường phái nghiên cứu hiện nay đi theo hướng nhân sinh học, sinh học thần kinh, tâm lý học. Nhưng những điều kỳ bí vẫn còn đó.
Trải nghiệm "cận tử" : Một hiện tượng mới ?
Trải nghiệm "cận tử" không phải là một hiện tượng mới. Ta chỉ cần đọc cuốn “Le Mythe d’Er, Le Pamphyline” của Platon là đủ hiểu. Cuốn sách này kể về một người lính trở về sau chiến tranh. Anh ta được coi là đã chết và bị bỏ lại sau một trận chiến. Câu chuyện anh lính này kể lại rất giống với các trải nghiệm mà người ta biết đến ở ngày nay.
Việc đưa các trải nghiệm "cận tử" "EMI" ra công chúng có vẻ như quá muộn vì rất nhiều bệnh nhân đã và đang gặp nhiều khó khăn để được người xung quanh và bác sĩ của mình lắng nghe. Họ sợ bị cho là điên hay hoang tưởng. Một số không dám kể lại những gì mình đã trải qua, trong khi đó, các khoa học gia ước tính có khoảng 4% dân số thế giới đã trải qua trải nghiệm "cận tử" "EMI", và tương ứng có khoảng gần 3 triệu người Pháp.
Những câu chuyện phổ biến.
| “Linh hồn hay cái gì đó thoát ra khỏi thân thể tôi, giống như bạn rút một chiếc khăn tay ra khỏi túi, hồn tôi phủ quanh thân tôi, sau đó quay trở lại nhập vào cơ thể, nhưng tôi chưa chết”. Đó là mô tả của nhà văn nổi tiếng Renest Heminway khi bị thương bởi một mảnh pháo trong Đại chiến thế giới thứ hai. Cảm giác này giống như hiện tượng thoát xác vậy. |
Phi công Charles Lindberg kể lại rằng trong chuyến vượt biển Atlantic nổi tiếng của mình, ông ta có lúc cảm thấy chính mình rời khỏi thân thể và vượt ra ngoài buồng lái. Gần như bị kiệt sức sau kỷ lục đã đạt được, Charles đã có cảm giác đến thật gần cái chết.
Người ta còn ghi nhận những trạng thái xuất hồn, yên bình trong các nghi lễ của xã hội cũ như của đạo Sama. Những tu sĩ toạ thiền Phật giáo thể đạt đến trạng thái linh hồn và cơ thể tách rời nhau. Điều này cũng là dẫn lộ cho các nhà khoa học về khoa "thần kinh học" nghiên cứu thêm để có thể giải thích các hiện tượng "cận tử" "EMI" một cách hợp lý và khoa học hơn.
Những giả thuyết sinh học được nêu ra.
Hoài nghi và minh chứng, đó là những từ căn bản của khoa học. Đối với các nhân chứng đã qua trải nghiệm "cận tử", sự hoài nghi càng dễ bao trùm. Trải nghiệm này ở một số người, mang tính chất huyền bí, lạ thường, thậm chí có hơi hướng tôn giáo ; những biểu tượng mà các nhà khoa học khó thể hòa nhập. Tất cả các sự kiện này đều được giải thích : sự lệch lạc của não bộ !
Sự hưng phấn mang tính hóa học thuần túy.
Điều đầu tiên cảm nhận trong trải nghiệm "cận tử" là sự thoải mái, vui vẻ. Các nhà khoa học giải thích đơn giản rằng đó chỉ là cảm giác xuất hiện do sự giải phóng các "endorphine" - phân tử được não bộ tiết ra một cách tự nhiên. Chấn thương về tâm thần mà cơ thể phải chịu đựng sau tai nạn hay dừng tim đều dẫn đến "stress", kích thích và giải phóng các phân tử "morphine", một chất rất gần với "endorphine". | |
Các "endorphines" phản ứng trên cấu trúc não bộ chịu trách nhiệm về cảm xúc - là "amygdale" – nơi cảm giác thanh thản được nhận biết. "Morphine" được giải phóng sẽ làm dịu cơn đau ; do đó não tìm cách bảo vệ bệnh nhân đang đau đớn bằng cách tiết ra các "endorphine".
Nhưng nếu đúng như vậy, làm sao giải thích được có vì tới 4% bệnh nhân lại trải qua cảm giác khó chịu, thậm chí biến sang loạn thần kinh ?
Não bộ thiếu ô xy !
Sau chấn thương như ngừng tim, tai biến mạch máu não … Não có thể phải chịu đựng tình trạng thiếu hoặc không có ô xy. Hiện tượng này dẫn đến việc cơ thể giải toả liên tục "glutamate", một chất trung gian thần kinh (là tế bào làm nhiệm vụ vận chuyển thông tin giữa các neron thần kinh). Những tế bào thần kinh "glutamate" đa phần tập trung ở vùng tiềm thức của não – vùng cao nhất của trí nhớ, suy nghĩ và tri giác.
Quá trình tổng hợp quá mức này đầu độc não bộ, và khi đó nó sẽ tự bảo vệ bằng cách phong tỏa các thu nhập "glutamate". Hậu quả : một chu trình ngắn hình thành có thể làm tái xuất lại "ký ức".
Với kết nối này, các nhà khoa học hy vọng giải thích được tại sao một số người lại có thể nhìn lại toàn cảnh cuộc đời tái diễn trước mắt.
Tháng 02, năm 1996, Susan Blackmore, thuộc khoa tâm sinh lý trường Saint Mathias ở Bristol đã quan sát thấy hiện tượng không có ô xy có thể dẫn đến thay đổi ở phần cảm nhận thị giác tại khu vỏ não. Các tế bào ở giữa phần này hoạt động quá mức ngược lại với những tế bào ở vùng ngoại vi. Các nhà khoa học thấy rằng có khả năng giải thích tại sao bệnh nhân lại thấy mình ở trong một đường hầm !
Não bộ: nguồn gốc của các trải nghiệm "cận tử"?
Các nhà thần kinh học luôn nghiên cứu để giải thích các trải nghiệm "cận tử" do sự giảm sút về thần kinh.
Kích thích não bộ.
Người đầu tiên nghiên cứu lĩnh vực này là bác sĩ Micheal Persinger vào năm 1955. Nhà thần kinh học Canada vừa nêu đã tiến hành nhiều thử nghiệm trên các bệnh nhân của mình. Bằng cách kích thích lên nhiều phần của não bộ, bác sĩ Persinger đã thành công trong việc tạo ra ở một số bệnh nhân các cảm giác có thể so sánh với người trong ở trải nghiệm "cận tử".
Khi kích thích vào thùy thái dương, ông nhận thấy bệnh nhân như sống lại từng mẩu ký ức, nhưng chính xác hơn, đó là các hình ảnh diễn ra dưới sắc thái ẩn hiện, liên tục thoáng qua, nhưng rời rạc. Vì thế, đó không phải là các biểu hiện thuật lại trong các trải nghiệm "cận tử".
Chứng tê mình trong giấc ngủ.
Bác sĩ Jean Michel Jourdan đã giải thích rất tỉ mỉ về hiện tượng này trong cuốn « Deadline ». Khi có giấc ngủ sâu - lúc chúng ta có các giấc mơ – toàn bộ các cơ đều ở trạng thái nghỉ ngơi, trừ cơ hô hấp và mắt. Gần như có sự ngừng kết nối giữa thân thể và não bộ. Cơ chế này đôi khi có thể xảy ra vào lúc tỉnh giấc hoặc thiu thiu ngủ. Khi đó, người ta có cảm giác cơ thể mình tê cứng thậm chí một phần thoát khỏi xác. Và hoàn toàn ý thức được điều gì đang xảy ra với mình.
Hiện tượng của triệu chứng "cứng người" trong giấc ngủ giống như cảm giác thoát xác trong trải nghiệm "cận tử", nhưng có khá nhiều điểm khác. Khi thoát xác :
- Người bệnh rời khỏi xác hoàn toàn, họ nhìn thấy thân thể của mình từ trên cao và có thể di chuyển được.
- Người bệnh có thể nhìn chính xác mọi chi tiết xung quanh mình, và tất cả đều hoàn toàn có thật. Không có bất kỳ một sai lệch nào !
Thoát xác : một hiện tượng không thể giải thích được.
Thoát xác là hiện tượng đa số những người còn sống sót qua các chấn động thần kinh mạnh, nhất là ngừng tim, đều trải qua. Rất nhiều người hoài nghi và đang cố gắng giải thích hiện tượng này một cách khoa học. Olaf Blanke đã thực hiện điều này vào năm 2002.
- Thoát xác : một dạng ảo giác đơn giản.
Thử nghiệm được thực hiện trên một bệnh nhân 43 tuổi bị động kinh : trong quá trình can thiệp, cô hoàn toàn có ý thức và tỉnh táo.
| Bác sĩ đã đưa các xung điện ở các cường độ khác nhau vào thùy não phải. Điện não đồ cho thấy động kinh xảy ra do rối loạn chức năng ở vùng não phải này. Các can thiệp tập trung chủ yếu vào vùng giữa các thùy thái dương và vùng bên, ở hồi não góc phải. Lúc này, bệnh nhân cảm thấy thoát khỏi thân thể. Cường độ xung điện càng mạnh, cảm giác thoát xác càng tăng thậm chí còn nhìn thấy ảo giác. |
- Một dẫn chứng đối nghịch.
Jean Pierre Jourdan đã ghi lại trong cuốn sách của mình câu chuyện về một phụ nữ được phẫu thuật để chữa chứng phình mạch vào năm 2001. Quá trình can thiệp đòi hỏi phải đưa nhiệt độ cơ thể xuống đến 15.8 °C. Yêu cầu hạ nhiệt độ là bắt buộc. Có một điện não đồ thực hiện việc ghi và kiểm soát hoạt động của não. Khi đó, điện não đồ hoàn toàn phẳng, không có một hoạt động nào được ghi nhận. Bệnh nhân hoàn toàn mất ý thức và vì thế không có khả năng cảm nhận điều gì ở xung quanh mình. Tuy nhiên khi tỉnh, người phụ nữ này kể rằng mình đã thoát xác và quan sát toàn bộ cuộc phẫu thuật. Bà ta mô tả rất nhiều chi tiết về dụng cụ được dùng để phẫu thuật thần kinh, về cưa khoan xương giống như một cái bàn chải điện. Và thuật lại cả các trao đổi giữa bác sĩ tim mạch và phẫu thuật thần kinh. Và việc này có thể được kiểm chứng qua băng ghi hình cuộc phẫu thuật.
Dẫn chứng này chỉ ra rằng, cho dù não bộ không hoạt động, bệnh nhân hoàn toàn mất ý thức vẫn có thể quan sát và nhất là nhớ được mọi sự việc. Ví dụ thoát xác này hoàn toàn không phải là một ảo giác vì tất cả đều có thực.
Các dẫn chứng tương tự với ví dụ trên được ghi lại khá nhiều. Bệnh nhân - hoàn toàn không có ý thức vì não không còn hoạt động - nhưng đã mô tả sự việc xảy ra với độ chính xác mà một người tỉnh cũng không thể làm được. Họ nhớ lại rất đúng khung cảnh và các sự việc thông thường trong khi không thể nhìn hoặc nghe thấy ... Những điều này hoàn toàn đi ngược với giả thiết khoa học về ảo giác ở trên.
Và cuộc sống của các bệnh nhân sau đó ?
Ai cũng đều có thể trải qua trải nghiệm "cận tử". Tuy nhiên, những người trên 60 tuổi và những người từng biết qua sự hiện hữu của trạng thái này ít có cơ hội được tiếp cận hơn.
Trải qua duy nhất một lần !
Phần lớn những người thoát khỏi "cận tử" đều kể rằng họ đã sống một thời khắc lạ thường và duy nhất trong đời mình. Chỉ có khoảng 4% sống trong trải nghiệm "cận tử" với cảm giác tiêu cực, kinh hoàng !
Việc trở lại với cuộc sống bình thường của họ không hề có cản trở hay thay đổi lớn. Trong chuyến « du hành », các cá nhân cảm nhận một cảm tính không thể giải thích và không hề có ở thế giới này : đó là một tình yêu rộng lớn, một cảm giác thoải mái và niềm vui thanh thản, một hiểu biết vô hạn mà họ chỉ còn nhớ lại đôi chút nhưng lại rất gần gũi.
Sự thay đổi toàn diện.
Khi tỉnh lại, những người này không còn có quan điểm sống như trước nữa. Các cá tính nhân bản cố hữu đối với họ hoàn toàn thay đổi, họ không thể chịu được thế giới hiện tại với sự hời hợt, vật chất, ích kỷ ... và không còn tìm thấy được mình trong đó. Điều đó không phải không để lại hậu quả trong cuộc sống của họ : « Trong số những người đã trải qua trải nghiệm "cận tử", không ít người đã ly dị, thay đổi công việc và cả giao lưu bạn bè nữa ». Bác sĩ Jourdan nhấn mạnh thêm trong cuốn sách của mình.
Vì thế, những người hưởng được sự nhiệm mầu này giờ đây không chỉ có riêng trong các tôn giáo hay của thế giới thần bí : Họ thường mang một tình cảm vị tha đối với những người chung quanh. Và rất thanh thản trước cái chết !
Tìm hiểu thêm.
Các nhà khoa học vẫn còn chặng đường dài trước mắt để hiểu và giải thích về các trải nghiệm "cận tử". Điều vẫn luôn tồn tại trong kiêng kỵ đối với giới y học về các hiện tượng không thuần lý này.
Rất nhiều giả thuyết được đưa ra trong 50 năm gần đây, nhằm chọc thủng những bí mật xung quanh các chuyến « du hành » của chủ đề.
| Ma túy, thuốc an thần, thương tích não bộ, chứng tê mình trong giấc ngủ, thiếu ô xy não... Những giả thuyết đó giải thích rằng não có thể tạo ra các hiện tượng có thể so sánh với trải nghiệm "cận tử" như : nhìn thấy ánh sáng, vượt qua hầm tối, nhìn lại toàn bộ cuộc đời, thoát xác. Nhưng chưa bao giờ, các lý thuyết này đưa ra được "cái" giống hệt như trạng thái mà những người tỉnh lại sau "cận tử" đã trải qua và kể lại. |
Tất cả các nạn nhân đều kể lại hiện tượng đã xãy ra với bản thân mình theo cùng một chu trình, trong khi hoàn cảnh hay thực trạng của từng cá nhân lại hoàn toàn khác xa nhau. Một số thì ở trạng thái hôn mê, số khác bị ngưng tim, hay gặp tai nạn...
Bác sĩ Jourdan hy vọng các nhà nghiên cứu sẽ tập trung vào việc định vị các vùng não hoạt động khi một người đã bước vào cửa "cận tử (EMI)" hồi tưởng lại. Một phòng thí nghiệm được trang bị thiết bị ghi hình phẩu thuật như "RIM", các hình ảnh sống động sẽ có thể cho phép họ thực hiện công việc định vị như thế. Khi so sánh các hình ảnh thu được so với hình của những người bình thường khác chưa hề trải qua biến cố. Với phương pháp vừa nêu, các khoa học gia có thể giới hạn các vùng não hoạt động trong khi ở trải nghiệm "cận tử" và nghiên cứu sâu rộng hơn.
Theo L'internaute (Aout 2009)