Kính thưa quý thính giả,
Có một điều chúng ta không thích nói đến hay đề cập đến, nhưng đây là điều sẽ xảy ra với tất cả mọi người, không chừa một ai, từ vua quan, tổng thống cho đến thứ dân, bất cứ mọi thời đại nào, dân tộc nào, tôn giáo nào. Một điều mà không ai tránh khỏi, đó là ai cũng sẽ chết.
Chết. Thật là một điều đau lòng. Chết. Thật là một điều buồn thảm. Chết là hết, là chấm hết, là chấm dứt mọi sự ở đó. Chúng ta thường tóm tắt cuộc đời qua bốn chữ ngắn gọn “sinh, lão, bệnh, tử”, có nghĩa là một người được sinh ra, rồi phấn đấu, bon chen, rồi mệt mỏi, già nua, tàn sức, mang lấy bệnh tật, rồi tàn lụi mà chết. “Sinh, lão, bệnh, tử”. Sau chữ “sinh” còn có chữ “lão”, sau chữ “lão” còn có chữ “bệnh” đi theo, nhưng sau chữ “tử” chẳng có chữ nào khác đi sau. Mọi sự chấm dứt sau khi chết !
Quý thính giả thân mến,
Quan điểm về cái chết hướng dẫn người ta sống ra sao trong cuộc đời hiện tại. Có người không muốn suy nghĩ và muốn tránh né cái chết, nên sống một đời như mình sẽ không bao giờ chết. Những người này thường lo toan, bận rộn, làm việc quần quật, tích lũy, xây đắp thật nhiều, làm như mình sẽ sống đời để “hưởng” hết điều này, điều nọ. Có người nghĩ là “chết là hết” nên trong lúc còn sống, thì phải tranh thủ hưởng thụ thật nhiều, lỡ mai kia mốt nọ không còn có cơ hội nữa. Có người cho rằng “chết là hết”, đời người ai cũng thế, nên buông xuôi cuộc đời, mặc cho dòng đời đưa đẩy, tới đâu thì cũng thế thôi, vì rồi cuối cùng cũng “chết”, cũng “hết” thôi. Có người cảm thấy xót xa trong lòng, vì sao phải “chết”, vì sao phải “hết”, có phải cuộc đời thật là lãng xẹt, vô duyên một cách thật đau đớn không?
Thế nhưng, có thật là “chết là hết” không? Có phải một người sau khi chết, thì người đó không còn hiện hữu, không còn tồn tại, không còn nhận thức được nữa không? Chúng tôi xin mời quý vị cùng nhau tìm hiểu Kinh Thánh, là lời của Đấng ban sự sống cho loài người, nói gì về sự chết.
Điều đầu tiên Kinh Thánh nói về cái chết là nó đến rất mau. Mới ngày nào đây một người còn trẻ trung, tràn đầy sức lực, ấy thế mà bây giờ đã già nua. Thật là “đời người như bóng câu qua cửa sổ”, như Kinh Thánh luôn luôn nhắc nhở:
“Đời người như hoa, sớm nở tối tàn,
Như bóng bạch câu vụt qua cửa sổ
Con người khuất bóng vội vàng.” (Gióp 14:2)
Có một dạo, người ta tung ra thị trường, một loại đồng hồ thật đặc biệt, mang tên “Đồng Hồ Cuộc Đời”. Chiếc đồng hồ này chiếu ra số giờ, số phút và số giây còn lại của một đời người. Lời quảng cáo của chiếc đồng hồ này như sau: “Mọi cuộc đời đều là hữu hạn. Đời người trung bình kéo dài khoảng 683,280 giờ mà thôi. Chiếc đồng hồ này sẽ nhắc nhở bạn còn sống được bao lâu nữa, hầu cho bạn điều chỉnh để sống một đời sống thật đáng sống”. Mà quả thật, càng lớn tuổi, chúng ta thấy thời giờ sao trôi qua thật lẹ làng.
Quý thính giả thân mến,
Một điều khác mà Kinh Thánh khẳng định là “chết không phải là hết”. Chết không phải là trang sử cuối cùng của mỗi người. Sự chết, theo định nghĩa của Kinh Thánh, chỉ có nghĩa là “sự phân ly” hay “sự chia cắt”. Kinh Thánh không bao giờ xem rằng “chết” có nghĩa là “không còn” hay “chấm dứt hiện hữu”.
Loài người chúng ta được tạo dựng để trở thành đối tượng tình yêu của Thiên Chúa, hay nói một cách khác, quý vị và tôi được dựng nên để trở nên bạn chí thân của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là đời đời, có nghĩa là Ngài luôn luôn hiện hữu, trong khi chúng ta là tạo vật mà Ngài quý mến nhất, quyến luyến không rời, cho nên chúng ta lẽ ra không phải chết, nhưng phải luôn hiện hữu đời đời bên cạnh Ngài. Thế nhưng, ngày nay, ai cũng phải chết. Thế thì cái chết đến từ đâu, nguyên nhân nào khiến con người phải chịu chết?
Xin mời quý vị và tôi cùng trở lại những ngày đầu sáng thế, khi A-đam và Ê-va là hai con người đầu tiên, đang sống trong mối tương quan khắng khít mỗi ngày với Thiên Chúa, thì một sự kiện đau buồn đã xảy ra, được ký thuật trong sách Sáng Thế Ký như sau:
“Trong các loài động vật Thượng Đế tạo nên, rắn xảo quyệt hơn cả. Rắn hỏi dò người nữ: "Có phải Thượng Đế cấm chị không được ăn mọi thứ cây trong vườn không?"
"Chúng tôi được ăn các thứ trái cây trong vườn chứ!" người nữ đáp, "Chỉ mỗi một cây trồng giữa vườn, Thượng Đế không cho đụng chạm đến; nếu trái lệnh chúng tôi sẽ chết."
Rắn quả quyết: "Chắc chắn không chết đâu! Thượng Đế biết rõ khi nào ăn, mắt anh chị sẽ mở ra, anh chị sẽ giống như Thượng Đế, biết phân biệt thiện ác."
Người nữ nhìn trái cây thèm thuồng, thấy vừa ngon, vừa đẹp, lại mở mang trí khôn, liền đưa tay hái ăn, rồi trao cho chồng đứng bên mình. Chồng cũng ăn nữa. Mắt hai người mở ra, biết mình trần truồng, liền kết lá vả che thân.
Đến chiều, nghe tiếng Thượng Đế Hằng Hữu đi qua vườn, A-đam và vợ liền ẩn nấp giữa lùm cây trong vườn. Thượng Đế gọi: "A-đam, con ở đâu?"
A-đam thưa: "Nghe tiếng Chúa trong vườn, con sợ nên đi trốn, vì con trần truồng." (Sáng Thế Ký 3: 1–7)Kính thưa quý thính giả,
Trong lời ký thuật vừa rồi, Thiên Chúa đã dặn dò, nếu trái lệnh của Ngài, thì A-đam và Ê-va phải chết. Thế nhưng khi thủy tổ loài người không vâng giữ lời khuyên của Ngài, đưa tay hái trái mà Thiên Chúa đã cấm, thì cả hai đã không lăn ra chết liền tại chỗ. Tuy nhiên, ngay trong giây phút phạm tội đó, cái chết về thể xác đã bắt đầu đến trong thân thể của A-đam và Ê-va. Kinh Thánh cho biết A-đam còn sống tới 930 năm sau nữa thì mới chết. Nhưng điều khủng khiếp hơn là, ngay khi A-đam và Ê-va giơ tay hái trái, phạm tội với Thiên Chúa, cái chết về phần tâm linh đã lập tức xảy ra với cả hai người. A-đam và Ê-va ngay tức khắc cảm thấy mình bị chia cách, trở nên xa lạ với Thiên Chúa. Ngày nào hai người còn quấn quít với Ngài, mà giờ đây sao mang đầy mặc cảm tội lỗi và hổ thẹn, cho nên cả hai đã kiếm lá che thân và ẩn trốn giữa các lùm cây để tránh mặt Thiên Chúa.
Quý thính giả thân mến,
Có hai cái chết khi A-đam và Ê-va phạm tội với Thiên Chúa:
Thứ nhất là cái chết về tâm linh, hay là sự chia cắt phần tâm linh của một người ra khỏi sự hiện diện thánh khiết, toàn hảo của Thiên Chúa. Nguyên nhân của sự chia cắt này là vì tội lỗi, hay những suy nghĩ hay hành động theo ý riêng của mình, không phù hợp với nguyên tắc thánh thiện của Thiên Chúa, như lời Kinh Thánh khẳng định:
“Nhưng tội lỗi ngươi đã đào hố thẳm giữa ngươi với Chúa; gian ác ngươi đã che lấp đến nỗi ngươi không thấy mặt Ngài” (Ê-sai 59:2).
Thứ nhì là cái chết về thể xác, là sự phân rẽ của thể xác vật lý tạm thời với phần linh hồn bất diệt, khi một người đã đi đến phần cuối của cuộc đời mình trên đất này. Cái chết của thể xác cũng là hậu quả của tội lỗi, như lời Thiên Chúa đã nói với A-đam như sau:
“Vì con nghe lời vợ, ăn trái cây Ta đã ngăn cấm, nên đất bị nguyền rủa. Trọn đời con phải làm lụng vất vả mới có miếng ăn. Đất sẽ mọc gai góc và gai độc; con sẽ ăn rau cỏ ngoài đồng. Con phải đổ mồ hôi lấy bát cơm, cho đến ngày con qua đời trở về đất, là cội nguồn của con. Là bụi đất, con phải trở về bụi đất." (Sáng Thế Ký 1:17–19)
Khi chúng ta nói “chết là hết”, chúng ta ngụ ý cái chết về thể xác. Nhưng “chết không là hết”, vì thân xác chúng ta trở về bụi đất, nhưng phần linh hồn bất diệt, là linh chất đến từ Thiên Chúa, là chân dung thật của mỗi chúng ta, sẽ tiếp tục cuộc hành trình vào cõi đời đời.
Kính thưa quý thính giả,
Thiên Chúa tạo dựng nên chúng ta để kết thân với Ngài, làm con cái yêu dấu đời đời của Đấng Tối Cao. Tiếc thay, vì thủy tổ loài người là A-đam và Ê-va, đã không vâng lời Ngài, gieo mầm mống tội lỗi vào trong nhân loại, khiến mọi người bị đẩy xuống hàng tội nhân và phải chịu chia cắt với Thiên Chúa.
Chết, hay xa cách Thiên Chúa, là hệ quả của tội lỗi, là điều mọi chúng ta phải gánh chịu, theo như luật công bình đã định, được ghi lại trong Kinh Thánh như sau:
“Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27)
hay nói một cách khác, khi chúng ta qua đời, thân xác trở về với bụi đất, nhưng linh hồn chúng ta sẽ trở về với Đấng Tạo Hóa để chịu xét xử về mọi suy nghĩ và công việc làm của mình.
Để chuẩn bị cho ngày “chầu Trời” này mà con người đã dựng nên không biết bao nhiêu là tôn giáo, hướng dẫn người ta làm lành lánh dữ, tích lũy công đức, mong lấy công chuộc tội. Tiếc thay, trong khi mỗi chúng ta đang xa cách trong phần tâm linh với Thiên Chúa, hoàn toàn bị tội lỗi và dục vọng thống trị, thì dầu lòng thành đến đâu, công đức có nhiều như thế nào, thì cố gắng của chúng ta cũng không sao là trọn vẹn, là xứng đáng trước những tiêu chuẩn thánh khiết tuyệt đối của Thiên Chúa, như lời Ngài có khẳng định:
“Chúng con tất cả đều ô uế, xấu xa. Cả đến những việc đạo đức của chúng con cũng như giẻ rách thối tha, bẩn thỉu.” (Ê-sai 64:6)
Kính thưa quý thính giả,
Chúng ta đang sống, nhưng cơ thể chúng ta đang hao mòn và chết dần mỗi ngày. Chúng ta đang hít thở, sống động, nhưng tâm linh chúng ta cằn cỗi, tâm hồn khô hạn, đời sống lạc lõng, buồn chán, không kiếm ra ý nghĩa thật sự trong cuộc sống, vì đã bị chia cắt với Thiên Chúa là nguồn suối tâm linh. Chúng ta sẽ qua đời, chịu phán xét, để rồi chấp nhận cái chết thứ nhì, là khi linh hồn chúng ta phải xa cách đời đời với Thiên Chúa là nguồn sống, nguồn hy vọng và bình an.
Đứng trước tình trạng khủng khiếp và bất lực của con người trước án phạt chết khủng khiếp đời đời như vậy, chính Thiên Chúa Ngôi Hai đã tự nguyện giáng thế làm người cách đây hơn 2000 năm để cứu vớt con người. Chúa Giê-xu, chính là Thiên Chúa trong thân xác con người, đã bằng lòng chết đau thương trên thập tự năm xưa, lãnh bản án phạt chết đời đời cho mỗi chúng ta, trong đó có quý vị và tôi.
Những ai tin vào tình thương và sự hy sinh chết thế của Cứu Chúa Giê-xu, được Thiên Chúa tha thứ cho mọi tội lỗi, được khôi phục địa vị làm con của Thiên Chúa và được Ngài tái tạo một đời sống mới trong tâm linh. Những ai đã thuộc về Chúa Giê-xu, thì không còn bị đoán phạt, không còn bị chia cắt đời đời, nhưng sau khi chấm dứt cuộc hành trình trên đất, sẽ trở về với Thiên Chúa, tận hưởng niềm vui thiên thượng cho đến vĩnh viễn.
Kính thưa quý thính giả,
Chết không là hết. Thân xác chúng ta sẽ trở về bụi đất, nhưng linh hồn, hay chính con người thật của mỗi chúng ta, sẽ tiếp tục cuộc hành trình vào vĩnh cửu. Chúng ta sẽ trở lại và vui thỏa muôn đời với Đấng tạo dựng nên chúng ta, hay sẽ bị chia cắt đời đời với Ngài, điều này không dựa trên bất kỳ một lý do nào khác, nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ và niềm tin của mỗi chúng trước sự hy sinh cao quý của Cứu Chúa Giê-xu.
Ngài chính là Con Một của Thiên Chúa, là Vua Thiên Đàng, Đấng đã yêu chúng ta đến nỗi đã phải lìa thiên đàng, giáng thế làm người, để rồi chịu chết thay cho chúng ta, để ban chúng ta niềm hy vọng như chính Ngài đã quả quyết: “Ta là sự Sống lại và Nguồn sống. Người nào tin Ta dù chết rồi cũng sẽ sống” (Giăng 11:25)
Vì “chết không phải là hết”, nên ước mong quý vị sớm chuẩn bị cho cuộc hành trình của mình vào vĩnh cửu. Xin kính chào quý vị.