Sống và Chết - Lâm Hữu

Chúng ta sống nhưng chẳng mấy ai hài lòng về chính mình, về cuộc đời này và thỉnh thoảng phải đối mặt với cái chết – của người thân, bạn bè, hàng xóm, người dưng và của chính mình -. Liệu chúng ta có quyền gì trong hai vấn đề trọng đại của đời người là sống và chết không?

Khi cất tiếng khóc chào đời ta đã không có chút quyền lựa chọn nào rồi. Ta được sinh ra ở đâu, con ai, vào lúc nào, sắc tộc gì… dường như tạo hóa đã sắp đặt hết hay ngẫu nhiên nó thế 1), ta chẳng có quyền chi. Rồi người vui mừng là ông bà cha mẹ, họ tổ chức đầy tháng, thôi nôi và đặt tên cho ta nữa, trong khi đó ta chẳng hay biết gì. Ta chẳng thể có cách chi ý kiến với cuộc sống được vì lúc có ý kiến thì ta đã có mặt ở cõi đời này rồi.

Còn cái chết thì sao, ta cũng chẳng có quyền gì nốt. Dù muốn dù không, dù có chống trả thế nào thì cuối cùng ai cũng phải chết. Khi chết đi rồi chắc hẳn là không còn cảm giác chi nữa, thế nên tri thức, của cải, danh tiếng và những người ta từng quen biết cũng thành hư vô. Liệu chết đi có tái sinh, kiếp sau, luân hồi nghiệp báo không 2)? cái ấy ai mà biết được thế nên đừng bận tâm làm gì, nói như ông Khổng Tử “chuyện sống chưa biết hết thì sao biết chuyện chết”. Tóm lại thì ai cũng phải chết và chết đi rồi thì chẳng mang theo được cái chi.


Còn cuộc sống hiện tại, có lẽ ta có chút ít quyền can thiệp nhưng tôi lại cay cú câu nói của nhà Phật “đời là bể khổ 3)”, mặc dù chẳng ưa gì câu đó nhưng ông ấy nói quá chí phải: tính chất của lửa là nóng, của cuộc đời là khổ, không khổ sao gọi là cuộc đời. Chắc sẽ có nhiều bạn (mà tôi cũng vậy) phản đối rằng quan điểm như vậy quá bi quan, tiêu cực, sống làm gì; hãy quên nó đi và hướng đến những niềm vui, cái đẹp, niềm hạnh phúc trong cõi đời này; quan niệm như thế cũng chẳng sai nhưng hãy cẩn thận vì rất có thể ta đang sống trong vỏ bọc giả tạo của hạnh phúc (tôi lại ví von nghĩ đến nhân vật Bêlicốp trong “Người trong bao” của Sêkhốp). Có thể hôm nay ta đang trẻ khỏe, hăm hở trong cuộc sống, có tình yêu ngọt ngào, danh tiếng, thu nhập cao, bạn bè khắp chốn… đang rất yêu đời, hài lòng với cuộc sống này và thấy rằng “đời là bể sướng”, nhưng những thứ ây chẳng bền vững (vì thế ai có rồi thì cố nắm thật chặt), rất dễ mất đi và ta lại phải đối mặt với cái khổ của cuộc đời: ái biệt ly, oán tăng hội, sở cầu bất đắc, ngũ ấm xí; còn cái khổ sinh, lão, bệnh, tử thì có mà chạy đằng trời. Vì thế nhân lúc sống mà chưa bị khổ nhiều thì cần phải giải quyết trước cái khổ để khi đối mặt với nó ta còn biết đường mà lần, mà giảm bớt cải khổ, làm cho đời nó sướng lên, nếu làm tốt đạt tới cảnh giới cao thì trạng thái ấy cũng có thể được coi là niết bàn (Phật giáo), thiên đường (Kitô, Cơ đốc giáo hay đạo thờ thiên Chúa), còn Cao Đài (đại đạo tam kỳ phổ độ) thì nói dễ hiểu hơn: xây dựng một thiên đàn tại thế.

Ngồi rảnh rỗi đặt vấn đề suy ngẫm chơi cho vui thế thôi, chứ nói thì dễ òm, ai mà chẳng nói được. Vấn đề quan trọng là làm cách chi cho đời nói bớt khổ, nó sướng lên mới khó 4).

---------------

1) Có nhiều cách lý giải trong các tôn giáo khác nhau. Chẳng hạn trong Phật giáo có nghiệp, tái sinh, lý nhân duyên.
2) Có một số người có công năng đặc biệt, họ dùng siêu ngũ giác quan có thể thâm nhập vào thế giới ẩn tánh, thế giới siêu hình và “thấy” được những điều người thường chẳng thể thấy như kiếp trước, linh hồn, người ngoài địa cầu… Những thứ đó ta không hề biết, chưa chứng ngộ được vì thế chẳng thể tin ngay.
3) Thật ra thì nhà Phật không nói như thế, viết vậy là theo cách hiểu của đa số. Phật giáo không bi quan cũng không lạc quan, Phật giáo thực tiễn và nhìn sự vật một cách khách quan.
4) Các tôn giáo đều chỉ ra con đường để giải thoát khổ đau. Như trong công giáo thì phải có niềm tin và làm theo lời dạy của đấng Kito; còn Phật giáo thì đã chỉ ra con đường bát chánh đạo, con đường trung đạo… Tuy nhiên vấn đề giải quyết sự đau khổ không hề đơn giản như vậy mà đòi hỏi phải có sự tu tập công phu và đi đúng hướng.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng