SUY NIỆM Tin Mừng của Lm Nghĩa
RẤT CẦN ĐIỀM LẠ CHO HÔM NAY
Chúa nhật 2 mùa chay, năm C
(Lc 11,29-32 )
Thế giới càng văn minh, nhân loại càng tiến bộ với khoa học công nghệ hiên đại thì dường như sự âu lo, sự e ngại càng không giảm đi mà có phần tăng lên thêm và mang nhiều sắc thái khác nhau. Khi càng đầy đủ tiện nghi thì càng chất thêm nhiều nỗi lo sợ. Khi cuộc sống vật chất xem chừng được bảo đảm thì đời sống tinh thần lại bấp bênh. Một nghịch lý rất hiện sinh đã và đang làm đau đầu các nhà xã hội, luân lý và nhất là những ai còn có lương tri. Sống trong tình trạng bấp bênh thì ta luôn khao khát “sự đột biến”. Không lạ gì những khi mất chủ quyền, bị nô lệ thì dân Israel lại khát khao Đấng Thiên sai xuất hiện cách mãnh liệt. Càng không ổn định thì ta càng thích những chuyện “giật gân”, “chuyện la”. Các phương tiện truyền thông, các báo, đài không ngại ngần khai thác tâm lý này để thu lợi. Chuyện tình đổ vỡ giữa công nương Diana và hoàng tử Charles vương quốc Anh đã từng một thời trở thành món hàng kinh doanh của nhiều toà soạn, ký giả, phóng viên. Sự phong lưu đa tình của một nguyên thủ nước cờ hoa cũng đã là chuyện lạ đó đây. Có được mấy ai không thích chuyện lạ ? Chuyện lạ nào lại không gợi tính tò mò, gây sự chú ý ? Mở trang báo, thì tìm ngay mục chuyện lạ bốn phương. Dân Việt cũng hăm hở lên màn ảnh nhỏ với tiết mục“những chuyện lạ Việt Nam”. Thú thực, bản thân tôi đã từng không kìm được sự hiếu kỳ, một sự hiếu kỳ rất chi là “dân tộc tính”.
Chúa nhật 2 mùa chay, năm C
(Lc 11,29-32 )
Thế giới càng văn minh, nhân loại càng tiến bộ với khoa học công nghệ hiên đại thì dường như sự âu lo, sự e ngại càng không giảm đi mà có phần tăng lên thêm và mang nhiều sắc thái khác nhau. Khi càng đầy đủ tiện nghi thì càng chất thêm nhiều nỗi lo sợ. Khi cuộc sống vật chất xem chừng được bảo đảm thì đời sống tinh thần lại bấp bênh. Một nghịch lý rất hiện sinh đã và đang làm đau đầu các nhà xã hội, luân lý và nhất là những ai còn có lương tri. Sống trong tình trạng bấp bênh thì ta luôn khao khát “sự đột biến”. Không lạ gì những khi mất chủ quyền, bị nô lệ thì dân Israel lại khát khao Đấng Thiên sai xuất hiện cách mãnh liệt. Càng không ổn định thì ta càng thích những chuyện “giật gân”, “chuyện la”. Các phương tiện truyền thông, các báo, đài không ngại ngần khai thác tâm lý này để thu lợi. Chuyện tình đổ vỡ giữa công nương Diana và hoàng tử Charles vương quốc Anh đã từng một thời trở thành món hàng kinh doanh của nhiều toà soạn, ký giả, phóng viên. Sự phong lưu đa tình của một nguyên thủ nước cờ hoa cũng đã là chuyện lạ đó đây. Có được mấy ai không thích chuyện lạ ? Chuyện lạ nào lại không gợi tính tò mò, gây sự chú ý ? Mở trang báo, thì tìm ngay mục chuyện lạ bốn phương. Dân Việt cũng hăm hở lên màn ảnh nhỏ với tiết mục“những chuyện lạ Việt Nam”. Thú thực, bản thân tôi đã từng không kìm được sự hiếu kỳ, một sự hiếu kỳ rất chi là “dân tộc tính”.
Ngài hãy làm một điềm lạ từ trời xem nào ! Hỡi dòng giống ác độc, sẽ chẳng cho các ngươi điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Đức Giê-su vô tình hay hữu ý kéo chuyện bà hoàng phương Nam vào đây. Đến ngày tận thế Nữ hoàng phương Nam sẽ đứng lên tố cáo dòng giống này vì bà đã từ tận cùng trái đất đến để nghe lời khôn ngoan của vua Salômon. Và dân Ninivê cũng sẽ tố cáo dân này vì họ đã nghe lời tiên tri Giona. Ở đây còn có người hơn cả Giona, hơn cả Salômon nữa. ( x. Lc 11,29-32 ).
ĐIỀM LẠ GIO-NA : SỰ “TO GAN” CỦA NHỮNG NGƯỜI THẤP CỔ BÉ MIỆNG
Hẳn nhiên thoặt nghe điềm lạ của tiên tri Giona, ta dễ liên tưởng đến chuyện Giona ở trong bụng cá ba đêm ngày. Thánh sử Matthêu khi viết trình thuật này hẳn có ý liên kết với việc Đức Giê-su ở trong mộ ba ngày qua cuộc khổ nạn nên đã thêm “ Quả thật, ông Giona đã ở trong bụng kình ngư ba đêm ba ngày thế, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy” ( Mt 12, 40 ). Trong Tin Mừng theo thánh Luca thì không có câu này. Các nhà nghiên cứu Tin Mừng xác nhận rằng những bài trình thuật của Thánh Luca dường như trung thực với các dữ kiện bấy giờ cũng như những lời dạy của Chúa Giêsu hơn. Chẳng hạn so sánh Bài giảng trên núi ( bát phúc ), hay Kinh Lạy Cha giữa hai tác giả Tin Mừng, ta thấy thánh sử Matthêu như cố tình thêm thắt, sửa đổi theo chủ ý thần học của Ngài.
Dù rằng chuyện tiên tri Giona chỉ là một chuyện thuộc loại hình văn chương dụ ngôn, thế nhưng chuyện một người ở trong bụng cá ba đêm ngày mà vẫn còn sống thì quả là rất lạ. Cái sự lạ này nếu có thì chỉ với số người ở ngay bờ biển. Ninivê, một thành phố lớn, thủ phủ của đế quốc Assyri, phía Đông Bắc nước Israel, bên con sông Tigre, con sông đổ về vịnh Ba-tư, chắc hẳn theo luận lý bình thường thì dân thành Ninivê sẽ khó lòng biết chuyện Giona ở trong bụng cá. Thế thì Tiên tri Giona đã trở nên điềm lạ cho dân thành Ninivê ở điểm nào ?
Ta sẽ nhận ra cái lạ khi tìm hiểu lịch sử một chút. Đế quốc Assyri thời bấy giờ là một đế quốc lớn đang thôn tính hay đô hộ nhiều nước nhỏ khác trong đó có nước Israel ( Khi ấy nước Do Thái đang bị phân chia thành hai là Israel ở phía Bắc và Giuđêa ở phía Nam ). Hôm nay, bỗng có một anh là con dân nước bị trị, ngang nhiên đến thủ đô của đế quốc tuyên bố những điều chướng tai, khó nghe. “Còn bốn mươi ngày nữa Ninivê sẽ bị phá đổ”( Gn 3,4 ). Quả là to gan, đáng chém đầu. Giả như tôi là một trong những con dân thành Ninivê, tôi sẽ cùng với một vài người xách cổ Giona ra mà cho vài bạt tai, đá vài cái vào “ mông” rồi đuổi về nước. Chắc hẳn Tiên tri Giona hiểu điều này chứ. Thay vì đi về hướng Ninivê, Giona đã muốn qua mặt Giavê mà về hướng Tacxê. Sự việc ông làm trái lời Giavê phán dạy không chỉ vì không muốn cho dân Ninivê, một thứ “dân ngoại” được khỏi tai hoạ mà cũng có phần lo sợ cho số phận của mình.
Sao lại không lo lắng khi to gan liều mình đi nói một điều xúi quẩy cho dù đó là sự thật, mà lại nói với những người trên đầu trên cổ của mình xét về mặt xã hội. Kinh thánh không nói rõ nhưng ta có thể suy đoán những lời lẽ của Giona. Ngoài câu còn bốn mươi ngày nữa Ninivê sẽ bị phá đổ thì phải có những lý chứng kèm theo đó là vì vua quan lẫn dân chúng thành ấy đang sa đoạ trong tội lỗi. Thánh kinh Cựu Ước cho ta hay rằng hễ Giavê đoán phạt ai là vì tội lỗi của họ hoặc có thể là vì tội lỗi của các đấng bậc ở bên trên như hàng vua chúa chẳng hạn.
Sẽ chỉ cho dân này điềm lạ của Tiên tri Giona… và ở đây còn có Đấng hơn cả Giona. Cái điều hơn cả Giona ở đây, mới nghe ta dễ liên tưởng đến phẩm vị. Chúa Giêsu thì hơn Giona chứ. Không ai phản đối. Ngài là Con Thiên Chúa. Đúng vậy, nhưng chỉ đúng với người có niềm tin sau này. Với các Tông đồ thì cũng chỉ đúng cách chắc chắn sau biến cố Chúa phục sinh. Còn với các khán thính giả của Chúa Giêsu lúc bấy giờ thì sao ? Đây có một người hơn cả Giona về sự to gan, về sự liều lĩnh. Đây là Giêsu thành Nazaret. Nazaret nào có gì hay chứ. Nathanaen đã không một lần thẳng thừng với Philipphê đấy sao ? Ông ta chỉ là người thợ mộc bình thường nếu không muốn nói là tầm thường. Thế mà ông ta to gan vạch trần sự giả dối của các vị đạo đức tự tách riêng khỏi đám đông tội lỗi ( biệt phái ) : Họ như những thứ mồ mả tô vôi mà bên trong đầy sự tanh hôi ( x.Lc 11,44 )…. Các ngài tiến sĩ luật, ông cũng không chừa. Ông tố cáo họ dùng sự thông thái của mình để vẽ vời nhiều sự. Họ tạo nên nhiều tập tục, nghi tiết chất nặng trên vai trên cổ đám dân đen còn họ thì không buồn giơ một ngón tay lay thử ( x.Lc11,46 )… Các Thượng tế, những đấng bậc thay dân để tế lễ Giavê vẫn bị tấn công. Ông mạnh mẽ lên án họ đã biến Đền thờ thành sào huyệt của phường trộm cướp ( x. Mc 11,17 ). Cả đến vua Hêrôđê, ông cũng đã đặt tên là con cáo già ( x Lc 13,32 ). Vẫn là ông, Giêsu Nazaret, một người to gan hơn cả Giona.
Sự thật thường dễ mất lòng. Nói những sự thật không hay, không tốt của các đấng vị vọng, của những người có quyền có chức không chỉ dễ mất lòng mà ngay cả đầu cũng khó lòng giữ nguyên với cổ. To gan, phạm thượng, những tội đáng tru di cửu tộc. Bài học lịch sử các nước thời quân chủ chuyên chế không hiếm những mẫu gương liều phạm thượng, dám to gan để can ngăn vua chúa khi vị “con trời” hành động sai lầm hoặc vạch mặt chỉ tên những nịnh thần hại dân hại nước. Xét theo con số thống kê thì số người thất bại nhiều hơn hẳn số người thành công khi dám to gan hay phạm thượng.
Thấy điềm lạ là sở thích của con người vì ai ai cũng mong có sự đổi thay khi mà tình thế hôm nay không mấy đẹp, không được ổn. Dễ thôi, sở thích ấy có thể được thoả mãn bằng các hình ảnh sống động nhưng là trên màn ảnh nhỏ hay trong các băng hình. Xưa thì có một Bao công liêm chính, nay sẽ có nhiều nhân vật quan toà, chánh án, hay một nữ viện kiểm soát “hư cấu” trong phim ảnh. Dẫu sao cũng là một cách làm thoả mãn đôi mắt dân chúng và dĩ nhiên lòng của họ sẽ thấy an ủi phần nào. Bánh vẽ tuy không thể làm no lòng được nhưng lắm khi tạo cảm giác “nê nê”. Xin chớ ngủ mê !
Tạ ơn Chúa, cơn mê ngủ của ta, đoàn con cái Chúa và đoàn con dân nước Việt đang bị cắt đứt bởi tiếng nói của những người có tâm có lòng với vận mệnh quê hương dân tộc, với sự tinh tuyền và thánh thiện của Hội thánh. Tạ ơn Chúa vì đó đây đã thấp thoáng những người can đảm, chấp nhận hy sinh vì hạnh phúc đồng loại, đồng bào, sẵn sàng chấp nhận cảnh lao lung, gông cùm vì công lý, hòa bình, dân chủ…Điềm lạ vẫn rất cần cho hôm nay. Thế giới này, xã hội này, đất nước này và cả Hội thánh ta hôm nay vẫn rất cần có điềm lạ. Chắc chắn như xưa Chúa Giêsu sẽ chẳng cho điềm lạ nào ngoài điềm lạ của Giona, một “tiện dân” to gan vì chân lý. Chân lý sẽ giải thoát chúng ta.
ĐIỀM LẠ HƠN CẢ GIO-NA :SỰ KHIÊM NHU BIẾT LẮNG NGHE VÀ ĐÓN NHẬN CHÂN LÝ CỦA NHỮNG NGƯỜI CÓ CHỨC, CÓ QUYỀN.
Cái điềm lạ hơn cả Giona trong chuyện tích Giona đó là Vua quan và toàn dân thành Ninivê. Trước những lời lẽ chướng tai của một kẻ vô danh, đúng hơn là của một người dân một nước nhược tiểu, bị trị, thế mà từ vua đến quan đến dân chúng của thủ đô một đế quốc đã khiêm tốn lắng nghe và đón nhận. Không chỉ đón nhận kiểu hoà hoãn cho qua chuyện mà tất cả đã biến sứ điệp ấy thành hành động cụ thể. “Dân Ninivê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Tin báo đến cho vua Ninivê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác vải thô và ngồi trên tro. Vua cho rao sắc chỉ:….Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình…”( Gn 3,5-10 ). Đọc đi đọc lại những dòng này, quả thật ta phải nghiêng mình trước sự khiêm tốn của vua lẫn dân Ninivê. Một điềm lạ hơn cả Tiên tri Giona.
Dễ thường người ta hay chú ý xem ai nói, ai làm hơn là nói điều gì, làm việc gì. Miệng của quan có gang có thép. Lời lẽ từ người có quyền có chức ta thường xem là đúng và hữu lý. Thậm chí một lời đơn sơ, lắm khi không cần nói trẻ thơ đã hiểu, thế mà nếu nó được một nguyên thủ quốc gia hay một bậc vị vọng thốt lên thì sẽ trở thành khuôn vàng thước ngọc. Một số biểu bảng, panô đó đây cho ta sự thật này. Chưa kể đến những cái lưng luôn khúm núm cong cong thì bất cứ lời nào của bề trên, của bậc có quyền đều là “ bệ hạ sáng suốt, bệ hạ sáng suốt”. Đón nhận sự thật, lắng nghe điều khôn ngoan, đặc biệt khi chúng có dính dáng cách nào đó đến những sự không hay, những điều thiếu sót và cả sai lầm của ta, bất kể nó phát xuất từ đâu, là một thái độ khiêm nhu chân thành. Dễ mấy ai sẵn sàng đón nhận chúng, nhất là khi chúng phát xuất từ những người dưới cấp, những người thấp cổ, bé phận.
Hai cô ca sĩ có khen nhau bao giờ. Câu nói này khiến ta hổ thẹn với Nữ Hoàng phương Nam. Cũng phận đứng đầu một quốc gia, thế mà Nữ hoàng đã khiêm tốn bôn ba dặm đường xa đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômon. Bà Nữ Hoàng còn dâng tặng vua Salômon nhiều phẩm vật quý giá không nguyên chỉ vì nghi lễ mà còn để tỏ lòng trân trọng. Chuyện Nữ hoàng phương Nam không chỉ là chuyện lạ mà còn là lời nhắc bảo và có khi là lời cảnh báo. Ta là “Thầy dạy chân lý”, ta là “Thầy cả” vì thế, cần học gì ai ! cần gì nghe ai ! Nước ta là tinh hoa của nhân loại, đã từng đánh đổ các đế quốc to, cần gì học ở các nước khác ! Chế độ ta là chế độ ưu việt, Đảng ta là Đảng “muôn năm” cần gì thay đổi, cần gì đổi mới ! Đúng là những thái độ đáng bị Nữ Hoàng phương Nam lên án.
Xã hội ta, đất nước ta, Hội thánh ta, giáo phận ta…mãi rất, rất cần những sự lạ. Đã và đang xuất hiện các điềm lạ là những Giona “thời mới”, những người “to gan” vì có tấm lòng với mẹ Hội Thánh, với quê hương dân tộc Việt Nam. Thế nhưng cái kết có hậu hay chăng có thể nói là tuỳ thuộc phần lớn ở những đấng, những vị nhiều quyền, lớn chức có biết khiêm nhu để trở nên điềm lạ như vua quan thành Ninivê và Nữ hoàng phương Nam ngày nào là sẵn sàng đón nhận sự thật, sẵn sàng lắng nghe điều khôn khoan dù chúng đến từ những người thấp cổ, bé phận hay từ những người không đồng quan điểm và chính kiến với ta. Và dĩ nhiên lắng nghe hay đón nhận là để tích cực sửa sai, thay đổi trong sự khiêm tốn chân thành.
(Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột)
LM Nguyễn Văn Nghĩa
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - dongcong.net
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Giêsu Maria Giuse con mến yêu xin cứu rỗi các linh hồn
"Anh em đừng có lòng chai dạ đá , cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng…Anh em phải cho một cách rộng rãi, và khi cho thì đừng miễn cưỡng..." (Đnl 15: 7-11)
Nếu những người giàu có biết chia sẻ của cải cho những người nghèo thì thế giới sẽ không còn người bị chết vì đói nữa...
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++