CÁM DỖ

CÁM DỖ
 
Ông bạn tai quái của tôi mới thấy cái tên bài “Cám dỗ”, đã vội chẹp miệng, rồi oang oang : “E hèm ! Cám với chẳng dỗ. Coi chừng được nếm cám heo đấy!” Ừ ! Có thể lắm ! Được biết rõ đó là cám heo mà bị bắt buộc phải nếm thì còn khả dĩ (vì còn có thể nguỵ biện : Heo nó ăn cám mà cơ thể tăng trưởng tốt thì giả thử người không còn cái gì khác ngoài cám heo, ăn cũng chẳng sao). Khốn nỗi khi bị cám dỗ ăn cám heo, mình có biết đó là cám heo đâu, lại cứ tưởng đó là một thứ sơn hào hải vị quý hiếm nào đó, ấy mới chết một cửa tứ ! Cám dỗ – theo từ nguyên – chỉ có nghĩa “Khêu gợi lòng ham muốn đến mức làm cho sa ngã”. Là con người ai mà chẳng có dục vọng (lòng ham muốn). Tâm địa con người cũng giống như một ruộng lúa, trong đó không thiếu cỏ lùng, bởi trong con người luôn luôn có cốt cách của một vị thánh nhân cũng như của một tên đại bợm. Bản chất cám dỗ là nguy hiểm, nhưng ác một nỗi những cơn cám dỗ lại luôn luôn là một sự dễ chịu, ngọt ngào, lôi cuốn. Vì thế, mới khiến con người dễ bị sa ngã.
Đã có người coi cám dỗ không phải là xấu, không phải là tội, thậm chí còn cho rằng nó – sự cám dỗ ấy – sẽ là triều thiên vinh quang khi con người chiến thắng được nó. Một câu hỏi được đặt ra : cái triều thiên vinh quang ấy có được là do sự cám dỗ mang lại hay do sự chiến đấu chống lại được cám dỗ mang lại ? Đáp số của câu hỏi này đã rõ : Triều thiên vinh quang ấy có được là do sự chiến đấu thắng lợi được cám dỗ, tất nhiên. Và như thế thì cám dỗ tốt hay xấu, tội hay không tội ? Nếu nó không xấu, không phải là tội, thì có cần phải chiến đấu chống lại nó không ? Và không chiến đấu thì đào đâu ra triều thiên vinh quang ? Thực ra, xét đến cùng, thì vì sao ma quỷ, kẻ xấu phải cám dỗ con người ? Nếu là một suy nghĩ (tư tưởng), một hành động, một việc làm tốt, quang minh chính đại, thì tự bản chất bộc lộ ra chẳng cần phải dùng cảm tính mà dụ dỗ (cám dỗ) một ai. Chỉ có những ham muốn không tốt, những dục vọng thấp hèn mới cần phải che đậy và dùng chiêu thức cám dỗ để lừa phỉnh, gạt gẫm người ta vướng vào. Cũng vì thế nên Thánh Gia-cô-bê Tông đồ mới dạy : “Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: "Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ", vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai” (Gc 1, 13). Chính Đức Giê-su Thiên Chúa, với bản tính loài người, cũng chịu để bị cám dỗ, chớ Người không hề cám dỗ một ai. Những Lời dạy của Người luôn luôn là ngay thẳng, rõ ràng, phân mính, không hề có sự gian dối, lừa gạt. Người không hề nói “Ai muốn theo Thầy thì sẽ được vinh hoa phú quý, quyền lực danh vọng”, mà Người luôn luôn dạy : "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24)

Nói về cám dỗ thì không biết thế nào là cùng. Con người sống trên đời luôn phải đối diện với trăm mưu nghìn chước của ba thù, mà toàn là những mưu ma chước quỷ, những chước độc mưu thâm. Vì thế, nếu biết rằng mình bị cám dỗ, thì vẫn có hy vọng chống lại được. Cái nguy hiểm của cám dỗ là ở chỗ người bị cám dỗ không hề biết mình đang bị kẻ xấu, kẻ thù dùng cảm tính dụ dỗ mình làm việc xấu. Một ông vua nếu biết mình đang bị rơi vào kế mỹ nhân, chắc chắn sẽ không mất nước vì gái đẹp. Một ông quan không bị mờ mắt vì hấp lực của tiền bạc danh vọng, chắc chắn sẽ không đến nỗi thân bại danh liệt, thân tàn ma dại. Quả thật, không thiếu những người lúc nào cũng luôn miệng lu loa : Đừng hòng đem danh vọng , quyền lực ra mà cám dỗ được ta, rượu ngon, gái đẹp cũng đừng hòng lay chuyển được ta. Nhưng để có được một người sống đúng như lời nói, quả thật rất khó.

Con người được Thiên Chúa dựng nên để “thống trị muôn loài” nên có hai phần : xác và hồn – thể chất và tinh thần. Vì thế khi bị kẻ thù của con người là ma quỷ cám dỗ cũng có thể tách ra hai phần : Về thể xác thì từ miếng ăn thức uống, đến mọi dục vọng xác thịt, thậm chí cả những tiện nghi vật chất, những điều kiện sinh hoạt nơi gia đình xã hội, ma quỷ cũng có thể sử dụng để cám dỗ con người. Còn về tinh thần thì chúng đem quyền lực, danh vọng ra để lôi cuốn. Đức Ki-tô cũng bị cám dỗ bởi bản tính loài người : xác thịt (cơn đói khát trong hoang địa), tinh thần (quyền lực, danh vọng thế gian, thậm chí  cả sự thách đố, đối kháng với Thiên Chúa : “nếu ông là Con Thiên Chúa…” – Lc 4, 1-13 – CN I Mùa Chay)
Đức Giê-su Ki-tô khi bị cám dỗ, vì Người là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật, nên Người đã hiểu rõ ý định của ma quỷ từ trước khi chúng thốt thành lời để cám dỗ Người, và Người đã chiến thắng, cũng như về sau, Người chiến thắng sự chết bằng biến cố trọng đại : Phục Sinh vinh hiển. Ngược dòng lịch sử, Nguyên tổ Adam và Eva cũng bị cám dỗ, nhưng không biết được đó là mưu thâm chước độc của ma quỷ, nên đã sa vòng tội lỗi, bị tội lỗi thống trị. Tôi, thì tôi vẫn nghĩ, những người đại ngôn như kiểu lu loa ở trên lại là những người dễ bị cám dỗ nhất. Tôi đã từng chứng kiến những anh chàng vỗ ngực huênh hoang “không sợ ma” lại là những anh chàng sợ ma hơn ai hết. Chỉ những người “nhát như cáy”, “nhát như thỏ đế” mới đại ngôn như vậy để tự trấn an mà thôi. “Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10, 12), chớ nên tự tin quá mức đến gần như tự cao tự đại, mà hãy trông cậy vào Thiên Chúa, vì “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1Cr 10, 13). Vâng, xin hãy “… tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì” (Gc 1, 2-4).

Viết về cám dỗ, tôi cũng không thoát khỏi thói quen của nhiều người : đưa ra những lời khuyên (tự khuyên mình là chính) là hãy kiên cường chống trả mọi cơn cám dỗ, quyết tâm chiến đấu để vượt thắng mọi gian nan, thử thách nghiệt ngã. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ta có biết những cơn cám dỗ đó là thử thách hay không. Bởi tôi chỉ thấy có Đức Ki-tô vào hoang địa bị ma quỷ cám dỗ trực tiếp, còn tất cả chúng ta – kể cả những thánh nhân, những tiên tri, ngôn sứ – thì không có thời gian và không gian cố định, cụ thể hơn là chúng ta bị cám dỗ suốt dọc đời sống trần thế, ở bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, hễ có cơ hội là ba kẻ thù (ma quỉ, xác thịt, thế gian) sẵn sàng cám dỗ. Có lẽ cũng chính vì thế nên những cuộc vào hoang địa thường là để chịu thử thách, để rèn luyện đời sống tâm linh cho vững mạnh, kiên cường, ngõ hầu có đủ sức chiến đấu chiến thắng được mọi cơn cám dỗ ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời gian nào.

Trở lại với bài Tin Mừng CN I Mùa Chay, Thánh Lu-ca viết : “Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ”. (Lc 4, 1-2). Trước đó, thánh Gio-an Tiền Hô khi bắt đầu rao giảng cũng vào trong hoang địa 40 ngày. Xa hơn nữa, tổ phụ A-bra-ham, ông Mô-sê, tiên tri Ê-li-a… cũng đều vào hoang địa, vượt qua hoang địa, để chịu và vượt qua được thử thách. Như vậy, hoang địa chính là những khó khăn thách đố bắt ta phải chiến đấu, phải đương đầu. Ở nơi hoang địa, cùng lúc đương đầu với thử thách, với nghịch cảnh, với cám dỗ của ba thù, ta còn được gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ Đức Ki-tô. Ông Mô-sê, sau 40 đêm ngày ở trên núi Si-nai, đã gặp và trở nên bạn của Chúa, mặt ông trở nên sáng láng lạ lùng. Tiên tri E-li-a, sau 40 đêm ngày, đã đi tới núi của Chúa và gặp được Người. Thánh Gio-an Tẩy Giả – người cùng thời với Đức Giê-su Thiên Chúa – sau 40 ngày trong hoang địa, đã được “người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông” (Mt 3, 5) để nghe thánh nhân rao giảng về Thiên Chúa, về chính Đức Giê-su Ki-tô.

Những cuộc vào hoang địa của tổ phụ, của các thánh nhân, các tiên tri và kể cả của Đức Giê-su Ki-tô thường trải qua thời gian 40 ngày. Giáo Hội cũng dùng Mùa Chay với thời gian 40 ngày để tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giê-su, và mời gọi ta hãy vào hoang địa với Người để chịu thử thách, để rèn luyện đời sống tâm linh cho vững mạnh, kiên cường. Mà muốn rèn luyện tâm trí, cách tốt nhất là đối diện với nghịch cảnh, ở đây là đối diện với hoang địa – nơi hoang vu không nhà không cửa, không người thân, không cây cối, tức là không có một tiện nghi tối thiểu nào, không có một nguồn trợ lực nào – nơi chỉ có cát đá, thú dữ, ma quỉ, tức là chỉ có những khó khăn thách đố bắt ta phải chiến đấu, phải đương đầu.

Chúng ta vẫn thường hay nói đến “sa mạc, hoang mạc cuộc đời” để ám chỉ cõi lòng (tâm hồn) hoang dại, trống vắng đến khủng khiếp trước cuộc đời đầy phong ba bão táp, đầy thử thách gian nan. Cái sa mạc ấy, cái hoang mạc ấy – cái cõi lòng hoang vắng ấy – phải chăng cũng chính là hoang địa ? Ta không có điều kiện để vào nơi hoang địa của thiên nhiên, nhưng ta vẫn có thể vào hoang địa của cuộc đời. Khi vào hoang địa thiên nhiên, chúng ta trực diện với những khó khăn thử thách : từ bên ngoài (khách thể) như thời tiết (ngày nóng khủng khiếp, đêm lạnh cóng da), thú dữ, cát đá vô tri ; từ bên trong (chủ thể) như sự cô đơn lạnh lẽo, thiếu lương thực, không trợ lực. Tất nhiên những thứ đó không phải là những cám dỗ của ba thù, mà đó chính là những thử thách để con người trui rèn ý chí, tôi luyện quyết tâm đối kháng. Và nhờ thế, khi bị cám dỗ trong hoang địa cuộc đời, con người mới có thể chống lại và hy vọng chiến thắng. Thế thì tại sao ta không mạnh dạn đi vào hoang địa cuộc đời của chính chúng ta để thẳng thắn “nhìn lại mình”, sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, thử thách, sẵn sàng khai thông hoang địa, sẵn sàng dọn đường mở lối để được gặp gỡ Thiên Chúa – và nhất là biết sẵn sàng từ bỏ ý riêng để luôn tìm thánh ý Thiên Chúa, hầu biết được đâu là lời mời gọi của Thiên Chúa, đâu là sự cám dỗ của ba thù. Điều đáng lo lắng, sợ hãi chính là điều chúng ta rõ ràng đang ở trong hoang địa cuộc đời, mà lại vẫn tưởng mình đang ở trong Thiên đường, ở trong Đất Hứa, để rồi tự ru mình trong những mời gọi ngọt ngào, những cám dỗ lôi cuốn. Đến ngay như đã thực sự ở trong Đất Hứa cũng vẫn có thể bị kẻ thù cám dỗ (“Đề phòng các cám dỗ khi vào đất hứa” – Đnl 8, 1), huống hồ là tưởng tượng, là ảo tưởng đang ở trong Đất Hứa !  Như vậy, phải chăng chính những ham muốn (dục vọng) của con người đã tạo nên những ảo tưởng để rồi lại quay ngược mũi giáo cám dỗ chính mình ? (“Nhưng mỗi người có bị cám dỗ, là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt. Rồi một khi dục vọng đã cưu mang thì đẻ ra tội; còn tội khi đã phạm rồi, thì sinh ra cái chết” – Gc 1, 14-15).

Vâng, và vì thế, vào hoang địa, ngoài vấn đề hãm mình ép xác (chịu thử thách để vượt thắng thử thách), còn phải là : vào hoang địa để cầu nguyện, để gặp gỡ Thiên Chúa, để xin ơn soi sáng hầu phân biệt được đâu là cám dỗ của ma quỷ, đâu là Lời mời gọi của Thiên Chúa, và nhất là để xin Thánh Thần thêm sức mạnh chống chọi với ba thù. Thiết nghĩ chỉ có như thế mới hy vọng đủ sức chiến đấu và chiến thắng được cám dỗ. Tất cả những tâm nguyện đó, những ao ước đó, những cầu xin đó sẽ đạt được hiệu quả tối đa, nếu ta biết cậy nhờ vào một cây cầu nối vững chắc giúp chúng ta đến với Chúa một cách an toàn : Đó chính là Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của tất cả chúng ta ; vì “Nhờ Mẹ, đến với Chúa” (Ad Jesum, per Mariam). Hãy đến và nép mình bên áo Me, mà nài van : “Chốn ba đào nhiều phen nguy biến, quanh chúng con ma quỷ chực liên. Ôi ! Mẹ lành nhìn con giao chiến, thêm sức cho giúp con vững bền. Rồi khi giờ yếu đau hấp hối, ngàn chước độc quỷ ma đưa tới. Giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền, nâng đở con xác hồn tinh tuyền…” (“Chốn ba đào” – TCCĐ)

JM. Lam Thy ĐVD.

+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Giêsu Maria Giuse con mến yêu xin cứu rỗi các linh hồn
"Anh em đừng có lòng chai dạ đá , cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng…Anh em phải cho một cách rộng rãi, và khi cho thì đừng miễn cưỡng..." (Đnl 15: 7-11)
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng