Mỹ: Cả dân tộc sau tay lái

(TT&VH) - Ở Mỹ, xe hơi dường như là thứ gì đó còn cao hơn một phương tiện di chuyển, nó phản ánh lối sống của người dân nước này. Do vậy, nói “cả dân tộc sau tay lái” cũng không ngoa. Tại những thị trấn nhỏ, giao thông công cộng không tiện lợi, thiếu cả vỉa hè, do đó xe hơi là phương tiện đi lại duy nhất, không kể xe buýt chở học sinh.

Một công dân Mỹ điển hình là người lái xe lịch thiệp và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Ở Mỹ, hầu như ai ai cũng lái xe. Bắt đầu từ cô cậu học sinh phổ thông 16 tuổi đến các cụ già đều ngồi sau tay lái. Đối với người cao tuổi, xe hơi gần như là cách thức dịch chuyển và thú vui duy nhất. Mặc dù nhà nước đang cố tước niềm vui của họ bằng cách bày ra chuyện thi lấy lại bằng lái sau tuổi 80 nhưng nhiều cụ ở tuổi 90 vẫn hăng hái điều khiển những chiếc xe hơi thể thao trông rất “ngầu”.

Ở Mỹ, từ lớp 11, đa số học sinh đều có xe hơi riêng. Và người Mỹ cũng không hề có định kiến về việc phái yếu ngồi sau tay lái. Mà thực ra phụ nữ lái xe còn nhiều hơn nam giới nên chẳng ai để ý nữa. Người già và học sinh cầm vô-lăng tại Mỹ cảm thấy rất an bình, bởi các “bác tài” ở đây ít khi tranh giành đường của nhau.

Với người Mỹ, bằng lái xe hơi là giấy tờ tùy thân chủ yếu và đầy đủ. Chẳng mấy ai phải mang chứng minh thư theo người. Đường sá ở Mỹ thì rất tuyệt, dù nhiều đoạn có thu phí nhưng đúng là “đáng đồng tiền bát gạo”.

Trên các con đường ở nước Mỹ có 3 loại “công thần” - xe cứu hỏa, xe buýt chở học sinh và trên hết là người đi bộ. Ngay cả xe cứu hỏa cũng nhường bước cho người đi bộ sang đường và chẳng ai ngạc nhiên về điều này. Tiền phạt đối với người lái xe không nhường đường cho người đi bộ rất cao. Trẻ em là đối tượng được ưu tiên đặc biệt. Khu vực trường học được đánh dấu bằng tín hiệu đèn vàng nháy liên tục cùng vô số các ghi chú trên bảng và dưới đường nhựa. Các loại xe cộ không được vượt quá tốc độ 20 dặm/h(trên 32 km/h). Buổi sáng và trưa, khi học sinh đi học và tan trường, là thời gian hoạt động của “cảnh sát dành cho trẻ em”- thường là phụ nữ làm việc ngoài biên chế. Họ chặn các con phố và dắt trẻ qua đường. Các loại xe đều ngoan ngoãn đứng yên chờ trẻ đi qua. Khi trên xe buýt chở học sinh có một em nào cần đi ra thì tài xế bật tín hiệu Stop và đèn nháy theo kiểu của cảnh sát. Khi em học sinh đó bước xuống đường để nhào vào vòng tay của người mẹ đang chờ ở vỉa hè thì mọi chuyển động trên đường phố đều “chết lặng”. Vượt chiếc xe buýt chở học sinh đang bật đèn nháy là “tội ác” khủng khiếp nhất đối với người ngồi sau tay lái ở Mỹ!


Một điều đập vào mắt du khách nước ngoài là các tài xế Mỹ thể hiện sự nhường nhịn tuyệt đối trước người đi bộ qua đường. Thái độ này nếu không được tìm hiểu trước thì dễ bị coi là “diễn” vì nó quá đều và đẹp. Các loại xe “chết lặng” cách khá xa vạch “ngựa vằn” ngay cả khi người đi bộ còn đứng trên vỉa hè và chuẩn bị bước xuống đường.

Ai không quen dễ coi người lái xe Mỹ “uể oải” vì dù ở làn ngược chiều vắng xe đến cả vài dặm trước mắt thì cũng chẳng ai lấn sang để vượt lên. Thật ra đó là ý thức đã ngấm vào máu. Người lái xe bình tĩnh chịu đựng những cuộc ùn tắc trên phố nhỏ, không hề tỏ ra sốt ruột. Tuy nhiên, có lệ là ở Mỹ người ta được phép vượt 5- 8 dặm/h so với biển báo. Nhưng vượt quá 10 dặm/h thì bị phạt 200 USD.


Tại các con đường chính có 4 làn xe, người Mỹ chỉ được phép chạy 65 dặm/h. So với chất lượng của đường thì tốc độ này vẫn được coi là chậm và rất an toàn. Ai lái xe vượt quá tốc độ sẽ bị cảnh sát ngồi trong xe đi ngược chiều hay cùng chiều phát hiện. Tại Mỹ cũng đôi khi có cảnh sát núp trong bụi cây để “phục” những người vi phạm. Riêng ở bang Massachusetts có quy định chỉ viên cảnh sát nào ghi nhận việc vi phạm tốc độ thì mới được quyền phạt người lái xe. Vì thế viên cảnh sát này phải đuổi kịp và dừng xe người vi phạm lại. Sau đó người vi phạm sẽ nhận được hóa đơn phạt qua bưu điện kèm bức ảnh chiếc xe của mình lấy từ camera trên đường phố hoặc từ xe cảnh sát. Tại Mỹ, người lái xe được phép uống một chút chất có cồn, tương đương hai vại bia. Uống nhiều hơn là bị phạt nặng.

Luật giao thông ở Mỹ có khác một chút so với nhiều nước. Chẳng hạn ở mỗi ngã tư đều có biển Stop ở tất cả các hướng. Nếu không có đèn tín hiệu thì tất cả các xe trước khi đến ngã tư đều dừng lại quan sát rồi sau đó xe nào vào trước sẽ được đi trước, theo nguyên tắc nhường đường cho xe bên phải. Khác với tại châu Âu, ở Mỹ được phép vượt ở cả bên trái và bên phải, nhưng khi chuyển làn phải chú ý nhìn gương hậu để quan sát có xe đi ở phía sau hay không.

Tuy nhiên, theo tờ Newizv (Nga), điều khác biệt cơ bản trong giao thông ở Mỹ với các nước đang phát triển là cảnh sát giao thông không dừng xe của bạn lại khi bạn không phạm luật. Nhưng một khi họ đã phát tín hiệu dừng lại thì bạn khó có thể “lách”. Chuyện “thương lượng” là không thể vì cảnh sát giao thông Mỹ không nhận hối lộ!

Quang Minh - Quang Dũng


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Giêsu Maria Giuse con mến yêu xin cứu rỗi các linh hồn
"Anh em đừng có lòng chai dạ đá , cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng…Anh em phải cho một cách rộng rãi, và khi cho thì đừng miễn cưỡng..." (Đnl 15: 7-11)
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng