Thứ Tư Tuần 9 TN2 |
Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP |
Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Thứ Tư Tuần 9 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: 2 Tim 1:1-3, 6-12; Mk 12:18-27.
1/ Bài đọc I: 1 Tôi là Phao-lô, Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, do ý muốn của Thiên Chúa, chiếu theo lời Thiên Chúa hứa ban sự sống vốn có trong Đức Ki-tô Giê-su, 2 gửi anh Ti-mô-thê, người con yêu dấu. Xin Thiên Chúa là Cha và xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh được ân sủng, lòng thương xót và sự bình an. 3 Tôi tạ ơn Thiên Chúa, Đấng tôi phụng thờ với lương tâm trong sạch, theo gót tổ tiên; tôi tạ ơn Người khi tôi không ngừng nhắc nhở đến anh, trong các lời cầu nguyện của tôi, đêm cũng như ngày. 6 Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. 7 Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ. 8 Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng. 9 Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Ki-tô Giê-su, 10 nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Ki-tô Giê-su đã xuất hiện. Chính Đức Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử. 11 Thiên Chúa đã đặt tôi làm người rao giảng Tin Mừng đó, làm tông đồ và thầy dạy. 12 Chính vì lý do ấy mà tôi phải chịu những đau khổ này; nhưng tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin vào ai, và xác tín rằng: Người có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới Ngày đó.
2/ Phúc Âm: 18 Có những người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Họ hỏi Người: 19 "Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta rằng: "Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ mà không để lại con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình." 20 Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không để lại một đứa con nối dòng. 21 Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không để lại một đứa con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy. 22 Cả bảy người đều không để lại một đứa con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết. 23 Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì bảy người đó đã lấy bà làm vợ." 24 Đức Giê-su nói: "Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao? 25 Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. 26 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Mô-sê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người phán: Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp. 27 Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to!"
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin Mừng cắt nghĩa rõ ràng phúc trường sinh bất tử.
Sự sống đời đời hay phúc trường sinh bất tử là yếu tố quyết định làm con người sống thế nào trong cuộc sống đời này. Nếu một người không tin có sự sống đời đời, người đó sẽ làm mọi cách để hưởng thụ cuộc sống ngắn ngủi đời này, vì đó là quãng thời gian duy nhất họ có để hưởng thụ. Họ sợ đau khổ, sợ mất những gì họ có, và nhất là sợ chết vì chết là mất tất cả. Ngược lại, nếu một người tin có cuộc sống trường sinh bất tử, người đó sẽ làm mọi cách cho được hưởng cuộc sống hạnh phúc đời sau cho dẫu phải hy sinh chịu đau khổ ở đời này. Họ sẽ không quan tâm lắm đến việc hưởng thụ cuộc sống đời này vì họ biết còn cả một cuộc sống đời đời để hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật câu hỏi có cuộc sống trường sinh bất tử không và làm thế nào để đạt được cuộc sống ấy. Trong bài đọc I, thánh Phaolô nhắn nhủ Timothy, người môn đệ yêu quí của mình hãy nhớ lại Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho mọi người và sự cần thiết của việc rao giảng Tin Mừng để mọi người biết Thiên Chúa muốn họ được hưởng sự sống đời đời qua việc sai Người Con xuống trần để chuộc tội cho họ. Trong Phúc Âm, một số người Sadducees, những người không tin có sự sống lại, dựa vào Luật Moses bày ra một câu hỏi để chứng minh với Chúa Giêsu không có sự sống lại. Chúa Giêsu mắng họ đã sai lầm vì không hiểu Kinh Thánh: Thiên Chúa không phải là của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chính Đức Kitô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử.
1.1/ Sự hiểu biết về cuộc sống đời đời qua các thời đại: Sự hiểu biết về sự sống lại và cuộc sống đời sau tuy đã được nói tới trong Cựu Ước; nhưng chưa rõ nét lắm. Đa số dân chúng vẫn tin cuộc sống hạnh phúc chỉ ở đời này, ai làm lành sẽ được Thiên Chúa cho sống lâu, cho nhiều con cháu, và cho của cải vật chất. Đến thế kỷ thứ 2 BC, tiên tri Daniel là một trong số người đầu tiên nói về sự sống lại, sự phán xét và sự sống đời sau: "Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời. Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao” (Dan 12:2-3). Bà mẹ và bảy anh em nhà Maccabees sẵn sàng chết để tuân giữ luật của cha ông, vì họ tin Thiên Chúa sẽ trả lại thân xác và linh hồn cho họ. Bà mẹ khuyên người con út bằng những lời tin tưởng sau đây: "Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình" (2 Mac 7:22-23). Đến thời Chúa Giêsu, Ngài mặc khải cho con người rõ ràng sự sống đời đời nằm trong Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, và Ngài chính là Đấng mang phúc trường sinh bất tử cho con người qua cái chết và sự phục sinh vinh hiển của Ngài. Đây chính là cốt lõi của Tin Mừng mà Phaolô rao giảng và Ngài nhắc nhở cho môn đệ yêu quí là Timothy hôm nay: Phải đem Tin Mừng này cho mọi người để họ cũng nhận được phúc trường sinh bất tử đó.
1.2/ Làm sao con người đạt được phúc trường sinh bất tử: Đại đa số những người Do-thái thời Chúa Giêsu tin, họ có thể đạt được cuộc sống đời sau bằng việc giữ cẩn thận các Lề Luật của Moses. Khi Chúa Giêsu đến, Ngài mặc khải cho họ biết Lề Luật không có sức làm cho họ được cuộc sống trường sinh bất tử; nhưng họ phải tin và làm những gì Ngài truyền dạy. Thánh Phaolô là một ví dụ cho sự thay đổi này vì Ngài tin vào sức mạnh của Lề Luật cho tới khi bị ngã ngựa trên đường đi Damascus. Ngài dạy rõ ràng trong Thư Roma và Thư Galat: con người được công chính hóa (điều kiện để có ơn cứu độ) là do bởi niềm tin vào Đức Kitô, chứ không do bởi việc giữ Luật vì không ai có thể giữ trọn vẹn Luật. Ngài lặp lại điều đó với Timothy hôm nay: “Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Giêsu Kitô, nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã xuất hiện. Chính Đức Kitô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu mặc khải về sự sống đời đời
2.1/ Khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng: Trình thuật hôm nay nói về cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người thuộc phái Sadducees. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Họ là những người thuộc phái lãnh đạo và là thành phần giàu có, nhiều người trong số họ là tư tế hay thượng tế. Khi họ đã có quyền hành, danh vọng, giầu có ở đời này, họ không cần đến sự sống đời sau nữa! Họ dựa vào Luật (Deut 25:5) để chứng minh với Chúa Giêsu là “không có sự sống lại;” vì người vợ đó không thể thuộc về cả bảy người nếu có sự sống lại. Chúa Giêsu trả lời họ thẳng thắn: "Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao? Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời” (cf. Lk 20:35-36).
2.2/ Thiên Chúa không phải của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống: Chúa Giêsu nói họ không hiểu Kinh Thánh đúng đắn, vì Kinh Thánh đã nói về sự sống lại rồi. Khi Thiên Chúa hứa với Abraham sẽ ban cho ông một dòng dõi và đất làm gia sản. Ngài hứa cho Abraham, chứ không phải chỉ cho dòng dõi của ông. Abraham phải sống để nhìn thấy dòng dõi và hưởng đất làm gia sản; nếu không, ông làm sao biết lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện. Lý luận tương tự như thế cho những lời Thiên Chúa hứa với Isaac, Jacob, và vua David. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu dẫn chứng lời Thiên Chúa nói với Moses trong đoạn nói về bụi gai: “Ta là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, và Thiên Chúa của Jacob.” Động từ “là” được dùng ở thời hiện tại để chỉ Người luôn luôn là Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Jacob. Điều này có nghĩa các tổ phụ đó phải đang sống. Chúa Giêsu kết luận: “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to!"
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Hiểu biết mặc khải của Thiên Chúa về phúc trường sinh bất tử là kiến thức không thể thiếu cho chúng ta và cho tất cả mọi người, vì biết làm sao sẽ sống như vậy. - Phúc trường sinh bất tử là do bởi tình thương Thiên Chúa. Chúng ta không thể dựa vào bất cứ lý do gì ngoài việc tin tưởng Đức Kitô và giữ những gì Ngài truyền dạy. - Chúng ta đừng mô tả Thiên Đàng theo trí tưởng tượng và sở thích con người, nhưng phải học hỏi Kinh Thánh để biết cách đúng đắn về cuộc sống đời sau. |
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Giêsu Maria Giuse con mến yêu xin cứu rỗi các linh hồn
"Nếu tôi cá là có Thiên Chúa và tôi sai, tôi không mất gì; nhưng nếu tôi đúng, phần thắng của tôi có thể là Thiên Ðàng. Nếu tôi cá là không có Thiên Chúa mà tôi đúng, thì tôi cũng chẳng lợi lộc gì. Tuy nhiên, nếu tôi sai thì khốn cho tôi, Pascal" (Đnl 15: 7-11)
Quyền năng của Thiên Chúa vô biên vô tận, các nhà khoa học không bao giờ hiểu hết được...
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++