Sự Đoán Xét Của Đức Chúa Trời Dành Cho Thế Gian Hư Mất

Sự Đoán Xét Của Đức Chúa Trời Dành Cho Thế Gian Hư Mất
 
1- Dẫn nhập
Hầu hết mọi người trong thế gian đồng ý rằng sau khi chết có ít nhất hai chỗ dành cho linh hồn: một là chỗ “tốt” dành cho các “thánh nhân,” hai là chỗ “xấu” để giam nhốt những linh hồn ác độc. Còn một chỗ thứ ba nữa mà mọi người không nói ra, nhưng đều đồng ý trong im lặng, là một nơi lưng chừng, không xấu không tốt, không hoàn toàn thiện, nhưng cũng không hoàn toàn ác, là nơi mà đại đa số mọi người sẽ đi vào sau khi chết. Những linh hồn đi vào cõi thứ ba này vẫn còn có cơ hội để vào chỗ “tốt,” nhờ tiếp tục tu tập, "ăn hiền ở lành" hoặc một cơ may nào đó. 

Không ai có khái niệm rõ ràng chỗ thứ ba này như thế nào. Nó tồn tại vì mọi người đều suy nghĩ rằng ít có ai quá “thánh” để vào chỗ “tốt” và ít có ai quá ác độc để phải bị đọa vào trong chỗ “xấu.” Do vậy, phải tồn tại một nơi để “tôi” là người “trung bình” đi vào sau khi chết. Trong thế giới thứ ba không rõ này, “tôi” sẽ không được hạnh phúc như trong chỗ “tốt,” nhưng cũng không phải chịu hình phạt như ở trong chỗ “xấu.”
Ba thế giới tâm linh đó tồn tại rõ ràng về khái niệm. Tuy nhiên, trên thực tế chúng không có biên giới rõ ràng. Nghĩa là mỗi người, mỗi văn hóa có một định nghĩa “tốt” và “xấu” riêng, có một tiêu chuẩn phán xét người khác nhau, và khác với tiêu chuẩn phán xét chính bản thân mình. Các tiêu chuẩn phán xét này lại thay đổi theo thời gian. Một đối tượng tại một thời điểm đối với một người có thể là “thánh nhân” nhưng đối với người khác, tại một thời điểm khác chỉ là một người “trung bình.” Do đó, chúng ta có một câu hỏi rằng, sau khi chết, thật sự đối tượng này sẽ đi về đâu. Có một bộ luật pháp hoàn vũ, không phụ thuộc vào cảm tính của người phán xét, hoặc thời điểm phán xét, chi phối toàn bộ thế gian, để định “công” và “tội” của đối tượng kia chăng?
Chúng ta có thể mơ hồ biết được là có một bộ luật như vậy khi nhìn vào sự phán xét của thế gian, nhưng chi tiết vận hành của nó chúng ta không thể tự mình biết được. Loài người bị giới hạn trong phạm vi của thế giới mà mình được sinh ra. Giới hạn này không những có tính vật lý (như giới hạn về cự ly di chuyển, thời điểm sinh tồn, v.v.) mà còn có tính tâm linh. Dù nhân loại làm được nhiều chuyện "đội đá vá trời," nhưng mọi người đều không biết được tại sao mình được sinh ra, chết lúc nào, và sau khi chết chuyện gì xẩy ra cho mình. Chúng ta không thể “chọn” giới tính, hay thời điểm, hay gia cảnh để chúng ta sinh vào thế giới. Chúng ta có thể hiểu nhiều điều tồn tại phía “bên ngoài” của mình, như trái đất quay chung quanh mặt trời như thế nào, mặt trăng quay chung quanh trái đất như thế nào, v.v., nhưng chính sự tồn tại của chính mình thì chúng ta lại mù tịt. Chúng ta chỉ biết được một phần nhỏ về thế giới vật lý chung quanh chúng ta, nhưng chính đời sống của bản thân thì chúng ta không biết gì hết. Trong khuôn khổ giới hạn của thế giới khi chúng ta còn sống, chúng ta không có khả năng phóng tầm nhìn ra ngoài cuộc đời này để tìm hiểu xem ngoài đó có những gì; như một con cá trong chậu không thể biết được ngoài cái chậu có những gì. Vì chúng ta không biết nên phải chấp nhận một trong hai tình huống. Một là cuộc sống này không có ý nghĩa gì hết; chúng ta đi vào cuộc đời một cách ngẫu nhiên; thế giới này tồn tại một cách ngẫu nhiên; bên ngoài cuộc đời này không tồn tại cái gì hết. Hai là có một thế giới khác bên ngoài cuộc sống của chúng ta, được chi phối bằng một điều luật cố định, không thể biết được bằng trí khôn của loài người.
Đối với những người chấp nhận điều một ở trên, thật sự không có điều gì đáng nói vì cuộc sống họ như một cọng rơm trong đám cháy rừng, bùng cháy lên rồi tắt. Họ chẳng nên hiếu để với cha mẹ vì chính cha mẹ đã đem họ vào cuộc đời đau khổ này. Hoặc, họ cũng chẳng nên oán hận cha mẹ, vì chính cuộc sống của ông bà cũng đã là điều ngẫu nhiên; từ sự ngẫu nhiên đó đem tới sự ngẫu nhiên khác, đó chính là cuộc đời họ. Họ nên ăn, uống, ngủ, thoả mãn tình dục cho thoải mái trước khi tuổi già đến, khi giấc ngủ, miếng ăn, thức uống, tình dục không dễ dàng để hưởng thụ như lúc xuân thì. Còn đối với những người chấp nhận tình huống thứ hai thì nếu không giải quyết được những khắc khoải về tâm linh thì cuộc sống trở nên đau khổ bội phần. Ngoài những đau khổ trong cuộc đời mà mọi người phải chịu như bịnh tật, phân ly, chiến tranh, đói khát, thiên tai, v.v., những người khắc khoải về tâm linh còn phải đau khổ thêm vì các câu hỏi về cuộc sống ngày nay và mai sau chưa có câu trả lời. Đây là những người khóc lóc, đói khát trong tâm linh. Đó chính là những người được Đức Chúa Jesus Christ ban phước: Phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước Thiên Đàng là của những kẻ ấy! Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi!” (Ma-thi-ơ 5:3-4). Những người này nếu “xin, sẽ được, tìm, sẽ gặp; gõ cửa, sẽ mở cho. Bởi vì, hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở” (Ma-thi-ơ 7:7-8). Đó chính là “phước” của Đức Chúa Jesus đã hứa ban.
Khi đi “xin” chúng ta chấp nhận một điều rằng của vật mà chúng ta xin đó ở “bên ngoài” chúng ta. Nghĩa là nó tồn tại độc lập với sự sinh tồn của chúng ta. Nếu chúng ta “xin,” của vật đó sẽ được ban cho chúng ta. Còn vì lòng kiêu ngạo mà chúng ta không xin, thì của vật đó vẫn tồn tại. Nếu chúng ta có mặt trong rừng cây, thì chúng ta sẽ được chứng kiến một cành cây vì gió đổ xuống. Nếu chúng ta không có mặt, thì cành cây đó vẫn đổ xuống, nhưng chúng ta sẽ không thấy được. Chân lý về thế giới tâm linh tồn tại ngoài khả năng quan sát của chúng ta. Vì vậy, nếu chúng ta biết được, thì chỉ có thể “được cho biết” – hay được mạc khải - bởi tác giả của nó. Tác giả đó là chính là Đức Chúa Trời. Chân lý của Ngài tồn tại như một và vĩnh viễn, độc lập với đức tin của chúng ta. Sự bất tín của loài người không làm cho chân lý của Ngài vô hiệu lực mà chỉ làm cho chúng ta thành kẻ nói láo (Rô-ma 3:3-4).   
2- Hai thế giới tâm linh
Khác với niềm tin của dân gian về ba thế giới tâm linh, Thánh kinh – là mạc khải của Đức Chúa Trời ban cho loài người – cho chúng ta biết rằng chỉ có hai thế giới tâm linh: một là Nước Trời, bao gồm Thiên Đàng và trời mới đất mới, hai là Hỏa Ngục. Nước Trời là nơi Đức Chúa Trời ngự giữa những kẻ thuộc về Ngài; Hỏa Ngục là nơi vĩnh viễn sau này nhốt Satan, các thiên sứ phạm tội, và những người từ chối ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Người thuộc về Nước Trời được gọi là con cái của Đức Chúa Trời. Người thuộc về Hỏa Ngục, là thù địch của Đức Chúa Trời, và là con cái của Satan. Con cái của Đức Chúa Trời yêu sự sáng, công chính, chân lý, và tình yêu. Con cái của Satan yêu bóng tối, tội lỗi, lừa dối, và thù hận. Hai thế giới tâm linh này không những tồn tại bên ngoài cuộc sống vật lý của chúng ta, mà còn bao trùm lấy nó nữa. Nói cách khác, thế gian mà chúng ta đang sống, thuộc về một trong hai thế giới tâm linh nói trên.
Làm sao thế gian có thể thuộc về chỉ  một trong hai thế giới “tốt” hoặc “xấu” đó trong khi nó bao gồm cả những cái “tốt” lẫn “xấu”? Những cái “tốt” như là lòng hy sinh của cha mẹ cho con cái, tình yêu quê hương, dân tộc, v.v. Những cái “xấu” như lòng ganh ghét, ích kỷ, chém giết, v.v.? Cái “tốt” và “xấu” không những tồn tại trong xã hội loài người mà đặc biệt tồn tại ngay chính trong mỗi cá nhân. Vì vậy, dân gian mới tin vào một thế giới thứ ba không “tốt” cũng không “xấu.” Tuy nhiên, như chúng ta có nói ở trên, cái tiêu chuẩn “tốt, xấu” thay đổi theo từng người và thời gian. Như vậy, nếu đã có hai thế giới tâm linh ở phía ngoài, nhưng bao trùm lên thế giới mà chúng ta đang sống, thì ắt phải có một tiêu chuẩn bất biến để phân định biên giới của chúng. Nếu đã có một tiêu chuẩn như vậy, thì ắt phải có một Đấng có thẩm quyền để phán định - dựa vào tiêu chuẩn đó – ai sẽ thuộc về thế giới tâm linh nào. (Nếu không có tiêu chuẩn hoàn vũ đó thì ai có thẩm quyền quyết định người nào phải vào Hỏa Ngục, hoặc ai có thể vào Thiên Đàng sau khi chết?) Đấng đó không ai ngoài Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, trái với sự suy nghĩ của hầu hết mọi người, trong ánh mắt của Ngài, cái “tốt” của loài người không tự động đền bù được cái “xấu.” Thánh Kinh cho chúng ta biết rằng, sự “công nghĩa” của loài người mà chúng ta khoe khoang, trước mắt Ngài chỉ là đồ rác rến. Mặc dù những giá trị luân lý và đạo đức tìm thấy trong loài người chỉ có giá trị tương đối, nhưng nó chỉ về một sự tuyệt đối chỉ tìm được trong bản thể của Đức Chúa Trời. Tiếc thay, loài người không tìm về sự tuyệt đối của Đức Chúa Trời, cũng không trông chờ vào sự cứu giúp của Ngài, mà thích tự mình “làm lành tránh ác” qua sự tu tập trong các tôn giáo. Hậu quả của sự từ khước Đức Chúa Trời là sự suy đồi về đạo đức. Thế gian, dù chúng ta chủ quan nhận thấy có cả “thiện” lẫn “ác” nhưng đối với Đức Chúa Trời nó có những đặc tính sau đây:
“Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không. Chẳng có một người nào hiểu biết, chẳng có một người nào tìm kiếm Ðức Chúa Trời. Chúng nó đều sai lạc cả, thảy cùng nhau ra vô ích; chẳng có một người làm điều lành, dẫu một người cũng không. Họng chúng nó như huyệt mả mở ra; dùng lưỡi mình để phỉnh gạt; dưới môi chúng nó có nọc rắn hổ mang. Miệng chúng nó đầy những lời nguyền rủa và cay đắng. Chúng nó có chơn nhẹ nhàng đặng làm cho đổ máu. Trên đường lối chúng nó rặc những sự tàn hại và khổ nạn, Chúng nó chẳng hề biết con đường bình an. Chẳng có sự kính sợ Ðức Chúa Trời ở trước mặt chúng nó.”  (Rô-ma 3:10-18)
Hơn thế nữa, Đức Chúa Trời còn gọi loài người không tin Chúa là con cái của Satan để phân biệt với Cơ-đốc nhân là con cái của Ngài (I Giăng 3:10). Con cái có đặc tính của cha mẹ. Con cái của Đức Chúa Trời thì trọng sự thật. Con cái của Satan thì yêu thích nói dối, vì Satan là kẻ nói dối và sát nhân (Giăng 8:44). Có những “thánh hiền” có công đức cao trọng nhưng trong tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời họ vẫn là con cái của Satan, là cha của sự nói dối, và là kẻ nói dối - nếu “người tốt” này nói dối. Có những lời nói dối để tránh mất lòng, nhưng đó vẫn là lời nói dối. Có những lời nói dối được xem là “tốt” như nói dối với bệnh nhân sắp chết là anh ta đang phục hồi, với mục đích trấn an bịnh nhân và thân nhân, nhưng nó vẫn là lời nói dối. Khai gian thuế má cũng là nói dối với chính quyền. Làm chứng gian trước toà cũng là nói dối. (Tuyên bố Việt Nam không đàn áp tôn giáo là một lời nói dối.) Tiên tri gian cũng là nói dối. Gọi ngày 25 tháng 12 là sinh nhật của Chúa Jesus cũng là nói dối, vì Thánh Kinh chẳng bao giờ dạy Đức Chúa Jesus sinh vào ngày nào cả. Chỉ hình một nhân vật để tóc dài mà gọi đó là hình Chúa Jesus cũng là một lời nói dối, vì đàn ông Do-thái để tóc ngắn (I Cô-rinh-tô 11:14), và không ai từng họa lại chân dung của Chúa. Con người có quyền từ chối trả lời nếu định rằng câu trả lời bất lợi cho mình, nhưng mỗi khi nói dối, chúng ta mang vào đặc tính của Satan là cha của kẻ nói dối. Satan là một thiên sứ sáng láng, “tin” có Chúa (chứ không phải kẻ “vô thần”), nhưng chống nghịch Chúa.
Tội ác đầy dẫy trong thế gian không làm nhiều người bỏ mất hy vọng về một tương lai xán lạn hơn của thế giới. Nhiều nhà cách mạng xã hội hy sinh cả đời mình trong nổ lực cải tạo thế giới thành một nơi công bình hơn. Tuy nhiên, Thánh Kinh cho biết rằng đạo đức của thế gian đi từ chỗ đã xấu thành chỗ xấu hơn (II Ti-mô-thê 3:1-9). Việc làm và công trình của nó đang chờ để bị lửa hủy diệt (II Phi-e-rơ 3:7). Không ai có thể làm thay đổi được lòng người. Thánh Kinh chép: "Lòng người ta là dối trá hơn muôn vật, ai có thể dò biết được?" (Giê-rê-mi 17:9), và: "Người Ê-thi-ô-bi có thể đổi được da mình, hay là con beo đổi được vằn mình chăng? Nếu được, thì các ngươi là kẻ đã làm dữ quen rồi, sẽ làm lành được" (Giê-rê-mi 13:23). Thế gian, dù chúng ta yêu mến nó thế nào, chung quy vẫn thuộc về Satan (Ma-thi-ơ 4:8). Do đó, Đức Chúa Trời xem thế gian là kẻ thù của Ngài (Gia-cơ 4:4), đang nằm dưới cơn giận dữ của Ngài (Rô-ma 1:18; 2:5,8; 5:9). Tình trạng định sẵn của thế gian là chịu đoán phạt. Thánh Kinh cho biết rằng vì tình yêu thương nên Con Đức Chúa Trời giáng thế để chịu chết vì thế gian (Giăng 3:16), chứ không phải Ngài đến để đoán xét thế gian (Giăng 3:17), vì tình trạng đã định của thế gian là đã bị đoán xét rồi (Giăng 3:18). Sự chết cứu chuộc của Đức Chúa Jesus không phải để cứu toàn bộ thế gian ra khỏi sự đoán phạt, nhưng là để cứu những ai tin vào giải pháp cứu rỗi của Đức Chúa Trời ra khỏi thế gian đang đi vào sự đoán phạt chung cuộc đó. Thế gian như một con tàu đang đắm, trước sau gì cũng đắm, và sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đối với những ai tin nhận Ngài như là sự cứu vớt chỉ một số ít người trên con tàu khốn nạn đó qua một nơi khác an toàn. Trong số những người bị bỏ lại đó, có thể có cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn hữu, hàng xóm, đồng nghiệp của chúng ta, là những người không chịu tin nhận ơn tha tội và cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể làm gì cho họ được cả, ngoại trừ loan báo Tin Lành, tức là sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho họ.
Sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời như Thánh Kinh công bố (Khải Huyền 7:10, 19:1). Sự cứu rỗi không “cha truyền con nối”, nghĩa là “rửa tội” hay làm báp-têm cho trẻ em không tự động giúp chúng vào Nước Trời khi chúng lớn lên sau này. Sự cứu rỗi đến từ sự nhận thức cá nhân mình là kẻ có tội trước mặt Đức Chúa Trời và tin nhận Đức Chúa Jesus đã chết thay cho mình. Nghĩa là nếu không có sự chết và sự phục sinh của Ngài cá nhân tôi phải vào Hỏa Ngục sau này. Đức Chúa Jesus được nhiều người gọi là “Chúa Cứu Thế,” với ý nghĩa: cứu đó là cứu thế gian tới chỗ khác tốt hơn, hay cứu “anh” chứ không phải “tôi,” ra khỏi Hỏa Ngục. Những người có suy nghĩ như vậy quên rằng tình trạng định trước của toàn bộ thế gian, trong đó có “anh” và cả “tôi,” là Hỏa Ngục đời đời nếu Đức Chúa Trời không sai Đức Chúa Jesus xuống thế gian để chết thế cho “anh” và “tôi.” Nói cách khác nếu không có sự chết cứu chuộc của Ngài, tất cả chúng ta - cả “anh” và “tôi” - đều phải vào Hỏa Ngục đời đời vì tội lỗi của chúng ta.
3- Tội nhân bẫm sinh
Nếu tổ phụ A-đam và Ê-va không phạm tội với Đức Chúa Trời chắc chắn thế gian sẽ rẽ vào một ngõ khác. Nếu họ không ăn trái của cây kiến thức thiện và ác chắc chắn sẽ không có sự ác xuất hiện đối kháng với sự thiện đã có sẵn trong vườn Ê-đen từ trước do sự hiện diện thường xuyên của Đức Chúa Trời. Tổ phụ A-đam và Ê-va không có và không cần khái niệm thiện và ác, vì họ đang sống trong sự thiện và chỉ thiện mà thôi.
Trước sự Sa Ngã của loài người, chỉ có Đức Chúa Trời và các thiên sứ phạm tội biết phân biệt điều thiện và điều ác. Đức Chúa Trời biết điều thiện vì Ngài là thiện. Đức Chúa Trời cũng biết điều ác, là sự nghịch lại với Ngài. Satan là một trong các thiên sứ được Đức Chúa Trời dựng nên, sáng láng, tốt đẹp, toàn thiện, có ý chí tự do, chỉ biết điều thiện, là Đức Chúa Trời và mọi công việc của Ngài. Khi Satan cầm đầu một số thiên sứ khác chống nghịch Chúa thì sự ác xuất hiện. Hành động ác (sự chống nghịch Đức Chúa Trời) là tội lỗi. Kể từ đó, Satan và các thiên sứ theo Satan biết điều ác. Điều cần ghi nhớ là Đức Chúa Trời không hề tạo ra sự ác hoặc tội lỗi. Ngài cũng không cám dỗ ai phạm tội (Gia-cơ 1:13). Thiên sứ và loài người do Đức Chúa Trời sáng tạo và được Ngài ban cho quyền tự do chọn lựa: hoặc vâng phục, thờ phượng Đức Chúa Trời và sống trong tình yêu của Ngài, hoặc chống nghịch Đức Chúa Trời, sống theo ý riêng và sống ngoài tình yêu của Ngài. Sự ác do thiên sứ và loài người tạo ra khi họ chống nghịch Chúa, sống theo ý riêng. Sau khi phạm tội, Satan tìm cách chứng minh Đức Chúa Trời không toàn năng bằng cách cám dỗ loài người phạm tội để hủy phá công việc và ý định của Ngài. Buồn thay, tổ phụ của loài người là A-đam và Ê-va đã nghe theo sự cám dỗ của Satan mà chống nghịch Chúa. Sự phạm tội đầu tiên của loài người còn được gọi là sự Sa Ngã.
Sau sự Sa Ngã, tội lỗi và hậu quả của tội lỗi là đau khổ và sự chết đi vào thế gian (Rô–ma 5:12). Từ đó, cả nhân loại bị sinh vào trong một gia tộc tội lỗi, và bị sinh vào trong sự chết. Trong các thế hệ sau A-đam, ngay khi tinh trùng của người cha gặp trứng của người mẹ để hoài thai ra một đứa bé, mầm tội lỗi đã được cấy vào bào thai. Như tác giả Thi Thiên đã viết, tất cả chúng ta bị hoài thai trong tội lỗi (Thi Thiên 51:5). Tác giả không có ý nói chúng ta là sản phẩm của các mối tình vụng trộm ngoài hay tiền hôn nhân, hay là sản phẩm của sự hiếp dâm, loạn luân, v.v. nhưng là tất cả chúng ta là tội nhân bẫm sinh; nghĩa là khi sinh ra đã là tội nhân. Bản chất của một tội nhân là làm tội. Không phải chúng ta trở thành tội nhân vì chúng ta phạm tội, nhưng chúng ta phạm tội vì khi sinh ra đã là tội nhân. Không phải ăn thịt một con thú mới trở nên con cọp, nhưng con cọp không ăn gì khác hơn là ăn thịt, vì bản chất của cọp là ăn thịt.
Thánh Kinh dạy rằng “… như bởi một người [tức là A-đam, ghi chú của tác giả] mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội(Rô-ma 5:12). Như vậy, tội lỗi có trong thế gian là vì tổ phụ A-đam bất tuân Đức Chúa Trời. Hậu quả của tội lỗi đầu tiên này (hay nguyên tội) là mọi người đã phạm tội và có sự chết. Sự chết khống chế toàn bộ thế gian và mọi người trong đó. Đây là một điều mà chúng ta, là những thế hệ hậu A-đam, không thể lựa chọn. Chúng ta không thể lựa chọn là có nên ra đời hay không. Khi ra đời, chúng ta không chọn được cha mẹ, gia cảnh, sinh nhật, giới tính, v.v. Chẳng những vậy, chúng ta không thể lựa chọn để ra đời là một đứa trẻ sơ sinh khoẻ mạnh thay vì có tật, bịnh bẩm sinh như mù, câm, điếc, ung thư máu, hiệu chứng Down, Autism, không tay, không chân, v.v. là những điều bất hạnh không một ai muốn có. Cá nhân một đứa bé sơ sinh bị mù đã làm điều gì ác để phải chịu tật bệnh như vậy? Em đã không làm điều gì cả, vì một khoảng khắc trước khi con tinh trùng của cha gặp cái trứng của mẹ, em đã không tồn tại, để có thể làm điều ác. Nhiều người dựa vào triết lý nghiệp báo và kiếp số đầu thai của Phật giáo để giải thích những chứng tật bẫm sinh, nhưng chính Thánh Kinh cho biết điều này không đúng (Giăng 9:3, He-bơ-rơ 9:27) [1]. Em cũng đã không tồn tại để có thể lựa chọn là có muốn ra đời hay không. Nếu em muốn ra đời em cũng không chọn được gia cảnh. Quan trọng hơn hết, em không thể lựa chọn để được sinh vào một thế gian không tội lỗi, vì khi đã được sinh ra tức là sinh vào trong một thế gian tội lỗi.
Thế giới tội lỗi bao gồm các trẻ sơ sinh. Chân lý này trái ngược với triết lý Á-đông: “Nhân chi sơ tính bản thiện,” nghĩa là tình trạng định sẵn của con người là thiện, và tính xấu có được là do học hay bắt chước từ xã hội. Triết lý này là điểm bắt đầu cho sự hình thành khái niệm về thế giới tâm linh thứ ba đã bàn trong phần trên. Vì “nhân chi sơ tính bản thiện,” nên một người trưởng thành muốn trở nên tốt - tức là trở về tình trạng định sẵn của mình - cần phải tu tập, cần có giáo dục tốt và kỷ luật tốt. Điều này chỉ đúng trên bề mặt, vì một xã hội ổn định và tiến bộ cần phải có một nền giáo dục tốt để huấn luyện con người trở nên một công dân tốt và luật pháp với sự trừng phạt công bình giúp ngăn ngừa tội phạm. Tuy nhiên, một nền giáo dục tốt và luật pháp tốt không giải quyết được bản chất tội lỗi của loài người. Chúng ta nhớ rằng tội lỗi càng ngày càng tăng chứ không giảm. Người tu hành biết chắc rằng càng sống, càng tu, càng thấy mình tội lỗi, và do đó càng cố gắng che dấu tội lỗi mình hơn. (Đây gọi là tội giả hình hay còn gọi là đạo đức giả). Mỗi khi đã nhận cho người khác gọi mình là “thầy,” là “cha,” là "sư" thì rất khó công nhận tội lỗi của mình. Một trí thức, một nhà giáo, một nhà đạo đức xã hội, dù “tiên học lễ hậu học văn” cũng vậy, cũng không thoát khỏi vòng nô lệ của tội lỗi.
Tội lỗi thuộc phạm trù tâm linh vì vậy lối giải quyết cũng phải thuộc phạm trù tâm linh. Một người thuộc về thế gian (trái với một người đã tái sinh trong Chúa) được Thánh Kinh gọi là người xác thịt. Đặc tính của người xác thịt được Thánh Kinh mô tả như sau: Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Ðức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự rồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng” (I Cô-rinh-tô 2:14). Người xác thịt là những người đã chết về phần linh, do đó không thể hiểu được công việc của Đức Chúa Trời, thuộc phạm trù thiêng liêng, như Sứ đồ Phao-lô đã viết cho tín đồ Cô-rinh-tô. Từ các người xác thịt như thế này (tỉ dụ như Tất Đạt Đa, Khổng Phu Tử, Lão Tử, Mohammed, v.v.), xuất phát ra đủ mọi thứ triết lý và tôn giáo, khuyến dụ nhiều người, kể cả Cơ-đốc nhân, đi vào chỗ chết. Thánh Kinh cho biết rằng, những triết lý “cao siêu” của loài người là sản phẩm của trí tưởng tượng từ sự chống nghịch Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 10:5) [2]. Vì vậy, mọi hoạt động tâm linh chung đụng với người xác thịt, như hiệp nguyện liên tôn (tức là trong một buổi cầu nguyện chung kết hợp các tôn giáo, tín đồ đạo nào cầu nguyện với thần của đạo đó), thoả hiệp lời Chúa với văn hóa ngoại giáo để mua lòng người chẳng tin, v.v., chẳng những là công việc chết phù phiếm mà còn là phạm thượng đến Đức Chúa Trời. “Để kẻ chết chôn kẻ chết” Đức Chúa Jesus đã khuyến cáo như vậy (Ma-thi-ơ 8:22).   
Thánh kinh không phủ nhận loài người bắt chước lẫn nhau để phạm tội, hay nói một cách khác, môi trường xấu có tác dụng xấu đến đạo đức của cá nhân. Tuy nhiên, một câu hỏi cơ bản được đặt ra là chính tính xấu nguyên thủy từ đâu có. Chúng ta có thể cho rằng trẻ em bắt chước nói dối từ cha mẹ trước, nhưng chính sự nói dối bắt đầu từ đâu? Thánh kinh dạy rằng kẻ nói dối là con của Satan vì “nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối” (Giăng 8:44). Từ đây, chúng ta hiểu rằng nguồn gốc của tính xấu nói chung (hay tội lỗi) là Satan. Tội lỗi bắt đầu hiện hữu khi Satan là thiên sứ sáng láng nỗi loạn với Đức Chúa Trời. Tội lỗi đã có từ đó, nhưng chính tổ phụ A-đam mở cửa cho tội lỗi đi vào thế gian bằng sự bất tuân của mình, theo lời Thánh Kinh (Rô –ma 5:12). Tổ phụ loài người được Đức Chúa Trời tạo dựng ra là người trưởng thành, nhưng hoàn toàn vô tội, được trao cho quyền tự do lựa chọn tuyệt đối để vâng lời hay bất tuân Đức Chúa Trời. Họ đã có thể chọn cây của sự sống, và tránh cây của kiến thức thiện và ác như Đức Chúa Trời căn dặn. Không may, với quyền tự do Đức Chúa Trời ban, họ đã chọn để bất tuân Ngài. Vì vậy, tội lỗi đã đi vào thế gian, nghĩa là, tất cả chúng ta, là các thế hệ hậu A-đam, khi sinh ra đã là tội nhân.
Mặc dù trẻ sơ sinh có vẻ đẹp ngây thơ thánh thiện, một vẻ đẹp có thể làm mềm lòng đao phủ thủ, nhưng trong từng tế bào của các em hạt giống tội đã được gieo vào. Vì vậy, khi lớn lên, chúng ta không thể không phạm tội, vì bản chất của chúng ta là tội nhân. Khi còn bú sữa, một cọp con hiền từ như một con chó Nhật, nhưng khi lớn lên cọp phải giết thú để ăn thịt vì bản chất của cọp là ăn thịt; cọp không thể không ăn thịt. Khác với tổ phụ A-đam khi được tạo ra là người lớn, vô tội, có quyền lựa chọn tuyệt đối, chúng ta khi chỉ mới là con đỏ, đã là tội nhân, và không có lựa chọn nào cả. Nghĩa là chúng ta không thể lựa chọn giữa làm tội và không làm tội. Chúng ta làm tội bởi vì chúng ta là tội nhân bẫm sinh, tương tự như cọp giết thú để ăn thịt vì bản chất của cọp là ăn thịt. Nếu chẳng ai muốn mang hiệu chứng Down, một tật bịnh bẫm sinh thuộc thể, là điều bất hạnh cho cha mẹ nạn nhân và chính nạn nhân, thì lại càng không có ai muốn mang nguyên tội, là tật bịnh bẫm sinh thuộc linh, cả. Nếu khi sinh ra đã là một tội nhân, nghĩa là chúng ta không thể không phạm tội, thì Đức Chúa Trời từ ái, công bằng, phán xét chúng ta như thế nào? A-đam được Đức Chúa Trời tạo ra là người vô tội nhưng chọn để phạm tội, vì vậy sự phán xét đến với ông là điều công bằng. Con cái của A-đam, tức là chúng ta, sinh ra đã là tội nhân, tức là không thể làm gì khác hơn là phạm tội, thì phải chăng sự phán xét của Đức Chúa Trời đến với chúng ta là điều không công bằng? Một em bé sáng mắt, không nghe lời cha dặn, phá phách làm bể đồ, bị cha trách mắng là điều công bình. Ngược lại, một em bé bị mù bẫm sinh (đương nhiên không phải lỗi của em; chẳng bao giờ em muốn mình bị mù), không thấy đường, làm bể đồ quí, bị cha trách mắng, có công bình hay không?
4- Trách nhiệm cá nhân
Đứng trước câu hỏi phức tạp này, Sứ đồ Phao-lô đã nhận mình hỏi như một người chưa tin: “Song nếu sự không công bình của chúng ta tỏ ra sự công bình của Ðức Chúa Trời, thì sẽ nói làm sao? Khi Ðức Chúa Trời giáng cơn giận thì Ngài không công bình sao?Nếu vậy thì Ðức Chúa Trời đoán xét thế gian thể nào? Nhưng, nếu lẽ thật Ðức Chúa Trời bởi sự nói dối của tôi mà được sự vinh hiển lớn hơn, thì sao tôi còn bị đoán xét như kẻ có tội?” (Rô-ma 3:5-7). (Nghĩa là một người mù chỉ biết sờ soạn để tìm đường đi, thì tại sao chúng ta lại trách họ đi không thẳng?) Để tìm câu trả lời cho câu hỏi cơ bản của đức tin này, chúng ta hãy bắt đầu từ một đứa bé khoảng bốn tuổi. Đây lứa tuổi mà mọi người có thể chấp nhận dễ dàng rằng đã biết giao tiếp với thế gian chung quanh, nhưng chưa có nhận thức về luân lý theo ngôn ngữ thường dùng hay “chưa biết điều thiện hay điều ác,” theo Thánh Kinh (Phục Truyền Luật Lệ Ký 1:39). Đứa bé này như chúng ta đã bàn tới trong phần trên, sinh ra trong thế gian tội lỗi; mầm tội lỗi đã được cấy vào trong em ngay khi em được hình thành trong bụng mẹ. Em đang sống trong thế gian thuộc về Satan; thế gian này đã bị đoán phạt rồi, và đang chờ ngày bị án phạt sau rốt. Tuy vậy, Thánh Kinh cho biết rằng “nước Ðức Chúa Trời thuộc về những người giống như con trẻ ấy” (Lu-ca 18:16, Ma-thi-ơ 18:3, 19:14). Sống trong thế gian thuộc về Satan, các em đã thuộc về Satan chưa? Chắc chắn là chưa vì theo như Thánh Kinh, các em thuộc về Nước Trời. Như vậy, nếu các em vì một lý do nào đó chết đi khi còn thơ ấu, chắc chắn các em về Thiên Đàng theo như lời Đức Chúa Jesus hé mở. Điều này cho phép chúng ta suy diễn ra rằng, sự đoán phạt của Đức Chúa Trời trên thế giankhông dựa trên căn bản chúng ta là tội nhân bẫm sinh, vì nếu vậy, thì Nước Trời không thuộc về các trẻ thơ đó.Chân lý này phủ nhận giáo lý trong một số giáo phái mang tên Chúa (Christianity) dạy rằng cần phải làm báp-têm cho trẻ em.
Mặc dù con trẻ đã có mầm tội trong người, tuổi ấu thơ vẫn là môi trường tốt cho những ý niệm về Đức Chúa Trời nẩy nở cho nên Thánh Kinh dạy: "Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó" (Châm Ngôn 22:6). Thánh Kinh cũng ra lệnh cho cha mẹ dạy dỗ con cái mình về Đức Chúa Trời và luật pháp của Ngài (Lê-vi ký 10:11, Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:10, Thi Thiên 34:11, và nhiều nơi khác nữa). Thánh Kinh chép tiếp rằng: “Trong buổi còn thơ ấu hãy tưởng nhớ Ðấng Tạo hóa ngươi, trước khi những ngày gian nan chưa đến, trước khi những năm tới mà ngươi nói rằng: Ta không lấy làm vui lòng” (Truyền-Ðạo 12:1). Khi đọc tới đây, chúng ta thấy dường như có một cuộc chạy đua giữa ý niệm về Đức Chúa Trời và sự chai cứng của tâm linh khi đụng chạm với những gian nan trong cuộc đời. Đời sống là gian nan, và thời giờ là xấu (Ê-phê-sô 5:16). Càng sống, càng phải đấu tranh với môi trường (người và vật), càng phạm tội (Giăng 8:9), càng phật lòng. Nói như vậy, không có nghĩa là một đứa trẻ nhận sự giáo dục Cơ-đốc về Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ thì khỏi cần tuyên xưng đức tin trong Đức Chúa Jesus khi lớn lên; hoặc một người lớn tuổi không thể đến với chân lý của Đức Chúa Trời. Truyền đạo 12:1 chỉ có nghĩa rằng ý niệm về Đức Chúa Trời cần phải được gieo vào trong trẻ thơ càng sớm càng tốt, để nó có cơ hội bắt rễ trong tâm hồn thơ dại của các em, khi mầm tội chưa có dịp tương tác với môi trường tội lỗi chung quanh. Tác động của môi trường lên cá nhân vẫn quan trọng; vì thế Đức Chúa Trời mới dạy dân Y-sơ-ra-ên qua Môi-se trước khi họ vào đất hứa như sau:
“Khi Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi đã dẫn ngươi vào xứ mình sẽ nhận được, đuổi khỏi trước mặt ngươi nhiều dân tộc, là dân Hê-tít, dân Ghi-rê-ga-sít, dân A-mô-rít, dân Ca-na-an, dân Phê-rê-sít, dân Hê-vít, và dân Giê-bu-sít, tức bảy dân tộc lớn và mạnh hơn ngươi, khi Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi đã phó cho các dân ấy cho, và ngươi đánh bại chúng, thì phải diệt hết chúng đi, chớ lập giao ước cùng, và cũng đừng thương xót lấy. Ngươi chớ làm sui gia với chúng, chớ gả con gái mình cho con trai họ, cũng đừng cưới con gái họ cho con trai mình, vì các dân tộc nầy sẽ dụ con trai ngươi lìa bỏ ta mà phục sự các thần khác, rồi cơn thạnh nộ của Ðức Giê-hô-va nổi lên cùng ngươi, diệt ngươi cách vội vàng” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:1-4).
Như vậy, theo Thánh Kinh, sự tác động của môi trường lên cá nhân vẫn có nhưng không chủ yếu như bản chất tội lỗi (tội bẫm sinh) của loài người, điều mà không triết lý và tôn giáo loài người nào nói đến. Điều này được Thánh Kinh bày tỏ rõ ràng là cuối một ngàn năm tể trị của Đức Chúa Jesus, khi Satan được thả ra, loài người vẫn nghe Satan khuyến dụ để nỗi loạn với Đức Chúa Trời (Khải Huyền 20:6-9). Trong thời đoạn một ngàn năm trước đó, Đức Chúa Jesus đã tể trị thế giới; loài người đã thấy Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jesus vinh hiển cũng như thiên sứ vậy. Đây là môi trường thật hoàn chỉnh và tốt đẹp: "...vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Đức Chúa Trời như các dòng nước che lấp biển" (Ê-sai 11:8). Nếu vai trò của môi trường là chủ yếu, thì loài người sẽ không nổi loạn với Đức Chúa Trời sau một ngàn năm sống trong một môi trường hoàn chỉnh như vậy. Mỗi khi Satan còn tồn tại, và loài người còn có ý chí tự do để lựa chọn thì vẫn còn có phản loạn. Chỉ sau khi Satan bị liệng vào lò lửa (Khải Huyền 20:10), và sự chết - là kẻ thù cuối cùng của loài người (I Cô-rinh-tô 15:16) - và cả điạ ngục cũng bị liệng vào lò lửa (Khải Huyền 20:14) thì loài người mới đi vào tình trạng đời đời hiệp một với Đức Chúa Trời mà thôi.
Trên phương diện tâm linh, một người lớn chưa tin Chúa bị Thánh Kinh gọi là người xác thịt, tức là người không biết, không hiểu những việc thiêng liêng của Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 2:14), không bằng một trẻ em chưa “biết điều thiện hay là điều ác” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 1:39). Vì các trẻ nhỏ chưa biết phân biệt thiện ác, đúng sai, nên cả Đức Chúa Trời lẫn loài người không bắt chúng chịu trách nhiệm cho những hành động của mình. Thánh Kinh không nói rõ tới tuổi nào một người hết là một đứa trẻ (hay nói một cách khác, tuổi nào đã biết điều thiện hay điều ác, để được xem là người lớn. Có ai biết được một cậu con trai 10 tuổi nếu bị tai nạn chết đi có được Đức Chúa Trời cho vào Nước Trời hay phải bị phán xét như người lớn?) Tuy nhiên, Thánh Kinh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời muốn những người lớn chúng ta nhận biết mình là tội nhân, mặc dù chúng ta là tội nhân bẫm sinh, tức là những người thừa kế tội lỗi từ cha mẹ. Lu-ca 18:9-14 thuật lại câu chuyện của hai người đang đối thoại với Đức Chúa Trời trong sự cầu nguyện. Một bên, có người Pha-ri-si không nhận mình là tội nhân, đoán xét người thâu thuế, và kể lễ công đức. Còn bên kia, có người thâu thuế nhận mình là tội nhân và cầu xin sự thương xót của Đức Chúa Trời. Người Pha-ri-si “hướng ngoại;” kẻ thâu thuế “hướng nội.” Chúng ta biết được rằng cả hai “đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23). Ấy vậy mà Thánh Kinh cho biết Đức Chúa Trời xưng công bình chỉ người thâu thuế mà thôi (Lu-ca 18:14). Câu chuyện này làm chúng ta biết chắc thêm rằng Đức Chúa Trời đoán xét chúng ta không dựa trên bản chất tội lỗi (tội bẫm sinh) của chúng ta, mà dựa vào nhận thức của chúng ta về bản chất tội lỗi của mình. Một người không có lựa chọn gì khác hơn là phạm tội vì sinh ra đã là tội nhân. Dù vậy, anh ta có quyền lựa chọn để nhận mình là tội nhân và tiếp nhận ơn tha thứ của Đức Chúa Trời.
Sau sự Sa Ngã, Thánh Kinh cho biết loài người có nhận thức về thiện và ác như Đức Chúa Trời vậy (Sáng thế Ký 3:22). Tuy nhiên, Thánh Kinh cho biết rằng khả năng nhận thức về tội lỗi của loài người không hoàn hảo: “hướng ngoại” chứ chằng phải “hướng nội.” Hay nói cách khác, loài người thấy cọng rác trong mắt người mà không thấy cái đà trong mắt mình (Ma-thi-ơ 7:3,4; Rô-ma 2:1). Thánh Kinh cũng cho biết có những “kẻ gọi dữ là lành, gọi lành là dữ; lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối; vật chi cay trở cho là ngọt, vật chi ngọt trở cho là cay” (Ê-sai 5:20). Như vậy, khả năng nhận thức thiện và ác của chúng ta, khả năng mà chúng ta đổi lấy với chính sự sống mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta có, “như” Đức Chúa Trời là thế nào? Có thể Thánh Kinh muốn nói rằng loài người sau sự Sa Ngã biết phân biệt thiện ác như Đức Chúa Trời nhưng không bằng Đức Chúa Trời? Hay là khả năng đó thi hóa với thời gian vì chính tội lỗi của chúng ta? Như vậy, chúng ta mất cả chì lẫn chài? Dù gì đi nữa, vì “tôi” biết phân biệt thiện ác, nên “tôi” đoán xét người khác. Vấn đề là “tôi” mù với chính tội lỗi của chính “tôi.” Do đó, trong khi lên án người khác, “tôi” vô tình cung cấp cho toà án vũ trụ bằng chứng của chính tội lỗi của “tôi.” Trong khi kết án người khác, “tôi” vẫn biết tội lỗi của mình nhưng “tôi” đè nén nó xuống trong lương tri.
Để giải quyết tội lỗi của mình một cách vừa “công khai” đối với người khác nhưng “lén lút” với Đức Chúa Trời loài người đi tìm tôn giáo. Trừ một thiểu số đáp ứng lời Đức Chúa Trời kêu gọi nhân loại ăn năn tội, trở lại với Ngài, toàn bộ nhân loại nếu không thờ một hình tượng (tượng ông Địa, tượng Quan Công, tượng Phật, tượng Quan Âm, tượng Ma-ri, tượng Chúa, hình của một linh mục bị Việt Cộng giết, hình các “thánh tử đạo,” v.v.) hay thờ một thần tượng nào đó (cúng sao, cúng đất, cầu nguyện với Ma-ri, cầu nguyện với các Thánh, cầu nguyện với thần Alah, v.v.) thì cũng thờ tiền bạc. Nếu họ không thờ lạy tượng thì cũng nhận mình là con cái của khỉ hay con cái của rồng, cũng là một thần tượng. Thánh Kinh cho biết rằng đây là những người “đã đổi vinh hiển của Ðức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng,…đã đổi lẽ thật Ðức Chúa Trời lấy sự dối trá, kính thờ và hầu việc loài chịu dựng nên thế cho Ðấng dựng nên, là Ðấng đáng khen ngợi đời đời” (Rô-ma 1:23, 25). Do vậy, tôn giáo là chỗ trốn của loài người khỏi Đức Chúa Trời.
Sự trở lại với Đức Chúa Trời bắt đầu bằng sự nhận biết mình là tội nhân như Ê-sai:Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Ðức Giê-hô-va vạn quân! (6:5). Loài người không có sự lựa chọn về tội lỗi bẫm sinh (nghĩa là khi sinh ra là đã mang mầm tội trong người), nhưng vẫn có sự lựa chọn để ít nhất công nhận Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, công nhận mình là tội nhân, và tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ. Tiếc rằng, đại đa số đều từ khước Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Thiện, là Đấng sáng tạo ra mình, từ khước mình là tội nhân trong khi đoán xét người khác là tội nhân. Đây là cơ sở để Đức Chúa Trời phán xét nhân loại.
5- Kết luận:
Chúng ta, là các thế hệ hậu A-đam không có sự lựa chọn nào hết về tội lỗi bẫm sinh. Tuy nhiên, chúng ta có sự lựa chọn trong sự công nhận mình là tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời. Khi nhận mình là tội nhân như vậy, chúng ta công nhận Ngài là Đấng Thánh Khiết. Đức Chúa Trời không đoán xét thế gian về tội lỗi bẫm sinh vì chúng ta không có sự lựa chọn nào hết, nhưng Ngài đoán xét chúng ta về sự từ khước Ngài, từ khước mình là tội nhân, và từ khước ơn cứu rỗi của Ngài vì chúng ta có sự lựa chọn trong vấn đề này. Chính vì sự từ khước này mà thế gian đang thuộc về vương quốc của Satan, đang nằm trong sự giận dữ của Đức Chúa Trời, đang chờ để bị đoán phạt chung thẩm. Chỉ có một số ít người công nhận mình là tội nhân để tiếp nhận sự cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ mới được Đức Chúa Trời cứu tht khỏi con tàu đang đắm đó để đi vào sự sống vĩnh cửu phước hạnh trong Nước Trời.
 
Lê Anh Huy
31/11/2008
 
Chú thích
1- Giáo lý nghiệp báo của Phật giáo cho rằng một kiếp là hậu quả của nghiệp, chẳng những của kiếp trước đó mà còn từ nhiều kiếp trưóc; chẳng những của chính nạn nhân mà cả của cha mẹ, ông bà, nạn nhân. Người ta gọi đây là cộng nghiệp, nghĩa là nghiệp của cha mẹ, cá nhân hợp lại với nhau để tạo ra kiếp này của cá nhân đang nói tới. Trường hợp người mù bẫm sinh là một thử nghiệm cho giáo lý cộng nghiệp của Phật giáo.
Đứng trước một người mù bẫm sinh các môn đệ hỏi Đức Chúa Jesus rằng: “Thưa thầy ai đã phạm tội, người hay là cha mẹ người, mà người sanh ra thì mù như vậy?” (Giăng 9:2). Đức Chúa Jesus trả lời “Ðó chẳng phải tại người hay tại cha mẹ đã phạm tội” (Giăng 9:3). Chúng ta biết rằng mọi người đều đã phạm tội theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, Đối với người mù bẫm sinh, khi mới sinh ra đã là tội nhân bẫm sinh, tức là thừa hưởng mầm tội từ A-đam. Đức Chúa Jesus không có ý phán rằng cha mẹ và chính người mù là vô tội, nhưng chỉ có ý là không có liên hệ nhân quả trong tật mù bẫm sinh và tội lỗi của cha mẹ và chính cá nhân ông. Câu phán của Đức Chúa Jesus đánh đổ giáo lý cộng nghiệp của Phật giáo. Sự sụp đổ của triết lý này kéo theo sự sụp đổ của toàn bộ giáo lý nghiệp báo (nghiệp là động cơ thúc đẩy vòng luân hồi tiếp diễn triền miên). Tuy nhiên Cơ-đốc nhân vẫn cần trích dẫn Hê-bơ-rơ 9:27: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” để sự “tưởng tượng” này mới hoàn toàn bị “bắt tù.”
2- Bản dịch King James II Corinthians 10:5 chép như thế này:“Casting down imaginations, and every high thing that exalteth itself against the knowledge of God, and bringing into captivity every thought to the obedience of Christ.” Theo tự điển Strong, imaginations trong nguyên ngữ Hy-lạp là λογισμός /logismos/ có nghĩa là reasoning (lý luận), imagination (tưởng tượng) và thought (ý tưởng). Do vậy, dịch imaginations thành tưởng tượng cũng hợp lý trong văn mạch này, vì những “lý luận” của loài người có bản chất nổi cao lên cả Đức Chúa Trời về bản chất là sự tưởng tượng trong trí óc tội lỗi của loài người chứ không mang một chút sự thật nào của Đức Chúa Trời. Do đó, chúng tôi xin mạn phép dịch lại câu Thánh Kinh trên như sau: “đánh đổ các điều tưởng tượng, và mọi điều cao tự nâng mình lên nghịch với kiến thức về Đức Chúa Trời, và bắt tù mọi tư tưởng vào sự vâng phục Đấng Christ.”
Bản dịch Phan Khôi chép như vậy: “nhờ khí giới đó chúng tôi đánh đổ các lý luận, mọi sự cao tự nổi lên nghịch cùng sự hiểu biết Ðức Chúa Trời, và bắt hết các ý tưởng làm tôi vâng phục Ðấng Christ” (II Cô-rinh-tô 10:5). Dịch λογισμός thành “lý luận” cũng hợp về mặt ngôn ngữ tuy nhiên không làm nổi bật sự nghịch lại với chân lý của Đức Chúa Trời mà câu Thánh Kinh này hàm ý.
++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Giêsu Maria Giuse con mến yêu xin cứu rỗi các linh hồn

"Nhờ Mẹ Maria và các Thánh chuyển lời xin Thiên Chúa ban cho người dân Việt Nam được sống tự do và công bằng"

++++++++++++++++
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng