Bác sĩ Lê Thị Châu Thủy
Kính thưa quý thính giả,
Tháng qua tôi có dịp tổ chức ngày sinh nhật thứ 45. Một sinh nhật mà cách đây ba năm tôi không nghĩ mình có thể có được vì tôi bị bịnh hiểm nghèo. Nhưng qua sự cầu nguyện, Chúa đã làm phép lạ trên đời sống tôi và Chúa đã chữa lành bịnh cho tôi.
Tuần qua tôi nghiên cứu làm sao gìn giữ được sức khỏe, tôi đọc trong tờ “Medicine Today” tạm dịch là “Y khoa Ngày Nay” dành riêng cho các bác sĩ tại Úc. Trong tờ của tháng này có đăng bài “The 45 Year Old Health Check” nói về khám nghiệm sức khỏe cho những người trong tuổi 45. Trong năm 2004-2005, Chính phủ Úc nghiên cứu và thấy rằng có 90% người Úc sống trong một lối sống không được “healthy” cho mấy: 1/3 bị nghiện thuốc lá, 1/3 uống rượu và 1/3 không ăn rau cải. Trong đó có 44% dân số Úc phạm vào một trong những điều sau đây: họ bị mập với sức cân nặng quá tiêu chuẩn hay bị cao huyết áp, hoặc bị cao mỡ trong máu hay uống rượu quá độ. Vào năm 2006, bộ y tế của Úc bắt đầu khuyến khích dân chúng trong vòng lứa tuổi 45-50 sống khỏe trở lại. Tại vùng NSW Úc, một số bác sĩ mở một cuộc khám bịnh cho những người trong lứa tuổi 45–49. Các bác sĩ xem xét cẩn thận về cách ăn uống, tập thể dục, hút thuốc lá, uống rượu, số lượng trái cây và rau cải trong thức ăn hằng ngày. Sau đó những người này được hướng dẫn cẩn thận cách sống khỏe bằng cách gia tăng thời gian tập thể dục cũng như ăn bớt chất béo, ăn nhiều rau cải và trái cây, cũng như bỏ thuốc lá và bớt uống rượu. Những người này được theo dõi trong vòng 6 tháng.
Kết quả được đăng tải như sau: trong vòng 547 người trong cuộc khảo nghiệm này có 51% là đàn bà, 35% là những người được sanh ở nước ngoài, 35% có gia đình, 35% có việc làm, 65% có nhà cửa và 55% có trình độ đại học. Chỉ 50% những người được theo dõi thay đổi cách ăn ở và lối sống của họ sau khi tiếp xúc với bác sĩ. Sáu tháng sau khi cuộc khảo sát thì “đâu cũng hoàn đó”, “back to square one” không ai giảm được một ký lô nào, hay có giảm vào những tuần lễ đầu thì sau sáu tháng cũng trở lại như cũ. Không ai thay đổi số lượng rượu hay thuốc lá tiêu thụ. Số lượng rau cải tiêu thụ và thời gian tập thể dục thì có gia tăng nhưng không làm cho họ giảm cân. Kết quả này không làm cho hội đồng y tế ngạc nhiên cho mấy, vì nhiều cuộc khám nghiệm và nghiên cứu trước đây về bịnh nghiện thuốc lá cũng như bịnh mập phì cho thấy kết quả cũng như vậy. “We are hitting a brick wall” hay chỉ tự đập đầu vào tường mà thôi.


Mỗi người sanh ra trong thế giới này mang theo trong cơ thể những chuỗi DNA, cách cấu trúc trong DNA quyết định rất nhiều về sức khỏe, thời gian sống trên thế giới - life expectancy và sự cấu trúc của các bộ phận trong cơ thể, kể cả phần kháng sinh trong cơ thể để chống lại bịnh tật, ngay cả việc nghiện rượu và thuốc lá cũng đã được định sẵn. Khi Chúa phán cùng Adam và Eva trong vườn Eden rằng “Khi ăn trái này thì ngươi sẽ chết” không những con người sẽ chết về tâm linh mà con người cũng mất đi sự sống đời đời. Tuổi thọ của con người có giới hạn, trung bình trên các nước tân tiến thì khoảng trên 80, trong tương lai có thể lên đến 100 nhưng không thể sống đến 700-800 tuổi như thời Nô-ê. Có thể sự thay đổi tuổi thọ của con người qua các thời đại vì sự thay đổi của môi trường sống như đồ ăn, thức uống, không khí, vi trùng và bịnh tật mà thời của Nô-ê không có. Hay cũng có thể giải thích rằng bởi sự thay đổi của những cấu trúc trong DNA. Cơ thể của chúng ta không tồn tại mãi mãi, nó bị suy yếu bởi thời gian và nếu không được chăm sóc cẩn thận thì sự tàn phá sẽ nhanh hơn, bịnh tật tàn hại cho đến lúc không thể chữa trị được. Cơ thể suy nhược dần cho đến ngày chết, hay nói một cách khác là từ khi sanh ra mỗi người đã được định sẵn con số ngày họ sống trên đất và con người đang cư trú trong một thân thể đã được chuẩn bị trước hay program sẵn cho một cái chết.
Bịnh tật xảy ra có thể do bẩm sinh, có người sanh ra đã bị tật nguyền và những bộ phận quan trọng trong cơ thể như tim, gan, thận v.v.. không hoạt động bình thường. Những thay đổi này có thể là do di truyền từ cha mẹ hay do tự nhiên “spontanuos transformation”, có nhiều trường hợp do siêu vi khuẩn hay vi trùng gây ra. Con người có thể phá hoại cơ thể mình bằng những cách sống không tốt cho sức khỏe như nghiện thuốc lá, rượu, ăn quá nhiều chất béo, thiếu vận động, sống thiếu vệ sinh. Trong những trường hợp này chính họ làm cho cơ thể mình bị yếu đi, chất kháng sinh yếu đi và các bộ phận trong cơ thể bị phá hoại, rồi họ sẽ dễ dàng nhiễm bịnh. Có một số trường hợp bịnh hoạn đến từ những việc làm tội lỗi như dâm dục xấu xa rồi lây các bịnh như giang mai, hoa liễu, HIV, viêm gan B,C v.v. Trong trường hợp đồng tình luyến ái “homosexuality”những người này sẽ dễ bị nhiễm bịnh hơn bình thường nhất là những bịnh lây bằng đường tình dục. Các nhà nghiên cứu về bịnh HIV cho thấy siêu vi khuẩn HIV dễ lây qua từ người nam qua người nam hơn là từ người nam qua người nữ. Vậy thì AIDS có phải là một hình phạt mà Đức Chúa Trời dành cho những người đồng tình luyến ái không?
Quý thính giả thân mến,
Câu hỏi này đã đem lại nhiều cuộc tranh cãi và nhiều người cho là “không”. AIDS là một căn bịnh phần lớn nằm trong cộng đồng những người đồng tình luyến ái và là “The most common cause of death” hay nguyên do phổ biến nhất gây ra tử vong trong vòng những người nam vào tuổi tráng niên. Như đã nói ở trên, tội lỗi xen vào thế gian từ vườn Eden. Từ lúc sanh ra con người đã có mầm của tội lỗi. Từ nhỏ trẻ con đã biết dành đồ ăn, đánh nhau và chỉ muốn phần thắng. Trẻ con đã có tánh ích kỷ, chỉ biết phần mình và bất chấp người khác. Con người lớn lên càng phạm tội, sống bất chấp kẻ khác, không cần biết tương lai sẽ như thế nào. Nhưng tội lỗi, bịnh tật và đức tin có liên quan với nhau như thế nào?
Khi Gióp, một nhân vật trong Cựu Ước, mất đi người thân, của cải và sức khỏe, bịnh tật của Gióp không phải đến từ hậu quả của tội lỗi vì trước mặt Đức Chúa Trời, ông là người công chính. Những thử thách Gióp trải qua là thử thách Đức Chúa Trời cho phép xảy ra để thử đức tin của Gióp. Gióp bị ghẻ lở từ đầu đến chân đến nổi ông phải “lấy mảnh sành mà gãi”. Trong câu chuyện người mù, khi được hỏi “Có phải vì tội lỗi của cha mẹ mà người đó bị mù từ lúc mới sanh ra”, Chúa trả lời rằng: “Đó chẳng phải người hay cha mẹ người phạm tội nhưng ấy để cho những việc của Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người” (Giăng 9:3). Bệnh tật xảy ra trên đời sống của tín đồ để qua đó đời sống thuộc linh họ được tăng trưởng và phép lạ của Đức Chúa Trời được tỏ ra trên họ hầu cho qua họ nhiều người được cứu.
Trong trường hợp HIV và Homosexuals, bệnh tật của thể xác là do chính hành động tội lỗi của họ gây ra. Những người nghiện xì ke ma túy hành hạ cơ thể vì chính hành động của họ đem đến hậu quả tai hại. Những người nghiện thuốc lá tự phá hoại cơ thể, phá hoại lá phổi và sau đó bị suyễn hành hạ.
Chúa Jesus yêu thương người bệnh và những người đau khổ vì bịnh. Điều này được bày tỏ rõ ràng qua các phép lạ chữa lành trong Tân Ước. Người đàn bà bị xuất huyết được chữa lành do chính đức tin vào phép lạ của bà. (Luca 8:43-47). Trong trường hợp khác thì những người thân của người bịnh cần có đức tin, như chuyện của thầy đội đến xin Chúa chữa bịnh cho con gái mình và ông chứng kiến con mình được lành. Tại vườn Ghếtsêmanê, người cai đội được chữa lành khi Phierơ cắt đứt tai ông, lúc đó không ai tìm cầu phép lạ nhưng Chúa làm vì lòng thương xót. Phao-lô là người có đức tin nhưng ông vẫn sống trong bịnh tật cho đến cuối đời, “cái gai”của ông không lành được. Nhiều người hôm nay không tin vào phép lạ nhưng phép lạ vẫn xảy ra mỗi ngày trên đời sống họ, họ vẫn sống mỗi ngày, bịnh tật vẫn được chữa lành. Người mắc bịnh không phải là những người đang bị hành phạt của Đức Chúa Trời hay thiếu đức tin. Đức Chúa Trời chẳng bao giờ hứa sẽ chữa lành hết thảy bịnh tật trong đời sống của những người tin Chúa, và thật sai lầm và nguy hiểm khi cho rằng “sức khỏe sẽ luôn đến với những người có đức tin mạnh mẽ”.
Để kết luận về đề tài này, tôi xin nhấn mạnh những điểm quan trọng sau đây:
  1. Bệnh tật là điều không thể tránh được trong cơ thể con người.
  2. Bệnh tật có thể xảy ra cho bất cứ người nào từ người tin Chúa đến người ngoại đạo.
  3. Chúa yêu thương người bịnh và Ngài đã và đang chữa bịnh cho nhiều người.
  4. Chúa Giê-su ngày nay, hôm qua cho đến mãi mãi không hề thay đổi. Ngài vẫn còn làm phép lạ.
  5. Những gì xảy ra trên cơ thể chúng ta điều nằm trong chương trình của Đức Chúa Trời, bịnh hoạn chỉ là một thử thách cho đức tin mà Đức Chúa Trời đã cho phép xảy ra. Bịnh tật đem con người gần hơn với Đức Chúa Trời.
Qua căn bịnh của tôi, Chúa đem tôi càng gần Ngài hơn, ba mẹ tôi trở lại cùng Chúa. Ngài dùng căn bịnh của tôi làm một thử thách cho đức tin của tôi cũng như làm sự cứu rỗi cho cả gia đình tôi, như lời Chúa phán “Đó chẳng phải tại người hay tại cha mẹ đã phạm tội; nhưng ấy để cho những việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người”