Giáo Hội ở ngã tư đường hậu thế tục

Giáo Hội ở ngã tư đường hậu thế tục

Một số người cho rằng Giáo Hội Công Giáo đang trên đường sa sút. Nhưng Đức Hồng Y Julián Herranz lại nghĩ khác, ngài quả quyết rằng Giáo Hội thực sự đang cảm nhận một sự lớn mạnh và một sinh lực phi thường.
Đức Hồng Y Herranz làm việc tại Giáo Triều Rôma từ năm 1960, qua 5 đời giáo hoàng Gioan XXIII, Phaolô VI, Gioan Phaolô I, Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI. Mấy năm gần đây, ngài giữ chức chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng lo các Bản Văn Luật Lệ, đồng thời là thành viên các thánh bộ Tín Lý, Giám Mục, và Phúc Âm Hóa.
Ngài là tác giả cuốn sách bằng tiếng Tây Ban Nha, tựa là “En las Afueras de Jerico: Recuerdos De Los Anos Con Josemaria Y Juan Pablo II” (Ở Ngoại Thành Giêricô: Tưởng niệm các năm của Josemaría và Gioan Phaolô II), đã tái bản đến lần thứ 4. Trong cuốn sách này, Đức HY Herranz đã dùng nhiều dữ kiện và kinh nghiệm bản thân phong phú để gợi lại các năm tháng của Công Đồng Vatican II và việc áp dụng nó trong các thời kỳ sau đó và hiện nay.

Tục hóa

Trong cuộc phỏng vấn dành cho “Temes D’Avui”, một tạp chí chuyên bàn về các vấn đề mục vụ, Đức HY Herranz nói tới Giáo Hội hoàn vũ trong thời đại hậu thế tục (post-secular). Nói đến việc tục hóa, một hiện tượng bao gồm cả chủ nghĩa vô thần, lẫn bài giáo sĩ và dửng dưng tôn giáo, ngài cho hay cần phải phân biệt giữa tính thế tục (secularity) và việc tục hóa hay chủ nghĩa thế tục (secularization/secularism). Đức HY cho rằng tính thế tục là một sự kiện tích cực, xuất hiện trong mấy thế kỷ vừa qua, qua đó, người ta càng ngày càng ý thức được tính độc lập chính đáng của các thực tại thế tục, trần gian. Điều ấy rõ ràng đã được Công Đồng Vatican II thừa nhận. Một phương diện của thực tại ấy ngày nay được chúng ta gọi là chủ nghĩa duy tục tích cực (positive laicism), được coi là đã vượt lên trên chủ nghĩa bài giáo sĩ ngày trước.
Ngược lại, chủ nghĩa duy thế tục không giống như thế. Chủ nghĩa này muốn một nhân loại không có nền tảng căn cốt của nó là Thiên Chúa, một thứ nhân bản thuyết vô thần, tự nó đã tỏ ra là một thảm kịch, như nhận định của Henri De Lubac.
Thuộc đường dây này là các bộ phận muốn áp đặt chủ nghĩa cực đoan duy tục thành ý thức hệ chính xác về chính trị, một chủ nghĩa giáo điều vô thần trái với chủ nghĩa duy tục chân chính, là chủ nghĩa biết thừa nhận nơi tôn giáo một yếu tố văn hóa và xã hội cần được tôn trọng và cổ vũ.
Hiện nay, một số nhà xã hội học chuyên phân tích các khuynh hướng và diễn trình văn hóa, như John Micklethwait, chủ bút tờ The Economist, và Adrian Wooldridge, tác giả sách bán chạy nhất “God Is Back” (Thiên Chúa Đã Trở Lại), không tin rằng chủ nghĩa duy thế tục vô thần hay dửng dưng tôn giáo đang lấn lướt ở ngoài xã hội; đúng hơn, điều ngược lại đang xẩy ra.
Mấy thập niên trước đây, một số người tiên đoán tôn giáo sẽ chết yểu, nhất là Kitô Giáo, nhưng sau đó, chính họ phải tự điều chỉnh và nhìn nhận rằng tôn giáo đã trở lại dưới nhiều hình thức rất đa dạng.
Không ít người cho rằng ta đang ở trong thời kỳ hậu thế tục, mà đặc điểm tìm thấy qua việc càng ngày người ta càng quan tâm hơn đối với những vấn đề nền tảng về nhân bản, với chiều kích hết sức tôn giáo.
Trong một phúc trình mới đây tựa là “The Return of God” (Thiên Chúa Trở Về), tờ La Republica, một tờ báo vô tôn giáo của Ý, tỏ ra ngạc nhiên vì sự bộc phát sách báo nói về đức tin trong các tiệm sách của Ý với 27% gia tăng về số bán.
Một cách cụ thể, phúc trình ấy cho thấy thương vụ các sách có chủ đề tôn giáo đã tăng 196% tại các trung tâm phân phối lớn, như siêu thị và trung tâm thương mại.
Một sự kiện lý thú khác là thông điệp mới nhất của Đức GH “Bác ái trong chân lý”, ngay ấn bản đầu tiên, đã in ra 600,000 bản, vượt xa con số bán chạy nhất giữa tháng 7 của một vài nhà văn lớn như Faletti, Larson và Grisham.
Đức HY tin rằng những sự kiện trên và các sự kiện tương tự, như việc trở lại Công Giáo của nhiều chính trị gia, nhà văn và tài tử danh tiếng một lần nữa cho thấy ngay giữa môi trường rõ ràng là duy vật, lý trí và trái tim con người vẫn không dửng dưng với những vấn đề vĩ đại về ý nghĩa và số phận cuộc hiện sinh của họ.
Chỉ có một số ít thực sự yên ổn mà nghĩ rằng họ chỉ là một mảnh thịt truyền từ tay bà đỡ qua tay những người đào huyệt.
Một số các thiên kiến đã thành khuôn mẫu, như đức tin là kẻ thù của khoa học hay thái độ dửng dưng tôn giáo là thời thượng trí thức, là không chịu mau mắn thay đổi trong công luận chỉ vì tính ù lì cố hữu hay vì quyền lợi do chúng tạo ra, dĩ nhiên thuộc phạm vi kinh tế, nhờ duy trì được một khuynh hướng có tính ý thức hệ nào đó.
Nhưng ngay phong trào tranh đấu của những nhóm cổ vũ cho chủ nghĩa thế tục không khoan nhượng tại một số môi trường chính trị và tài chánh Âu Châu, trên phạm vi cả nước hay trong phạm vi cộng đồng, cũng phải thú nhận rằng trên thực tế, thái độ dửng dưng tôn giáo không hề có hay đang giảm dần.
Xem ra những người hy vọng góp tay một cách thụ động vào việc chôn sống Kitô Giáo (họ bảo chỉ là vấn đề thời gian thôi, tôn giáo này sẽ tự kết liễu đời mình) nay đang phải đổi qua một chiến lược hiếu chiến nhằm mục đích gây được những hiệu quả tích cực trong việc kéo nhiều Kitô hữu ra khỏi giấc mơ màng ươn lười của họ.
Sau đáp ứng tiêu cực của chàng thanh niên giầu có không chịu tham gia nhóm môn đệ, Chúa Giêsu cho Phêrô hay Thiên Chúa sẽ trả công 100% ở đời này và đời sau, nhưng phải kinh qua bách hại.
Bách hại chưa bao giờ thiếu, nhưng ơn trợ giúp của Chúa để đương đầu với chúng cũng không thiếu. Ngay thế hệ môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu cũng đã phải cần tới sự an ủi của cuốn sách kỳ diệu là Khải Huyền, vốn có giá trị đối với mọi thế hệ, là sách đem đến cho họ sự chắc chắn và niềm vui khi đương đầu với trở ngại và nhiều hình thức khác của phong trào bài Kitô.
Nhưng người Kitô hữu cần phải dấn thân vào lãnh vực công mà không mặc cảm và phải được đào tạo tốt về tín lý để phong phú hóa cuộc sống chung và nền dân chủ dân sự, mang đến cho chúng tính nhân bản và cái sâu sắc của đức ái và tự do, nghĩa là mang đến cho lý trí và xã hội nói chung cây thánh giá và sự phục sinh của Chúa Kitô.

Ngã tư đường

Trong cuốn “On the Outskirts of Jericho” (Bên ngoài Giêricô), Đức Hồng Y Herranz nói rằng nhân loại đang ở một ngã tư đường, theo ý một lời kêu gọi vào Năm Thánh 2000 mà Đức Gioan Phaolô II đã ngỏ với các vị giám mục khắp hoàn cầu. Dịp đó, Đức Gioan Phaolô II nói rằng: “Ngày nay nhân loại đang sở hữu những khí cụ tạo sức mạnh chưa từng thấy: họ có thể biến thế giời này thành một mảnh vườn hay có thể biến nó thành một đống tro tàn. Họ đã thủ đắc được những khả năng phi thường có thể can thiệp vào chính nguồn tạo ra sự sống: họ có thể sử dụng những khả năng này để phục vụ điều thiện, trong đường hướng luật lệ luân lý, hay họ cũng có thể nhượng bộ cái hãnh tiến cận thị của khoa học không biết nhìn nhận các giới hạn của mình, đến độ chà đạp cả lòng kính trọng đối với mọi con người nhân bản. Hơn bao giờ hết, ngày nay nhân loại đang ở một ngã tư đường”.
Theo Đức Hồng Y Herranz, Đức Gioan Phaolô II có ý đề cập tới các tiến bộ vĩ đại của khoa học và kỹ thuật trong nhiều lãnh vực của cuộc sống, nhất là lãnh vực sinh học và di truyền học. Các tiến bộ này buộc con người thời nay phải suy nghĩ tới mục đích của chúng, nhất là vì trong bối cảnh của chủ nghĩa toàn trị duy tương đối, ý niệm phổ quát về con người như một chủ thể có phẩm giá và nhiều quyền bất khả nhượng đang bị hoà tan.
Đối với các chủ đề chủ chốt hiện đang đe dọa nhân loại, người ta không thể duy trì một thái độ trung lập. Thực thế, ta đang ở trong trạng huống phải giáp mặt với một ngã tư đường. Hai ngả đường đang mở ra trước mắt ta: một ngả dẫn tới việc nhân bản hóa lớn hơn chưa từng thấy, với khoa học và kỹ tuật phục vụ con người (tiến bộ giáo dục, cải thiện phẩm chất sự sống, khả năng chăm sóc tốt cho người túng thiếu, tự do và nhiều trách nhiệm hơn…); một ngả dẫn tới việc xâm thực dần dần phẩm giá con người, do việc sử dụng trái với bản nhiên hữu thể có bản vị (các kỹ thuật biến đổi di truyền và thao túng các phôi thai để phục vụ các quyền lợi thương mại và phúc lợi vị kỷ). Việc sử dụng này hạ thấp phẩm giá con người, phá hoại sự gắn bó xã hội và làm yếu đi chú tâm canh tân của toàn thể xã hội nhằm vào gia đình.
Tính mới mẻ trong tình thế hiện nay so với quá khứ là con đường nhân bản hóa ngày nay đòi phải có một ý thức đạo đức mạnh mẽ hơn, xác tín nhiều hơn và phải có một nền giáo dục sâu sắc hơn.
Đứng trước khoái lạc, con người nhân bản yếu đuối hơn là đứng trước các khó khăn không thể tránh. Ta đang đứng trước một ngã tư đường nơi các công dân tầm thường đang bị cám dỗ bước theo dòng, tự để cho mình bị quán tính (inertia) dẫn lối.
Con người, theo nghĩa đám đông như Robert Spaemann hay nhấn mạnh, đang chịu áp lực mạnh từ các lực lượng kinh tế và ý thức hệ, là các lực lượng luôn chống lại các lắng lo sâu sắc của ta muốn xây dựng một xã hội công bằng hơn, nhiều liên đới hơn, và trong nhiều trường hợp chống lại ý muốn chính đáng được thực hành nghề nghiệp theo đúng phẩm giá của mình: Điều này đúng không những đối với các nhà chuyên môn trong ngành truyền thông và các bác sĩ, mà còn đúng đối với các luật sư và nghệ sĩ cũng như nhiều ngành nghề khác.
Thí dụ, khi một dược sĩ cảm thấy bị luật lệ đe dọa trong tư cách doanh nhân, thì việc phục vụ bệnh nhân của vị dược sĩ này sẽ mất hết tự do và trách nhiệm nếu như ông ta hay bà ta không dùng tự do lương tâm của mình chống lại những lạm dụng của nền cai trị độc tài.
Đức Hồng Y trích dẫn lời của Francis Collins, nhà sinh học Bắc Mỹ chịu trách nhiệm về “Human Genome Project” (Dự Án Hệ Di Truyền Nhân Bản), vốn là một Kitô hữu trở lại đạo lúc 27 tuổi, viết trong cuốn “The Language of God” (Ngôn từ Thiên Chúa), một tựa đề ông dùng gọi tên bộ di truyền: “Tôi tin có một kế hoạch thần linh được truyền từ Big Bang và biến hóa tới những con người nhân bản. Và tôi tin rằng Thiên Chúa tạo dựng nên ta để thông truyền trong ta ý niệm cái đúng cái sai, ý chí tự do, và để có mối liên hệ bản thân với ta qua cầu nguyện” (Avvenire, 15/6/2009).

Sự thật và lòng từ nhân

Nhiều người cho rằng Giáo Hội đang quay lưng lại xã hội con người bằng cách lên án các thực hành như ngừa thai, phá thai, an tử và đồng tính luyến ái. Và cũng có người cho rằng muốn “phúc âm” hơn, ta nên nhấn mạnh nhiều hơn tới lòng từ nhân và tình yêu thương hơn là lên án một số tác phong luân lý. Đức Hồng Y Herranz cho hay: phúc âm nhất là phải hành động như Chúa Giêsu đã hành động. Người dạy dỗ và thực hành sự thật và lòng từ nhân cùng một lúc và không tách biệt nhau. Chúa bảo ta: “sự thật sẽ giải phóng chúng con” (Ga 8:32) và đứng trước sai lầm tai hại của thứ tự do tuyệt đối, thứ tự do tách biệt khỏi qui phạm luân lý, Người dạy ta giá trị cứu rỗi của sự thật. Sự thật về phẩm giá con người, cả đàn ông lẫn đàn bà, được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và có cùng đích đời đời. Sự thật về giá trị trổi vượt của sự sống con người từ lúc hoài thai tới lúc chết đi cách tự nhiên. Sự thật về tình yêu nhân bản, “tình yêu tuyệt đẹp” mang theo chiều kích thiêng liêng qua việc tự hiến cho nhau và trung thành với nhau, một chiều kích cao hơn nhiều so với chiều kích sinh học chỉ nhằm tính dục. Sự thật về hôn nhân, sự kết hợp bền vững giữa một người đàn ông và một người đàn bà sẵn sàng chào đón con cái, và sự thật về gia đình xây dựng trên hôn nhân.
Và cùng với sự thật, Chúa Giêsu dạy ta tình yêu và lòng từ nhân. Người tha thứ cho người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình và nói với bà ta: “Tôi cũng không kết án chị; hãy đi đi và đùng phạm tội nữa” (Ga 8:11). Luca, phúc âm gia của lòng từ nhân Thiên Chúa, thuật lại việc Chúa Giêsu được mời dùng bữa tại nhà người tội lỗi giầu có tên Giakêu. Người quan tâm tới linh hồn ông ta, đến sự cứu rỗi đời đời của ông, và kết quả là ông ta trở lại: “Thưa Thầy, tôi xin hiến nửa số của cải tôi có cho người nghèo: và nếu có lừa đảo ai điều gì, tôi xin trả lại gấp bốn”. Chúa nhận xét: “ Hôm nay ơn cứu rỗi đã đến nhà này, vì ông ta cũng là con cái Ápraham. Vì Con Người tới để tìm và cứu vớt kẻ tội lỗi” (Lc 19:1-10).
Thánh Gioan, phúc âm gia hay nhấn mạnh tới tình yêu, thuật lại việc Chúa Giêsu giúp người đàn bà Samaria chỉnh đốn lại tình trạng gia đình của chị ra sao. Trả lời người đàn bà, Chúa bảo: “Hãy đi gọi chồng chị, rồi đến đây”. Người đàn bà thưa lại: “tôi không có chồng”. Chúa bèn nói: “Chị nói đúng khi bảo ‘tôi không có chồng’ vì chị đã có 5 người chồng, và người hiện chị đang có không phải là chồng chị; điều ấy chị nói đúng” (Ga 4:16-18).
Chúa Giêsu đến dạy ta sự thật giải phóng, sự thật cứu rỗi và cùng một lúc, Người đến dùng tình yêu và lòng từ nhân sửa lại khuynh hướng vị kỷ vốn làm tổ trong trái tim con người.
Đó chính là lý do Người mời gọi ta thống hối và ăn năn trở lại, hai thứ sẽ đem lại bình an và hân hoan cho ta. Giáo Hội không là ai khác mà là chính Chúa Kitô hiện diện giữa con người trong dòng lịch sử. Đó chính là ly do tại sao, bất chấp mọi yếu đuối bản thân của các Kitô hữu, Giáo Hội vẫn đã dùng giáo huấn của mình cũng như các bí tích do Chúa Kitô thiết lập mà thưa lời “có” vĩ đại đối với ơn gọi sâu sắc nhất của mọi con người nhân bản: yêu và được yêu. Và nhờ thế, Giáo Hội đã giúp con người sống trọn dự án tuyệt vời của hôn nhân và gia đình mà không hạ thấp phẩm giá của họ.
Về chủ đề an tử, ngoài việc phân biệt nó với việc chữa trị quá đáng (therapeutic aggression), có thể nói nó cũng giống như tờ giấy thử (litmus paper). Mức độ nhân đạo của một cộng đồng xã hội được đo bằng việc cam kết chăm sóc người đau yếu và già cả. Họ không phải là một gánh nặng, nhưng là vốn qúi của nhân loại, và thêm vào đó, họ còn là chính Chúa Kitô nữa.
Bổn phận xứng đáng của con người nhân bản là hợp tác hỗ tương để đạt tới sự viên mãn của ơn gọi yêu thương: tự hiến và cam kết tự do chăm sóc người khác.

Trung Hoa, một trường hợp điển hình
Đức HY Herranz từng đi thăm Trung Hoa và đã giao tiếp với nhiều giới tại đó. Theo ngài, trên thực tế, không có vấn đề ly giáo trên đất nước này và cũng không có hai giáo hội tại đó, một “giáo hội yêu nước” và một “giáo hội hầm trú”. Chỉ có một Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa, hợp nhất trong đức tin và các bí tích, dù gặp nhiều khó khăn phát sinh từ việc thiếu tự do, và cũng hợp nhất trong quản trị và hiệp thông với Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội hoàn vũ, nếu ta bỏ qua một bên tình trạng vẫn còn mù mờ trên thực tế của một số giám mục.
Quả thực, buổi khai sinh ra Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vào năm 1949, Tòa Thánh Vatican bị coi là “kẻ thù chính trị”, một “thế lực ngoại bang”, đồng minh của Mỹ. Do đó mà có việc bách hại tôn giáo khá dã man của Mao mà đỉnh cao là thập niên kinh hoàng 1966-1976 của cái gọi là Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản Vĩ Đại.
Với việc lên cầm quyền của Đặng Tiểu Bình vào năm 1976, người Công Giáo được hưởng đôi chút tự do tôn giáo, nhưng vẫn bị đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước qua một số cơ cấu, mà nổi nhất là “Hội Người Công Giáo Trung Hoa Yêu Nước” áp đặt trên thẩm quyền các vị giám mục mà việc bổ nhiệm nay không còn nằm trong tay Đức Giáo Hoàng nữa.
Ý niệm đứng đàng sau dĩ nhiên nhằm thiết lập ra một giáo hội độc lập quốc gia. Nhưng việc tấn phong bí mật các giám mục, cũng như đức tin vững vàng và sự hiệp thông thiêng liêng của giáo dân và của đại đa số các linh mục với Đức Giáo Hoàng đã buộc chính quyền phải tái định hướng chính sách của họ.
Sau đó, là những cuộc tiếp xúc và nói truyện không chính thức với Tòa Thánh (tuy chưa có liên hệ ngoại giao chính thức), và trên hết liên quan tới việc cử nhiệm các giám mục và cổ vũ việc tôn trọng một số nguyên tắc nền tảng về bản chất Giáo Hội, như tính công giáo, tính tông đồ và đặc tính thiêng liêng trong sứ mệnh của Giáo Hội.
Trên thực tế, hầu như mọi giám mục “chính thức” đều mong muốn và cố gắng để được Tòa Thánh nhìn nhận, việc từng xẩy ra khi những điều tiên quyết được thỏa mãn.
Cuối cùng, chính đức tin của giáo dân Công Giáo đã qui định ra luật lệ: đại đa số các linh mục, các tu sĩ và giáo dân không vâng lời các giám mục không do Đức Giáo Hoàng cử nhiệm hay nhìn nhận và hợp thức hóa.
Đối với thiểu số còn lại, dù một số vẫn còn lần lữa chưa chịu hiểu hay cố tình duy trì quan điểm ngược lại vì quyền lợi cá nhân, họ vẫn có thể vừa là người Công Giáo tốt vừa là một công dân Trung Hoa gương mẫu.
Vì thiếu thông tin và do đó bị mù mờ, nên mới đây, tại một số nơi như giáo phận Bảo Định, cách Bắc Kinh 190 cây số, đã xẩy ra căng thẳng giữa giáo dân và nhà cầm quyền. Nhưng theo Đức Hồng Y, tại đa số các giáo phận, “Thư gửi Giáo Hội tại Trung Hoa” của Đức Bênêđíctô XVI viết ngày 30 tháng 6 năm 2007 đã từ từ sinh ra hai hoa trái mong đợi và gần đây còn được kích thích hơn nữa nhờ lá thư của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tarcisio Bertone viết ngày 10 Tháng 11 cùng năm.
Đây là việc trước nhất bàn tới việc dùng mọi phương tiện (tình bác ái và huynh đệ mục vụ cũng như sự trong sáng về tín lý và kỷ luật) để cổ vũ sự hoà giải bên trong cộng đồng Công Giáo giữa những người còn phải sống trong những điều kiện khó khăn của tự do tôn giáo và những người được tự do thực hành tôn giáo. Thứ hai, là việc cố gắng thiết lập một cuộc đối thoại cởi mở và tôn trọng nhau giữa thẩm quyền giáo hội (Tòa Thánh và các giám mục Trung Hoa) và các thẩm quyền nhà nước, nhằm vượt qua các hiểu lầm và hạn chế đang đụng tới tâm điểm đức tin và việc tự do thi hành thừa tác vụ mục vụ.
Bao giờ thì các khó khăn trên được vượt qua và sự hợp nhất của Giáo Hội tại quốc gia này được tăng cường? Ta chỉ biết cầu nguyện với niềm tin và sự kiên nhẫn thôi, để việc ấy sớm xẩy ra. Ta biết chắc rằng giống như hạt mù-tạt trong Phúc Âm, Nước Thiên Chúa sẽ lớn mạnh tại một mảnh đất từng thấm máu đào của biết bao vị tử đạo, mà nhiều vị đến nay vẫn còn vô danh. Hạt giống nhỏ ấy (10 triệu người Công Giáo trong một quốc gia 1.3 tỷ người) hiện vẫn rất sống động và đang lớn mạnh.
Quả là an ủi khi nghĩ tới việc phát triển tuy chậm chạp nhưng kiên quyết của một giáo phận nhỏ, giáo phận Hebei, nơi Đức HY Herranz có nhiều bạn quí. Cách nay 150 năm, ở đó chỉ có một nhúm nhỏ giáo dân; tới năm 1930, đã có tới 54,000 tín hữu; ngày nay, giáo phận ấy có 112,253 giáo dân, 81 linh mục, 42 chủng sinh và một tu hội truyền giáo của giáo phận với 51 nam tu sĩ và 90 nữ tu sĩ. Hàng năm, có khoảng 1,000 người lớn được rửa tội.

Hiệp thông để truyền bá Nước Chúa

Về việc Giáo Hội hoàn vũ trong tư cách một định chế và người tín hữu Kitô phải hợp tác ra sao vào việc truyền bá Nước Chúa, Đức HY Herranz cho rằng chủ yếu là phải “hiệp thông”. Bởi Giáo Hội chính là sự hiệp thông với Chúa Giêsu, hiệp thông với vị sáng lập ra mình. Đó là lý do khiến Đức Bênêđíctô XVI không ngừng nói đến việc chủ yếu phải trở thành bạn hữu của Chúa Kitô: trong Thánh Thể và trong các bí tích khác, trong Lời Chúa và trong đức bác ái.
Ngoài ra, sự hiệp thông này còn có chiều kích huynh đệ và truyền giáo mạnh mẽ: sống trong Giáo Hội như anh em, hợp nhất chặt chẽ với Đức Giáo Hoàng và các giám mục hiệp thông với ngài, và đem ra thực hành một cách có trách nhiệm quyền lợi hay bổn phận của mọi người đã rửa tội phải phúc âm hóa, phải làm cho Chúa Kitô được biết đến, bằng đức khiêm tốn, biết mình chỉ là dụng cụ đơn giản của ơn thánh và vì vậy, phải phúc âm hóa bằng đức tin và lòng quả cảm. Hiệp thông là biết quan tâm đối với nhau: hiến tặng người khác, để làm của chung, những điều tốt đẹp nhất mà ta có được.
Đối với một người Kitô hữu, điều có giá trị nhất chính là cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Kitô. Theo nghĩa này, cần thiết phải có chương trình giáo lý sâu sắc, truyền bá văn hóa và thông tin để tránh các hiểu lầm từng ngăn cản việc tiếp nhận đúng đắn sứ điệp của Giáo Hội. Thông tin luôn luôn là một điều tốt. Tất cả những điều trên đòi một cố gắng đào luyện lớn. Việc đào luyện này phải bắt đầu từ nhà trường, trong giáo xứ và các cơ cấu mục vụ và hiệp hội, tại đại học và các trung tâm học thuật khác, nhất là trong các chủng viện.

Giáo Hội đang sa sút?

Nói đến việc phát triển Nước Chúa như trên đây xem ra không ăn nhịp với cái nhìn kém lạc quan của một số người vì họ cho rằng các tiến bộ khoa học, việc thay đổi phong tục và ảnh hưởng của chủ nghĩa cực đoan nơi truyền thông và chính giới đang đặt ra cho Giáo Hội nhiều vấn đề nghiêm trọng về ảnh hưởng trong xã hội và sự sống còn. Đức HY Herranz cho rằng không có chuyện sống còn ở đây. Vì Chúa Kitô muốn Giáo Hội Người có tính công giáo, nghĩa là phổ quát, và Người từng sai Giáo Hội ra đi truyền giáo cho đến tận cùng lịch sử: “Bởi hế, các con hãy ra đi và biến mọi dân tộc thành môn đệ… và này, Ta ở cùng các con luôn mãi cho tới ngày tận thế” (Mt 28:18-20).
Ngay những người không có đức tin cũng nhìn nhận tính cách vững bền của Giáo Hội trước các thay đổi sâu xa về xã hội và văn hóa suốt hai ngàn năm lịch sử vừa qua. Các đế quốc, các chế độ cai trị, các đảng chính trị, các thời thượng và ý thức hệ đều qua đi nhưng Lời và Mình Thánh Chúa Kitô, Phép Thánh Thể, gốc rễ và tâm điểm sinh lực của Giáo Hội đã không qua đi và sẽ không qua đi.
Người ta có thể nói tới sự sa sút, tới việc mất dần các tín hữu và ảnh hưởng xã hội được chăng? Đức HY cho rằng có một số người, kể cả một số các nhà xã hội học và thần học Công Giáo quả quyết điều đó và đề nghị ra nhiều phương thuốc ít nhiều cấp tiến, đáng kể hay phi thường. Nhưng nhiều người hơn không nhất trí với cái nhìn ấy, cái nhìn về một “Giáo Hội đang thoái lui”. Phải coi quan điểm ấy bi quan và không được khách quan bao nhiêu.
Đức Hồng Y trích dẫn câu viết mới đây của Đức HY Carlo Martini, Dòng Tên, tổng giám mục hưu trí của Milan, một thần học gia thường không được coi là “bảo thủ”: “Giáo Hội đang sa sút ư? Tôi cho rằng lịch sử đã chứng tỏ rất rõ: Giáo Hội như một toàn thể chưa bao giờ lại nở hoa như hiện nay. Vì lần đầu tiên, Giáo Hội đã lan tràn khắp địa cầu, với các tín hữu thuộc mọi ngôn ngữ và văn hóa; Giáo Hội trình diễn hàng loạt các vị Giáo Hoàng ở trình độ cao và cả một đoàn ngũ đông đảo các thần học gia có giá trị lớn và trọng lượng văn hóa lớn”.
Cũng cần để ý sự kiện này: nhiều người chỉ chú trọng đến những miền đang bị khủng hoảng lớn trong thế giới Tây Phương. Nhưng ngoài việc các miền này đang khắc phục các khó khăn của họ ra, ta còn phải nói rằng cái nhìn bi quan kia “không tính gì tới sức sinh động và niềm vui tìm thấy nơi các giáo hội Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh” (Corriere della Sera, 27/12/2009).
Bản thân Đức HY Herranz thấy rằng nhiều thực tại mới đã xuất hiện trong lòng Giáo Hội suốt một thế kỷ qua, nhất là tại Âu Châu. Các thực tại này khác nhau về đoàn sủng và tổ chức nhưng tất cả đều dấn thân vào việc sinh động hóa các cộng đồng Kitô Giáo qua việc thực thi ơn gọi phổ quát phải nên thánh và làm việc tông đồ.
Về việc phát triển Kitô Giáo tại các lục địa khác, Đức Hồng Y Herranz muốn đề cập đến trường hợp điển hình của Việt Nam, nơi Giáo Hội đã sống thoát rất lâu nhiều chế độ bách hại. Năm nay, Giáo Hội ấy cử hành 350 năm phúc âm hóa. Hạt mù-tạt của Phúc Âm đã sinh hoa kết trái thành 26 giáo phận, 2,900 linh mục, 11,000 tu sĩ nam nữ và 8 triệu giáo dân. Hàng năm có tới 100,000 người được rửa tội và ơn gọi làm linh mục gia tăng đến 50% trong 5 năm vừa qua, con số chủng sinh hiện lên tới 1,500 người. Những dữ kiện tương tự cũng đang xẩy ra tại Phi Luật Tân, Đại Hàn và nhiều quốc gia Châu Phi.

Mùa đông của ơn gọi linh mục
Nhiều người vẫn cho rằng dù sao ta cũng đang trong mùa đông ơn gọi linh mục. Làm sao ra khỏi mùa đông ấy? Theo Đức HY Herranz, có thể dùng hình ảnh của người Ý để làm sáng tỏ cái nhìn trên, đó là hình ảnh da beo (macchia di leopardo). Những vết nám trên bộ da beo có thể diễn tả đúng hiện tượng dị biệt này theo địa dư từng xứ hay từng vùng. Tại Châu Âu chẳng hạn, một số quốc gia từng kinh qua một mùa đông thực sự của bách hại tôn giáo và phi nhân hóa xã hội dưới chủ nghĩa Mácxít, nhưng nay đang được hưởng một mùa xuân tuyệt diệu trong đó các người trẻ đang cảm nhận được lời mời gọi của Chúa Kitô gia nhập hàng ngũ linh mục. Tại các quốc gia khác, như Ba Lan chẳng hạn, ngay lúc còn chịu bách hại, ơn gọi linh mục vẫn dồi dào.
Như đã nói ở trên, đứng trước lạc thú, con người dễ yếu lòng. Xã hội phúc lợi tại các nước Châu Âu và Châu Mỹ mang lại cho người ta nhiều tiện nghi và do đó khiến cho việc quyết định bước chân theo Chúa Giêsu trở nên khó khăn hơn, như đã xẩy ra với chàng thanh niên giầu có từng khước từ lời mời hiến thân trọn vẹn. Ấy thế nhưng ngay trong hoàn cảnh ấy, Chúa Kitô vẫn lôi cuốn và Chúa Thánh Thần vẫn khơi dậy lòng ước ao được hiến toàn thân cho Thiên Chúa, để làm cha thiêng liêng, để rao giảng Phúc Âm, đem ánh sáng Chúa Phục Sinh cho thế giới, để sống không phải được phục vụ mà là phục vụ mọi người.
Tại các nước hay các giáo phân trước đây có nhiều linh mục như Tây Ban Nha chẳng hạn, sau một thời kỳ sút giảm đáng kể, hiện nay, người ta đang được chứng kiến một sự cải thiện về phẩm chất và số lượng ơn gọi. Điều ấy đã xẩy ra tại giáo phận Cordoba, quê hương Đức Hồng Y Herranz. Trong cơn lốc của điều tự gọi là cuộc khủng hoảng hậu công đồng, nhiều linh mục của giáo phận đã từ bỏ cuộc sống độc thân và ơn gọi làm linh mục rất thiếu. Chủng viện đã phải đóng cửa 12 năm. Nay, nhờ ơn Chúa, mọi sự đã thay đổi: hiện có 3 chủng viện, đại chủng viện, tiểu chủng viện và chủng viện truyền giáo, với 54 đại chủng sinh và 40 tiểu chủng sinh; trong 6 năm vừa qua, 41 linh mục đã được thụ phong, và 120 trong số 284 linh mục của giáo phận dưới 40 tuổi. Đức Hồng Y cũng đích thân biết nhiều trường hợp tương tự xẩy ra tại Ý và Pháp, cũng như đang bắt đầu xẩy ra tại một số quốc gia Châu Âu khác.
Trong một quốc gia đơn độc, có thể có những giáo phận dồi dào về ơn gọi, nhưng cũng có những giáo phận èo uột về ơn gọi ấy. Rất nhiều hoàn cảnh đa dạng ảnh hưởng tới tình thế này. Có lúc, việc duy trì và phong phú hóa lòng đạo bình dân làm dễ dàng việc bước chân theo Chúa; tỷ lệ sinh xuất cao cũng có thể tạo nên môi trường thuận lợi để người ta hiến thân… Trong bất cứ trường hợp nào, điều chủ yếu xem ra là phải đặt việc đào tạo nhân bản và Kitô Giáo thành ưu tiên vĩnh viễn hàng đầu: tại các trường học, các cao đẳng và các hiệp hội, cũng như các đại học và nhất là các chủng viện. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nhấn mạnh rất nhiều đến tình thế giáo dục khẩn trương này. Nhiều vị giám mục ngày nay rất tận tụy với nhiệm vụ tái thiết các chủng viện của giáo phận, không phải chỉ tái thiết các tòa nhà, mà là theo dõi sâu sát nhóm đào tạo, vì nhiều năm các vị đã phải giáp mặt với thứ giải thích kiểu gián đoạn (hermeneutic of rupture). Hiển nhiên, việc ấy không dễ, nhưng đó là nhiệm vụ đào tạo 12 Tông Đồ của Chúa Giêsu.

Luật độc thân linh mục?
Liệu bãi bỏ luật độc thân của linh mục có giúp phần nào cho hiện tượng thiếu linh mục chăng, thay vì quá nhấn mạnh tới việc phục hồi sinh lực thiêng liêng cho các cộng đồng Kitô Giáo? Theo Đức Hồng Y Herranz, việc độc thân của linh mục đã có từ các thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội. Nó không hẳn là hậu quả đơn giản của một luật lệ Giáo Hội, nhưng giải đáp nhiều lý lẽ thần học sâu xa về tính xứng hợp mà Công Đồng Vatican II tóm lược như sau: “Qua đức khiết trinh hay cuộc sống độc thân vì Nước Trời, các linh mục được thánh hiến cho Chúa Kitô vì một lý do mới và ngoại lệ. Họ gắn bó với Người dễ dàng hơn nhờ một tâm hồn không phân chia, trong Người và qua Người, họ hiến thân một cách tự do hơn để phụng sự Chúa và con người, và họ mau mắn hơn trong việc phục vụ Nước Người và công cuộc tái sinh vào thiên đàng, và như thế, họ sẵn sàng chấp nhận thiên chức làm cha trong Chúa Kitô, theo nghĩa rộng” (Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 16).
Đã đành trong các Giáo Hội Đông Phương, luật độc thân chỉ được đòi hỏi nơi các giám mục mà thôi. Nhưng thiển nghĩ kinh nghiệm tại các nơi chọn ứng viên linh mục trong số những người không buộc phải sống độc thân cho thấy rằng việc dẹp bỏ điều khoản giáo luật đáng kính này trong Giáo Hội Latinh không hẳn là giải pháp giá trị cho hiện trạng khan hiếm linh mục. Ơn sống độc thân của linh mục là một báu vật đối với toàn thể Giáo Hội.
Rất may, hiện nay càng ngày người ta càng ý thức được rằng việc làm đầy các chủng viện là trách nhiệm của mọi tín hữu, nhất là các phụ huynh và các nhà giáo dục Kitô Giáo, chứ không phải chỉ là trách nhiệm của các vị giám mục và linh mục, vì đây là một phần của nhiệm vụ đã nhận lãnh từ khi rửa tội; nhiệm vụ này đòi ta phải tham dự tích cực vào sứ mệnh của Giáo Hội. Chúa Giêsu đã nói rõ nhiệm vụ này với ta. Mà trước hết là nhiệm vụ cầu nguyện, cụ thể là “lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít; vì thế, các con hãy cầu nguyện để Chủ mùa gặt sai nhân công tới mùa gặt của Người” (Mt 9:37-38).

Năm linh mục
Trong bối cảnh hiện nay, có người coi năm linh mục được đưa ra như một lời kêu gọi các linh mục nên thánh, một thứ giải đáp cho những vụ tai tiếng gần đây liên quan tới các linh mục lạm dụng tình dục….
Đức Hồng Y Herranz cho rằng nói về tầm quan trọng của sự thánh thiện thì không bao giờ cho đủ. Ngài trích dẫn Thư gửi Diognetus của thế kỷ thứ 2 rằng “Linh hồn cần thiết cho cơ thể thế nào thì Kitô Hữu cũng cần thiết cho thế giới như vậy”; sứ mệnh của môn đệ Chúa Giêsu là trở nên ánh sáng và muối cho thế gian; Chúa Kitô chọn 12 Tông Đồ với chức năng trợ giúp mọi người khác. Các giám mục và các cộng tác viên của các ngài (Thánh Kinh gọi họ là trưởng lão, presbyters) có một trách nhiệm đặc biệt. Sự tiến bộ của Giáo Hội tùy thuộc phần lớn vào đời sống thánh thiện của các vị này. Sắc Lệnh Presbyterorum Ordinis của CĐ Vatican II nói rằng: “ Sự thánh thiện giúp các linh mục rất nhiều trong việc thi hành thừa tác vụ của mình một cách phong phú. Dù ơn thánh Chúa vẫn có thể dùng các linh mục bất xứng để thực hiện công trình cứu rỗi, ấy thế nhưng, để biểu lộ các kỳ công của mình, phần lớn Thiên Chúa chọn những ai sẵn sàng đón nhận sức mạnh và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và những ai, nhờ sự hiệp thông gần gũi với Chúa Kitô và đời sống thánh thiện của họ, đám nói với Thánh Phaolô rằng: ‘Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi’ (Gl 2:20” (số 12).
Còn về trách nhiệm của các vị giám mục, sắc lệnh trên viết: “Các vị giám mục nên coi các linh mục như anh em và bạn hữu của mình và phải quan tâm bao nhiêu có thể tới đời sống vật chất và nhất là phúc lợi thiêng liêng của họ. Vì trước hết, các vị giám mục chịu trách nhiệm nặng nề đối với sự thánh thiện của các linh mục dưới quyền. Cho nên, các vị cần phải hết sức quan tâm đến việc huấn luyện các linh mục của mình cách liên tục” (số 7).
Ngày 21 tháng 12 năm 2009, Đức Bênêđíctô XVI nói với các vị hồng y và các bề trên khác thuộc Giáo Triều Rôma, nhân nói tới ý nghĩa của Năm Linh Mục trong bối cảnh Phúc Âm Hóa, rằng: “Là linh mục, chúng ta sẵn có đó cho mọi người: cho những người biết Chúa đầu tay và cho những ai không biết tới Người. Tất cả chúng ta cần quen thân với Người mãi mãi như mới, cần luôn luôn đi tìm Người ngõ hầu trở nên bạn hữu thật của Thiên Chúa. Cuối cùng, làm thế nào ta biết được Thiên Chúa nếu không nhờ những người vốn là bạn hữu của Người? Cốt lõi sâu xa nhất của thừa tác vụ linh mục hệ ở việc ta trở nên bạn hữu của Chúa Kitô (xem Ga 15:15), bạn hữu của Thiên Chúa, qua đó người khác cũng có thể khám phá ra sự gần gũi với Thiên Chúa”.

Tái khám phá bí tích hòa giải
Đức Bênêđíctô XVI hay nói tới việc tái khám phá ra bí tích hòa giải.Việc này quan trọng ra sao? Đức Hồng Y Herranz cho hay: giống các huyết quản cần cho cơ thể thế nào, thì bí tích hòa giải cũng thế. Nó là máng chuyển sự sống ơn thánh trong linh hồn. Ngưng hay bỏ bí tích này nhất định sẽ bị nhồi máu cơ tim hay thúi mục trong cấu trúc linh hồn ta, cũng như trong toàn bộ cộng đồng Kitô Giáo, vì ý thức tội lỗi, nhu cầu tha thứ và cảm thức bình an và hân hoan của linh hồn đã hòa giải sẽ dần dần mất đi.
Thực vậy, cũng trong bài nói truyện trên, Đức Bênêđíctô XVI còn nói tới nhu cầu hết sức nhân bản này: “Nếu con người không hòa giải với Thiên Chúa, họ cũng sẽ kình chống với sáng thế. Không hòa giải với chính mình, họ muốn trở thành một điều gì đó không phải là chính họ và do đó họ cũng không hòa giải với người lân cận. Một phần của hòa giải cũng là khả năng biết nhìn nhận tội lỗi và xin Chúa và người khác tha thứ. Sau cùng, một phần khác của diễn trình hoà giải là sẵn sàng làm việc đền tội, sẵn sàng chịu đau khổ vì tội lỗi của mình và tự cho phép mình được biến đổi”.
Đức Giáo Hoàng còn nói thêm: “Ngày nay, trong thế giới của ta, ta cần phải tái khám phá ra bí tích thống hối và hòa giải. Sự kiện nó hầu như đã biến mất khỏi cuộc sống và thói quen hàng ngày của Kitô hữu là triệu chứng ta đã đánh mất ý thức nói thật liên quan đến cả ta lẫn Chúa; một mất mát có nguy cơ đe dọa nhân loại và giảm thiểu khả năng tạo hòa bình của ta…”.
Trong nhiều trường hợp, như Đức Gioan Phaolô II từng nhắc nhở trong tự sắc “Lòng Thương Xót Chúa”, chỉ cần các linh mục sẵn sàng có đó mọi lúc nhất là trong những thời biểu rộng rãi được mọi người trong giáo xứ hay tại các nơi thờ phượng công cộng khác biết tới, thì dần dần, nhiều Kitô hữu hơn sẽ lại tiếp tục lãnh nhận bí tích này một cách có ý thức. Cũng sẽ hợp lý, khi ta cầu nguyện và làm đủ mọi cách có thể để những việc lạm dụng trong lối giải tội tập thể mất đi, bất cứ chúng xảy ra ở chỗ nào. Những lạm dụng này đang gây ra những hậu quả tai hại nặng nề và không hề đem lại sự bình an và niềm vui đích thực cho lương tâm. Khi năng xưng tội đúng cách bí tích, ta sẽ lãnh được hướng đi thiêng liêng, ý muốn nên thánh nhiều hơn, nhiều bình an hơn trong gia đình, nhiều công lý hơn trong xã hội, và nhiều ơn gọi linh mục hơn.
Thánh Josemaría Escriva đóng góp khá nhiều trong phạm vi này. Ngài là vị tông đồ vĩ đại của việc xưng tội đúng bí tích, một bí tích được ngài gọi là bí tích của niềm vui, trong các bài giáo lý tại Châu Âu và Châu Mỹ. Tại Chí Lợi chẳng hạn, ngài nói bằng một văn phong trực tiếp và quen thuộc vốn là đặc điểm của ngài: “Hãy xưng tội, hãy xưng tội, hãy xưng tội! Chúa Kitô vốn ban bố hậu hĩnh lòng thương xót của Người trên các tạo vật. Sự việc không diễn biến tốt đẹp, chỉ vì chúng ta không chịu chạy đến với Người, không tẩy rửa chúng ta, không thanh tẩy, không làm tâm hồn ta cháy rực lên. […] Chúa đang chờ đợi nhiều người đến tắm gội trong bí tích thống hối! Và Người đã dọn sẵn một bữa tiệc vĩ đại cho họ, một tiệc cưới, tiệc Thánh Thể; Người đã soạn sẵn nhẫn đính hôn và nhẫn chung thủy, nhẫn tình bạn đến muôn đời. Hãy đi xưng tội! Hỡi các con, hãy đem linh hồn các con đi xưng tội. Đừng để việc cha tới Chí Lợi vô ích!”

Những người bất đồng

Ngày nay không thiếu những người tỏ ra không trân quí các qui định của Giáo Hội, như trong lãnh vực phụng vụ chẳng hạn, hay tỏ ra thiếu hiệp thông với Giáo Hội vì việc đề cử một số vị giám mục và một số quyết định khác của Tòa Thánh. Theo Đức HY Herranz, tại một số nơi, việc hiệp thông trong Giáo Hội quả có yếu kém đi. Nhiều người chỉ coi nó như một thứ cảm tình có tính xúc cảm mơ hồ. Người ta quên mất rằng Chúa Giêsu đã để lại cho ta một gia đình con cái Chúa hết sức diệu kỳ là Giáo Hội với hai đặc điểm chủ yếu luôn luôn kết hợp với nhau một cách sâu sắc: một cộng đồng đức tin, đức cậy và đức mến, đồng thời, như Vatican II đã nhắc đến trong Hiến Chế “Lumen Gentium”, số 8, một cơ thể hữu hình, một xã hội có phẩm trật. Để đạt mục tiêu ấy, Người lập nhóm 12 Tông Đồ, mà các giám mục vốn kế thừa trong hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, vị kế nhiệm của Thánh Phêrô. Tất cả có sứ mệnh yêu thương là dạy dỗ, thánh hóa và cai quản các chi thể khác của Giáo Hội. Bởi thế, sau Phục Sinh, Chúa Giêsu đã ba lần nói với Thánh Phêrô: “ ‘Này Ximong, con Gioan, con có yêu mến Thầy không? Ông trả lời: ‘thưa Thầy có; Thầy biết con yêu Thầy’. Người nói với ông, ‘hãy chăm sóc các chiên của Thầy’” (Ga 21:15-23; xem Mt 16:19). Và Người cũng ban cùng một quyền ấy cho Đoàn Tông Đồ dưới sự chủ trì của Thánh Phêrô (Mt 28:16-20).
Trong một số giới Giáo Hội cũng như xã hội dân sự, vẫn thường có cuộc khủng hoảng về vâng lời và đôi khi cả thẩm quyền nữa. Thiển nghĩ cuộc khủng hoảng này trước hết chịu ảnh hưởng bởi hai yếu tố khác nhau nhưng nhiều khi chồng chéo lên nhau. Ở các quốc gia Tây Phương, ta thấy có ảnh hưởng của nền triết học càng ngày càng có khuynh hướng phóng túng (libertarian), chứ không hẳn tự do (liberal), phần lớn là hậu quả của một pha trộn ý thức hệ gồm cả Mácxít, Freud lẫn Marcuse, từng thoái trào trong “cuộc cách mạng 1968”. Trong các giới Giáo Hội, ta thấy có lối giải thích “gián đoạn” (ruprure) về Công Đồng Vatican II, nghĩa là bác bỏ huấn quyền trước đó, cả trong lãnh vực thần học: giản lược khía cạnh chính trị xã hội trong sứ mệnh của Giáo Hội; giải thích theo nghĩa dân chủ khái niệm và cấu trúc về Giáo Hội như Dân Chúa v.v…; cũng như trong lãnh vực phụng vụ: một chủ nghĩa duy thí nghiệm vô kỷ luật và triệt bỏ huyền nhiệm, nhân danh điều họ cho là “ước muốn canh tân phụng vụ của Công Đồng”; có khi tiệm tiến trong cả lãnh vực kỷ luật và giáo luật nữa: tục hóa lối sống của hàng giáo sĩ, khinh miệt các qui phạm về lối sống nhiệm nhặt đầy khôn ngoan cũng như lòng đạo đức của linh mục, rời bỏ hàng ngũ… Tạ ơn Chúa, cơn lốc này phần lớn đã qua đi. Hiện ta đang được chứng kiến một thời kỳ tâm hồn thanh thản, huấn quyền sáng suốt, góp phần củng cố rất nhiều sự hiệp thông trong Giáo Hội.
Về việc cử nhiệm các giám mục, với tư cách một thành viên của Bộ Giám Mục, Đức HY Herranz quả quyết rằng tất cả các vụ cử nhiệm đều được thực hiện trên căn bản quyền bính hợp pháp của Đức Thánh Cha và trong sự tôn trọng các điều khoản của Bộ Giáo Luật, từng được ban hành trong tinh thần áp dụng Vatican II, sau ba lần tham khảo với hàng giám mục hoàn cầu. Đối với việc cử nhiệm của Đức Giáo Hoàng, các qui định này cho thấy một diễn trình nghiên cứu và tham khảo lâu dài các giám mục, các linh mục và cả giáo dân nữa, dựa trên nhu cầu mục vụ của từng giáo phận, việc tuyển lựa các ứng viên và việc đánh giá các đức tính mục vụ cũng như bản thân của họ.
Ta cần cầu xin Chúa nhiều hơn cho được ơn khao khát và ước muốn bắt chước Chúa Kitô, Đấng đã vâng lời cho đến chết và chết trên thánh giá, như Thánh Phaolô nói với tín hữu Philiphê. Ta cũng cần cầu xin để việc thi hành quyền lực luôn là để phục vụ trong tinh thần yêu thương như lời Thánh Augustino (officium anmoris). Tất cả chỉ có thể có được trong một bầu khí bác ái thuật sự, trong một bầu khí thân ái sâu sắc với Chúa Kitô trong Phúc Âm và trong Thánh Thể, lấy Thánh Lễ làm tâm điểm tuyệt đối của đời mình, một bầu khí hiểu biết và tôn trọng các qui định phụng vụ và giáo luật, một bầu khí thân ái và thanh tẩy, biết quan tâm một cách hữu hiệu tới ớngười khốn khó nhất.

Vũ Văn An




+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Giêsu Maria Giuse con mến yêu xin cứu rỗi các linh hồn
"Anh em đừng có lòng chai dạ đá , cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng…Anh em phải cho một cách rộng rãi, và khi cho thì đừng miễn cưỡng..." (Đnl 15: 7-11)
Quyền năng của Thiên Chúa vô biên vô tận, các nhà khoa học không bao giờ hiểu hết được...
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng