Có chăng một thế giới bên kia?

Có chăng một thế giới bên kia?

(Suy niệm Tin Mừng Luca (22, 27-38) trích đọc vào Chúa Nhật 32 Thường niên)

Đây là một vấn nạn của mọi thời và là một vấn nạn rất quan trọng vì có liên quan mật thiết đến vận mệnh loài người.
Theo nghiên cứu của bộ môn Cận tâm lý (được lập năm 1996) do Tiến sĩ Chu Tấn Phác (Thiếu tướng), Cục Trưởng Cục Nhà Trường (thuộc Bộ Tổng Tham Mưu) vừa là Phó Chủ Tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam làm chủ nhiệm, xuyên qua các đề tài khoa học, nhóm nghiên cứu nầy đã chứng minh bằng thực tế rằng: “sau khi thể xác chết, phần tinh thần vẫn tồn tại - ở một dạng khác, ở một nơi khác - được gọi là linh hồn và thế giới người âm (cõi âm) là có thực
(nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/trung_t...g_con_người)
Ngoài ra, căn cứ vào những nghiên cứu khoa học và sau khi giải mã những âm thanh lạ mà họ cho là vọng về từ thế giới vô hình, các nhà khoa học Nga mới đây cho biết họ đã liên lạc được với thế giới của người chết và đang dần dần đi đến một khẳng định rằng cõi âm là có thật… (nguồn: http://vietbao.vn/khoa-hoc/coi-am-la-co-that/)
Có một số người vì một tai nạn hay một lý do nào đó đã được giới chuyên môn về y khoa xác nhận là đã chết lâm sàng và thi thể của họ được đưa vào nhà xác. Nhưng sau đó họ được hồi sinh.
Năm 1982, viện Gallup, nổi tiếng khắp thế giới về những kết quả thăm dò mang tính khoa học trên mọi lĩnh vực, ước lượng có khoảng 8 triệu người ở Mỹ và 23 triệu người trên toàn thế giới đã trải qua kinh nghiệm hồi sinh sau khi chết.
Những năm gần đây, một số bác sĩ người Đức và Mỹ rất chú ý đến hiện tượng nầy. Họ đã phỏng vấn 1370 người trải qua kinh nghiệm hồi sinh sau khi chết một thời gian ngắn (kinh nghiệm cận tử). Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí, như sau:
- Có một cuộc sống khác ở "cõi bên kia" và cuộc sống đó hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.
- Điều đặc biệt là sau khi "chết đi sống lại", không ai còn sợ chết nữa, không còn ham muốn kiếm tiền bạc danh vọng lạc thú nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người. (Willie Hoffsuemmer).

Có chăng một cuộc sống đầy hoan lạc ở 'cõi bên kia' như những người trải qua kinh nghiệm cận tử xác quyết?
Những người thuộc phái Xa-đốc thời Chúa Giê-su không tin vào cuộc sống mai sau. Họ dựng lên một kịch bản một vợ bảy chồng để phi bác niềm tin vào sự sống đời sau như chúng ta đọc trong Tin Mừng Luca chương 22, 27-38.

Chúa Giê-su dạy có sự sống đời sau
Khi những người thuộc phái Xa-đốc đến chất vấn Chúa Giê-su về sự sống lại, Chúa Giê-su khẳng định là có. Người dạy rằng có những người được xét là đáng được hưởng phúc đời sau thì không còn chết nữa. Họ giống như các thiên thần (Lc 22, 36).
Trong dụ ngôn về ngày phán xét cuối cùng, Đức Giê-su cũng tỏ cho thấy kẻ dữ thì “phải ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng lấy sự sống muôn đời.” (Mt 25,46) Như thế, Chúa Giê-su tỏ cho thấy không những có cuộc sống đời sau mà còn cho biết cuộc sống đó sẽ kéo dài “muôn đời muôn kiếp.”
Ngoài những lời dạy của mình, Chúa Giê-su còn dùng cả cuộc đời của Người để minh chứng cho thấy có cuộc sống đời sau.
Dù là Thiên Chúa quyền năng, Chúa Giê-su đã trở nên hoàn toàn là người như chúng ta, đã sống kiếp phàm trần như chúng ta, đã chết y hệt như chúng ta nhưng rồi Người đã từ trong cõi chết sống lại và lên trời vinh hiển. Điều nầy chứng tỏ có sự sống đời sau.
Nếu không có cuộc sống đời sau, không có thiên đàng hoả ngục, con người chết rồi là hết, và sau khi chết, ai cũng chỉ còn là tro bụi như ai… thì cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su là hoàn toàn vô ích, cái chết đau thương của Chúa Giê-su trên thập giá chẳng mang lại lợi ích gì cho bất cứ ai. Chẳng lẽ Ngôi Hai Thiên Chúa đã làm một việc điên rồ như thế sao?
Để đổi lấy sự sống đời sau - một cuộc đời hạnh phúc vĩnh cửu - cho nhân loại, Chúa Giê-su đã không ngại trao hiến thân mình. Vì thế, chắc chắn cuộc sống mai sau hoàn toàn có thực.
***

Niềm tin vào sự sống mai sau đem lại cho chúng ta nhiều hy vọng. Niềm tin ấy mang lại ý nghĩa cho cuộc đời và cho mọi sinh hoạt của chúng ta hôm nay.
Ước gì niềm tin nầy thôi thúc chúng ta đi theo đường lối Chúa Giê-su để rồi chúng ta sẽ đạt đến nơi mà Người đã đến. Ước gì niềm hy vọng nầy cũng sẽ thúc đẩy chúng ta hy sinh cầu nguyện nhiều hơn, siêng năng dâng lễ nhiều hơn trong tháng mười một nầy để cầu cho ông bà cha mẹ và các tín hữu đã ra đi trước chúng ta được về quê trời vui hưởng hạnh phúc ngàn thu.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng