Tuần 8: Sách Xuất Hành, chương 1 - 7
SÁCH XUẤT HÀNH
(chương 1-7)
I. TỔNG QUÁT
1,1-7: Sự lớn mạnh của dân Israel bên Ai Cập
1,8-14: Dân Chúa bị áp bức
1,15-22: Am mưu tiêu diệt Dân Chúa
2,1-10: Vị anh hùng được sinh hạ
2,11-22: Môsê chạy trốn đến Midian
2,23-25: Thiên Chúa nhớ đến dân Israel
3,1-6: Thiên Chúa gọi Môsê từ bụi gai bốc cháy
3,7-15: Ơn gọi của Môsê. Mạc khải Danh Thiên Chúa. Chỉ thị về sứ mạng của Môsê
4,1-17: Môsê làm những dấu lạ
4,18-31: Môsê trở về Ai Cập. Cắt bì. Gặp Aaron
5,1 -6,1: Cuộc hội kiến đầu tiên với Pharao
6,2-13: Trình thuật khác về ơn gọi của Môsê
6,14-30: Gia phả của Môsê và Aaron
7,1-7: Thiên Chúa trấn an Môsê
II. TẦM QUAN TRỌNG CỦA SÁCH XUẤT HÀNH
1. Ý nghĩa sách Xuất hành
Biến cố Xuất hành là tâm điểm kinh nghiệm đức tin của dân Israel. Biến cố này trở thành điểm quy chiếu cho dân trong mọi hoàn cảnh lịch sử (x. Is 40,3; Kng 11,5). Trong sách Xuất hành, Thiên Chúa tự mạc khải là vị Thiên Chúa dấn thân vào lịch sử nhân loại để giải thoát nhân loại, khác hẳn hình ảnh về Thiên Chúa trừu tượng và xa lạ người ta thường nghĩ. Cũng trong sách Xuất hành, Israel xuất hiện như là Dân Chúa qua giao ước Sinai. Đây là điều làm cho Israel khác hẳn các dân.
2. Sách Xuất hành với người Kitô hữu
Biến cố Xuất hành là tín hiệu báo trước Ơn Cứu độ được hoàn thành trong Chúa Kitô. Vì thế, sách Xuất hành cũng được gọi là Tin Mừng về Ơn Cứu Độ. Biến cố này còn gợi hứng cho những suy tư và hành động đức tin của người Kitô hữu ngày nay, vd. thần học giải phóng. Tuy nhiên, cần đặt biến cố Xuất hành trong tương quan với mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô, vì chỉ như thế ta mới có thể hiểu đúng ý nghĩa của biến cố này trong nhãn quan Kitô giáo.
III. ƠN GỌI CỦA MÔSÊ (3,1-15)
1. Danh Thiên Chúa (YHWH)
Đối với Israel cũng như các dân vùng Cận Đông, tên của một người không chỉ là tên gọi bên ngoài nhưng còn là chính con người. Muốn biết tên một người là muốn bước vào quan hệ thân tình với họ. Vì thế không lạ gì khi Môsê xin được biết danh thánh Thiên Chúa.
Câu trả lời của Thiên Chúa cho Môsê là một câu rất huyền nhiệm : YHWH. Có những cách dịch khác nhau trong các bản dịch Thánh Kinh sang tiếng Việt, vd. Ta là Đấng tự hữu – Ta là Đấng hằng hữu – Ta là Đấng hiện hữu. Thiết nghĩ trong mỗi cách dịch đã hàm chứa một ý nghĩa thần học. Các học giả cố gắng tìm ra ý nghĩa của danh xưng này bằng cách nối kết với những lời Thiên Chúa nói với Môsê. Theo đó, danh xưng này muốn nhấn mạnh rằng Thiên Chúa là Đấng dấn thân và tham gia cách tích cực trong lịch sử của Dân.
2. Bụi gai bốc cháy
Có thể tác giả chọn từ ngữ bụi gai (trong tiếng Hípri là seneh) vì muốn liên hệ với sinai, núi của Thiên Chúa. Như thế, bụi gai bốc cháy ở đây nối kết với ngọn lửa trong cuộc thần hiện ở Sinai (19,18). Môsê vừa bị thu hút bởi cảnh tượng kỳ lạ, vừa kinh sợ và che mặt đi khi Đức Chúa tỏ mình. Đây cũng là kinh nghiệm thiêng liêng của các tiên tri như Isaia và Jeremia.
Thiên Chúa tỏ mình cho Môsê cũng là Thiên Chúa của các tổ phụ (3,16). Như thế, không chỉ vào thời Môsê nhưng Thiên Chúa đã luôn hoạt động qua bao thế kỷ vì yêu thương dân của Người. Môsê được gọi để trở thành phát ngôn viên của Chúa, nói thay cho Chúa. Truyền thống Do thái vẫn nhìn Môsê như một tiên tri (x. Đnl 18,15-20), và tiên tri chính là người nói nhân danh Chúa và vì hạnh phúc đích thực của Dân.
(Nguyễn Anh Tuấn thu âm)
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Giêsu Maria Giuse con mến yêu xin cứu rỗi các linh hồn
"Nếu tôi cá là có Thiên Chúa và tôi sai, tôi không mất gì; nhưng nếu tôi đúng, phần thắng của tôi có thể là Thiên Ðàng. Nếu tôi cá là không có Thiên Chúa mà tôi đúng, thì tôi cũng chẳng lợi lộc gì. Tuy nhiên, nếu tôi sai thì khốn cho tôi, Pascal" (Đnl 15: 7-11)
Quyền năng của Thiên Chúa vô biên vô tận, các nhà khoa học không bao giờ hiểu hết được...
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++