Đây là ba lãnh vực lớn, nếu không có sự phân biệt rõ ràng, người tín hữu sẽ có ít nhiều hoang mang. Mình viết bài này với mong ước chia sẻ một vài nét chính yếu về ba lãnh vực trên, như là một vài nét chấm phá để các bạn suy tư thêm.
Trước hết nói về khoa học. Khoa học là những môn học ở trường. Có thể chia làm hai loại: khoa học tự nhiên và khoa học xã hội và nhân văn. Khoa học tự nhiên bàn đến toán, lý, hóa, sinh; khoa học xã hội và nhân văn bàn đến văn học, kinh tế, hội họa, xã hội, âm nhạc… Tóm lại, đây là những môn học nhắm vào quan sát các sự kiện tự nhiên, xã hội, hay nhân văn, để rồi rút ra quy luật vận hành của chúng, rồi từ đó ứng dụng quy luật vào thực tế, nhằm giúp cho đời sống con người tốt hơn. Khoa học vì thế rất cụ thể và mang tính chính xác cao. Nói chung, để dễ hiểu, có thể gọi khoa học là Hình Học, tức môn học nhắm vào quan sát những sự vật hiện tượng.
Ngành thứ hai là triết học. Triết học, để dễ hiểu, có thể gọi là Siêu Hình Học. Siêu ở đây có nghĩa là “ở đằng sau, hay vượt lên trên”, (Méta-physic). Đối tượng của siêu hình là quan sát những cái vượt trên, hay là nền tảng cho, các sự vật hiện tượng. Để dễ hiểu hơn, khoa học ví như môn học nghiên cứ cách đánh văn bản word cho hay, trang trí cho đẹp; triết học vì như việc nghiên cứu phần mềm word. Khoa học nghiên cứu cái đang có, triết học nghiên cứu cái cội nguồn, cái làm nền cho mọi sự. Có A là do có B, có B là do C, cứ như vậy có cái cuối cùng không? Nếu không có cái cuối cùng, vậy nghĩa là gì? nếu có cái cuối cùng, nó tự có? Hay là sao?
Vậy khoa học khác triết học hoàn toàn, khác về trình độ: một cái học đánh word, một cái viết phần mềm word. Cái mà chúng ta thấy là đánh văn bản word, còn phần mềm word chúng ta nào có thấy. Cô đánh máy chữ hay đến mấy cũng đâu biết gì về phần mền word đâu. Thế nên một nhà khoa học có thể mù tịt về triết học. Chính vì nghiên cứu cái cội nguồn, là cái vốn không thấy, (siêu hình), nhưng là cái phải có (có đánh word là phải có phần mền word), nên có triết học. Từ đó hình thành nhiều trường phái khác nhau: có người cho rằng không thể biết gì (Bất khả tri), có người cho rằng gốc của mọi sự là vật chất (duy vật), có người cho rằng là tinh thần (duy tâm), có người hoài nghi v.v. Trong triết khó biết đúng sai, vì có gì để mà kiểm nghiệm? Nào có ai đi đến cội nguồn? Nhưng dù sao, con người với trí khôn của mình, vẫn mong đi tìm cái gì đó nền tảng hơn là những kiến thức khoa học, dẫu biết rằng tìm kiếm là khó.
Đạo Công giáo: lúc đầu tôi định nói về tôn giáo, nhưng nói vậy rộng quá, sợ đụng đến những tôn giáo khác, thế nên nói về đạo Công Giáo.
Đạo Công giáo không phải là khoa học, vì khoa học là do con người mà có, và ai cũng chấp nhận. Đạo Công Giáo không phải là khoa học, vì do Chúa mà có, và chưa được hết mọi người tin. Đạo Công Giáo cũng không phải là triết học, vì triết học cũng là do suy tư của con người, cho dẫu suy tư ở trình độ cao. Thế nên đạo Công Giáo không là Duy Tâm, cũng chẳng là Duy Vật, cũng không phải chủ Nghĩa Hoài Nghi và Bất Khả Tri.
Đạo Công Giáo là gì? Đạo Công Giáo là một kinh nghiệm: kinh nghiệm con người gặp gỡ Thiên Chúa, nhờ Chúa đến tỏ mình (mạc khải) cho con người.
Kinh nghiệm là gì? Là cái chúng ta cảm nhận và biết nhưng không phải lúc nào cũng giải thích được. Ví dụ, tai chúng ta nghe âm thanh, đây là một kinh nghiệm, nhưng giải thích cơ chế chúng ta nghe thì không phải ai cũng giải thích được. Thế nên kinh nghiệm thì không cần giải thích. Vì nếu hỏi đứa bé 4 tuổi rằng nó có nghe không, nó bảo có; rồi lại hỏi, hãy giải thích cơ chế nghe? Nó không giải thích được, vậy không lẽ chúng ta kết luận đứa bé bị điếc hay sao?
Điều này quan trọng lắm. Đạo Công Giáo là một kinh nghiệm nên không buộc phải giải thích và chứng minh. Ngay người tín hữu còn tuyên nhận rằng có ba mầu nhiệm chính trong đạo, mầu nhiệm là cái không thể giải thích, nhưng có kinh nghiệm.
Đạo Công Giáo là đạo mạc khải, là một chuỗi kinh nghiệm, một chuỗi gặp gỡ. Từ Abraham đang chăn chiên nghe tiếng Chúa đến Issac con ông, đến cháu là Jacob, là người vật nhau với Chúa. Jacob chính là Israel, ông có 12 người con, trong đó có Giuse, người này bị bán qua Ai Cập, được Chúa ban ơn giải mộng, và ông đưa cả gia đinh qua sống bên Ai Cập. Rồi dân bị người Ai cập đàn áp, Chúa chọn Môsê dẫn dân qua sa mạc, rồi về đất Hứa, rồi Chúa ban các Vua, thủ lãnh, tiên tri, rồi chính Chúa Giêsu. Một chuỗi kinh nghiệm như vậy.
Ngày nay người tín hữu cần có kinh nghiệm về Chúa. Kinh nghiệm về Chúa chính là những cảm nghiệm nội tâm: nổi bật là ơn đức tin, ơn sức mạnh, ơn an ủi. Chính trong những thách đố cuộc sống, người tín hữu đi vào kinh nghiệm thiêng thiêng. Chính trong khó khăn ta cầu nguyện, chính trong cầu nguyên ta nhận được sức mạnh, chính sức mạnh giúp ta sống tốt, không buông xuôi, không gian trá, chính điều này cho ta niềm vui và ý nghĩa. Chúa đó.
Vậy người tín hữu sống cả ba khía cạnh cách hết mình. Phải học hỏi để biết khoa học để lao động sản xuất, phải suy tư triết học để tìm kiếm chân lý trong giới hạn của lý trí, phải dấn thân để có kinh nghiệm về Thiên Chúa.
Nắm được ba điều này đi đâu nói chuyện, hay được ai hỏi han, hay bị ai chê bai cái gì, chúng ta những người tín hữu, biết cách để chỉ cho người khác thấy vấn đề.
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Giêsu Maria Giuse con mến yêu xin cứu rỗi các linh hồn
"Anh em đừng có lòng chai dạ đá , cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng…Anh em phải cho một cách rộng rãi, và khi cho thì đừng miễn cưỡng..." (Đnl 15: 7-11)
Quyền năng của Thiên Chúa vô biên vô tận, các nhà khoa học không bao giờ hiểu hết được...
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++