Tết – đôi điều thú vị

Tết – đôi điều thú vị
Cập nhật lúc 22:04, Thứ Bảy, 15/01/2011 (GMT+7)

(QNĐT)- Đối với người Việt Nam Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm, ẩn chứa trong nó nhiều phong tục đẹp. Chỉ riêng những từ ngữ nói về ngày Tết cũng mang nhiều ý nghĩa sâu xa, thú vị mà không phải ai cũng hiểu được một cách thấu đáo.
 
Từ Tết xuất xứ từ đâu?
 
Đối với người Việt Nam, tiếng Tết đã trở nên thân thuộc, nhưng không biết chính xác nó xuất hiện trong tiếng Việt từ bao giờ, chỉ biết nó vốn là một từ gốc Hán (tiết). Theo ngôn ngữ Hán, tiết có nhiều nghĩa. Nghĩa gốc của tiết là "mấu tre". Rồi nó dần chuyển nghĩa, chỉ sự tiếp nối giữa hai gióng cây, hai khúc, hai đoạn vật thể.
 
Chợ hoa xuân tại TP.Quảng Ngãi
Chợ hoa xuân tại TP.Quảng Ngãi. Ảnh: H.Minh
 
Từ nghĩa này, nó tiếp tục mở rộng để chỉ thời điểm tiếp xúc giữa hai khoảng thời gian phân chia theo thiên văn - khí tượng trong năm, ví dụ như một năm chia làm 24 tiết. Sau đó tiết chuyển thành nghĩa "ngày lễ, dịp cúng lễ, vui mừng" - đây chính là nguồn gốc trực tiếp của Tết mà ta đang đề cập. 
 
Phần lớn tiếng Hán có phiên âm iê khi sang tiếng Việt biến thành ê: thiêm biến thành thêm, thiết (yến) biến thành thết (tiệc)... Tiết cũng vậy, biến thành Tết. Ngoài nghĩa "ngày lễ, dịp cúng lễ, vui mừng" như tết Khai hạ, tết Thanh minh, tết Đoan ngọ... trong tiếng Việt, Tết còn dùng để chỉ một dịp đặc biệt duy nhất đầu năm - như người ta thường nói: ăn Tết, đi Tết, chơi Tết, chúc Tết... Như vậy, từ danh từ chung, nó trở thành danh từ riêng (vì thế phải viết hoa). 
 
Tết Nguyên đán nghĩa là gì?
 
Nguyên đán là từ gốc Hán, nguyên là "đứng đầu, số một, nhất"; đán là "buổi sáng". Do đó, Tết Nguyên đán nghĩa là "Tết buổi sáng đầu (năm)". Gọi như thế bởi vì buổi sáng ngày mồng một tháng Giêng là thời gian quan trọng nhất trong năm. Năm mới chính thức bắt đầu, mọi hoạt động tiêu biểu nhất cho Tết được tiến hành (lễ gia tiên, chúc mừng năm mới, mừng tuổi, chúc thọ người già, đại tiệc đầu năm...).
 
Tất cả những hiện tượng trên đều tập trung vào buổi sáng đầu năm khiến người ta cảm thấy buổi sáng đó thật quan trọng, thiêng liêng. Ai cũng tin tưởng, mơ ước mọi việc trong năm đều diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp, may mắn như buổi sáng đầu năm và cố gắng không làm điều xấu để khỏi xúi quẩy cả năm.
 
Giao thừa
 
Cúng giao thừa. Ảnh: Internet
Cúng giao thừa. Ảnh: Internet
 
Giao gốc tiếng Hán nghĩa là "xen kẽ nhau, thay nhau" hoặc "nối tiếp nhau, trao đổi lẫn nhau"... Còn thừa nghĩa là "đảm nhận, thi hành" hoặc "thừa kế, kế tiếp"... Gọi là giao thừa vì theo quan niệm tín ngưỡng, 12 giờ đêm ngày 30 tháng Chạp - thời điểm nối tiếp giữa năm cũ và năm mới - là lúc mà hai vị thần cai quản trần gian (gọi là ông Hành khiển), một cũ và một mới, "bàn giao và tiếp nhận" công việc của nhau.
 
Vào ngày này, nhân dân ta hay làm lễ thiên địa để cầu mong các vị thần ấy ban cho nhiều may mắn, hạnh phúc trong năm mới. Lễ thường được bày ngoài trời vì mọi người cho rằng các vị thần rất bận, không thể vào từng nhà để hưởng lễ!
 
Tại sao có mâm "Ngũ quả"? 
 
Mỗi địa phương có sản vật hoa quả nào thì lại được bày mâm ngũ quả theo phong tục của nơi đấy.
Mỗi địa phương có sản vật hoa quả nào thì lại được bày mâm ngũ quả theo phong tục của nơi đấy.
 
Trong ngày Tết không thể thiếu mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên. Năm loại quả này phải đại diện cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Thông thường người ta chọn yếu tố màu sắc đặc trưng của ngũ hành: màu trắng là màu của Kim, màu xanh lá cây là màu của Mộc, màu xanh lam hay đen là màu của Thủy, màu đỏ là màu của Hỏa, màu vàng là màu của Thổ. Mâm ngũ quả biểu tượng cho lòng biết ơn ông bà, tổ tiên của mỗi người Việt, cũng như lòng mong ước một năm mới an khang, nhiều may mắn, tốt đẹp. 
 
Tục xông đất
 
Tục xông đất đã có lâu đời ở nước ta. Người dân Việt Nam quan niệm rằng, ngày mồng Một, ngày đầu tiên của một năm, nếu mọi việc xảy ra suôn sẻ, may mắn thì cả năm sẽ được tốt lành, thuận lợi. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà rất quan trọng. Cho nên cứ đến cuối một năm, mọi người có ý tìm xem những người nào vui vẻ, hoạt bát, đạo đức và làm ăn phát tài (có người còn thêm điều kiện là hợp tuổi với chủ nhà) trong bà con, láng giềng để nhờ sang xông đất.
 
Ảnh internet
 
Người đến xông đất phải đến thăm sáng sớm ngày mồng Một và thường chỉ đến thăm, chúc Tết chừng năm mười phút chứ không ở lại lâu, hầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được mau mắn, trôi chảy thông suốt. Người đi xông đất có niềm vui vì đã làm được việc phước. Người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đình mình sẽ may mắn trong suốt năm. 
 
H.L
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng