Hiện tượng luân hồi dưới quan điểm khoa học

Luân hồi là hiện tượng được nhiều nền văn hóa quan tâm, nhất là tại vùng Tiểu Ấn. Và cho đến tận hôm nay khoa học vẫn còn nợ một lời giải đáp thỏa đáng.

Luân hồi là quan niệm con người có thể sống không chỉ một, mà nhiều lần, thậm chí vô số lần, với một cơ thể mới cho mỗi cuộc sống mới. Theo quan niệm luân hồi của một số nền văn hóa phương Đông, cơ thể mới đó không chỉ là cơ thể người khác, mà có thể là cơ thể động hay thực vật, thậm chí cả đồ vật. Nhà nhân chủng học Oscar Lewis, Đại học Harvard, từng được nông dân tại một ngôi làng Ấn Độ kể rằng, ai phạm nhiều trọng tội kiếp sau sẽ biến thành chai lọ! Quan niệm luân hồi thường đi kèm với quan niệm linh hồn bất tử, tuy không phải lúc nào cũng vậy.

Để giải thích các hiện tượng lạ liên quan với luân hồi, như báo viết và báo mạng đã đăng tải trong thời gian vừa qua, cần quan tâm tới các vấn đề sau:

1) Linh hồn có thật hay không?;
2) Tại sao em bé luân hồi “biết” thông tin về kiếp trước? và
3) Bằng chứng về luân hồi có đáng tin cậy hay không?

Quan niệm linh hồn:

Khoảng một tháng trước, trong một buổi lên lớp với 200 sinh viên năm thứ nhất tại Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP Hồ Chí Minh, người viết tiến hành một cuộc thăm dò nhỏ. Kết quả khoảng 85% tin linh hồn có thật, 10% không tin và 5% có ý kiến khác. Kết quả đó phù hợp với những thăm dò chính thức trên thế giới. Và thật thú vị khi không một sinh viên nào định nghĩa được linh hồn, cho thấy một thực tế rất đáng quan tâm là chúng ta có thể tin vào một quan niệm mà thực ra chúng ta chưa hiểu!

Hầu hết các nền văn hóa và các tôn giáo đều công nhận linh hồn, tuy quan niệm cụ thể có thể khác nhau. Chẳng hạn Aristotle không tin phụ nữ có linh hồn, chí ít là với chất lượng như đàn ông. Thú vật có linh hồn hay không cũng là chủ đề gây tranh cãi khác (một truyện cười kể rằng giới triết học chia thành hai phe, ai nuôi chó thì tin chó có linh hồn, còn người không nuôi thì phản bác!). Bào thai có linh hồn hay không cũng là một bài toán rất nan giải.

Vậy linh hồn là gì? Dẫn theo nhà vật lí Crick lừng danh, giải Nobel về cấu trúc ADN, trong cuốn Giả thuyết ngạc nhiên: Tìm kiếm khoa học về bản chất linh hồn, do NXB Simon & Schuster in năm 1994, người viết xin đưa ra quan niệm trong giáo lí Công giáo La Mã như sau: “Linh hồn là vật sống không cơ thể, có lí trí và ý chí tự do”. Đó là lí do trong luân hồi, linh hồn luôn được “cấy” vào một cơ thể mới để bắt đầu một cuộc sống mới. Do đó các em bé “đầu thai” đều phải “mượn xác” của người khác (tốt nhất là của người đã chết, để khỏi tranh chấp lôi thôi!).

Vậy có thể có sự sống mà không cần cơ thể hay không? Để trả lời, cần tìm hiểu bản chất sự sống. Theo từ điển mở wikipedia, sự sống là đặc trưng phân biệt các vật có khả năng tín hiệu hóa và các quá trình tự duy trì với các vật không có khả năng đó, hoặc đã mất đi (khi chết) hoặc vốn không có (vật vô cơ). Các nhà sinh học cũng quan niệm sự sống không khác biệt và không chia tách với các cấu trúc và các chức năng được tổ chức trong một cơ thể sống (cặp phạm trù cấu trúc - chức năng nổi tiếng trong sinh học). Chỉ cần một mạch máu nhỏ trong não trục trặc là ta có thể mất trí là vì vậy. Nói cách khác, theo quan điểm khoa học, “hồn” và “xác” không thể tách rời nhau (ta có thể thấy một phần mềm máy tính, trong vai trò “hồn”, tồn tại ngoài máy tính và các phương tiện lưu trữ, trong vai trò “xác”, hay không?). Do đó không thể có linh hồn với tư cách một tồn tại sau cái chết của cơ thể được.

Tại sao biết thông tin kiếp trước?

Chính việc bé Bình (và các bé “đầu thai” khác) “biết” một số thông tin về bé Tiến (và các bé đã mất được “mượn xác” khác) là nguyên nhân khiến một số người tin sự đầu thai có thật. Nếu không thì tại sao Bình lại biết? Tuy nhiên khoa học có thể có cách giải thích khác. Đó là kí ức ẩn giấu, đọc nguội và sự phân li nhân cách, các hiện tượng vốn rất kì lạ ngay cả với giới chuyên môn.

Kí ức ẩn giấu:

Kí ức ẩn giấu (hidden memories), thuật ngữ chuyên môn là cryptomnesia, là hiện tượng tâm lí đặc biệt, khi ta nhìn, nghe, đọc hay biết một số thông tin mà ta không biết là đã biết chúng. Vì ta không biết nên chúng ẩn giấu trong vô thức (hoặc vì chúng ẩn giấu nên ta không biết). Khi chúng phát lộ ở tầng ý thức, ta rất ngạc nhiên không biết tự bao giờ và tại sao ta lại biết chúng.

Thuật ngữ cryptomnesia do nhà tâm lí Flournoy đưa ra năm 1963 khi nghiên cứu các hiện tượng thần giao cách cảm và luân hồi. Khi sinh ông, trong cơn ảo giác, mẹ ông thấy một người đàn ông trung niên mặc áo xanh đứng ở đầu giường động viên mình. Khi được kể lại, bà nội Flournoy cho biết đó chính là hình ảnh hoàn hảo của ông nội, người mà mẹ ông chưa từng thấy mặt vì đã mất. Giới tâm linh cho rằng người chết đã hiện về để giúp con gái lúc lâm bồn; trong khi tâm lí học chỉ xem đó là sự kết hợp kì lạ của các kí ức âm thanh (tức qua lời kể) đã bị lãng quên (ẩn giấu).

Đọc nguội:

Trên tạp chí chính thức Người yêu cầu nghi ngờ (Skeptic Inquirer) của Ủy ban điều tra khoa học về các tuyên bố dị thường CSICOP, nay đổi tên thành Ủy ban yêu cầu nghi ngờ CSI, số Xuân Hè 1977, trong bài báo được yêu cầu nhiều nhất “Thuyết phục người lạ rằng bạn biết hết mọi thứ về họ như thế nào”, nhà tâm lý Ray Hyman đã khám phá kĩ thuật đọc nguội (cold reading), là nhóm kĩ thuật mà các nhà tâm linh, giới bói toán, người xem chỉ tay… thường dùng để lòe thiên hạ. Đó là các kĩ thuật đọc ngôn ngữ cơ thể, qua hiệu ứng Hans thông minh. Xin lưu ý bạn đọc, CSI được các nhà khoa học quốc tế lừng danh thành lập tại Mỹ năm 1976 nhằm phản biện các tuyên bố về hiện tượng dị thường và sự tin tưởng thiếu phê phán đối với chúng. Ban đọc quan tâm có thể vào trang mạng của tổ chức này (www.csicop.org) để tìm hiểu thêm. Nhà vật lý Anh Crick (giải Nobel vì cấu trúc ADN), nhà vật lý Nga Kapitxa (giải Nobel), nhà tâm lí Mỹ Skinner (cha đẻ thuyết hành vi), nhà sinh học tiến hóa Gould (cha đẻ thuyết tiến hóa hiện đại hóa), nhà thiên văn Sagan (người cha của chương trình tìm kiếm các nền văn minh ngoài trái đất SETI)… chỉ là số ít các nhà khoa học nổi danh tham gia sáng lập CSI.

Hans thông minh là một chú ngựa tại Đức đầu thế kỉ XX từng khiến báo chí thế giới tốn rất nhiều giấy mực, khi chú biết làm toán, biết tên của các nguyên thủ quốc gia... bằng cách gõ hay rà móng trên một cái bảng (do người chủ thiết kế riêng cho chú) để chọn đúng con số (khi làm toán) hay chữ cái (để ghép thành tên người). Một ủy ban khoa học được thành lập mà thất bại trong việc tìm hiểu khả năng của Hans (vì có xu hướng muốn tin khả năng của Hans); trong khi một sinh viên tâm lí mới ra trường phát hiện sự thật (vì nghi ngờ đúng đắn rằng ngựa thì không có khả năng trí tuệ như vậy). Hans gõ đúng kết quả hay rà móng đúng chữ cần tìm vì chú đọc được ngôn ngữ cơ thể người đối diện (chẳng hạn khi chú rà đến chữ cần tìm, người đối diện nhăn mày hay thở nhẹ, và chú dừng ngay lại).

Ngựa Hans và bảng trả lời thiết kế riêng cho chú

Đó là lí do thày bói hay cô đồng thường nói tràng giang đại hải và chăm chú quan sát thân chủ để đọc ngôn ngữ cơ thể (cô đồng Ph. tại Thanh Hóa còn nắm tay người gọi vong để phát hiện sự co cơ vô thức trước một thông tin trùng hợp). Nhờ đó mà họ dần dần biết nhiều thông tin về thân chủ. Ở đây câu ngạn ngữ Tây Ban Nha tỏ ra thích hợp: “Người nói nhiều đôi khi cũng đúng”!

Phân li nhân cách:

Đa nhân cách và nhân cách phân li là các rối loạn tâm thần rất hiếm gặp. Chúng thường đi liền với các hiện tượng ma nhập, cầu hồn, thoát xác, đầu thai hay luân hồi.

Đa nhân cách là hiện tượng một người có thể có nhiều nhân cách, với tên tuổi, quê quán, phương ngữ, gia cảnh… khác nhau. Các nhân cách đó có thể nổi lên đồng thời hoặc xen kẽ nhau. Ngành tư pháp Mỹ từng gặp người có tới hơn 10 nhân cách, trong đó có “tính cách” của một con chó! Với người không có kiến thức về cấu trúc và hoạt động của bộ não và tâm trí, đó chính là các trường hợp “ma nhập” hay “đầu thai”.

Phân li nhân cách là hiện tượng một người khăng khăng mình là một người khác, như một cách thoát li thực tại, thường là kém mong muốn. Đó là lí do một cô gái tự nhiên xưng là một chàng trai và bắt đầu nói giọng khàn, hút thuốc thật điệu nghệ hay uống rượu như hũ chìm. Dân gian nói rằng cô gái bị ma nhập.

Bằng chứng về luân hồi qua trường hợp Bình - Tiến:

Để khảo sát độ tin cậy của các bằng chứng luân hồi, hãy tìm hiểu nguyên nhân tại sao bé Bùi Lạc Bình cứ nhận mình là Nguyễn Phú Quyết Tiến và tại sao Bình lại biết một số thông tin về Tiến và gia đình.

Áp phích quảng cáo của “Ba khuôn mặt của Eva”,
bộ phim Hollywoods đầu tiên về đa nhân cách

Đầu tiên người viết cho rằng do phân li nhân cách mà Bình tự nhận mình là Tiến, như một cách để thoát li thực tế không mong muốn. Xin lưu ý bạn đọc rằng, Bình ở miền ngược với gia cảnh khó khăn hơn, trong khi Tiến ở dưới xuôi với gia cảnh thuận lợi hơn. Ta thường thấy sự đầu thai theo chiều như vậy hơn là theo chiều ngược lại. Và khi đạt được mong muốn thì “em bé đầu thai” ít nhắc tới gia cảnh khó khăn lúc trước. Đó là lí do Bình ít nhắc tới bản Cọi, khiến phóng viên một tờ báo cũng phải thắc mắc “không biết vì sao”. Nếu đầu thai đúng là sự thật, em bé đầu thai vô cùng biết ơn nơi chốn đã sinh ra mình lần thứ hai mới là hợp lẽ.

Tại sao Bình biết thông tin về Tiến, chẳng hạn: Mẹ cháu ở nhà tầng cơ. Mẹ cháu làm việc còn đánh đánh như thế này này (tức đánh máy)? Người viết cho rằng đó là kết quả của hiện tượng kí ức ẩn giấu: Bình từng tình cờ nghe một số thông tin về Tiến. Và bộ não con người, dù chỉ của em bé dăm ba tuổi, cũng đủ khả năng ghép nối chúng thành một câu chuyện có lớp lang.

Tại sao trên đường về nhà Tiến, Bình biết đường đi lối rẽ, về đến nhà biết chỗ nằm…? Đó là do đọc ngôn ngữ cơ thể người đi cùng qua hiệu ứng Hans thông minh. Một con ngựa còn biết làm nhiều phép toán hay tổng thống Mỹ là ai, chẳng có lí do gì để một chú bé khôn như Bình lại không biết cách hành xử thích hợp để mọi người và bản thân đều hài lòng.

Theo bài viết thì anh Tân, gia đình và hàng xóm đã thử thách nhiều lần mà Bình đều vượt qua nên mọi người mới tin Bình đúng là Tiến đầu thai. Tuy nhiên những phép thử đó không thể khách quan vì ước vọng muốn tin của vợ chồng anh Tân quá mạnh, nên mọi người có thể tạo ra nhiều ám hiệu, cả vô tình và cố ý, giúp Bình dễ dàng vượt qua. Về mặt khoa học, chỉ những người trung gian, hoàn toàn khách quan và không biết câu trả lời (để không thể tạo ám hiệu hay ngôn ngữ cơ thể), mới đủ thẩm quyền thử nghiệm. Các trường hợp “con lặn”, “con lội” khác cũng được giải thích tương tự.

Tại sao chỉ em bé dăm bảy tuổi mới thể hiện ước muốn đầu thai? Câu trả lời khá đơn giản theo quan điểm phân li nhân cách. Trước tuổi này, nhân cách chưa phát triển đến một mức nào đó, nên em bé không thể “phân li”. Còn khi đã lớn, khoảng 10-12 tuổi, nhân cách gốc đủ vững, nên bé không muốn hay không thể phân li được nữa. Thậm chí nếu cố thì cũng chỉ phân li được trong một thời gian ngắn, như trong hiện tượng “ma nhập”, mà thôi.

Để giúp bạn đọc tự đánh giá, xin nhấn mạnh hai điểm. Thứ nhất, trong các trường hợp “đầu thai” hay “ma nhập”, các “hồn ma” đều hành xử sao cho người cho “mượn xác” thu được lợi ích tối đa. Hầu như không thấy một em bé lỡ “đầu thai” vào nhà giầu mà lại khăng khăng đòi về nhà nghèo. Thứ hai, các hiện tượng đó thường được ghi nhận tại các địa phương kém phát triển hơn. Người viết chưa thấy các trường hợp đầu thai tại Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, là những nơi có dân trí cao. Người viết tin rằng, bạn đọc đủ sáng suốt để có thể rút ra kết luận cho riêng mình.

Tạm thời kết luận:

Với kinh nghiệm hơn 30 năm quan tâm tới các hiện tượng dị thường, người viết cho rằng, khoa học có thế lí giải trường hợp bé Bùi Lạc Bình tự nhận mình là Nguyễn Phú Quyết Tiến và các trường hợp tương tự khác. Theo quan điểm cá nhân, đó không phải là sự đầu thai, mà chỉ là các trường hợp phân li nhân cách. Đề nghị mọi người hãy theo dõi và chăm sóc các em bé “đầu thai” như những người rối loạn kiểu phân li, một loại rối loạn tâm thần vô cùng hiếm gặp.

TP Hồ Chí Minh, 18-12-2010
TS Đỗ Kiên Cường
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng