Cuộc sống bên kia cõi chết
Rev. John Jay Hughes Người chuyển dịch:
Trần Mỹ Duyệt
Suy niệm về cuộc sống đời sau theo Chúa Nhật 32 thường niên năm C. 2 Thessalians 2:16- 3:5; Luke 20:27- 38.
Có khi nào chúng ta tự hỏi mình những câu hỏi, đại khái: Ðiều gì sẽ xảy ra cho tôi sau khi chết? Phải chăng chết chỉ đơn thuần là hành động chấm dứt cuộc sống hiện tại, giống như khi người ta thổi tắt một ngọn nến?
Nếu như có cuộc sống bên kia cõi chết thì nó như thế nào? Và còn gì tốt hơn để chúng ta suy nghĩ về những câu hỏi này trong khi cầu nguyện cho các người thân yêu đã qua đời. Ðặc biệt, lời rao giảng của Chúa Giêsu liên quan đến đời sống bên kia cõi chết vào Chúa Nhật thứ hai sau Lễ Các Linh Hồn?
Tin Mừng cho thấy, những kẻ chỉ trích, phê bình Chúa Giêsu đã đặt Ngài vào một trường hợp vừa có tính cách giả định, vừa phi lý về một phụ nữ đã có tới bẩy đời chồng nhằm tìm cơ hội để bắt bẻ Ngài. Trước câu hỏi ấy, Chúa Giêsu có lý để nói với bọn họ rằng đó là một vấn nạn tầm phào, không đáng quan tâm đến. Nhưng thay vì làm như vậy, Ngài đã đối diện, cũng như ở mọi nơi khác, trong cương vị một bậc thầy mô phạm, dùng chính những mưu toan của kẻ đối nghịch mình để dạy họ về một cuộc sống bên kia thế giới.
Ðối với những kẻ chỉ trích Chúa Giêsu hôm đó, họ chỉ muốn có câu trả lời là ai trong số bảy người đàn ông đó sẽ là chồng của phụ nữ này sau khi bà chết. Và câu trả lời của Ngài gồm hai phần:
Trước hết, Ngài cho họ biết cuộc sống bên kia thế giới không phải là một sự kéo dài của cuộc sống trên dương thế. Nó là một cái gì hoàn toàn mới mẻ: Không chỉ là một cuộc sống sau khi chết nhưng hơn thế nữa, là cuộc sống bên kia cõi chết. Ðấy là những gì Ngài đã quả quyết: “Ðối với những ai xứng đáng đón nhận sự sống đời đời và sự sống lại từ cõi chết, thì không còn cưới vợ, gả chồng”. Vì một trong những mục đích cốt lõi của hôn nhân là tiếp tục duy trì nòi giống qua việc sinh sản con cái. Nhưng ở bên kia thế giới mục đích này sẽ chấm dứt, vì ở đó không còn nhu cầu sinh con cái nữa.
Tiếp đến, Ngài muốn nói với những kẻ muốn bắt bẻ Ngài rằng cuộc sống tương lai mà họ đang suy nghĩ trong đầu chỉ là một ý nghĩ giả định, viễn vông. Ngài đã dùng Thánh Kinh chỉ cho họ biết một cách rõ ràng về sự sống lại khi nhắc lại lời tuyên xưng của Maisen về Thiên Chúa như là “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaác, và Thiên Chúa của Giacóp; và Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì với Ngài, tất cả đều đang sống”. Lời quả quyết tất cả đều đang sống đối với Thiên Chúa, do đó, bao gồm cả những người đã chết trước đó là các tổ phụ.
Như vậy, cách thức Chúa Giêsu giải thích Thánh Kinh hoàn toàn không như lối giải thích của chúng ta; mặc dù lời Ngài không phải là quá khó lòng để đón nhận. Ðiều căn bản ở đây là hy vọng của chúng ta bên kia sự chết không dựa trên căn bản của những gì mình đang suy nghĩ, nhưng phải dựa trên chính Thiên Chúa. Ngài không chỉ là “nguyên nhân đệ nhất” theo triết học. Cũng không phải là “chủ động đầu tiên”, hoặc “một kiến trúc sư đại tài của vũ trụ”. Thiên Chúa là tất cả, và còn hơn tất cả mọi sự.
Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mặc khải chính là người Cha đầy yêu thương. Ngài đã đi vào cuộc hiệp thông với con người - một sự liên kết yêu thương. Mối liên hệ đầy yêu thương này không thể chấm dứt bằng sự chết. Vì bất cứ điều gì vượt qua mối liên kết yêu thương của Thiên Chúa với Con của Ngài đều đã bị chấm dứt bằng cái chết của Chúa Giêsu. Tôi đã học được bài học này ngay khi tôi còn rất trẻ qua cái chết của người mẹ thân yêu lúc tôi mới được 6 tuổi. Một vài ngày sau khi an táng mẹ tôi xong, bố tôi đã nói với tôi rằng: “Tình yêu của chúng ta dành cho mẹ vẫn phải tiếp tục, cũng như tình yêu của mẹ dành cho chúng ta vậy. Con phải tiếp tục cầu nguyện cho mẹ con. Bây giờ mẹ con đang ở trong sự săn sóc của Thiên Chúa. Tuy nhiên, những lời cầu nguyện của chúng ta vẫn có thể giúp ích cho mẹ con.” Những lời này có một ý nghĩa rất đặc biệt với tôi không những lúc đó mà còn tiếp tục suốt những năm tháng qua mỗi khi tôi dâng Thánh Lễ, tôi đều nhớ đến và cầu nguyện cho mẹ tôi.
Thánh Phaolô đã nhắc đến mối liên kết yêu thương này khi ngài dâng lên Chúa lời nguyện mà chúng ta đọc được như sau: “Nguyện xin Chúa Giêsu, Chúa chúng ta và Thiên Chúa Cha chúng ta, Ðấng đã yêu thương chúng ta, ban cho chúng ta đầy tràn khích lệ và hy vọng tốt lành qua ơn sủng của Ngài, niềm khích lệ trong tâm hồn anh em, và tăng thêm sức mạnh trong mọi việc lành và lời nói tốt lành.” Trong thư gửi Giáo Ðoàn Rôma, Thánh Phaolô còn cho rằng tình yêu này vượt qua thế giới hiện tại: “Tôi thâm tín rằng dù sống hay chết. Dù thiên thần, quyền thần. Dù hiện tại hay tương lai. Dù sức mạnh, chiều cao hay vực thẳm. Hay bất cứ tạo vật nào cũng không có thể tách biệt chúng ta khỏi tình yêu Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (8:38)
Ðó là sự thật về cuộc sống bên kia sau cõi chết, tuy mô phỏng phần nào sự nối tiếp của hiện tại, nhưng lại là một cái gì hoàn toàn mới mẻ. Nó không dựa trên những suy nghĩ và trí tưởng tượng của con người, mà là được xây dựng trên chính Thiên Chúa, vì Ngài là Thiên Chúa của tình yêu.
Cuộc sống bên kia thế là có thật và hiện hữu, nhưng cuộc sống ấy lại vượt quá kinh nghiệm của chúng ta đến nỗi nó chỉ có thể được diễn tả bằng hình ảnh và biểu tượng. Chính Chúa Giêsu đã dùng những biểu tượng sống động ấy trong Tin Mừng qua hình ảnh “các thiên thần”. Trong Sách Khải Huyền, chúng ta còn thấy những hình ảnh và biểu tượng khác như những chiếc áo choàng trắng (6:11; 7:9), những vì sao (12:1), những cây đàn cầm thụ (14:2). Tuy những hình ảnh này mang tính thơ văn, nhưng không mang ý nghĩa văn chương, mà chỉ nhằm diễn tả một thực tại của đời sống mai sau.
Chúa Giêsu không cho chúng ta đức tin để trả lời những câu hỏi tò mò do trí óc của con người có thể tưởng tượng ra. Ngài ban cho chúng ta đức tin để chúng ta sống và chúng ta chết. Tâm điểm của đức tin này, là lời bảo đảm của Ngài được trích dẫn trong Tin Mừng: “Với (Thiên Chúa) tất cả đều đang sống”. Và khi Ngài nói “tất cả” thì có nghĩa là tất cả đều như thế. Ngài không chỉ nói đến chúng ta là những người đang sống và đang chờ bước vào đời sau, nhưng còn đối với tất cả những ai đã ra đi trước chúng ta về nhà Cha trên trời để sống với Ngài muôn thuở. Trong Tin Mừng của Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói Ngài sẽ về “nhà Cha để dọn chỗ” cho chúng ta (14:2). Như vậy, khi chúng ta chết, chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu ra đón chúng ta vào nơi mà Ngài đã dọn sẵn cho chúng ta.
Trong việc chuẩn bị cho một cuộc sống mới và ngày hồi hương quan trọng như thế, chúng ta đừng quá lo lắng đến những chuyện vụn vặt, nhưng hãy sống trọn vẹn những giây phút hiện tại. Ðể giúp chúng ta sống như vậy, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta Thánh Lễ, trong đó gồm chứa bàn tiệc chân lý là Lời của Ngài, và bàn tiệc tình yêu là Mình Máu Thánh Ngài. Khi chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu ở cuối cuộc hành trình dương thế, chúng ta sẽ gặp một người bạn chí thân và đầy yêu thương? Hoặc Ngài sẽ trở thành một kẻ xa lạ khiến chúng ta phải run sợ? Câu trả lời hoàn toàn thuộc về chúng ta ngay lúc này. Vì do tình yêu lớn lao mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, là Ngài cho phép chúng ta chọn lựa giữa hai hình thức gặp gỡ này.
Và đây chính là một chọn lựa quan trọng nhất của mỗi người chúng ta.
____
*
Cha John, 80 tuổi là một sử gia và thần học gia. Ngài là học trò của Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger, nay là Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI.