Bài 1: Cha Thánh Padre Pio Chăm Lo Cho Các Linh Hồn Mồ Côi

Bài 1: Cha Thánh Padre Pio Chăm Lo Cho Các Linh Hồn Mồ Côi
Nguồn: MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Các linh hồn bị người đời quên lãng thì lại được cha Thánh Padre Pio chăm sóc kỹ lưỡng. Họ có một chỗ đứng quan trọng trong đời của cha Padre Pio. Hàng ngày, ngài luôn cầu nguyện và dâng Thánh lễ chỉ cho các linh hồn này. Trong một buổi nói chuyện với các tu sĩ về tầm quan trọng của các lời cầu nguyện, cha Padre Pio nói:

“Rất nhiều các linh hồn người chết đang ở luyện ngục và họ thường leo lên núi này để dự thánh lễ mà tôi dâng và họ xin lời cầu nguyện của tôi. Số người chết này đến còn đông hơn là số người còn sống đến dự lễ.”

Câu nói này của cha Padre Pio làm cho chúng tôi ngạc nhiên. Trong suốt 52 năm ngài sống ở vùng San Giovanni Rotondo, hàng triệu người đến viếng ngài. Vậy mà ngài nói rằng linh hồn người chết đến thăm ngài còn nhiều hơn người sống.

Hiển nhiên, các linh hồn ngày hiểu rõ rằng trái tim ngài giống như một núi lửa rực cháy vì yêu thương những ai đau khổ. Cha Padre Pio viết như sau:

“Khi tôi biết một người đang đau khổ trong linh hồn hay đang đau đớn trong thể xác, tôi phải làm mọi cách để xin Chúa giải thoát họ khỏi nỗi thống khổ ấy. Tôi muốn nhận chịu hết mọi sự đau khổ của họ để họ được cứu thoát. Và tôi muốn trao tặng họ những ơn ích của sự đau khổ, nếu Thiên Chúa cho phép tôi làm điều ấy!”

Tình yêu tha nhân sâu đậm của cha Padre Pio đôi lúc ảnh hưởng đến sức khỏe của cha. Ngài mong ước họ được cứu thoát và được hạnh phúc trên hết mọi sự, đến nỗi ngài thừa nhận rằng:

“Tôi vội vàng sống vì các anh chị em và sẵn sàng nhận chịu tất cả các nỗi thống khổ của họ, nên tôi đau khổ mà không than van.”

Trong lá thư thứ 615, ngài viết:

“Tôi thường nói cùng ông Môsê để thưa lên Thiên Chúa, Đấng Thẩm Phán rằng:

-Lạy Chúa, xin tha thứ mọi tội lỗi của họ hay xin Chúa loại trừ con ra khỏi sách Hằng Sống của Ngài!

Thưa các bạn đọc, nếu chúng ta muốn theo gương cha Thánh Padre Pio, thì tôi xin phép lập lại lời của cha rằng: “Xin hãy làm những gì tôi đã làm. Hãy cầu nguyện và luôn cầu nguyện cho các linh hồn của người thân đã qua đời!”

Để kết luận, tôi xin chúng ta hãy nhớ rằng, chúng ta có thể xây một cầu thang của Chúa cho các linh hồn đáng thương nơi luyện ngục, bằng những lời cầu nguyện và các hành vi bác ái để dâng lên Chúa nhằm cầu nguyện cho các ý chỉ của các linh hồn.


Bài 2: Cha Thánh Padre Pio Tình Nguyện Chịu Đau Khổ Để Cứu Các Linh Hồn

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Vào ngày 29 tháng 11 năm 1910, cha Padre Pio đã viết cho cha linh hướng của ngài là LM Benedetto để giải thích về những sự đánh phá của ma qủy và ngài muốn được giải thoát khỏi sự thử thách ấy. Nhưng sau đó, cha Pio xin phép cha linh hướng để được trở nên một nạn nhân đền tội cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Cha viết như sau:

“Thưa cha linh hướng, con xin phép cha để trình bày một việc. Đôi lúc, con cảm thấy có nhu cầu dâng hiến chính mình con lên Chúa như là một nạn nhân để đền tội cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Mong ước này lớn mạnh trong trái tim con, đến nỗi con phải gọi là một nỗi đam mê vô biên. Con đã dâng lên Chúa lời thỉnh nguyện này rất nhiều lần. Con cầu xin Chúa cho con gánh chịu mọi sự trừng phạt mà Chúa đã chuẩn bị dành cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Xin Chúa hãy trừng phạt con và cho con chịu đau khổ gấp trăm lần để cho các người tội lỗi được ơn hoán cải, và để cho các linh hồn được sớm lên Thiên Đàng. Nhưng con biết, con phải xin phép cha để trở nên của lễ hy sinh. Con cảm thấy Chúa Giêsu rất muốn con làm điều này. Con chắn chắn rằng cha sẽ không gặp khó khăn khi cho phép con.”

Qua sự dâng hiến vô điều kiện để hứng chịu mọi sự trừng phạt gấp trăm lần, hầu mong các người tội lỗi được ơn hoán cải và các linh hồn được giải thoát khỏi luyện ngục, cha Padre Pio đã trao ban cho chúng ta một chìa khóa để hiểu được mầu nhiệm của tình yêu và đau khổ. Cha Benedetto đã cho phép cha Padre Pio làm việc ấy.

Trong lá thư đề ngày 1 tháng 12 năm 1910, cha Benedetto viết:

“Xin cha hãy dâng hiến những gì cha đã nói, và điều này sẽ được Chúa nhận lời. Xin cha hãy mở rộng đôi tay và thánh giá của cha. Bằng cách dâng hiến sự hy sinh, cha hiệp thông với Chúa Cứu Thế, cha hãy chịu đau khổ và cầu nguyện cho những kẻ ác nhân trên trần gian và cho các linh hồn tội nghiệp, là những người đáng cho chúng ta thương xót vì họ đang nhẫn nại chịu đau khổ mà không kể xiết được.”

Nhân danh sự vâng lời, cha Pio đã trở nên một nạn nhân cho giáo hội chiến đấu và cho giáo hội đau khổ. Sự dâng hiến này có thể giải thích bằng các cơn bịnh bí mật, những thử thách, những cuộc chiến đấu với ma qủy. Nhân loại luôn cần sự tha thứ và giáo hội đau khổ luôn cần sự đền tội. Cha Padre Pio trở nên một nạn nhân, vác thánh giá và bị đóng đinh vào cây thánh giá vô hình như Chúa Giêsu đã bị đóng đinh để cứu rỗi nhân loại, Chúa Giêsu đã xuống ngục tối để giải thoát những ai mong chờ sự cứu độ. Chúa Cứu Thế đã ban cho họ sự tự do và đưa họ lên Trời.

Cha Padre Pio qủa là một linh hồn anh hùng và quảng đại. Ngài luôn nghĩ đến tha nhân, cầu bầu cho họ, dâng hiến chính mình ngài như là một nạn nhân cho người khác được ơn cứu độ, những người trong giáo hội chiến đấu và giáo hội đau khổ. Đau khổ và thương yêu là hai con đường mà cha Padre Pio đã dùng để bắt buộc bản thân mình chịu thống khổ. Cha nói:

“Tôi cảm thấy mình ngụp lặn trong đại dương mênh mông của Đấng Hằng Yêu Thương. Tôi luôn sống trong tình yêu ấy.”

Kề từ khi cha Padre Pio được phép trở nên một nạn nhân, và từ khi cha tình nguyện dâng hiến bản thân mình thì các linh hồn người chết hiện về với cha nhiều vô số kể. Qua lời kể của cha Padre Pio, chúng ta có thể thấy những cuộc hiện ra này xẩy ra rất nhiều lần, và điều này không làm cho cha Pio sợ hãi hay bực mình.


Bài 3: Tôi Sẽ Dâng Thánh Lễ Cầu Cho Bạn

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Đức Giám mục Costa đến từ giáo phận Melfi, Ý Đại Lợi, để thăm viếng cha Padre Pio. Qua câu chuyện với cha Pio, Đức Giám mục hỏi cha có bao giờ thấy một linh hồn hiện về từ luyện ngục không, cha Padre Pio đáp:

” Thưa Đức cha, con đã gặp nhiều linh hồn hiện về với con, đến nỗi con không cảm thấy sợ họ nữa.”

Qua lời yêu cầu của Đức cha, cha Padre Pio kể lại câu chuyện có liên quan đến cha Alberto DApolito ở trong cuốn sách này. Cha Alberto vốn là một tu sinh ở vùng San Giovanni Rotondo, ngài cũng hiện diện khi cha Padre Pio kể câu chuyện sau đây:

Vào thời kỳ Thế Giới Đại Chiến thứ nhất, tu viện ở vùng San Giovanni Rotondo hầu như trống rỗng, bởi vì nhiều tu sĩ bị động viên để tham dự cuộc chiến. Tuy nhiên, các tu sinh vẫn còn đi học, dưới quyền của tôi và linh mục Paolino của vùng Casacalenda. Một buổi chiều đầy tuyết thì bà Assunta Di Tommaso là chị của cha Paolino đến thăm em của bà. Trước khi trời tối, cha Paolino bảo chị của ngài hãy đi xuống làng và vào ở trọ nhà của bà Rachelina Russo vì bà ấy có phòng cho mướn. Bà Assunta ngại đi trong mưa tuyết và sợ bầy chó sói thường hay túa ra để kiếm mồi về đêm, có thể chúng sẽ ăn thịt bà nếu bà gặp chúng. Thế là bà không dám đi. Cha Paolino nói với chị:

“Này chị Assunta, chị biết rằng tu viện này là dòng kín, và phụ nữ không được phép vào ở, vậy nếu chị không chịu đi thì em phải làm cách nào đây?”

Bà Assunta đáp:

“Thưa cha Paolino, xin cha cho con mượn một cái giường nhỏ và con sẽ nằm ngủ đỡ đêm nay, ngày mai, con sẽ đi đến nhà bà Rachelina.”

Cha Paolino bèn nói:

” Được rồi, nếu chị muốn ngủ trong phòng khách thì em sẽ nhờ người đến chuẩn bị chiếc giường cho chị để giúp chị ngủ ngon.”

Thế rồi, cha Paolino nhờ một vài tu sinh lấy một chiếc giường và đốt lò sưởi để giúp căn phòng bớt lạnh. Sau buổi cơm tối, tôi (tức là cha Padre Pio) lúc ấy đi một vòng xem các tu sinh đã ngủ chưa. Sau đó, tôi cùng cha Paolino xuống phòng dưới để chúc bà Assunta một giấc ngủ ngon. Cha Paolino nói với chị của ngài rằng:

“Chị Assunta ơi, em sẽ đọc kinh Mân Côi trong nhà thờ, xin chị hãy ở đây với cha Pio nhé!”

Nhưng bà Assunta đáp:

“Con cũng muốn đi đọc kinh với cha luôn!”

Thế là hai chị em cùng ra khỏi phòng khách và đóng cửa lại. Tôi ở lại một mình trong phòng. Khi tôi đang chìm sâu trong lời cầu nguyện thì tự nhiên cánh cửa mở ra và một ông già bước vào. Ông ăn mặc như những người khác ở vùng San Giovanni Rotondo, ông ngồi xuống bên cạnh tôi.

Tôi nhìn ông và tự hỏi tại sao ông lại có thể vào được trong tu viện trong đêm hôm khuya khoắt này. Tôi bèn hỏi ông:

“Ông là ai? Ông muốn gì?

Người đàn ông đáp:

“Thưa cha Pio, con là Pietro di Mauro, tên thường gọi của con là Precoco. Con chết trong tu viện này vào ngày 18 tháng 9 năm 1908, trong phòng số 4, khi tu viện này còn là một nhà dưỡng lão. Môt buổi tối con ngủ với điếu thuốc xì gà đang cháy, rồi chiếc giường của con bị bắt lửa và con chết phỏng. Con đang ở trong luyện ngục. Con rất cần một thánh lễ để được giải thoát khỏi nơi ấy. Chúa cho phép con đến gặp cha để xin cha cầu nguyện cho con.”

Sau khi nghe xong, tôi bảo ông rằng:

” Được, ông yên nghỉ nhé, tôi sẽ cử hành thánh lễ ngày mai để cầu cho linh hồn ông được giải thoát!”

Sau đó, tôi đứng lên và tiễn ông ra khỏi cửa. Tôi quên rằng các cánh cửa đã khóa kỹ bằng hai lớp cửa sắt. Tôi mở cửa và nói tạm biệt ông già ấy. Trời đang có trăng tròn và công trường trước tu viện ngập đầy tuyết trắng. Thế mà mọi sự bỗng trở nên sáng như ban ngày, và bỗng nhiên, ông ta biến mất ngay bên cạnh tôi. Tôi hoảng sợ, khóa cửa và suýt chút nữa, tôi ngất xỉu.

Khi cha Paolino và người chị trở về sau khi đã đi cầu nguyện chung, họ thấy mặt tôi trắng bệch như tuyết, họ tưởng rằng tôi lâm bịnh. Cha Paolino chúc bà Assunta ngủ ngon và hầu như phải vác tôi lên phòng của tôi. Tôi không nói cho ngài về cuộc hiện về ấy. Khi chị của ngài ra về xong, tôi mới kể cho ngài nghe chi tiết về câu chuyện đó. Tôi nói:

” Cha biết đó, con không dám nói về việc ấy vì con sợ bà Assunta sẽ không dám ngủ trong phòng khách nữa.”

Cha Padre Pio nói rằng ngày hôm sau, cha dâng một thánh lễ cầu cho linh hồn người đàn ông đó, và ông ta đã được vào Thiên Đàng. Sau đó, cha Paolino xuống khu làng và tìm hiểu thêm về lai lịch của người chết. Qủa đúng như vậy, ông Pietro di Mauro chết ngày 18 tháng 9 năm 1908, vì bị đốt cháy trên giường của ông.

Từ câu chuyện trên, ta có thể thấy rằng luyện ngục là nơi của lòng thương xót và nhân hậu của Chúa. Chúng ta không hể hiểu thấu được Chúa nhân từ và tốt lành biết bao. Lòng thương xót của Ngài đối với các linh hồn là một sự kinh ngạc cho chúng ta. Không nơi nào mà chúng ta thấy lòng thương xót của Ngài tuôn chẩy dồi dào như trường hợp này. Qua lò lửa thanh luyện, chúng ta tìm gặp tình thuơng của Ngài. Dường như một linh hồn hỏi Chúa:

“Lạy Chúa, con có thể hoán cải được không ạ?”

Và Chúa đáp:

“Được chứ, con đang tiến vào Thiên Đàng. Con phải chịu đau khổ bây giờ để đền tội của mình. Và rồi con sẽ được tinh tuyền và xứng đáng để bước vào Vương Quốc của Cha.”

Rồi linh hồn được nhận vào luyện ngục với lòng biết ơn. Ở đó, linh hồn vui mừng trong sự nhân hậu của Chúa. Chúa đã thương ban cho linh hồn ấy được ở nơi thanh tẩy. Luyện ngục là nơi đền tội của các linh hồn tụ tập trong vực sâu. Đây là nơi trú ẩn cuối cùng, là nơi mà Lòng thuơng xót Chúa tạo dựng ra để chuẩn bị cho linh hồn được gặp gỡ Chúa trên Thiên Đàng.



+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Thánh Phaolô nhắn nhủ các tín hữu thành Roma, "Không ai được sống cho mình và cũng không ai được chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa" (Rm 14:7-8)
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh.
Cầu cho các linh hồn mồ côi và xin Chúa giúp chúng ta tránh xa tội lỗi.
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng